Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo chiến dịch Biên giới

Thứ tư, 16/10/2019 14:20
(ĐCSVN) - Tháng 6-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên giới.
Hồ Chủ tịch họp với Thường vụ Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch
Biên giới năm 1950 (Ảnh: hochiminh.vn)

Vùng biên giới Việt - Trung có tầm chiến lược quan trọng, có đường huyết mạch số 4 trải dài trên 300km, chạy qua ba tỉnh biên giới Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh, qua căn cứ địa Việt Bắc. Từ sau chiến dịch Việt Bắc thu - đông 1947, thực dân Pháp tập trung xây dựng hệ thống đồn binh trên đường số 4, với mưu đồ "cắm mũi dao sâu” vào giữa căn cứ địa Việt Bắc, đánh phá hậu phương kháng chiến, khóa chặt biên giới, cô lập cuộc kháng chiến của nhân dân ta đối với quốc tế, ngăn cản sự liên lạc giữa Việt Bắc với Liên khu III và Liên khu IV.

Tháng 6-1950, Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định mở chiến dịch Biên giới. Thực hiện nhiệm vụ giải phóng biên giới của Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 7-7-1950, Bộ Tổng tư lệnh ra Mệnh lệnh mở chiến dịch Biên giới Cao - Bắc - Lạng lấy mật danh là chiến dịch Lê Hồng Phong II, nhằm tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch; giải phóng một phần biên giới; mở đường giao thông nối liền các nước xã hội chủ nghĩa mở rộng và củng cố căn cứ địa Việt Bắc. Đồng chí Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Ủy viên Thường vụ Trung ương Đảng, được cử làm Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng Bộ chỉ huy chiến dịch. Ngày 12-8, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị cho toàn Đảng về việc phát động "Tuần lễ thi đua giết giặc lập công", trong đó có viết: "Trung ương, Chính phủ và Bộ Tổng Tư lệnh đương chuẩn bị một chiến dịch lớn do... Trung ương và Bộ Tổng tư lệnh trực tiếp chỉ đạo và do Hồ Chủ tịch ra lệnh phát động".

Để đảm bảo đánh chắc, Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định sử dụng tập trung một lực lượng mạnh gồm Đại đoàn 308, Trung đoàn 174 và 209 cùng một số tiểu đoàn độc lập của Cao Bằng, Lạng Sơn, Liên khu Việt Bắc, với nhiều đại đội pháo, công binh, bộ đội địa phương, dân công mở đường vận chuyển 4.000 tấn lương thực, vũ khí, thuốc men phục vụ chiến dịch.

Ngày 2-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi về chiến dịch Cao - Bắc - Lạng: "Chiến dịch Cao - Bắc - Lạng rất quan trọng. Chúng ta quyết đánh thắng trận này". Ngày 9-9, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi đồng bào Cao - Bắc - Lạng: hãy tiếp tục giúp đỡ bộ đội để chiến dịch được thắng lợi. Trung tuần tháng 9, Chủ tịch Hồ Chí Minh lên đường ra mặt trận. Người nghe báo cáo, kiểm tra công tác chuẩn bị, thị sát trận địa, động viên cán bộ, bộ đội, nhân dân, cùng Bộ chỉ huy trực tiếp chỉ đạo trận đánh giành thắng lợi.

Từ ngày 16 đến ngày 18-9, bộ đội chủ lực của ta pháo kích, tiêu diệt gọn cứ điểm Đông Khê mở màn cho chiến dịch. Từ ngày 2 đến ngày 8-10, Đại đoàn 308 và Trung đoàn 209 vận động tiến công tiêu diệt binh đoàn Lơpagiơ từ Thất Khê lên và binh đoàn Sáctông từ Cao Bằng về tại khu vực Cốc Xá, điểm cao 477. Ngày 10-10, quân địch bỏ Thất Khê, và ba ngày sau, quân địch ở Na Sầm cũng tháo chạy. Tuy các hoạt động quân sự còn tiếp tục, nhưng về cơ bản, chiến dịch đã kết thúc ngày 14-10-1950.

Kết quả của chiến dịch Biên giới, trong vòng gần một tháng, quân và dân Cao - Bắc - Lạng đã đập tan hệ thống phòng thủ của địch trên đường số 4, giải phóng 5 thị xã, 13 thị trấn với 350.000 dân, tiêu diệt, làm bị thương và bắt sống trên 8.300 tên địch gồm 10 tiểu đoàn (trong đó có 8 tiểu đoàn Âu-Phi), chiếm 41% lực lượng cơ động của Pháp trên toàn chiến trường Đông Dương. Nếu tính cả các loại chiến trường khác phối hợp với chiến trường Biên giới cộng lại thì ta loại khỏi vòng chiến đấu khoảng 10.000 tên. Nhiều vùng quan trọng ở biên giới Việt-Trung được giải phóng, căn cứ địa Việt Bắc được mở rộng và củng cố, nối liền nước ta với các nước xã hội chủ nghĩa.

Trên các hướng phối hợp, ở Tây Bắc và Hòa Bình, quân và dân ta truy kích, bức địch phải rút khỏi Lào Cai, Sa Pa, Phong Thổ.

Cuộc hành quân Phôcơ lên Thái Nguyên nhằm giải vây cho tàn quân kéo từ đường số 4 xuống cũng bị ta đánh tan.

Tại mặt trận Bình - Trị - Thiên, ta mở chiến dịch Phan Đình Phùng, đẩy mạnh chiến tranh du kích, giải phóng một vùng rộng lớn phía nam Quảng Bình. Ở Liên khu V, bộ đội ta liên tiếp diệt nhiều đồn địch ở Phước Thuận (Ninh Hòa)... Ở Tây Nguyên, trung đoàn 120 chủ lực đánh thắng nhiều trận phục kích địch trên đường số 4 và số 7. Ở Quảng Nam, Trung đoàn 210 đánh thắng nhiều trận phục kích trên tuyến đèo Hải Vân... Ở Nam Bộ, ta mở nhiều chiến dịch nhỏ ở các khu: Khu VII mở chiến dịch Bến Cát ở Thủ Dầu Một. Khu VIII mở chiến dịch Cầu Ngang ở Trà Vinh; Khu IX đánh mạnh ở Long Châu Hậu, phá tan kế hoạch lập ngụy quân, ngụy quyền ở các vùng có đạo Hòa hảo, Cao đài, tiêu diệt và bức rút nhiều đồn địch...

Thắng lợi của chiến dịch Biên giới đánh dấu bước trưởng thành của Đảng ta trong việc lãnh đạo, chỉ đạo chiến tranh, mở ra bước ngoặt đưa cuộc kháng chiến của ta từ chiến tranh du kích lên chiến tranh chính quy; biên giới được khai thông, căn cứ địa Việt Bắc được củng cố và mở rộng.

----------

Xem thêm tài liệu tham khảo TẠI ĐÂY

Nguồn: Lịch sử biên niên Đảng Cộng sản Việt Nam, tập 3, tr.515-519, NXB Chính trị Quốc gia, 2008.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực