20 năm bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam

Thứ ba, 20/09/2022 18:27
(ĐCSVN) - 20 năm qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có bước tiên phong không chỉ có tầm ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam mà còn là tấm gương trong hoạt động bảo vệ quyền tác giả quyền liên quan, là một mô hình mà các nước trong khu vực và trên thế giới công nhận.

Ngày 20/9, tại Hà Nội, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) tổ chức gặp gỡ báo chí nhân kỷ niệm 20 năm thành lập.

Tổng Giám đốc VCPMC Đinh Trung Cẩn cho biết, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được thành lập (ngày 19/4/2002), theo Công văn số 28/BTCCBCP-TCPCP ngày 18/4/2002 của Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ (nay là Bộ Nội vụ) và Quyết định số 19/2002/QĐ ngày 19/4/2002 của Hội Nhạc sĩ Việt Nam do nhạc sĩ Phó Đức Phương - người khởi xướng và được chỉ định giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm.

Kể từ khi thành lập năm 2002 đến nay, Trung tâm đã bám sát và triển khai hai nhiệm vụ chính của mình là “bảo vệ các quyền tác giả đối với các tác phẩm được luật pháp công nhận bảo hộ” và “giúp các cơ quan quản lý Nhà nước trong việc hoạch định và thực hiện chính sách về quyền tác giả, quyền liên quan”.

Lãnh đạo Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tại buổi gặp gỡ báo chí. (Ản: H.T)

Nếu như năm 2002, Trung tâm có 274 tác giả thành viên, và số tiền tác quyền thu được chỉ gần 87 triệu đồng, thì năm 2021, con số tác quyền thu được đã lên tới 157 tỷ đồng.

Tính đến tháng 3/2022, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 84 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh ở 129 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết này, Trung tâm hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của gần 5 triệu tác giả âm nhạc và lời trên thế giới đối với quyền biểu diễn tác phẩm và quyền sao chép tác phẩm.

Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam là một đơn vị quan trọng đối với các nhạc sĩ nói riêng và với việc bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung, bởi Trung tâm có đầy đủ quyền lực về pháp lý và những phương tiện hiện đại để vận hành bộ máy một cách chuyên nghiệp theo chuẩn quốc tế. Bên cạnh việc mang lại lợi ích vật chất cho các tác giả ở trong nước và quốc tế, Trung tâm thường xuyên đấu tranh mạnh mẽ đối với những hành vi xâm phạm quyền nhân thân và quyền vật chất của tác giả. Phối hợp với các cơ quan pháp luật để giải quyết khiếu nại của các tác giả thành viên từ việc thu thập chứng cứ, hành vi xâm phạm đến cảnh báo vi phạm, áp dụng biện pháp hành chính hoặc tố tụng tại tòa án nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp theo quy định diễn ra trên môi trường số, đặc biệt là youtube.

20 năm qua, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam có bước tiên phong không chỉ có tầm ảnh hưởng đối với xã hội Việt Nam mà còn là tấm gương trong hoạt động bảo vệ quyền tác giả quyền liên quan, là một mô hình mà các nước trong khu vực và trên thế giới công nhận.

Dưới sự chỉ đạo của Ban Chấp hành Hội Nhạc sĩ Việt Nam, VCPMC đã đi trước, đón đầu công nghệ, triển khai đồng bộ các hệ thống phần mềm mà các tổ chức tập thể quyền trên thế giới sử dụng và cả những hệ thống phần mềm của Việt Nam, đảm bảo tính chính xác cao, nhằm đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp trên môi trường số.

Đặc biệt, năm 2021, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam được Tổ chức bản quyền của châu Á - Thái Bình Dương (CISAC) tôn vinh ở vị trí thứ 4 - là một trong những đơn vị hàng đầu về bảo vệ quyền tác giả quyền liên quan, đặc biệt là trên môi trường số. Điều đó càng khẳng định rằng vai trò của Tổ chức tập thể quyền mà cụ thể là Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam rất quan trọng. Trong 20 năm hình thành và phát triển với doanh thu hơn một nghìn tỷ, đóng thuế cho Nhà nước gần 90 tỷ đồng, đã góp phần quan trọng trong việc thực thi Luật sở hữu trí tuệ từ đó tạo ra doanh thu lớn, đóng góp vào GDP của cả nước.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2022 và những năm tiếp theo, VCPMC tham gia vào sáng kiến cấp phép chung lĩnh vực biểu diễn công cộng với các đối tác quyền liên quan (Joint Licensing), cụ thể là: Hội bảo vệ Quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam (APPA), Hiệp hội Công nghiệp ghi âm Việt Nam (RIAV), Universal Music Pte., Sony Music… và nhiều đối tác chiến lược khác; đồng thời triển khai phần mềm “VCPMC Music Connection”... nhằm tạo điều kiện cho các đơn vị sử dụng và đảm bảo quyền lợi của các chủ sở hữu quyền theo quy định và hướng dẫn của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành.

Tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Thiếu tướng, nhạc sĩ Đức Trịnh mong muốn và kỳ vọng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam tiếp tục mở rộng hợp tác quốc tế, phối kết hợp với các cơ quan chức năng, đưa ra những cảnh báo vi phạm nhằm giảm thiểu rủi ro cũng như hạn chế tối đa xâm phạm quyền tác giả âm nhạc, nhất là trên môi trường số hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ 4.0.

Vui mừng với những bước trưởng thành của VCPMC, nhạc sĩ Đức Trịnh khẳng định, Hội Nhạc sĩ Việt Nam luôn sẵn sàng, giúp đỡ về mọi mặt để VCPMC phát triển xứng tầm. “Với trách nhiệm của một tổ chức bảo vệ tập thể quyền tác giả âm nhạc, Hội Nhạc sĩ Việt Nam tin tưởng Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) với 20 năm xây dựng và trưởng thành sẽ tự tin vững bước trước những đòi hỏi, thách thức của thời đại kỷ nguyên số và hội nhập quốc tế trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ. Chỉ có như vậy, nền âm nhạc Việt Nam mới ngày một phát triển văn minh hơn” – nhạc sĩ Đức Trịnh nói./.

Hà Thảo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực