Bài 2: O Thu - cô du kích lái đò trên dòng Thạch Hãn

Thứ bảy, 16/07/2022 19:10
(ĐCSVN) - Mái tóc đã nhuốm màu thời gian, sức khỏe không còn được như trước, nhưng khi nhắc lại những ngày tháng cùng cha hàng ngày chèo đò vận chuyển người, lương thực cho cách mạng, O Thu vẫn không quên…

Ngược dòng Thạch Hãn

Bài 3: Về Thành cổ gặp gỡ nhân chứng lịch sử năm xưa

Bài 4: Thương lắm… Trường Sơn ơi!

Cuộc chiến 81 ngày đêm ở Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) là khúc ca bi tráng vang mãi trong kí ức hào hùng của dân tộc ta. Ở đó không chỉ ghi dấu biết bao đau thương, mất mát mà còn tạc nên tượng đài của những tấm gương anh dũng quên mình vì độc lập dân tộc.

Trên dòng Thạch Hãn mùa hè ác liệt năm 1972 ấy, có cô du kích ngày đêm cùng cha tránh bom, vượt đạn vững tay chèo lái con đò nhỏ tiếp tế lương thực, vũ khí và chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, rồi cũng con đò ấy lại xuôi chèo đưa thương binh về hậu tuyến.

Hồi ức oai hùng

Về Quảng Trị vào những ngày tháng 7 nắng như đổ lửa, chúng tôi tới thăm O Thu - Cô du kích lái đò năm xưa trên dòng Thạch Hãn. O Thu tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu (SN 1954), ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, Triệu Phong, nay là Tiểu khu 5, Thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị.

Bước vào căn nhà cấp 4, trước mắt chúng tôi là bức ảnh chở bộ đội và vũ khí tiếp sức cho Thành cổ được treo trang trọng, trong bức ảnh là hình ảnh một cụ già chèo đò với nụ cười hào sảng, bên cạnh là một thiếu nữ tay ôm chắc súng và nhiều chiến sĩ bộ đội giải phóng, ai nấy đều tươi cười. Được biết, bức ảnh do cựu phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính chụp vào thời điểm đang diễn ra cuộc chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ. Người lái đò trong bức ảnh là cụ Nguyễn Con (quê ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong) và người thiếu nữ tay ôm súng là O Thu, giờ tóc đã điểm bạc.

Bức ảnh O Thu cùng cha chèo đò chở bộ đội qua sông do nhà báo Đoàn Công Tính chụp
năm 1972. 

Đón chúng tôi, O Thu rưng rưng cảm xúc đưa ra bức ảnh kỷ niệm thời chiến mà phóng viên chiến trường đã chụp bà và cha xuôi dòng Thạch Hãn đưa bộ đội sang sông. Vừa nâng niu tấm hình, bà vừa kể: Năm 1972, quân Mỹ dốc toàn bộ lực lượng với vũ khí hiện đại hòng chiếm lại Thành cổ trong vòng 10 ngày. Để bảo vệ Thành cổ và đánh bật các cuộc phản công của địch, quân đội ta phải huy động, bổ sung một số lượng lớn lực lượng… Thời điểm đó muốn đưa được bộ đội vào Thành cổ nhanh và an toàn chỉ có một con đường duy nhất là dùng đò vượt sông Thạch Hãn. Tuy nhiên, việc này hết sức khó khăn và nguy hiểm giữa mưa bom bão đạn của kẻ thù. Thời gian đó, khúc sông đoạn từ xã Triệu Long, xã Triệu Giang, xã Triệu Thành đã trở thành tuyến đường huyết mạch đưa quân giải phóng vào chiến trường.

Khi ấy O Thu mới 18 tuổi, lúc làm lễ dạm hỏi với con trai cụ Con cũng là thời điểm bà vào du kích. Ba tháng sau, bà nhận nhiệm vụ làm giao liên, cùng cụ Con chèo đò chi viện cho Thành cổ. “Bố chồng tôi làm nghề cào hến nên thông thuộc mọi chỗ nông sâu khúc sông này. Hai bố con tôi không ngại nguy hiểm nhận nhiệm vụ, khôn khéo chèo đò đưa bộ đội vượt sông. Ngày ấy, bom đạn của địch trút xuống như mưa, bay vùn vụt qua mặt, qua người là chuyện hàng ngày. Trên trời, bom của máy bay B52 dội xuống dòng Thạch Hãn khiến nước vàng ố, đục ngầu, cuồn cuộn chảy như thác lũ. Chiếc đò lắc lư, ngả nghiêng như chực chìm. Suốt 81 ngày đêm, không biết bao nhiêu lần cha con chúng tôi suýt chết nhưng vẫn cầm chắc tay lái, băng trên con nước đưa bộ đội và vũ khí sang, rồi quay ngược đò chở thương binh về hậu phương”, O Thu kể lại.

Trong những chuyến đò vượt sông ngày ấy, đã có rất nhiều chiến sĩ không bao giờ trở lại. Biết bao lần bà vừa chèo đò, lòng vừa quặn thắt, trào nước mắt, khi biết chuyện những người lính mười tám, đôi mươi bà vừa gặp hôm qua, hôm nay đã mãi nằm lại Thành cổ. O du kích ngày xưa gạt nước mắt, tạm ngừng câu chuyện, nhìn xa xăm ra phía dòng sông Thạch Hãn…

“Những chiến sĩ của ta ngày đó còn rất trẻ, có người mới vừa mười tám đôi mươi. Tôi nhớ có lần chở thương bệnh binh về tuyến sau, khi đò đã cập bến an toàn thì có một chiến sĩ trẻ chỉ kịp kêu lên tiếng "Mẹ ơi đau quá!"… rồi trút hơi thở cuối cùng”, O Thu nghẹn giọng.

Sông Thạch Hãn, nơi biết bao người lính đã ngã xuống không về. 

Mưa bom bão đạn là vậy nhưng O Thu cùng cha vẫn vững chắc tay lái hoàn thành nhiệm vụ không phân biệt đêm ngày, bà không còn nhớ là đã bao nhiêu lần chở bộ đội sang  sông trong 81 ngày đêm ấy, trung bình mỗi ngày chiếc đò ấy cứ phăm phăm sóng nước 30 – 40 lần vượt sông đưa bộ đội vào trận tuyến chiến đấu, rồi cũng trên chiếc đò ấy không biết bao nhiêu tấn vũ khí, lương thực được tiếp tế cho Thành cổ.

“Địch cứ thả bom, bắn phá, còn tôi và cha nhiệm vụ chèo đò thì cứ chèo. Cả 81 ngày đêm năm 1972 ấy, chưa một ngày cha con tôi nghỉ chèo, chưa đêm nào được ngủ yên giấc.”, O Thu tâm sự.

Cũng nhiều lúc địch phát hiện, chúng bắn phá chiếc thuyền, bà và cha phải nhảy sông lặn xuống nước bơi vào bờ. Dòng Thạch Hãn mùa hè nhưng chẳng bình lặng chút nào. Sóng nước cứ cuồn cuộn tung tóe, gầm rú, kêu gào nhưng chẳng phải bão lũ gì mà là do bom đạn của Mỹ, ngụy quật dậy sóng. Nhưng trên dòng sông ấy vẫn in bóng hai cha con lão ngư dân chân chất không nề hà hiểm nguy cùng con đò nhỏ lắc lư chở bộ đội và vũ khí vào Thành cổ.

Bình lặng giữa đời thường

Chiến thắng Thành cổ đã tạo đà lợi thế cho ta trên hội nghị đàm phán Hiệp định Pari năm 1973. Đất nước thống nhất, O Thu và cha trở về cuộc sống đời thường, vẫn cặm cụi gắn bó với dòng Thạch Hãn năm nào nhưng không phải chở bộ đội sang sông nữa mà là cào hến mưu sinh. Năm 1976, O Thu cưới ông Nguyễn Câu, con trai ông lão chèo đò Nguyễn Con. Năm 1978, do tuổi cao sức yếu và những di chứng trong chiến tranh do bom đạn gây ra khiến ông Con qua đời.

O Thu không hề biết tấm ảnh chụp bà và cụ còn được in trên các báo. Sau này, qua một người cùng làng thì mới biết tấm hình đó được in lớn trên báo và cả sách, được treo trang trọng trong bảo tàng Thành cổ Quảng Trị. Hai vợ chồng O Thu lặng lẽ cắt một tấm hình trên báo, đóng khung rồi treo trang trọng ở trong nhà vừa để làm kỷ niệm vừa làm ảnh thờ cho cha. Năm 2007, khi nhà báo Đoàn Công Tính tìm gặp lại, hai người mới nhận ra nhau. Bức hình được ông Tính in lớn rồi tặng cho gia đình. Đến nay cả hai tấm ảnh cũ và mới đều được gia đình lưu giữ cẩn thận.

O Thu kể cho chúng tôi nghe những lần vượt “mưa bom, bão đạn” chở bộ đội qua sông Thạch Hãn. 

Trong căn nhà nhỏ, tấm Huy chương kháng chiến được treo trang trọng. Những tấm hình ngày nào với O Thu mãi mãi là những kỉ vật vô giá. Cũng trong căn nhà của bà, đã chứng kiến biết bao cuộc hội ngộ thắm tình đồng đội, của những chiến sĩ một thời ngồi trên chiếc đò bà lái… Và theo bà, người ghé nhiều nhất là phóng viên Đoàn Công Tính và nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bá Dương.

O Thu bồi hồi: “Anh Tính và anh Dương tình cảm lắm, cứ đến ngày 27/7 hàng năm, hai anh lại về nhà tôi thăm hỏi, chụp ảnh kỉ niệm rồi chở tôi vào Thành cổ thắp hương và ra dòng Thạch Hãn thả hoa. Tất cả đã đi vào quá khứ nhưng tình cảm đồng đội vẫn thiêng liêng và trường tồn trong mỗi chúng tôi”.

Vợ chồng bà Thu có bốn người con hiện nay đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. Trước đó, chồng bà Thu lại theo nghiệp cha cào hến mưu sinh, còn vợ thì bán hến ở chợ. Gần đây, sức khoẻ không tốt nên chồng bà quay lại làm nông.

Và cứ đến ngày 27/7 hàng năm, O Thu đều đến Thành cổ thắp hương và ra dòng Thạch Hãn thả hoa tưởng nhớ những người anh hùng đã ngã xuống vì độc lập dân tộc. Mỗi lần nhìn vào con sông hiền hòa ấy, lòng bà lại bồi hồi xao xuyến một thời khói lửa hào hùng năm nào. Trên con sóng nước cuồn cuộn chảy đã in bóng một nữ du kích cùng cha chồng không quản hiểm nguy ngày đêm rẽ nước đưa bộ đội sang sông.

Câu chuyện nhiều lần bị ngắt quãng vì chứng đau đầu hành hạ O Thu. Trong chiến tranh, dù không bị thương nhưng nhiều lần bị sức ép của bom đạn khiến bà bất tỉnh nên giờ sức khỏe và trí nhớ của bà giảm sút đi nhiều. Chồng O Thu cho biết: “Nhiều đêm nằm ngủ bà ấy vẫn hay giật mình. Đôi lúc đang nói chuyện bà lại đau đầu, có lúc còn la hét inh ỏi. Có thể vì vợ tôi bị ám ảnh bởi cảnh bom đạn, hi sinh. Đặc biệt thời gian gần đây vợ tôi vừa trải qua cơn tai biến nên trí nhớ không còn được như xưa. Tuy cuộc sống hiện tại của vợ chồng chúng tôi còn nhiều khó khăn nhưng vẫn không thể nào so sánh được với những hy sinh, mất mát của các chiến sỹ đã ngã xuống vì đất nước. Chúng vẫn sống được đến ngày hôm nay đã là một điều may mắn rồi”.

Tạm biệt O Thu sau gần nửa ngày ngồi nói chuyện với bà tại căn nhà cấp 4 với đầy ắp những kỷ vật về cuộc chiến ác liệt 50 năm về trước, chúng tôi được bà kể về những ký ức của mùa hè đỏ lửa năm 1972, được nghe những hồi ức cảm động của bà và cha, trong lòng chúng tôi, trong lòng bộ đội và nhiều người dân địa phương, họ mãi là những Anh hùng. Căn nhà dần khất xa, văng vẳng bên tai chúng tôi là những câu thơ trong một bài thơ nổi tiếng: “Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.../.

Phương Thanh - Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực