Ngược dòng Thạch Hãn

Thứ tư, 06/07/2022 10:50
(LTS) - Nhắc tới Quảng Trị là nhắc tới “vùng đất lửa anh hùng”, nơi trải qua bao năm tháng chiến tranh ác liệt, nơi biết bao người nằm xuống đã tô thắm truyền thống bất khuất, kiên cường của dân tộc. Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng tên đất, tên người Quảng Trị đã đi vào sử sách. Thành cổ chưa bao giờ thôi thổn thức bởi những nhịp đập dưới lòng đất thiêng vẫn thầm thì qua năm tháng, theo gió mưa; in dấu qua từng di vật, những nhành cây, ngọn cỏ… Bước ra khỏi cuộc chiến, những người lính hay cô lái đò đưa bộ đội sang sông ngày ấy lại trở về với cuộc sống đời thường bình dị. Những ngày tháng 7 này, ký ức về đồng đội, về một thời máu lửa lại trào dâng mỗi lần được nhắc đến. Hãy cùng chúng tôi - nhóm phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam tìm về "miền đất lửa" Quảng Trị để gặp gỡ những chứng nhân lịch sử của một thời hào hùng… Họ không chỉ là những con người đã làm nên kỳ tích nơi dòng Thạch Hãn năm ấy mà giờ đây khi trở về cuộc sống bình dị họ vẫn lặng lẽ viết tiếp câu chuyện có thật nơi vùng đất "thép nở hoa".

Bài 2: O Thu - cô du kích lái đò trên dòng Thạch Hãn

Bài 3: Về Thành cổ gặp gỡ nhân chứng lịch sử năm xưa

Bài 4: Thương lắm… Trường Sơn ơi!

Bài 1: Dòng sông hoa lửa

(ĐCSVN) - Về Quảng Trị những ngày đầu tháng 7, trước mắt chúng tôi là dòng Thạch Hãn hiền hòa, yên ả. Nhưng cũng chính thời khắc này năm 1972, nơi đây đã chứng kiến những mất mát, hi sinh và sự đấu tranh anh dũng của các chiến sĩ trong 81 ngày đêm máu lửa để bảo vệ Thành cổ, làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc.

“Đò lên Thạch Hãn,…ơi chèo nhẹ

Dưới sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”.

Những câu thơ của chiến sĩ Thành cổ năm xưa Lê Bá Dương được khắc trên bia đá, gợi nên hình ảnh bi tráng của những người chiến sĩ đã ngã xuống cho độc lập, tự do của Tổ quốc.

Bến thả hoa bờ Nam sông Thạch Hãn nằm trong quần thể Di tích quốc gia đặc biệt Thành cổ Quảng Trị.
(Ảnh: Phương Thanh)

Mùa hè đỏ lửa năm1972, trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt đã đón nhận hàng vạn chiến sỹ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành cổ. Những chiến sĩ tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy đã gác lại những ước mơ và hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành cổ Quảng Trị, có người mãi mãi để lại tuổi thanh xuân nơi dòng Thạch Hãn, máu các anh đã in hình sóng nước.

Người cựu chiến binh năm xưa Nguyễn Thanh Bình (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị), từng vượt sông vào Thành cổ chiến đấu, cho chúng tôi biết: Trong thời gian chống phản kích tái chiếm Thành cổ năm 1972, do nhu cầu của việc tiếp tế vận chuyển vũ khí, đạn dược cũng như sức người, sức của cho chiến trường bằng đường sông nên bến sông Thạch Hãn đã trở thành một điểm tập kết quân sự quan trọng trên tuyến vận chuyển huyết mạch cho thị xã Quảng Trị. Suốt 81 ngày đêm, dưới mưa bom bão đạn, mọi hoạt động trên điểm tập kết này luôn nhộn nhịp, khẩn trương. Để có đạn dược, lương thực, thuốc men tiếp tế cho thị xã, các chiến sĩ vận tải đại đội 3 tiểu đoàn 17, đại đội vận tải trung đoàn 48 và đại đội 1 tiểu đoàn 25, sư đoàn 320B cùng với lực lượng vũ trang địa phương, dân quân du kích và nhân dân vùng Triệu Phong đã nêu cao khẩu hiệu "Tất cả vì Thành cổ", huy động hết mọi khả năng, vượt qua không biết bao nhiêu “hàng rào lửa” của địch trên bộ, trên sông để giữ vững tuyến liên lạc, đáp ứng kịp thời những yêu cầu của chiến trường.

Ảnh tư liệu. (Nguồn: quangtri.gov.vn )

Từ bờ Bắc sông Thạch Hãn, từ các điểm ở vùng sâu qua ngã ba Gia Độ, từ Cửa Việt, các tuyến đò ngang, xuồng gắn máy đã liên tục chuyên chở bộ đội ta và mọi nhu yếu phẩm, vũ khí, đạn dược... từ hậu phương và từ vùng giải phóng đưa vào cho các chiến sĩ trên các trận địa chốt xung quanh thị xã và Thành cổ. Và ngược lại, cũng trên các tuyến vận chuyển ấy, các thương binh, tử sĩ được nhanh chóng chuyển từ chiến trường nóng bỏng về tuyến sau để cấp cứu, chăm sóc... Các chuyến tiếp tế hàng vào và chuyển thương binh ra thường diễn ra trong đêm tối. Mỗi đêm, trên sông Thạch Hãn, các thuyền máy, thuyền chèo có thể đảm bảo chở 4 - 6 tấn hàng vào và chở thương binh ra qua bến sông Thạch Hãn này.

Chiến tranh, sống chết chỉ trong gang tấc, nhưng từ các chiến sĩ vượt sông như ông Bình cho đến cha con O Thu cùng lực lượng vận tải vẫn ngày đêm tránh bom, vượt đạn, vững tay chèo tiếp tế lương thực, vũ khí và chở bộ đội vào Thành cổ chiến đấu, rồi lại xuôi dòng đưa thương binh về hậu tuyến, chưa bao giờ một lần nghĩ đến việc lùi bước, mà nụ cười hào sảng, niềm tin chiến thắng luôn thường trực trong họ.

O Thu - Cô du kích lái đò năm xưa nhớ lại: "Những ngày ác liệt, tôi liên tục cùng bố chồng chở các chú bộ đội qua sông. Các chú đều nói giọng Bắc, ai cũng rất trẻ và vui tính. Cứ lên đò là nở nụ cười. Trong khi đó, phía bờ bên kia luôn ì ùng tiếng bom. Thỉnh thoảng bom đạn lại nổ ngay ở mặt sông, thuyền chao đảo, chòng chành, nhưng không ai mất đi nụ cười". O Thu tên đầy đủ là Nguyễn Thị Thu (SN 1954), ở làng Giang Hến, xã Triệu Giang, Triệu Phong, nay là Tiểu khu 5, Thị trấn Ái Tử, Triệu Phong, Quảng Trị.

“Nụ cười chiến thắng bên Thành cổ Quảng Trị” của phóng viên chiến trường Đoàn Công Tính. (Ảnh: Tư liệu) 

Hiệp đồng chặt chẽ với các trận  địa chốt ở hai bên bờ sông, các thuyền máy cảm tử tốc độ cao đêm đêm hoạt động trên sông để làm nhiệm vụ vận chuyển hàng cho Thành cổ. Nhiều thuyền bị địch bắn đắm, bị thương vong nhưng lực lượng vận tải vẫn dũng cảm cứu thương, cứu hàng. Nhiều cán bộ, chiến sĩ vận tải đã anh dũng hy sinh trên dòng Thạch Hãn. Đặc biệt, trong những ngày ác liệt nhất của tháng 9/1972, khi nước sông Thạch Hãn dâng cao, lũ xiết và trên sông thường xuyên bị địch phong tỏa bằng bom rải thảm thì việc vận tải càng khó khăn. Nhiều đêm, các đơn vị được lệnh tăng cường cho Thành cổ phải sử dụng phao bơi để vượt sông Thạch Hãn từ bờ Bắc sang bến đò ở bờ Nam. Nhờ tinh thần anh dũng của quân và dân ta nên mặc dù địch điên cuồng đánh phá để ngăn chặn, nhưng tuyến giao thông huyết mạch liên lạc với Thành cổ vẫn giữ vững đến ngày cuối cùng.

“Vào mùa nước lũ, thường vào tháng 7, tháng 8, con sông Thạch Hãn trở nên dữ tợn. Dòng sông khi ấy rộng ra, giữa sông nước chảy xiết, sẵn sàng cuốn phăng, nhấn chìm tất cả. Đoàn người vượt sông không chỉ đội bom đạn của giặc mà còn phải vật lộn với dòng nước xoáy. Một vài chiến sĩ không biết bơi phải mang theo túi nylon rất to chứa ba-lô, súng đạn hoặc máy thông tin. Nhiều người đã bị bom rơi, nước cuốn trôi… Đặc biệt, ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ và nằm lại nơi đáy sông này.". - ông Bình rưng rưng cảm xúc nói với chúng tôi.

Bến sông Thạch Hãn với công việc thầm lặng của mình đã góp phần quan trọng cho sự đứng vững của bộ đội ta ở Thành cổ trong suốt 81 ngày đêm oanh liệt. Dòng sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu ác liệt ấy đã nhuốm máu các anh hùng xả thân vì nền độc lập dân tộc.

Ảnh: Phương Thanh 

Tuổi hai mươi nằm lại dưới đáy sông. Có người kịp gọi tên người yêu thương trước khi gửi thân mình cho sóng nước, có người cả tiếng gọi mẹ ơi cũng tắt nghẹn nửa chừng khi địch bất ngờ nã pháo, dội bom... Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh chẳng để lại gì trước lúc hy sinh. Có chăng chỉ là một lời nhắn nhủ: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về" (thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).

Các anh đã đi xa, nhưng linh hồn vẫn còn “mãi ngàn năm”, nêu gương sáng về tinh thần yêu nước, tiếp thêm sức mạnh cho lớp lớp thế hệ hậu sinh. Các anh vẫn còn mãi như “sóng nước” không ngừng nghỉ trên sông, “vỗ yên bờ” quê hương, làng xóm.

"Khi người lính lặng im tan vào đất

Là cuộc đời chảy mãi những dòng sông.

Ôi dòng sông mang phù sa người lính

Tươi mát bãi bồi, xanh mướt nương dâu. "

                                          (Dòng sông hoa đỏ - Nguyễn Hữu Quý, Võ Thế Hùng).

Năm tháng qua đi, sông Thạch Hãn vẫn âm thầm làm việc hằng hữu của mình là mang nước và phù sa về xuôi, bến sông Thạch Hãn vẫn còn đó như nhắc nhở về một thời chiến tranh ác liệt mà mỗi tấc đất, mỗi bến sông đều gắn với những chiến công hào hùng và sự hy sinh anh dũng.

Thị xã nhỏ bé với một dòng sông bao quanh, điều thường thấy ở nhiều nơi, nhưng có lẽ ít ở nơi đâu, cạnh dòng sông lại có những đài tưởng niệm, những điểm thả hoa đăng, có tiếng chuông nguyện hồn vào ngày rằm, mồng một hay những ngày lễ, Tết. Hòa cùng dòng người lặng lẽ bước vào đài tưởng niệm thành kính dâng hương, nhận đóa hoa đăng xuống bờ sông thả vào dòng nước chảy. Dòng sông sáng rực ánh hoa đăng trôi chầm chậm như một lời nguyện cầu, gửi đến linh hồn những người chiến sĩ đã nằm lại trên dòng sông và cả ở đâu đó trong khu Thành cổ của một cuộc chiến khốc liệt. Bao người con ưu tú của đất nước đã nằm lại nơi đây ở tuổi thanh xuân tươi đẹp nhất của mình.

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình cho biết, vào dịp lễ 30/4 hoặc 27/7 hằng năm, ông đều dành thời gian vào Thành cổ Quảng Trị, thắp hương cho đồng đội cùng chung chiến hào năm xưa. Mỗi lần đến Thành cổ, đến bến sông này ông đều không kìm được cảm xúc và nước mắt. Nơi đây, đồng đội ông đã chiến đấu anh dũng và luôn mang trong mình khát vọng Tổ quốc được hòa bình, thống nhất.

Đền tưởng niệm - Bến thả hoa bờ Bắc sông Thạch Hãn. (Ảnh: Phương Thanh)

Đứng bên sông Thạch Hãn, dòng sông nước xanh trong, thấp thoáng dáng đò ngang dọc, những con tàu thả hoa đăng cũng được neo bên bến. Những đô thị có sông thường phồn thịnh, rộn rã. Nhưng Quảng Trị, giữa thị xã, phía bờ Bắc sông Thạch Hãn, nơi xưa kia là căn cứ để bộ đội vượt sông vào Nam, giờ là những bụi tre già, bãi bồi xanh um những bắp với lạc, thấp thoáng rừng tràm mơn mởn.

Trời thu trong xanh, thấp thoáng gợn nhẹ những làn mây trắng trên vòm phượng vĩ. Cỏ non Thành cổ vẫn “một màu xanh non tơ”, “nhưng nào có ai ngờ, nơi đây một thời máu đổ”.

Để bảo vệ Thành cổ, hàng vạn Anh hùng, Liệt sĩ đã anh dũng ngã xuống, đem theo tuổi thanh xuân, đem theo bao ước nguyện hóa thân vào lòng đất. Xương máu của các anh đã hóa thân trong từng tấc đất, ngủ sâu trong lòng đất mẹ Quảng Trị. (Ảnh: Phương Thanh) 

Mùa hè đỏ lửa năm 1972 đã trở thành ký ức, cùng với Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn, con sông ghi dấu chiến công của biết bao đoàn quân kiên cường giữ chốt trong 81 ngày đêm. Tới tận bây giờ, những người còn lại vẫn còn nhắc nhớ.

Những dấu chân lùi lại phía sau

Dấu chân in trên đời chúng tôi những tháng năm trẻ nhất

Mười tám hai mươi sắc như cỏ

Dày như cỏ

Yếu mềm và mãnh liệt như cỏ

Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Những tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc?

                                                  (Trường ca "Những người đi tới biển" -  Thanh Thảo)

Chúng tôi rời dòng Thạch Hãn với vần thơ ấy, tự hỏi, bao nhiêu người để lại người thương yêu, để lại gia đình, quê hương để vào Nam chiến đấu cho một mùa “thép nở hoa”. Dáng những con đò nhỏ như hiển hiện một nỗi niềm, như kiếm tìm gì đó, khiến lòng chúng tôi nằng nặng, bùi ngùi…/.

Phương Thanh - Bích Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực