Bài 3: Về Thành cổ gặp gỡ nhân chứng lịch sử năm xưa

Thứ bảy, 23/07/2022 10:01
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) – Rưng rưng cảm xúc, người cựu chiến binh năm xưa Nguyễn Thanh Bình cố chùng giọng xuống để tiếp tục kể cho chúng tôi nghe về đồng đội của ông – những người lính đã hi sinh tại trận chiến 81 ngày đêm để bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972.

Ngược dòng Thạch Hãn

Bài 2: O Thu - cô du kích lái đò trên dòng Thạch Hãn

Bài 4: Thương lắm… Trường Sơn ơi!

Cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình chia sẻ về những kỷ niệm cùng đồng đội trong trận chiến 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị . Ảnh: Bích Liên

Cuộc chiến đấu anh dũng trong 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị (từ ngày 28/6 đến 16/9/1972) đã đi vào lịch sử như bản tráng ca hào hùng của quân và dân Quảng Trị nói riêng và cả nước nói chung. Và câu chuyện về người lính, người cựu chiến binh năm ấy đã tái hiện lại một phần ký ức về một sự kiện lịch sử hào hùng của dân tộc.

Tới thăm người cựu chiến binh 35 năm đi tìm đồng đội tại phường 3, thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị vào một ngày tháng 7 nắng như đổ lửa khiến chúng tôi vô cùng xúc động và biết ơn. Ông Bình là một trong những nhân chứng lịch sử và từng tham gia chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị vào mùa hè đỏ lửa năm 1972.

Chia sẻ về thời khắc lịch sử năm ấy, ông Nguyễn Thanh Bình cho biết, năm 1972 cũng như những chàng trai cùng trang lứa, ông lên đường nhập ngũ và được biên chế vào Tiểu đoàn 8, Tỉnh đội Quảng Trị (K8) tham gia trận chiến bảo vệ Thành Cổ. Trong trận chiến đó, ông làm nhiệm vụ của người lính trinh sát phải nắm rõ tình hình của địch trước trận đánh và kiểm tra trận địa khi trận đánh kết thúc. Cũng vì vậy, mà chính ông là người phải làm công việc đau đớn nhất là vuốt mắt và chôn cất cho đồng đội của mình đã hi sinh tại chiến trường Quảng Trị.

Giọng trầm buồn, lắng xuống khi nhắc đến đồng đội đã hi sinh năm đó, ông Bình kể cho chúng tôi nghe về câu chuyện của đồng đội là liệt sỹ Nguyễn Văn Thành quê ở huyện Gio Linh, Quảng Trị. “Trong một trận đánh, biết mình bị thương nặng khó qua khỏi, đồng chí Thành đã gắng gượng nói với tôi rằng để dành bông băng cứu thương lại cho những đồng đội khác. Đồng chí ấy còn dặn tôi: “nếu sau này anh còn sống, nhờ anh về quê báo với mẹ tôi rằng hôm nay tôi đã bắn 5, 6 tên địch, đã trả thù được cho cha”. Nói xong, đồng chí Thành đã trút hơi thở cuối cùng. Sau trận đánh năm ấy, dù đã cố gắng tìm kiếm nhưng tôi và đồng đội không thể tìm được thi thể của đồng chí Thành”, người cựu chiến binh xúc động chia sẻ.

Tiếp tục câu chuyện với chúng tôi, ông Bình cho biết, trong 81 ngày đêm, thị xã Quảng Trị vỏn vẹn chỉ hơn 3km vuông đã phải nhận 328.000 tấn bom đạn. Trong mưa bom bão đạn, các chiến sĩ vẫn giữ vững quyết tâm “còn người còn trận địa, còn người còn Thành Cổ Quảng Trị” cho đến hơi thở cuối cùng.

Dù chiến tranh đã lùi xa, nhưng ông Bình vẫn nhớ như in lời nói của đồng đội vẫn còn vang vọng: “Anh em mình ngồi đây nhưng ra trận không biết ai còn, ai mất. Sau này nếu ai may mắn còn sống thì nhớ đưa anh em đã chết về với quê hương”.

 Trong suốt 81 ngày đêm (từ ngày 28/6/1972 đến 16/9/1972) chiến đấu ác liệt, trên toàn bộ khu vực Thành cổ và Thị xã Quảng Trị, chỉ với 3km2, Mỹ đã ném xuống hơn 328.000 tấn bom. Máu xương của các anh hùng liệt sĩ đã hòa vào lòng đất, từng cỏ cây Thành cổ.

Hàng năm cứ vào những ngày tháng 7, người cựu chiến binh năm ấy khi nhắc đến thành cổ Quảng Trị là những hình ảnh về trận đánh, hình ảnh về đồng đội sát cánh cùng ông lại hiện hữu, chưa bao giờ nguôi ngoai. Những người lính lúc ấy chủ yếu ở độ tuổi đôi mươi, có những người đã lập gia đình, người chưa. Mặc dù ra trận là biết được những mất mát hy sinh đang ở phía trước nhưng ai nấy đều lạc quan và quyết tâm chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để bảo vệ Thành cổ Quảng trị.

Nhớ thương đồng đội đã hi sinh năm ấy, ông Bình kể tiếp: Tháng 7/1972, giữa tứ bề đạn bom cày xới khốc liệt, chiến sĩ Đông thuộc Tiểu đoàn 8 (K8), quê ở Quảng Bình đã tình cờ gặp được em ruột của mình là chiến sĩ Dương đang cùng chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị. Hai anh em họ ôm chầm lấy nhau khóc nức nở, bất chấp bom đạn đang tuôn đổ, dội xuống trên đầu.

Sau đó, người anh cố kìm nén cảm xúc, quay sang nói với ông Bình: “Nhờ anh đưa em tôi sang chốt khác chứ chốt này ác liệt quá. Nhà có hai anh em thôi”.

Chưa nói hết câu thì quân địch lại tràn lên đánh chốt. Chiến sĩ Đông hy sinh trong trận đó, đôi dép cao su cháy dính chặt nhựa vào chân anh. “Tôi đã an táng anh ngay tại hầm chiến đấu. Trong trận đánh kế tiếp, sót thương anh mình đã nằm xuống, căm thù quân địch, chiến sĩ Dương ôm súng trung liên xung phong đánh lui địch và cũng anh dũng hy sinh”, nước mắt rưng rưng, ông Bình cho biết.

Cuộc chiến 81 ngày đêm lịch sử không chỉ cam go với những người tham gia trận đánh này, mà còn “khốc liệt” đối với thân nhân của các anh. Biết bao người mẹ ngóng con, người vợ ngóng chồng, người con ngóng cha trong nhạt nhòa nỗi nhớ và nước mắt chảy dài. Dân tộc ta đã gánh chịu biết bao mất mát, đau thương do chiến tranh. Chiến tranh đã qua đi, nhưng nỗi đau và sự “khốc liệt” ấy vẫn tồn tại, minh chứng cho tội ác của quân thù.

Đối với người cựu chiến binh năm xưa, sáu năm sau ngày đất nước thống nhất, dẫu có đủ điều kiện để ở lại TP Huế làm việc, song ông Nguyễn Thanh Bình đã chọn mảnh đất Thành cổ Quảng Trị để quay về, với một mong ước cháy bỏng là tìm kiếm, cất bốc được hết hài cốt liệt sĩ - những đồng đội đã cùng ông chiến đấu, hy sinh bảo vệ mảnh đất này trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm Mùa hè Đỏ lửa 1972.

Rời ngôi nhà của cựu chiến binh Nguyễn Thanh Bình sau gần nửa ngày được nghe những hồi ức cảm động của ông và đồng đội, chúng tôi luôn biết ơn và cảm thấy tự hào về những người lính đã cùng sát cánh nơi chiến trường năm ấy. Câu chuyện với ông còn dài nhưng vì lý do sức khỏe của ông và thời gian không cho phép chúng tôi trò chuyện lâu hơn… nhưng cuộc chiến 81 ngày đêm của người cựu chiến binh ấy mãi mãi như một huyền thoại về ý chí quật cường, gan góc của những người lính cụ Hồ, khiến lớp trẻ chúng tôi luôn khắc sâu, ghi nhớ để biết ơn và noi gương./.

Bích Liên - Phương Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực