Bâng khuâng Trường Sa!

Thứ tư, 19/01/2022 11:13
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đến dự và giao lưu trực tiếp tại Chương trình “Xuân Trường Sa” lần thứ 10 năm 2022 vừa diễn ra tối 15/1/2022 tại Nhà hát Âu Cơ và truyền hình Trực tiếp trên VTV1- Đài Truyền hình Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương đã có những chia sẻ đầy sâu sắc và xúc động với khán giả về bài thơ “Thao thức Trường Sa” được tác giả viết trong chuyến thăm quần đảo Trường Sa vào những ngày cuối tháng 4/2012.
PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ - Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương.
Ảnh: dangcongsan.vn  

Bài thơ ghi lại những cảm nhận sâu sắc của tác giả với người lính hải quân đang ngày đêm canh giữ biển đảo, qua đó thể hiện tấm lòng của những người con đất Việt dành cho Trường Sa thân yêu.

PV: Được biết ca khúc “Bâng khuâng Trường Sa” do Nhà báo Lê Đức Hùng phổ nhạc từ bài thơ gốc “Thao thức Trường Sa”, xin tác giả hãy chia sẻ cảm xúc của mình khi sáng tác bài thơ này?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Năm 2012, lúc đó tôi đang là Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, dẫn đầu đoàn công tác của Ban, trong đó có rất nhiều cơ quan báo chí Trung ương, gồm Đài truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam… đi Trường Sa. Chúng tôi đi 12 ngày. Đêm cuối cùng ở Trường Sa để sáng hôm sau tàu nổ neo về đất liền. Tôi không ngủ được và lấy giấy bút ra viết bài thơ này trong khoảng thời gian ngắn chừng 50 phút. Ngay thời điểm đó, tôi đặt tựa đề là “Thao thức Trường Sa”, nhưng khi về thì tôi và tác giả chuyển thể nhạc là Nhà báo Lê Đức Hùng có chia sẻ với nhau là bây giờ mình về lại đất liền thì mình lại thấy bâng khuâng, lại thấy nhớ về Trường Sa, vì vậy chuyển tựa đề ca khúc là “Bâng khuâng Trường Sa”.

  PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ giao lưu tại Chương trình nghệ thuật "Xuân Trường Sa" lần thứ 10- năm 2022. 

Tôi là người đi rất nhiều, cả trong và ngoài nước. Suốt chiều dài đất nước, tôi đã đi đến các vùng miền, kể cả vùng núi cao hay ngoài hải đảo. Nhưng có lẽ, được đặt chân đến Trường Sa là một hành trình cho tôi nhiều cảm xúc đặc biệt nhất. Trong đời mình có thể đi bất cứ đâu, nhưng để một lần được đến với Trường Sa là không dễ. Khi đến Trường Sa tôi xúc động vô cùng, nhiều khi mình phải lấy khăn để len lén lau nước mắt vì thương các em lính, các em còn rất trẻ, tuổi 18, đôi mươi. Trong bài thơ tôi có viết là “Ôm lính đảo trong tim bao gương mặt/ Tuổi đôi mươi lồng lộng biển trời/Mắt trong vắt chưa một lần hò hẹn/Đêm mơ còn nũng nịu gọi mẹ ơi”.

Những người lính như thế mà xung phong  ra canh giữ, bảo vệ biển đảo, biên cương Tổ quốc được bình yên thì điều đấy là vô cùng vĩ đại. Cho nên, đối với tôi, họ là những con người bình dị, nhưng hành động của họ thật cao quý khiến tất cả chúng ta phải biết ơn hôm nay, ngày mai và sau này nữa. Không chỉ riêng tôi mà rất rất nhiều kiều bào ta ở nước ngoài khi được đặt chân đến quần đảo Trường Sa cũng có những cảm xúc như thế. Kể cả những người trước đây ở bên kia chiến tuyến, thậm chí đã từng cầm súng chống lại đất nước, nhưng khi ra với Trường Sa đã bị cảm hóa một cách tự nhiên mà không ai tuyên truyền. Tôi cho rằng, đây chính là điều kỳ diệu của Trường Sa,  là điều “Thao thức Trường Sa” và “Bâng khuâng Trường Sa”.

Ca khúc "Bâng Khuâng Trường Sa". Nguồn : Yan.vn

PV: Mỗi khi nói đến Trường Sa thì những người như nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ sẽ tuôn mạch cảm xúc không thể ngừng được. Và vì thế hay nhất lúc này là Nhà thơ Nguyễn Thế Kỷ tặng cho chúng ta một vài câu thơ ?

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ: Thực ra thì tôi có mấy bài viết về Trường Sa. Năm 1994, tức là 06 năm diễn ra sự kiện Gạc Ma , lúc đó tôi có viết bài thơ với tên gọi “Trường Sa”. Bài thơ được tôi viết theo hình thức lục bát để những người lính đảo các dễ nhớ, dễ thuộc. “Biển xanh ôm ấp trời xanh/Rồng tiên thưở ấy sinh thành Trường Sa/Trùng khơi nào có ngái xa/Long lanh hạt cát đã là quê hương/Ở đây chẳng có gì riêng/Lá thư chung đọc, nỗi niềm chung lo/Đêm vui chung một câu hò/Nhớ thương chung một cánh cò hoàng hôn/Sơn Ca, Song Tử, Sinh Tồn/Thuyền chài vĩnh viễn gửi hồn cha ông/Trường Sa nắng nỏ bão giông/Cây phong ba với thành đồng lòng ta/Góc vườn xanh với tiếng gà/Cây sung thép với lời ca ngọt ngào/Đêm qua trong giấc chiêm bao/Có anh lính trẻ giục trâu ra đồng/Luống cày thao thiết bên sông/Và tung sóng trắng điệp trùng Trường Sa”. 

Bài thơ này ngay thời điểm đó được nhạc sĩ Hoàng Thành, Trưởng Đoàn nghệ thuật Quân khu 4 phổ nhạc và sau đó được nhiều nghệ sĩ thể hiện rất thành công và xúc động như: nghệ sĩ Thu Hằng, nghệ sĩ Bích Ngọc và sau này là nghệ sĩ Tân Nhàn  cùng  một số nghệ sĩ khác. 

PV: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!


 

 
Phương Thanh ghi

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực