Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội

Thứ sáu, 03/11/2023 17:16
(ĐCSVN) - Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung và di sản văn hóa phi vật thể loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành, đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các giải pháp.

Ngày 3/11, Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội tổ chức toạ đàm “Bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội”.

Toạ đàm nhằm thực hiện Chương trình 06/CT-TU ngày 17/3/2021 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển văn hóa, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh giai đoạn 2021-2025; Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 của Thành ủy Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2023, tầm nhìn đến năm 2045; Triển khai Kế hoạch số 55/KH-UBND ngày 18/02/2022 của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội về việc Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể thành phố Hà Nội đến năm 2025.

Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng phát biểu tại tọa đàm. (Ảnh: PB) 

Lễ hội truyền thống là hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng được tổ chức theo nghi lễ truyền thống, nhằm đáp ứng nhu cầu tinh thần của nhân dân. Theo kết quả tổng kiểm kê và bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể công bố năm 2016, có 1.206 lễ hội truyền thống được kiểm kê và nhận diện và bước đầu đánh giá sức sống của di sản. Trong đó, có 18 lễ hội được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Khu vực nội thành Hà Nội gồm 12 quận với 221 lễ hội truyền thống. Trong đó, quận Ba Đình có 19 lễ hội; quận Thanh Xuân có 4 lễ hội; quận Tây Hồ có 9 lễ hội; quận Nam Từ Liêm có 23 lễ hội; quận Long Biên có 34 lễ hội; Hoàng Mai có 9 lễ hội; quận Hoàn Kiếm có 10 lễ hội; quận Hai Bà Trưng có 9 lễ hội; quận Hà Đông có 46 lễ hội; quận Đống Đa có 18 lễ hội; quận Cầu Giấy có 16 lễ hội; quận Nam Từ Liêm có 24 lễ hội,... 9 lễ hội truyền thống trên địa bàn Hà Nội được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Lễ hội làng Lệ Mật, Lễ hội đình Trường Lâm (quận Long Biên); Lễ hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội bơi Đăm (quận Bắc Từ Liêm); Lễ hội chùa Láng quận Đống Đa; Lễ hội thổi cơm Thị Cấm (quận Nam Từ Liêm); Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm), Lễ hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm), Hội Thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ).

Phát biểu tại toạ đàm, Giám đốc Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội Đỗ Đình Hồng khẳng định, lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội có lịch sử lâu đời, rất đa dạng về sắc thái và độc đáo về giá trị, tạo nên bản sắc văn hóa khá riêng biệt của Hà Nội, gắn với lịch sử của kinh thành Thăng Long.

Nhiều Lễ hội mang tính tổng hợp, biểu đạt những sáng tạo văn hóa được tích lũy và trao truyền qua nhiều thế hệ, in dấu trong các nghi lễ, nghi thức tôn giáo tín ngưỡng, phong tục tập quán, văn chương nghệ thuật, lễ phục, ẩm thực cúng tế, các trò chơi, trò diễn dân gian. Có lễ hội vẫn giữ nguyên được truyền thống giao hảo có từ hàng trăm năm nay như: Hội đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm), Hội năm làng Mọc (quận Thanh Xuân), Lễ hội kết chạ Phú Mỹ - Kiều Mai (quận Nam Từ Liêm). Trong đó, việc bảo vệ và phát huy lễ hội truyền thống chú trọng vào việc bảo vệ và phát huy các nghi lễ, nghi thức truyền thống, xây dựng không gian lễ hội.

Năm 2023, nghi thức rước kiệu Đức Thánh Láng tại Hội chùa Láng được phục dựng sau 70 năm bị gián đoạn, với hàng vạn người tham gia, đã tạo nên khối đại đoàn kết giữa các cộng đồng thực hành di sản và nhân dân tại các quận Đống Đa, Thanh Xuân, Cầu Giấy cùng chung tay góp phần làm sống lại nghi thức sinh hoạt văn hóa người dân vùng đất phía Tây kinh thành Thăng Long xưa. Hay Hội thề Trung Hiếu đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ) vẫn được giữ nguyên giá trị suốt hơn 2 thế kỷ, góp phần giáo dục nhân cách, đạo đức của con người.

Tại toạ đàm, tiến sĩ Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cho rằng, trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể. Trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống có một vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.

Các đại biểu, chuyên gia cũng tập trung trao đổi các vấn đề về nhận diện nét đặc trưng, những biến đổi và văn hóa ứng xử trong lễ hội truyền thống, phục dựng nghi lễ, nghi thức và các trò chơi dân gian tại lễ hội, định hướng công tác bảo vệ và phát huy giá trị lễ hội truyền thống khu vực nội thành Hà Nội để trở thành tài nguyên góp phần phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung và di sản văn hóa phi vật thể loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành và đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hoá của lễ hội truyền thống; hỗ trợ cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận.

Cùng với đó, phát huy tính chủ động, tích cực của cộng đồng trong tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội truyền thống; tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, nội dung các giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội truyền thống, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công với dân, với nước; bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội.

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực