Biên tập sách của Tổng Bí thư là vinh dự và trách nhiệm

Thứ hai, 22/07/2024 15:03
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) – Là người trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh coi đó là vinh dự và trách nhiệm.

Trong những năm qua, với chức năng là cơ quan xuất bản chính trị trung ương của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật được giao nhiệm vụ biên tập, xuất bản nhiều cuốn sách của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư ngay từ khi còn là một biên tập viên trẻ, Phó Giám đốc – Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh đã chia sẻ những kỷ niệm, cảm nhận và những bài học sâu đậm khi thực hiện các cuốn sách của Tổng Bí thư.

Phóng viên: Thưa bà, tính đến thời điểm này, bà đã tham gia thực hiện bao nhiêu cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng? Cuốn sách nào để lại ấn tượng sâu đậm nhất?

Bà Phạm Thị Thinh: Tôi may mắn và vinh dự được biên tập sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ năm 2004, khi đó tôi là một biên tập viên trẻ, còn Tổng Bí thư là Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội. Từ đó đến nay, tôi đã trực tiếp tham gia biên tập hơn 20 cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều cuốn sách viết về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mỗi cuốn sách đều có những đặc thù riêng, yêu cầu riêng, sứ mệnh riêng và đều để lại trong tôi những kỷ niệm khó phai với tác giả cuốn sách.

Qua mỗi cuốn sách, tôi thường rút ra những kinh nghiệm và cố gắng học hỏi, nhớ những lời căn dặn của Tổng Bí thư để những cuốn sách sau làm tốt hơn, trọn vẹn hơn.

Cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.  

Trong số các cuốn sách mà tôi tham gia biên tập, có lẽ cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” ra mắt vào dịp ngày 21/6/2024 vừa qua là ấn phẩm mà nhóm biên tập chúng tôi dày công nhất. Cuốn sách này do Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Tạp chí Cộng sản, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan liên quan thực hiện trong hơn một năm, kể từ tháng 3/2023.

Để thực hiện cuốn sách này, chúng tôi đã rà soát tất cả các bài viết, bài phát biểu, bài nói, trả lời phỏng vấn báo chí, bài lược ghi, thư, lời kêu gọi… của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về văn hóa và hình ảnh của Tổng Bí thư gắn với các hoạt động văn hóa đăng trên báo, tạp chí, các sách đã xuất bản, lưu trữ ở nhiều cơ quan, để có một cái nhìn tổng thể về mức độ bài và sự bao quát toàn diện về những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa.

Qua khảo sát đã cho thấy, các bài viết, bài phát biểu, bài nói, thư, trả lời phỏng vấn, lời kêu gọi của đồng chí Tổng Bí thư về văn hóa rất phong phú, trên nhiều lĩnh vực như: Văn hóa nghệ thuật, đạo đức, lối sống, văn hóa yêu nước, giáo dục - đào tạo, báo chí - xuất bản,… qua nhiều giai đoạn, với nhiều nhiệm vụ khác nhau. Với khối lượng tư liệu lớn và hình ảnh phong phú, Nhà xuất bản đã xây dựng đề cương sơ bộ và xác định tiêu chí chọn bài và ảnh đưa vào sách. Câu hỏi đặt ra với chúng tôi là, làm sao để các bài chọn in vừa thể hiện được rõ nét những chỉ đạo của Tổng Bí thư về văn hóa, lại vừa bao quát được hết những vấn đề, những lĩnh vực cụ thể mà Tổng Bí thư đã dành tâm huyết chỉ đạo, căn dặn đối với từng ngành, từng lĩnh vực.

Các bài viết được tuyển chọn in trong cuốn sách đều mang dấu ấn và thể hiện quan điểm, tư tưởng, sự chỉ đạo sâu sắc của Tổng Bí thư trong các hoạt động văn hóa, hội nghị văn hóa, các buổi làm việc với các cơ quan, đơn vị trong ngành văn hóa, các buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ, trí thức đang hoạt động trong lĩnh vực văn hóa trên mọi miền Tổ quốc. Việc lựa chọn tư liệu, sắp xếp các bài viết, đặt tiêu đề cũng được tính toán để làm thế nào cuốn sách vừa bảo đảm được tính logic về hình thức, cấu trúc, tính khoa học, tính chính trị, có độ chính xác cao nhưng lại đúng tính chất là một cuốn sách văn hóa từ nội dung đến hình thức.

Bức ảnh ngày 27 Tết Kỷ Hợi (2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng lần đầu tiên công bố trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Đối với các hình ảnh in trong cuốn sách, qua khảo sát tư liệu, chúng tôi thấy có rất nhiều hình ảnh quý mà nhìn vào những bức ảnh đó sẽ nói lên rất nhiều điều. Ví dụ như: Chúng tôi thấy, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian gặp gỡ nhân dân, thăm hỏi, tặng quà các gia đình chính sách, hộ nghèo. Hoặc là, trong cuốn sách có hai bức thư Tổng Bí thư viết tay, gửi thăm thầy, cô giáo cũ khi đã ở cương vị cao nhất là Tổng Bí thư của Đảng. Hoặc là có những bức ảnh lần đầu tiên công bố, như bức ảnh ngày 27 Tết Kỷ Hợi (2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cùng gia đình gói bánh chưng tại nhà riêng (Tết năm nào gia đình Tổng Bí thư cũng gói bánh chưng). Rồi ảnh đọc sách báo hằng ngày của Tổng Bí thư trong bệnh viện… rất giản dị, nhưng cũng thật sâu sắc. Điều đó nói lên rằng, bên cạnh tầm văn hóa, tư duy văn hóa, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là con người văn hóa.

Phóng viên: Trong quá trình làm sách, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có yêu cầu gì đặc biệt không, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thinh: Trong quá trình thực hiện các cuốn sách, Tổng Bí thư đã căn dặn chúng tôi nhiều điều, nhưng có một điều mà chúng tôi luôn ghi nhớ đó là: Tổng Bí thư luôn luôn dặn chúng tôi, sách là văn bia để đời, do vậy, mọi thông tin trong sách phải chuẩn xác và phải bảo đảm tính khoa học, tính chính trị; bố cục phải chặt chẽ, rút tít cần ngắn gọn nhưng phải chứa đựng được nội dung cần chuyển tải… Nhớ lời căn dặn đó, với bất cứ cuốn sách nào, tôi cũng đặt ra yêu cầu cao nhất đối với nhóm biên tập, đọc đi đọc lại bản thảo nhiều lần, biên tập kỹ và chỉn chu nhất; tra lại toàn bộ các thông tin trong sách, cẩn trọng trong từng câu chữ. Vì thế, sau mỗi cuốn sách, tôi thường học được rất nhiều điều ở Tổng Bí thư, đó là: Tôi học được nhiều kiến thức trong các cuốn sách; tôi học được tư duy làm sách của Tổng Bí thư; tôi học được cách thức sửa bài, đặt tiêu đề bài của Tổng Bí thư, về sự chỉn chu trong công việc, về sự nhạy cảm chính trị trong việc làm sách và biết báo.

Tôi cũng học được từ Tổng Bí thư về tư cách đạo đức, đối nhân xử thế, quan tâm đến mọi người, thương yêu cán bộ cấp dưới; về lối sống giản dị, chuẩn mực, suy nghĩ sâu sắc, cặn kẽ; về sự tự học của Tổng Bí thư khi đã giữ những cương vị cao nhất trong Đảng và Nhà nước.

Phóng viên: Đội ngũ biên tập có bị áp lực khi biên tập các cuốn sách của Tổng Bí thư không, thưa bà?

Bà Phạm Thị Thinh: Với chúng tôi, biên tập sách của Tổng Bí thư không phải là áp lực, chúng tôi coi đó là vinh dự và trách nhiệm. Do đó, chúng tôi đã luôn luôn cố gắng và đặt trách nhiệm lên cao nhất đối với từng cuốn sách.

Sinh thời, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dành nhiều sự quan tâm đến những cuốn sách về văn hóa.  

Trong quá trình thực hiện các cuốn sách của Tổng Bí thư, vấn đề khó khăn nhất của chúng tôi là khảo sát, sưu tầm các bài viết, hình ảnh liên quan đến chủ đề của cuốn sách từ nhiều nguồn khác nhau và việc xây dựng đề cương cuốn sách thế nào cho phù hợp, sắp xếp bài và ảnh ra sao cho hợp lý và thống nhất trong cả cuốn sách.

Trong quá trình biên tập sách của Tổng Bí thư, tôi may mắn được gặp Tổng Bí thư nhiều lần và rất nhiều lần được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư qua các đồng chí thư ký, trợ lý. Những lần gặp trực tiếp Tổng Bí thư hay những lần được nhận những lời căn dặn của Tổng Bí thư đều là những lần chúng tôi luôn luôn ghi nhớ, khắc cốt ghi tâm, là hành trang đối với tôi để mỗi ngày thêm cố gắng và trưởng thành trong công việc.

Có những lần Tổng Bí thư rút kinh nghiệm tôi về việc truyền thông sách đã khiến cho tôi phải thật cẩn trọng trong từng việc làm, phải có tư duy sâu rộng, suy nghĩ thấu đáo, trước sau. Và, mỗi cuốn sách ra mắt bạn đọc là tôi lại thêm kinh nghiệm. Mỗi lần được gặp Tổng Bí thư là mỗi lần tôi lại học hỏi được ở Tổng Bí thư rất nhiều điều.

Phóng viên: Sau rất nhiều năm làm sách của Tổng Bí thư, bà có thể chia sẻ cảm nhận của mình về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?

Bà Phạm Thị Thinh:  Qua các cuốn sách mà tôi đã tham gia biên tập và đọc kỹ toàn bộ hệ thống các bài viết của Tổng Bí thư trên tất cả các lĩnh vực, có thể khẳng định:

Một là, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một nhân cách trí tuệ mẫn tiệp, đầy bản lĩnh, tư duy khoa học biện chứng, vượt lên những suy nghĩ thông thường. Đồng chí luôn luôn nói đi đôi với làm, lý luận uyên bác cộng với hoạt động thực tiễn phong phú, sống động, vì nước, vì dân.

Đọc toàn bộ các tác phẩm, bài viết, bài phát biểu… của Tổng Bí thư từ xưa đến nay thì mới thấy, Tổng Bí thư là một nhà lý luận xuất sắc. Những luận giải của đồng chí trong các công trình nghiên cứu hay các bài viết, bài phát biểu, trả lời phỏng vấn đều rất chặt chẽ, với ngôn từ dung dị, nhưng rất thuyết phục. Đồng chí đã vận dụng lý luận vào thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; đồng thời đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn phong phú thành lý luận, thành chủ trương, đường lối, tư duy lý luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Qua các tác phẩm của Tổng Bí thư, chúng tôi nhận thấy, tư tưởng bao trùm của đồng chí là giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. Ví dụ như:

Trong cuốn sách “Một số vấn đề về đường lối quân sự, chiến lược quốc phòng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa thời kỳ mới”, điểm cốt lõi, bước đột phá trong tư duy lý luận của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong xây dựng Chiến lược quốc phòng Việt Nam chính là tư tưởng “bảo vệ nền độc lập, tự chủ của đất nước phải gắn với bảo vệ hoà bình”, bởi hòa bình được coi là một giá trị thiêng liêng của đất nước, là nhiệm vụ tối thượng trong thời đại mới; “bảo vệ môi trường hoà bình, ổn định” chính là để đất nước phát triển. Tư tưởng lý luận quân sự, quốc phòng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất độc đáo, sáng tạo, song cũng chính là giá trị phổ quát của thời đại, đó là: “lấy bảo vệ môi trường hòa bình là mục tiêu xuyên suốt trong xây dựng sức mạnh tổng hợp quốc phòng, quân sự”. Sự chỉ đạo của đồng chí rất tường tận, cụ thể, cặn kẽ và sâu sát, cho thấy “sự uyên bác, vốn hiểu biết sâu rộng” cũng như “tư duy tầm chiến lược” và trách nhiệm cao của người đứng đầu Đảng ta.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Phó giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật Phạm Thị Thinh.

Trong cuốn sách “Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam””, Tổng Bí thư khẳng định: “Chúng ta cần tiếp tục kiên trì đường lối độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa, xử lý hài hòa, khéo léo các vấn đề phức tạp, kiên quyết bảo vệ chủ quyền, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, trong đó ngành đối ngoại, ngoại giao có vị trí nòng cốt và giữ vai trò tiên phong”. Nguyên tắc cơ bản của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam cũng được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát là: “vừa kiên định về nguyên tắc, vừa uyển chuyển về sách lược; mềm mại, khôn khéo nhưng cũng rất kiên cường, quyết liệt; linh hoạt, sáng tạo nhưng rất bản lĩnh, can trường trước mọi khó khăn, thử thách, vì độc lập dân tộc, vì tự do, hạnh phúc của nhân dân; đoàn kết, nhân ái nhưng kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia - dân tộc”.

Trong cuốn sách “Phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng giàu mạnh, văn minh, hạnh phúc”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Điểm tương đồng để quy tụ, khơi dậy và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc chính là mục tiêu “xây dựng đất nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ngày càng giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc”. Đây là mục tiêu lớn nhất, nếu biết khơi dậy đúng cách sẽ có sức cuốn hút, lay động lòng người, là lời hiệu triệu toàn dân, nhân lên lòng tự hào, tự tôn, ý chí của cả dân tộc. Cả hệ thống chính trị cũng như mỗi cán bộ, đảng viên phải lấy an dân làm cốt, lấy lợi ích của nhân dân làm trung tâm, phát huy sự đồng thuận của nhân dân, sự chung sức, đồng lòng của toàn dân, thì nhiệm vụ nào cũng sẽ hoàn thành thắng lợi.

Các tác phẩm của đồng chí Tổng Bí thư mà chúng tôi đã thống kê có hơn 40 cuốn là những tổng kết lý luận chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực, thể hiện rõ bản lĩnh, quan điểm, lập trường nhất quán, kiên định của Tổng Bí thư và tư duy tầm chiến lược, nhưng lại rất cụ thể của một nhà lý luận, nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Dân tộc ta.

Hai là, Tổng Bí thư là một lãnh đạo gần dân, hiểu dân, thương dân. Đọc nhiều bài viết, bài phát biểu thì thấy, ở ông có một tình thương yêu nhân dân chan chứa, các chỉ đạo của Tổng Bí thư luôn luôn hướng đến vì sự bình an của nhân dân, vì cuộc sống, hạnh phúc của nhân dân. Thế cho nên, trong các chuyến đi thăm, làm việc của Tổng Bí thư với cơ sở, bao giờ Tổng Bí thư cũng dành thời gian đến thăm các Mẹ Việt Nam Anh hùng, người có công với cách mạng, gặp gỡ, lắng nghe nhân dân, thăm hỏi đồng bào các dân tộc; động viên các thương - bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng, người có hoàn cảnh khó khăn, gặp gỡ, trò chuyện với các cháu thanh thiếu niên, nhi đồng,...

Ba là, Tổng Bí thư là một con người rất sâu sắc, bản lĩnh, trí tuệ nhưng cũng rất chan hòa, rất khiêm tốn, rất giản dị và rất gần gũi với mọi người. Lối sống thanh bạch, giản dị của Tổng Bí thư khiến chúng ta nể phục và càng thêm kính trọng ông.

Phóng viên: Các cuốn sách của Tổng Bí thư khi xuất bản luôn nhận được sự hưởng ứng, hoan nghênh của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân, của bạn bè quốc tế. Vậy, trong thời gian tới Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật có kế hoạch phát hành rộng rãi các cuốn sách này không?

Bà Phạm Thị Thinh: Các cuốn sách này sau khi ra mắt bạn đọc, Nhà xuất bản đã nhận được nhiều phản hồi tích cực từ độc giả. Từ đầu năm 2024 đến nay, Nhà xuất bản đã cho tái bản nhiều đầu sách của Tổng Bí thư để phục vụ bạn đọc rộng rãi. Các cuốn sách này hiện đang được phát hành trên toàn quốc. 

Bên cạnh đó, Nhà xuất bản cũng đã biên tập và xuất bản sách tinh gọn một số đầu sách mà bạn đọc rất quan tâm; đồng thời, Nhà xuất bản cũng xuất bản điện tử hơn 30 đầu sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã xuất bản ở Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật. Bạn đọc có thể truy cập trang sachquocgia.vn để đọc các cuốn sách này.

Sắp tới, cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam” sẽ tiếp tục được dịch thêm ra tiếng Ảrập và tiếng Khơme.  

Để phục vụ bạn đọc quốc tế muốn tìm hiểu nội dung các cuốn sách của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, năm 2023, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật đã hoàn thành việc biên dịch ra 8 ngoại ngữ (gồm: tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc, tiếng Lào, tiếng Nga, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hà Lan, tiếng Italia) đối với cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, và sắp tới chúng tôi sẽ tiếp tục dịch cuốn sách này ra tiếng Ảrập và tiếng Khơme. Một số cuốn sách chuyên đề quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng sẽ được biên dịch ra nhiều ngoại ngữ để phát hành rộng rãi đến nhiều nước trên thế giới và phục vụ công tác đối ngoại của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các ban, bộ, ngành Trung ương trong thời gian tới.

Phóng viên: Xin cảm ơn bà!

Huy Lê (thực hiện)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực