Đó là phát biểu của đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương tại toạ đàm “Cán bộ công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh” do Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức ngày 17/5 tại Hà Nội.
Phong cách Hồ Chí Minh phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người
Phát biểu tại tọa đàm, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng khẳng định, đây là hoạt động thiết thực, rất có ý nghĩa kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cổ vũ, thúc đẩy các cấp công đoàn trong cả nước chăm lo, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động trong Tháng Công nhân và Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động năm 2020. Cuộc tọa đàm càng có ý nghĩa sâu sắc trong bối cảnh đang tiến hành tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng với niềm tin, khí thế, tầm nhìn và khát vọng phát triển đất nước.
Đề cập đến 5 vấn đề lớn thể hiện tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác công đoàn và phong trào công nhân, GS.TS Nguyễn Xuân Thắng chỉ rõ, để trở thành người tổ chức các hoạt động của công nhân và người lao động, cán bộ công đoàn không những phải “giỏi về chính trị mà còn phải thạo về kinh tế”; “phải thực sự lao động” và gần gũi công nhân, “cùng ăn, cùng ở, cùng lao động, cùng bàn bạc với công nhân”. Như thế mới có thể biết được công nhân muốn gì, nghĩ gì, lo gì?...Phải lắng nghe sáng kiến và lời phê bình của công nhân, thực sự dựa vào công nhân, đi đúng đường lối quần chúng, nắm vững chính sách của Đảng.
|
Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng phát biểu tại tọa đàm |
Việc giáo dục, tuyên truyền, hội họp phải nhẹ nhàng, có ích, nếu không chỉ làm cho công nhân mệt mỏi, có hại cho sản xuất. Việc “ra chỉ thị, nghị quyết đều phải vì lợi ích chung của quần chúng, tìm hiểu trình độ tiếp thu của quần chúng để biết kết quả thực tế mà uốn nắn sửa chữa. Bất cứ làm gì cũng đều phải chuẩn bị cho tốt, có kế hoạch làm cho thiết thực”. Công đoàn sinh hoạt phải thường xuyên, thiết thực, hoạt bát và vui vẻ; thường xuyên cải tiến lề lối làm việc, cần đi sát quần chúng, tăng cường đôn đốc, kiểm tra, bớt giấy tờ, hội họp.
Cán bộ công đoàn tùy khả năng mà cải thiện đời sống vật chất và văn hóa của công nhân, vì đời sống vật chất và văn hóa có khá thì làm việc mới tốt. Quan tâm chăm nom đến chỗ ăn, ở, chỗ làm việc của công nhân, gia đình, con cái của anh chị em công nhân. Theo Người, “công nhân sản xuất tốt hay xấu, có đoàn kết hăng hái sản xuất hay không, đó là tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá công đoàn mạnh, cán bộ công đoàn tốt hay không”.
Các cấp công đoàn cần hướng mạnh hoạt động về cơ sở; lấy cơ sở làm địa bàn hoạt động chủ yếu, lấy công nhân, viên chức, lao động làm đối tượng vận động; lấy chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ; lấy góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội làm mục tiêu hoạt động. Phải nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của công đoàn cơ sở, để công đoàn thực sự là chỗ dựa gần gũi, vững chắc của công nhân, có sức hấp dẫn đối với người lao động.
Công đoàn là một bộ phận của hệ thống chính trị nên tổ chức, hoạt động của Công đoàn phải luôn đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Công đoàn phải giúp công nhân vào Đảng; giúp bảo vệ, phê bình và phát triển đảng. Đảng mạnh tức là dân mạnh, công nhân mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh thì Đảng mạnh; dân mạnh, công nhân mạnh, Đảng mạnh thì chúng ta nhất định thắng lợi.
Đánh giá cao chủ đề của buổi tọa đàm khi thảo luận, trao đổi về một vấn đề rất cụ thể là: cán bộ công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, phong cách Hồ Chí Minh thể hiện qua các hoạt động, ứng xử một cách rất sinh động, tự nhiên phản ánh những giá trị cốt lõi trong tư tưởng, đạo đức của Người.
"Công nhân và phong trào công nhân đã học và làm theo; đã có những phẩm chất này. Chúng ta cần tiếp tục lan toả các phẩm chất này sâu rộng trong cán bộ công đoàn, đội ngũ công nhân và người lao động để xứng đáng với sự yêu thương, chăm sóc và đặc biệt quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh lúc sinh thời", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nói.
6 phong cách của Hồ Chí Minh có giá trị cốt lõi với mỗi cán bộ công đoàn
Khẳng định phát huy truyền thống vẻ vang của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam hơn 90 năm qua đã thực hiện trọng trách của mình, xứng đáng là tổ chức chính trị - xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Công đoàn Việt Nam đang từng bước đổi mới tổ chức, phương thức hoạt động, nâng cao hiệu quả trong việc đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền lợi của đoàn viên và người lao động, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang cho biết, Công đoàn Việt Nam phấn đấu xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn chuyên nghiệp, có bản lĩnh, trí tuệ, tâm huyết, trách nhiệm với công việc, vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức.
Trước tình hình mới, người cán bộ công đoàn phải học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, không ngừng đổi mới, sáng tạo, tự học tập, rèn luyện nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động công đoàn; làm việc trong một môi trường mới với phong cách mới để giành được niềm tin của người lao động đối với tổ chức Công đoàn.
|
Toạ đàm “Cán bộ công đoàn học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh”
|
Tọa đàm tập trung trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm quý của những cán bộ công đoàn tiêu biểu, chủ chốt, có nhiều kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn ở các cấp công đoàn về học và làm theo phong cách Hồ Chí Minh. Đó là: phong cách tư duy độc lập, tự chủ và sáng tạo; phong cách làm việc luôn trọng dân, gần dân, thấu hiểu nhân dân, chăm lo lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân; phong cách lãnh đạo tuân thủ nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, luôn làm gương trước để mọi người noi theo; phong cách diễn đạt chân thực, trong sáng, mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với mọi lứa tuổi, mọi đối tượng; phong cách ứng xử văn hóa, tinh tế, có lý có tình; phong cách sinh hoạt, cần kiệm liêm chính, hài hòa, giản dị, gần gũi, mỗi việc làm, mỗi hành động đều chứa đựng ý nghĩa giáo dục rất cao.
Đồng chí Nguyễn Đình Khang nhấn mạnh, đây là 6 phong cách của Hồ Chí Minh có giá trị cốt lõi mà mỗi cán bộ công đoàn đều phải học tập, vận dụng sáng tạo trong hoạt động công đoàn nhằm không ngừng đổi mới phong cách của chính cán bộ công đoàn trong tư duy về hoạt động công đoàn, trong lãnh đạo, vận động và thuyết phục công nhân lao động, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn Việt Nam ngày càng vững mạnh, xứng đáng với niềm tin của người lao động.
Việc gì có lợi cho đoàn viên, người lao động là cố hết sức làm
Gây ấn tượng tại tọa đàm khi 35.250 lao động của Cty TaeKwang Vina đều là đoàn viên Công đoàn, ông Đinh Sỹ Phúc, Chủ tịch Công đoàn Cty cho biết, đây là doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài do Hàn Quốc đầu tư tại Khu công nghiệp Biên Hòa 2. Để 100% người lao động đều tham gia tổ chức Công đoàn, 19 ủy viên Ban chấp hành Công đoàn Cty trong đó có 3 cán bộ chuyên trách luôn khắc ghi sâu sắc lời Bác dạy, việc gì có lợi cho đoàn viên, người lao động là cố hết sức làm.
"Cán bộ Công đoàn chuyên trách Cty TaeKwang Vina hưởng lương doanh nghiệp nhưng là để đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, người lao động. Thu nhập bình quân luôn ở mức trên 7,5 triệu đồng/người/tháng, người lao động được hưởng thêm các phúc lợi xã hội cao hơn luật định như: tăng số ngày nghỉ có lương và nghỉ việc riêng; tăng tiền công cho người lao động làm việc tăng ca; tăng tiền thưởng hằng tháng, thưởng lễ, tết; trợ cấp chuyên cần, đi lại; hỗ trợ bữa ăn ca, ăn sáng; hỗ trợ chi phí nuôi con nhỏ 100.000 đồng/tháng/cháu; hỗ trợ toàn bộ chi phí học bổ túc văn hóa cho người lao động...", ông Phúc cho hay.
Có hơn 360 doanh nghiệp, gần 70.000 công nhân, Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam có 250 công đoàn cơ sở trực thuộc, trên 55.000 đoàn viên Công đoàn. Bà Vũ Thị Minh Phượng, Chủ tịch Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam chia sẻ, cán bộ Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam luôn nhớ lời Bác: "Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm". Vận dụng vào công việc hằng ngày, đó là nghĩ cách tập hợp tổ chức, hướng dẫn công đoàn cơ sở, đoàn viên và người lao động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của không chỉ đoàn viên, người lao động mà cả doanh nghiệp; "lấy công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân lao động, đoàn viên Công đoàn làm đối tượng vận động". Hằng năm, mỗi cán bộ Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam đều xây dựng chương trình công tác, kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu trở thành cán bộ Công đoàn giỏi, nhiệt huyết với hoạt động Công đoàn, có uy tín, có khả năng đoàn kết, tập hợp đoàn viên, người lao động; đấu tranh, bảo vệ quyền lợi chính đáng, được người lao động tin yêu, chủ doanh nghiệp nể trọng.../.