Cần tạo ra những “cú hích” đưa các hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống

Thứ ba, 30/01/2024 18:06
(ĐCSVN) - Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới chính là cách để chúng ta củng cố vững chắc trận địa tư tưởng, chấn hưng văn hóa, góp phần quan trọng để xây dựng sức mạnh mềm, sức mạnh nội sinh phát triển đất nước.

 

 GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam.

Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn GS.TS Từ Thị Loan - Nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam, một trong những chuyên gia có nhiều công trình nghiên cứu về vấn đề này.

Phóng viên (PV): Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới với những gợi ý rất quan trọng về các thành tố trong từng hệ giá trị. GS có ý kiến về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Từ Thị Loan: Tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã đề cập đến vấn đề xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới với những gợi ý rất quan trọng về các thành tố trong từng hệ giá trị. Cụ thể: Hệ giá trị quốc gia: Hoà bình, thống nhất, độc lập, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, hạnh phúc; Hệ giá trị văn hóa: Dân tộc, dân chủ, nhân văn, khoa học; Hệ giá trị gia đình: Ấm no, hạnh phúc, tiến bộ, văn minh; Chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ mới: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo... Có thể nói đây là những giá trị tốt đẹp, tiêu biểu, cốt lõi được kế thừa và phát triển từ tư tưởng của Bác Hồ cũng như qua các kỳ Đại hội.

PV: Theo GS, việc xây dựng chuẩn mực con người Việt Nam ngày xưa và ngày nay có gì khác và mâu thuẫn với nhau không? Con người Việt Nam thời đại mới cần phải nhấn mạnh vào các tiêu chuẩn nào?

GS.TS Từ Thị Loan: Như tôi đã khẳng định, chúng ta xây dựng những hệ giá trị này, đặc biệt chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới luôn mang tính kế thừa. Mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử sẽ có mẫu người với những phẩm chất riêng của thời đại đó. Ngày xưa, trong thời phong kiến quân chủ thì giá trị đầu tiên với một cá nhân phải là trung quân. Thế còn bây giờ chúng ta không thể như thế, chúng ta sẽ phải biết yêu nước, ái quốc như Bác Hồ nói là trung với Đảng, hiếu với dân, yêu nước thương nòi. Hay là ngày xưa trong thời phong kiến, người phụ nữ phải "tam tòng tứ đức", thì bây giờ Bác Hồ trao cho chị em phụ nữ Việt Nam tám chữ vàng là "anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang". Tuy nhiên, các hệ giá trị đó chỉ chính xác vào thời kì chiến tranh, còn đến thời kì kiến thiết đất nước và trong hòa bình như thế này, chị em lại phải tự tin, tự lập, trung hậu, đảm đang… Mỗi một giai đoạn sẽ có một yêu cầu phù hợp đối với chuẩn mực con người để đáp ứng nhu cầu phát triển cũng như những giá trị mới của thời đại cũng như của nhân loại. Tuy nhiên về bản chất hệ giá trị của con người Việt Nam xưa và nay không mâu thuẫn nhau mà nó cùng hướng đến giá trị Chân – Thiện – Mĩ.

Trong bối cảnh đất nước chúng ta hiện nay, theo tôi ngoài yếu tố phẩm chất đạo đức chúng ta cần nhấn mạnh và đề cao đến yếu tố tài năng, chuyên môn để chúng ta thực hiện thắng lợi công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đưa đất nước phát triển, sánh vai với các cường quốc năm châu và trở nên phồn thịnh, độc lập, tự cường…

Theo GS.TS Từ Thị Loan, để những hệ giá trị thấm sâu vào cuộc sống cần phải tạo ra những "cú hích".

PV: Nhiều ý kiến cho rằng, xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thời đại mới là một hành trình lâu dài, bền bỉ chống lại những thói hư tật xấu, những biểu hiện tiêu cực của xã hội, ý kiến của GS về vấn đề này như thế nào?

GS.TS Từ Thị Loan: Thực tiễn đã chứng minh trong công cuộc xây dựng đất nước ở bất kỳ thời đại nào chúng ta cũng phải luôn luôn tiến hành song song vừa “xây” vừa “chống” và chúng ta không thể khẳng định xây phải nhiều hơn hay chống phải nhiều hơn, xây quan trọng hơn hay chống quan trọng hơn mà hai cái cần phải tiến hành đồng thời song song và bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên trong từng điều kiện, hoàn cảnh lịch sử cụ thể có những lúc chúng ta đẩy mạnh việc chống và ngược lại.

Chúng ta thấy không có ai là toàn vẹn cả, trong mỗi người bao giờ cũng có những thói hư, tật xấu. Thế nên, bên cạnh việc xây dựng những giá trị cũng như chuẩn mực tốt đẹp của người Việt Nam thì chúng ta phải chống lại những cái hạn chế, những thói hư tật xấu. Đặc biệt, thực tiễn hiện nay có không ít cán bộ, đảng viên không đi đầu gương mẫu, nói không đi đôi với làm, nhất là trong đợt chống dịch vừa qua, chúng ta đã xử lý một loạt cán bộ, trong đó có rất nhiều người giữ cương vị quan trọng của đất nước.

Tư tưởng tiểu nông, chậm chạp, lề mề, "cao su"… là cái rất cần phải thay đổi để chúng ta đi vào công nghiệp hóa – hiện đại hóa, hay là những vấn đề về thói láu cá, khôn vặt, chỉ thấy mình mà không thấy người cũng phải khắc phục. Thêm nữa là vấn đề nói xấu, kèn cựa, ghen ghét, hay bệnh thành tích, mất đoàn kết, bè phái, ham vui, hay nhậu nhẹt hay rượu chè… là những thói hư, tật xấu chúng ta cần phải giáo dục để rèn luyện, để khắc phục.

PV: Thưa GS, hiện nay nhiều ý kiến cho rằng việc suy thoái đạo đức ở một bộ phận người dân đang có chiều hướng gia tăng, vì thế việc xây dựng những hệ giá trị này lại càng khó khăn, theo GS điều này có đúng không? Và, làm thế nào để thực hiện được chủ trương lớn của Đảng đồng thời cũng là khát vọng của dân tộc, đó là xây dựng và sớm đưa hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam thấm sâu vào cuộc sống?

GS.TS Từ Thị Loan: Xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình là công cuộc rất dài và không ngừng phải bồi đắp, phải đấu tranh, lâu dài và bền bỉ. Chính vì khó khăn nên tôi nghĩ để hoàn thiện việc đó chúng ta cần phải có giải pháp hay quyết sách đầy đủ, toàn diện, đồng bộ.

Chúng ta không thể chỉ có hô hào suông, mà chúng ta phải có cái nhìn từ gốc rễ, căn nguyên của nó để chúng ta thay đổi. Trước tiên, chúng ta phải hoàn thiện thể chế, cơ chế quản lí điều hành đất nước. Rồi thể chế về quản lí kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, rồi về văn hóa, nghĩa là chúng ta điều hành đất nước mà không còn những kẽ hở, để cho các "quan tham", thói hư tật xấu không có cơ hội để hoành hành.

Thứ hai, chúng ta cần tiếp tục tăng cường tuyên truyền, giáo dục, khuyến khích mọi người thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng như báo đài, các kênh truyền hình, đặc biệt chúng ta phải phát huy vai trò của văn học nghệ thuật. Văn học nghệ thuật có sứ mệnh thiêng liêng, nó cảm hóa con người, khôi phục nhân tâm. Một cuốn sách, một vở kịch tốt, hay một bài hát đi vào lòng người, một bộ phim cuốn hút lay động nhân tâm, cảm hóa con người tốt hơn hàng triệu những lời hô hào suông.

Bên cạnh đó, chúng ta phải đề cao vai trò của nhà trường, gia đình, xã hội. Đặc biệt đối với gia đình là cái nôi, môi trường văn hóa đầu tiên hoàn thiện nhân cách con người thì những giá trị cá nhân, đạo đức cá nhân hình thành trong gia đình rất là quan trọng. Nhà trường bên cạnh chuyện dạy chữ, dạy nghề thì phải quan tâm giáo dục cả phẩm chất,  rèn luyện đạo đức, đưa vào chương trình giảng dạy, rèn luyện những phẩm chất ấy không chỉ ở trong các bậc phổ thông mà còn ở các trường đại học...

Và đến khi ra ngoài xã hội thì tập thể, cộng đồng, môi trường văn hóa đấy phải đào luyện với con người cho đến giá trị của quốc gia, giá trị của văn hóa. Bên cạnh việc chúng ta sử dụng chính các biện pháp về giáo dục, về văn hóa, về tuyên truyền, thì vẫn phải đề cao kỷ cương phép nước, phải tuân thủ pháp luật.

Ngoài ra, trong bối cảnh hiện nay, vấn đề đầu tàu gương mẫu của đảng viên, của những người lãnh đạo, những người điều hành, quản lí đất nước là rất quan trọng. Chúng ta phải thực hiện nghiêm "đảng viên đi trước, làng nước theo sau". Và Đảng phải thực sự "là đạo đức, là văn minh" như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Nếu như tất cả những điều này chúng ta thực hiện được và tiếp tục phát huy trong thời gian tới thì tôi hi vọng đó sẽ là "cú hích" làm biến chuyển rất rõ ràng việc chúng ta xây dựng tất cả các hệ giá trị và đưa nó thấm sâu vào cuộc sống./.

Nhóm phóng viên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực