Đặc sắc Lễ hội Mường Đòn ở Thanh Hóa

Thứ tư, 08/02/2023 16:45
(ĐCSVN) – Hằng năm, cứ đến dịp đầu xuân, người dân huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa vui mừng tổ chức lễ hội Mường Đòn để tưởng nhớ các vị thành hoàng đã có công khai ấp, lập Mường.
Nghi thức rước Kiệu Ông, kiệu Bà từ Đình Mường Đòn để tế lễ - Ảnh: Quách Phúc

Ngày 8/2 (tức ngày 18 tháng Giêng năm Quý Mão 2023), tại xã Thành Mỹ, huyện Thạch Thành, Thanh Hóa đã diễn ra khai mạc Lễ hội Mường Đòn.

Lễ hội Mường Đòn năm 2023 được tổ chức sau 3 năm gián đoạn do ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, nên thu hút đông đảo nhân dân, du khách thập phương về tham dự trong không khí vui tươi của những ngày đầu xuân Quý Mão.

Mường Đòn (trước đây là làng Vân Đội) gồm ba thôn của xã Thành Mỹ là Vân Đình, Vân Tiến, Phong Phú. Theo lời các cụ cao niên ở Mường Đòn kể lại: Cách đây hàng trăm năm, cả vùng đất này còn hoang vu heo hút, rừng rú bạt ngàn. Khi đó trên mảnh đất cao ráo và thế phong thuỷ đẹp có khoảng trên dưới 20 nhà chủ yếu là anh em huyết thống trong một dòng họ (Họ Trương) về đây dựng nhà, làm ăn sinh sống tạo ra Mường Đòn (tiếng Mường gọi là Mường Đón).

Ngay sau khi lập ra làng, ra Mường thì đồng thời họ đã xây dựng ngôi đình để thờ vị thành hoàng của làng là Bạch Mã Linh Lang Thượng Đẳng Thần. Vào ngày 18 tháng Giêng là ngày khánh thành đình, hơn hai chục gia đình họp mặt ăn mừng và cùng nhau đặt tên làng, tên đình là Mường Đòn, rồi bốc bát hương thờ cụ Tổ của làng làm Thành hoàng. Do đó ngày 18 tháng Giêng hằng năm được coi là ngày hội chính của làng.

Các đại biểu và đông đảo Nhân dân, du khách tham dự khai mạc Lễ hội Mường Đòn - Ảnh: Quách Phúc

Lễ hội Mường Đòn diễn ra vào ngày 18 tháng Giêng hàng năm nhằm tưởng nhớ công lao khai ấp, lập mường của ông Vũ Duy Dương và em gái Vũ Thị Cao, quê ở làng Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình). Theo các sắc phong còn lưu giữ tại đình Mường Đòn, thì ông Vũ Duy Dương là Tổng trấn giữ vùng đất phía Tây Thanh Hóa. Ông là một võ tướng có công phò Lê diệt Mạc cùng với 10 bộ tướng của mình lập được nhiều công trạng… Tưởng nhớ công lao to lớn giữ đất, giữ mường của ông, vua Lê Trang Tông ban cho sắc phong “Bạch Mã linh lang Thượng đẳng thần”, được dân làng lập đền thờ tôn ngài là Thành hoàng làng của Mường Đòn.

Bà Vũ Thị Cao khi biết anh trai mình dựng binh phò Lê diệt Mạc ở vùng núi xứ Thanh đã khăn gói từ đất Yên Mạc, Yên Mô (Ninh Bình vào Thanh Hóa. Vào đến nơi, biết tin anh trai hy sinh, bà đã ở lại hương khói cho anh, cùng bà con giết giặc, xây dựng bản Mường cho đến lúc mất. Bà được truy phong tước danh “Quế Hoa Nương vô phu quân thường tòng huynh binh tặc” và được Nhân dân lập đền thờ cúng tại thôn Vân Phong, gọi là đền Bà.

Lễ hội Mường Đòn diễn ra các hoạt động chính như lễ rước sắc, rước kiệu từ đình Mường Đòn ra đền Ông, đền Bà và từ đền về đình. Bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đã diễn ra sôi nổi như đánh mảng, đánh cù, bóng chuyền... cho đến ngày chính hội. Lễ hội có biểu diễn văn nghệ hát giao duyên, hát tuồng cổ, hát mường, hát xường... mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường. Hội Mường Đòn có thể kéo dài tới 5 ngày với rất nhiều các hoạt động truyền thống thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa hai dân tộc Mường - Kinh. Tham gia hội làng còn có đông đảo người dân của các làng, các xã kết chạ xung quanh.

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường biểu diễn tại Lễ hội - Ảnh: Quách Phúc

Nét đặc sắc trong Lễ hội Mường Đòn diễn ra hoạt động văn hóa, văn nghệ như: hát đúm, hát xường, hát giao duyên... Nét độc đáo ở lễ hội này chính là người dân nơi đây mặc dù sử dụng tiếng nói riêng của người Mường, nhưng lại duy trì các trò diễn tuồng và hát bội mà ca từ bằng tiếng Kinh.

Trong dịp hội làng, già trẻ, gái trai Mường Đòn vẫn say mê hát các làn điệu tuồng cổ Nam Bình, Nam Ai, Tẩu Mã, Hát khách... và hàng loạt vở diễn của làng như: Tam Cầu Tam Phóng, Tam khí Chu Du, San hậu đệ nhị, Chinh lưu địch thanh.... Không những vậy, các nghệ nhân nơi đây còn sáng tác những làn điệu tuồng mang hơi thở nhịp sống hiện đại, ca ngợi bản Mường, quê hương. Trong tiếng trống dạo, làn điệu tuồng vang vọng, xua tan sự tĩnh mịch nơi đại ngàn. Bởi thế, các tuồng tích đã được các thế hệ trước truyền lại, trở thành nhu cầu không thể thiếu trong đời sống văn hóa, tinh thần đối với người dân Mường Đòn ngày nay…

Một nét đặc sắc khác trong lễ hội nằm ở các giá trị văn hóa ẩm thực được biểu hiện ở việc thi làm cỗ để tế thần. Trong đó không thể thiếu được món cá đồ. Ngoài ra còn có các món thịt lợn thui, muối trắng xếp trên lá chuối, chả thìa, chả lá bưởi, xôi, rượu và các loại bánh. Các món bánh đều do người dân tự làm bằng nguyên liệu bột nếp và mật mía với cách đồ, hấp cổ truyền…

Hoạt động thể thao diễn ra trong khuôn khổ lễ hội - Ảnh: Quách Phúc

Năm 2023, Lễ hội Mường Đòn diễn ra các hoạt động chính như lễ rước sắc, rước kiệu từ đình Mường Đòn ra đền Ông, đền Bà và từ đền về đình. Bắt đầu từ ngày 14 tháng Giêng các hoạt động văn nghệ, thể thao, các trò chơi dân gian đã diễn ra sôi nổi như đánh mảng, đánh cù, bóng chuyền... Lễ hội Mường Đòn biểu diễn văn nghệ hát giao duyên, hát tuồng cổ, hát mường, hát xường... diễn ra mang đậm nét văn hóa truyền thống của dân tộc Mường.

Được biết, năm 2022, Lễ hội Mường Đòn là 1 trong 5 lễ hội trên cả nước được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định về việc tổ chức bảo tồn lễ hội truyền thống tiêu biểu các dân tộc thiểu số./.

 

Quách Văn Phúc (Phó Trưởng ban Tuyên giáo huyện Thạch Thành)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực