Sáng 13/10, tại Hà Nội, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet. Đồng chí Phan Xuân Thủy – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, thành viên Tiểu ban Truyền thông, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã tới dự và phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động. Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu của đồng chí Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương:
|
Đồng chí Phan Xuân Thủy - Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu chỉ đạo tại Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet (Ảnh: Mạnh Hùng) |
Kính thưa đồng chí Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế!
Kính thưa các đồng chí lãnh đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, lãnh đạo các Ban, Bộ, Ngành Trung ương!
Thưa toàn thể các đồng chí!
Hôm nay, chúng ta rất vui mừng và phấn khởi có mặt tại đây để tham dự Lễ phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet.
Thưa các đồng chí!
Dịch bệnh COVID-19, với sự xuất hiện của biến chủng Delta vẫn đang diễn biến phức tạp, bùng phát mạnh, lây lan nhanh và gây tử vong cao tại nhiều nước trên thế giới, nhất là tại khu vực Đông Nam Á. Tại Việt Nam, đợt bùng phát dịch lần thứ tư có tốc độ lây rất nhanh, đã lan rộng ra nhiều địa phương với quy mô lớn nhất từ trước đến nay và tiếp tục diễn biến khó lường. Đặc biệt, dịch bệnh đã lan rộng vào cộng đồng ở nhiều khu vực trong cả nước, đặc biệt là các tỉnh, thành phố phía Nam, gây tổn hại rất lớn về tính mạng, sức khỏe và đời sống nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trước những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch, với tinh thần "chống dịch như chống giặc" và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của nhân dân lên trên hết, trước hết. Lãnh đạo chủ chốt của Đảng, Nhà nước thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo và đề ra những định hướng lớn, các phương châm, đường lối, chiến lược về phòng, chống dịch. Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã chỉ đạo đồng bộ, tổng thể công tác phòng, chống dịch, bảo đảm an ninh, trật tự xã hội, huy động và vận động xã hội, sản xuất và lưu thông hàng hóa, bảo đảm nguồn lực và thông tin truyền thông; qua đó đã từng bước kiểm soát được tình hình dịch bệnh, sớm đưa cuộc sống trở lại trạng thái "bình thường mới", với những kết quả đạt được là đáng ghi nhận.
Tuy nhiên, công tác phòng, chống dịch thời gian qua vẫn còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Nghị quyết số 86/NQ-CP của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội khóa XV và mới đây nhất tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã chỉ rõ những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19, đó là: không ít cơ quan, đơn vị, địa phương còn thực hiện chưa thật nghiêm, thật dứt khoát, thực hiện các biện pháp theo quy định, thậm chí còn chủ quan, lơ là; thiếu đôn đốc, kiểm tra, giám sát. Tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, chậm được khắc phục, nhất là ở cơ sở tại một số địa phương. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” ở nhiều nơi còn chưa được quán triệt, chưa đúng, chưa đầy đủ trách nhiệm, còn bộc lộ nhiều hạn chế dẫn tới lúng túng khi tình hình, diễn biến dịch bệnh thay đổi. Việc quản lý, kiểm soát người ra vào vùng có dịch chưa chặt chẽ, không ít nơi còn buông lỏng, chủ quan. Một bộ phận tổ chức, doanh nghiệp, người dân chưa ý thức được sự nguy hiểm, lây lan nhanh của biến chủng mới Delta và chưa chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch bệnh...
Để công tác chỉ đạo, điều hành tập trung, đáp ứng yêu cầu huy động nhanh nhất, hiệu quả nhất mọi nguồn lực, biện pháp để sớm ngăn chặn, kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống sinh hoạt và sản xuất trở lại trạng thái bình thường mới, Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa XIII đã chỉ rõ: Sau gần 2 năm kể từ khi xuất hiện, dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp, khó lường trên phạm vi toàn cầu, xuất hiện liên tục các biến chủng mới. Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường; có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Cần phải có lộ trình thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Hội nghị đặt ra mục tiêu: Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, từng bước đưa cả nước chuyển sang trạng thái bình thường mới; bảo vệ tối đa sức khoẻ, tính mạng của người dân; khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch, thống nhất một ứng dụng công nghệ bảo đảm kết nối, liên thông, thuận lợi khi sử dụng và an ninh, an toàn thông tin. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền tạo đồng thuận, niềm tin xã hội; nâng cao nhận thức, tinh thần tự giác, chủ động, tích cực của các cơ quan, đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch.
Chính vì vậy, việc chú trọng công tác tuyên truyền là hết sức quan trọng để tạo sự thống nhất nhận thức rằng “khống chế dịch tuyệt đối là rất khó khăn”; “phòng dịch vẫn là chính, là cơ bản, chiến lược, lâu dài; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác”; các cấp, các ngành, doanh nghiệp, tổ chức, cơ quan, đơn vị cần chủ động các phương án, kịch bản chống dịch thích ứng, phù hợp, hiệu quả, với tinh thần “bảo vệ sức khỏe, tính mạng của Nhân dân là trên hết, trước hết”; công tác phòng, chống dịch phải “từ xa, từ sớm, từ cơ sở”, người dân là trung tâm phục vụ, là chủ thể trong phòng, chống dịch; xã, phường, thị trấn thật sự là “pháo đài”, người dân thật sự là “chiến sỹ” trong phòng, chống dịch... Đặc biệt, phải tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức người dân, nhất là trong việc chủ động, tự giác thực hiện, chấp hành các biện pháp phòng, chống dịch; phòng dịch tốt thì không phải chống dịch.
Với ý nghĩa trên, hôm nay, Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với các đơn vị chức năng của Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” trên mạng xã hội VCNet. Cuộc thi sẽ diễn ra từ ngày 13/10/2021 đến ngày 26/1/2022.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Mặc dù mới ra đời, mạng xã hội VCNet của Ban Tuyên giáo Trung ương trong thời gian qua đã có nhiều hoạt động tích cực, tổ chức một số cuộc thi được đông đảo người dân tham gia như Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm lịch sử vẻ vang của Đảng Cộng sản Việt Nam”, Cuộc thi trắc nghiệm “Tìm hiểu 90 năm Ngày truyền thống ngành Tuyên giáo của Đảng”, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay vì an toàn giao thông”. Phát huy những kết quả đã đạt được, việc tổ chức Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” có ý nghĩa thiết thực, góp phần nâng cao nhận thức trong mọi tầng lớp xã hội, để mọi người dân có ý thức thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19; góp phần xây dựng thói quen, lối sống lành mạnh trong việc tự chăm sóc, bảo vệ sức khỏe bản thân, tránh lây nhiễm bệnh, cũng như trang bị những kiến thức cơ bản giúp người dân có kỹ năng để phòng bệnh COVID-19.
Nhân sự kiện này, tôi yêu cầu Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng và các cơ quan báo chí nói chung đã làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền về phòng, chống dịch COVID-19 thì phải tiếp tục làm tốt hơn nữa, bảo đảm thống nhất, kịp thời, chính xác, tạo sự thống nhất cao về ý chí quyết tâm và hành động trong hệ thống chính trị và nhân dân. Nâng cao hơn nữa nhận thức, khơi dậy và phát huy cao nhất tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc Việt Nam trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, giúp bạn bè quốc tế hiểu đúng, hiểu rõ hơn về chủ trương của Đảng, Chính phủ, những thành tựu, tinh thần đoàn kết, nỗ lực của Việt Nam cùng với sự chia sẻ, hỗ trợ đối với bạn bè quốc tế và sự giúp đỡ hết sức đáng quý của bạn bè quốc tế đối với Việt Nam trong cuộc chiến chống lại đại dịch.
Thưa các đồng chí và quý vị đại biểu!
Báo chí có vai trò quan trọng trong xã hội hiện đại, tuyên truyền thông tin không chỉ là phương pháp, phương tiện và công cụ mà còn là nguồn lực, động lực để định hướng kịp thời và tích cực để nhân dân đồng tình, ủng hộ thực hiện. Chính vì vậy, các cơ quan báo chí, các đoàn thể cần tiếp tục tuyên truyền, động viên, cổ vũ các cấp, các ngành và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia phòng, chống dịch và triển khai nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới với giải pháp chiến lược “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19”. Chủ động lan tỏa những thông tin tích cực và đấu tranh, phản bác các thông tin giả, xuyên tạc về công tác phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời tuyên truyền về Cuộc thi này để đông đảo người dân tham gia.
Để Cuộc thi đạt kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức, nâng cao nhận thức của người dân trong việc thực hiện nghiêm công tác phòng chống dịch COVID -19, tôi đề nghị Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, các đơn vị chức năng thuộc Bộ Y tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp chặt chẽ với nhau để chuẩn bị kỹ càng các bộ câu hỏi và đáp án hàng tuần, đảm bảo tính chính xác, tính hệ thống; cơ cấu, nội dung các bộ câu hỏi tuân thủ chặt chẽ mục đích, yêu cầu của Cuộc thi đề ra. Đặc biệt chú trọng tập trung số lượng các câu hỏi vào một số nội dung trọng tâm, cấp bách, nhằm tuyên truyền các giải pháp, sáng kiến của các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch COVID-19 và thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội.
Song song với việc ra câu hỏi, Cuộc thi cần cung cấp các tài liệu tham khảo sát với nội dung các câu hỏi, giúp người dự thi vừa tìm được đáp án cho câu hỏi, vừa được bổ sung kiến thức, cập nhật được các văn bản chỉ đạo, chính sách, hướng dẫn mới của các cơ quan chức năng về dịch bệnh COVID-19.
Tôi tin tưởng rằng, với việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, trong đó có đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ cụ thể, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa Ban Tổ chức Cuộc thi với các cấp, các ngành và các cơ quan báo chí, Cuộc thi trắc nghiệm “Chung tay phòng, chống dịch COVID-19” sẽ đạt kết quả tốt đẹp, góp phần tích cực vào công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 trong thời gian tới.
Thay mặt Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, tôi kính chúc quý vị sức khỏe và thành công! Chúc Cuộc thi đạt kết quả tốt đẹp!