Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam

Thứ năm, 14/12/2023 21:29
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Đến năm 2028, phấn đấu 100% sản phẩm truyền thông được số hóa, kết nối, sử dụng chung và phổ biến trên không gian mạng để lan tỏa thông tin tích cực, nhân văn; phát hiện, xử lý 80% tin sai lệch, tin xấu độc về tổ chức và hoạt động Công đoàn Việt Nam.
 Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân phát biểu tại tọa đàm.

Ngày 14/12, Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức Tọa đàm khoa học: "Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến với các địa phương trong cả nước.

Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Huỳnh Thanh Xuân và Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long, Chủ tịch Công đoàn Thông tin và Truyền thông đồng chủ trì tọa đàm.

Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Huỳnh Thanh Xuân cho biết, thực hiện Chương trình số 01/CTr-TLĐ năm 2020 của Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn về "Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam đến năm 2023", những năm qua, công tác truyền thông của các cấp Công đoàn có nhiều đổi mới, chuyển đổi từ "tuyên truyền một chiều" sang đẩy mạnh "truyền thông tương tác" nhiều hơn, mềm dẻo và linh hoạt hơn.

Nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động truyền thông có hiệu quả, lan tỏa sâu rộng trong đoàn viên, người lao động và xã hội; từng bước đẩy lùi thông tin xấu độc, xuyên tạc về giai cấp công nhân, tổ chức công đoàn.

Hoạt động truyền thông tại các công đoàn cơ sở (CĐCS) đã có những cải tiến đáng kể, khi đã quan tâm nhiều hơn đến các hoạt động truyền thông, chuyển dần từ tuyên truyền truyền thống sang ứng dụng công nghệ; phối hợp chặt chẽ, đồng bộ giữa truyền thông doanh nghiệp và truyền thông công đoàn để đạt mục tiêu chung là xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa công nhân.

Công đoàn Việt Nam hiện có hơn 11 triệu đoàn viên, sinh hoạt tại hơn 123.000 CĐCS trên cả nước, từ miền núi đến đồng bằng, trên tất cả lĩnh vực, ngành nghề. Công đoàn Việt Nam có 02 cơ quan báo, 01 tạp chí, 05 tạp chí thông tin khoa học. Các cơ quan báo chí công đoàn đã nhanh chóng hiện đại hóa phương thức làm báo, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, tính chuyên sâu của các chương trình, tin, bài, khẳng định vai trò của truyền thông trong đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, ông Huỳnh Thanh Xuân nói.

Trong bối cảnh mới, nguồn thông tin ngày càng phong phú, đa chiều, sự bùng nổ của công nghệ và các hình thức truyền thông đã đặt ra những yêu cầu mới và ngày càng cao đối với truyền thông công đoàn.

 Các đại biểu chia sẻ tại tọa đàm.

Tại tọa đàm, các chuyên gia truyền thông, cán bộ công đoàn cho rằng, thời gian tới, cần tăng cường chủ động, phối hợp cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí Trung ương, Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh; tổ chức giao ban báo chí hằng quý...

Muốn công tác truyền thông đạt hiệu quả tốt cần có sự đầu tư về con người, thời gian, trang thiết bị, nguồn kinh phí. Tăng cường thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu với báo chí, truyền thông trong và ngoài hệ thống công đoàn.

Công tác truyền thông phải hướng về cơ sở, do cơ sở thực hiện, gắn với triển khai nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị, cơ sở, với nhu cầu, thói quen, sở thích, xu hướng tiếp cận thông tin của đoàn viên, người lao động....

Các ý kiến cũng đóng góp để hoàn thiện dự thảo chương trình “Đẩy mạnh công tác truyền thông Công đoàn Việt Nam giai đoạn 2023 - 2028” trình Ban Chấp hành Tổng Liên đoàn thông qua và triển khai trong toàn hệ thống Công đoàn trong thời gian tới.

Theo dự thảo, đến năm 2028, có 100% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan công đoàn tuân thủ cơ chế phát ngôn về hoạt động công đoàn.

Người phát ngôn của Tổng LĐLĐ Việt Nam cung cấp thông tin định kỳ cho báo chí theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

100% cán bộ công đoàn làm công tác chỉ đạo và trực tiếp tham mưu công tác truyền thông ở các LĐLĐ tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương; công đoàn Tổng công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn.

70% cán bộ lãnh đạo công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở; 50% cán bộ lãnh đạo công đoàn cơ sở, ưu tiên trước hết cho khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước được bồi dưỡng nâng cao năng lực truyền thông.

Đa dạng hóa hình thức các sản phẩm truyền thông về tổ chức và hoạt động Công đoàn trên hệ thống trang thông tin điện tử, các báo, tạp chí và các hình thức truyền thông khác.

Nâng tỉ trọng các sản phẩm truyền thông trên nền tảng số chiếm 50% tổng số sản phẩm truyền thông của các cấp Công đoàn… 

Minh Châu

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực