Đốt vàng mã có gửi tới được cõi âm?

Chủ nhật, 28/02/2016 23:35
(ĐCSVN) - Đốt tiền, vàng mã và những vật dụng, đồ dùng... hàng mã (gọi chung là hóa vàng) đã thành thói quen tràn lan trong các dịp lễ hội, ma chay. Trước sự lãng phí và nhận thức không đúng đắn về hóa vàng, các nhà nghiên cứu, chức sắc Phật giáo đã có nhiều ý kiến rất đáng quan tâm.

Tục lệ đốt tiền, vàng mã hiện nay không còn nằm trong phạm vi cúng giỗ tại mỗi gia đình và chùa đền mà nó đã lan sang nhiều đơn vị mỗi khi khánh thành, khởi công, chuyển văn phòng... Với quan niệm “trần sao âm vậy”, người ta đã đốt với số lượng lớn vàng mã, tiền vàng và các loại hàng mã từ cái mũ, đôi giầy, đến cả nhà lầu, xe hơi… để mong sao người quá cố không thiếu thốn và phù hộ cho mình được cái này, cái kia. Nhưng khi được hỏi, nguồn gốc của tập tục này, người mất có nhận được không, đa phần người hóa vàng chỉ biết trả lời chung chung: Thấy xưa nay các cụ làm thế thì mình cũng làm theo, nhận được hay không thì mình cũng vẫn hóa cho yên tâm.

Trao đổi với phóng viên về tâm lí này, Trưởng lão Giới Tịch (Chùa Ô Môn- huyện Ô Môn- TP.Cần Thơ) cho rằng, việc sắm rất nhiều hàng mã, vàng mã để đốt hay việc sắm lễ vật này nọ rồi khấn xin đủ thứ, vô tình đã hình thành tâm lí trông chờ và trở thành cái cớ để bấu víu vào đó mà lười tu dưỡng, lao động. Theo Trưởng lão, đến chùa, đến đền hay cúng giỗ tổ tiên là để nhìn lại cái tâm của mình mà tỉnh thức, làm cho tâm hồn thiện hơn. Với quan điểm này, các thầy ở chùa Ô Môn đã tuyên truyền, khuyên bảo Phật tử bỏ tục lệ đốt tiền, vàng mã. Tại chùa Ô Môn giờ đã không có cảnh đốt vàng mã.

Trưởng lão Giới Tịch giải thích thêm: Phật giáo quan niệm, người chết chậm nhất là sau 49 ngày sẽ tùy nghiệp thác sinh vào những cảnh giới thiện ác khác nhau, tùy thuộc vào việc tạo dựng của người đó khi còn sống. Cảnh giới khác nhau, thì vật dụng của mỗi loài tùy nghiệp thức, mà họ cũng thọ dụng cũng khác nhau. Do đó, không thể đem những vật dụng ở cõi người trần mà cung cấp cho những chúng sinh ở các cõi khác.

Thượng tọa Thích Thanh Huân. Ảnh: An Luých

Để tìm hiểu thêm, phóng viên đã trao đổi với Thượng tọa Thích Thanh Huân - Phó Chánh văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Trụ trì chùa Pháp Vân (Hà Nội)  và nhiều vị chức sắc Phật giáo khác. Các vị đều khẳng định, giáo lí, giáo luật của Phật giáo không có việc đốt tiền, vàng mã hay hàng mã. Hành giáo chỉ khuyên làm nhiều phục thiện, lấy công đức để siêu độ vong linh. Thay vì mua sắm vàng mã đốt cho cha mẹ, thì nên dùng tiền đó để chia sẻ cho những người nghèo khó, lấy phúc lành thiết thực đó hồi hướng cho gia tiên, như vậy sẽ lợi ích, không chỉ cho người hiện tại mà còn cho cả người đã khuất.

“Người đã mất ở thế giới bên kia tùy theo nghiệp cầm mà đầu thai vào các cảnh giới khác nhau tương ứng với việc làm phúc thiện của họ khi còn sống nơi trần gian. Đối với gia tiên không nên dùng tiền, vàng để cúng, vì thực tế những người đã mất không nhận được những đồ đó, chẳng qua chỉ là đáp ứng tâm nguyện của con cháu trong gia đình”. Thượng tọa Thích Thanh Huân nói.

Vậy sao hóa vàng vẫn tồn tại ở nhiều đền chùa hiện nay? Theo Thượng tọa Thích Thanh Huân, đó là do tập tục dân gian đem vào và nó đã ăn quá sâu vào tiềm thức người đi lễ đền, chùa. Nhà chùa dù không muốn cũng không cấm được, chỉ có thể tuyên truyền, vận động để các Phật tử tự giác hạn chế, tiến tới bỏ tập tục này.

Ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam). Ảnh: An Luých

Ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng ban Tôn giáo (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam) cũng cảnh báo: Khoảng cách giữa đáp ứng yếu tố tâm lí và mê tín trong hóa vàng là rất mong manh. Theo ông Thanh, để hạn chế tình trạng hóa vàng tràn lan tốn kém và ảnh hưởng xấu tới môi trường, không gian lễ hội, các chức sắc Phật giáo, cơ quan truyền thông cần vào cuộc tích cực hơn, thường xuyên hơn để từng bước thay đổi nhận thức của người dân; có thể đưa nội dung này vào quy ước văn hóa làng xã, vào nội dung vận động Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh hiện nay./.

An Luých

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực