Góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại

Thứ hai, 20/06/2022 15:26
(ĐCSVN) - Nội dung là yếu tố quan trọng nhất, quyết định tính hấp dẫn, sự tồn tại của một tờ báo. Chăm lo nội dung là giải pháp góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại.

Nhằm nâng cao chất lượng nội dung các sản phẩm báo chí, Hội Nhà báo các tỉnh, Liên chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam đã có nhiều giải pháp, mang lại hiệu quả cao.

Đại tá Lê Ngọc Long - Phó Tổng Biên tập, Chủ tịch Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân cho biết, Liên chi hội thường xuyên tổ chức nói chuyện chuyên đề với sự tham gia của các diễn giả, chuyên gia, nhà báo lão thành.

Chăm lo nội dung đồng thời mang lại cho các tòa soạn cơ hội thực hiện chức năng kinh tế báo chí thông qua việc mở rộng đối tượng phát hành, thu hút quảng cáo (Ảnh minh họa)

Nội dung các buổi nói chuyện tập trung vào truyền thụ kinh nghiệm làm báo để hội viên có thêm thông tin, hiểu biết về hoạt động nghiệp vụ của các thế hệ nhà báo đi trước, nhất là kinh nghiệm giữ vững ý chí, bản lĩnh chính trị, cách thức tiếp cận, khai thác, xử lý nguồn tin khi tác nghiệp trong những hoàn cảnh khó khăn như chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh, tình huống khẩn cấp…

Để giúp hội viên sáng tạo được những tác phẩm báo chí “đúng, trúng, hay” về đề tài xây dựng đảng, Liên chi hội mời các chuyên gia của Ban Tổ chức Trung ương nói chuyện về những vấn đề cơ bản trong công tác xây dựng đảng hiện nay mà báo chí cần tập trung tuyên truyền, đồng thời gợi mở những vấn đề về công tác xây dựng đảng được dư luận quan tâm.

Liên chi hội còn thường xuyên tổ chức các buổi sinh hoạt, tọa đàm trao đổi nghiệp vụ về các chuyên đề như: “chống sai sót”, “chống viết nhạt”, “kinh nghiệm viết điển hình hay”, “Nâng cao hiệu quả tuyên truyền về đấu tranh phòng chống thông tin xấu, độc”… - Đại tá Lê Ngọc Long cho biết thêm.

Tại Báo Quân đội nhân dân, ngoài chế độ giao ban buổi sáng triển khai công việc làm báo hàng ngày do Tổng Biên tập chủ trì, vào chiều thứ ba hàng tuần, chi hội các phòng, ban chuyên môn khối biên tập duy trì nghiêm chế độ trao đổi, rút kinh nghiệm về công việc làm báo trong tuần.

Cán bộ chỉ huy các phòng, ban là Thư ký Chi hội trực tiếp nhận xét về thái độ, tác phong làm việc và kết quả thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của từng phóng viên, hội viên, đồng thời nhận xét chất lượng tác phẩm báo chí của mỗi phóng viên.

Cách làm này giúp nâng cao thái độ, trách nhiệm của phóng viên, hội viên trong hoạt động nghiệp vụ; nhắc nhở hội viên, phóng viên thực hiện nghiêm quy trình, kỷ luật làm báo, không để xảy ra sai sót, đảm bảo an toàn thông tin trên các ấn phẩm.

Hàng quý, Liên chi hội duy trì nền nếp, hiệu quả việc tổ chức thẩm định, trao giải thưởng “Bài hay, ảnh đẹp, trình bày tốt”, góp phần khích lệ, thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo trong hoạt động báo chí, đồng thời giúp lựa chọn những tác phẩm báo chí chất lượng cao tham dự các giải báo chí lớn của đất nước.

Từ năm 2016 đến nay, Liên chi hội Báo Quân đội nhân dân đã đoạt 14 Giải Báo chí quốc gia, 9 Giải Báo chí toàn quốc về xây dựng đảng cùng hàng chục giải báo chí chuyên ngành do Mặt trận Tổ quốc và các Ban, Bộ, ngành Trung ương, địa phương tổ chức - Đại tá Lê Ngọc Long nói.

Tương tự Liên chi hội nhà báo Báo Quân đội nhân dân, Hội Nhà báo tỉnh Đồng Nai hiện sở hữu số lượng Giải Báo chí Quốc gia đáng nể, với 30 giải, gồm: 4 giải A, 4 giải B, 9 giải C và 13 giải Khuyến khích. Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh vinh dự đoạt cả 4 giải A gồm 2 giải cho các loạt phóng sự điều tra truyền hình và 2 giải các loạt phóng sự phát thanh. Trong 3 năm từ 2018 - 2020, Phòng Thời sự liên tiếp đoạt 5 Giải Báo chí Quốc gia ở cả loại hình phát thanh và truyền hình.

Tự hào về những thành tích nghiệp vụ của đơn vị, nhà báo Trần Nam Đông - Giám đốc Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai cho biết, để có những tác phẩm báo chí có nội dung và hình thức hấp dẫn, đạt hiệu quả xã hội to lớn như vậy, một trong những giải pháp của Đài là thường xuyên “uốn nắn” cho phóng viên, biên tập viên. Định kỳ hoặc đột xuất, Ban Giám đốc họp với các phòng, ban chuyên môn để chấn chỉnh, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, nhất là đạo đức nghề nghiệp người làm báo.

Bên cạnh đó, Đài có Quy chế khen thưởng đối với các tác phẩm báo chí đoạt giải. Tùy theo cấp độ giải thưởng, Đài vừa khen thưởng gấp đôi mức tiền giải, vừa nâng bậc thi đua, xem xét kết nạp Đảng, xem xét quy hoạch vào các vị trí lãnh đạo đối với các tác giả đoạt giải… Ngoài ra, để kịp thời biểu dương các tác phẩm hay, chất lượng, Ban Giám đốc đều “thưởng nóng” tại buổi chào cờ sáng thứ hai hàng tuần cho các phóng viên.

Việc biểu dương, khen thưởng kịp thời và xứng đáng đã tạo niềm tin, động lực cho các nhà báo ở Đồng Nai không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ, tiếp tục phấn đấu đoạt các giải thưởng nghề nghiệp cao quý.

 Phóng viên trao đổi, tìm chất liệu cho bài viết về cuộc sống của người dân tộc thiểu số 

Ông Đinh Anh Đức - Phó Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh Sơn La cho biết, để nâng cao chất lượng nội dung các sản phẩm báo chí trong điều kiện địa bàn hoạt động là tỉnh biên giới, miền núi, dân tộc, Hội tham mưu cho UBND tỉnh duy trì giải báo chí cấp tỉnh hàng năm mang tên “Giải báo chí Suối Reo” dành cho tất cả các loại hình báo chí.

Các tác giả có tác phẩm đoạt giải A được UBND tỉnh tặng Bằng khen, được nâng lương trước hạn; tác phẩm được tỉnh chấp thuận là công trình sáng tạo để xét thi đua khen thưởng.

Riêng tác phẩm đoạt giải A trước khi gửi dự thi Giải Báo chí toàn quốc về công tác xây dựng đảng và Cuộc vận động sáng tác các tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được tặng tiền thưởng 15 triệu đồng và Bằng khen của Tỉnh ủy.

Hội Nhà báo tỉnh còn phối hợp với với các sở, ban, ngành tổ chức các giải chuyên đề về lực lượng vũ trang Quân khu 2; các cuộc thi báo chí: “Thành phố Sơn La - 60 năm xây dựng và phát triển”, “Ngã ba Cò Nòi anh hùng - dấu ấn lịch sử chiến dịch Điện Biên Phủ”, “Lao Khô - biểu tượng tình hữu nghị Việt Nam - Lào”, “Đưa nghị quyết của Đảng vào cuộc sống”, “Nông dân Sơn La đổi mới và phát triển” cùng nhiều giải báo chí chuyên đề khác.

Các cuộc thi đó đã tạo khí thế thi đua sôi nổi, trở thành phong trào rộng khắp, lan tỏa đến các cơ quan báo chí, góp phần nâng cao chất lượng các sản phẩm báo chí trên địa bàn - ông Đinh Anh Đức nói.

Tính đến hết tháng 4/2022, Hội Nhà báo Việt Nam có 21.201 hội viên, thuộc 288 tổ chức hội. Đây là đội ngũ đang ngày đêm trực tiếp sáng tạo, chăm lo phần nội dung cho các tác phẩm báo chí. Mỗi tòa soạn có những cách làm khác nhau, tùy theo tôn chỉ, khả năng của đơn vị nhưng đều có mục đích chung là tập trung chăm lo phần nội dung - yếu tố quan trọng nhất quyết định sức hấp dẫn với độc giả, cũng có nghĩa là yếu tố quyết định đến sự tồn tại và khả năng thực hiện kinh tế báo chí của tờ báo.

Nhớ lại, trong bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (ngày 31/12/2021), đồng chí Võ Văn Thưởng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ghi nhận:Nội dung thông tin trên báo chí ngày càng toàn diện, đa dạng, phong phú; chất lượng chính trị, giá trị văn hóa trong các tác phẩm báo chí không ngừng được nâng cao”.

Sự ghi nhận của lãnh đạo Đảng đã tạo thêm động lực để các tòa soạn tiếp tục theo đuổi con đường đúng đắn là không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm báo chí. Những nỗ lực đó đã và đang góp phần xây dựng nền báo chí cách mạng Việt Nam ngày càng nhân văn, chuyên nghiệp, hiện đại, thực hiện tốt chức năng thông tin và định hướng dư luận xã hội, tạo đồng thuận xã hội vì mục tiêu ổn định chính trị, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; khơi dậy trong nhân dân ý thức, quyết tâm, khát vọng xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc./.


Bài, ảnh: Phương Liên

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực