Hình tượng Đảng và lãnh tụ trong thơ ca

Thứ ba, 04/02/2020 09:30
(ĐCSVN) - Kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thực tiễn phong phú của cách mạng Việt Nam từ ngày có Đảng đến nay đã chứng minh rằng, sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng nước ta, làm nên nhiều kỳ tích trên đất nước Việt Nam”.

Những kỳ tích thiêng liêng đó đã được các thế hệ nhà thơ Việt Nam trân trọng, tri ân, xây dựng nên hình tượng “Đảng chói lọi, Hồ Chí Minh vĩ đại” bằng ngôn ngữ thơ ca.

Sức mạnh thần kỳ

Đảng và lãnh tụ luôn là một đề tài thiêng liêng, là đối tượng thẩm mỹ thu hút sự tham gia sáng tạo của văn nghệ sĩ. Hình tượng Đảng - Bác Hồ là cảm hứng và đối tượng thẩm mỹ của nhà thơ các thế hệ. Những nhà thơ tên tuổi đã có nhiều tác phẩm tiêu biểu về Đảng và Bác Hồ, như: Tố Hữu, Chế Lan Viên, Xuân Diệu, Huy Cận, Tế Hanh, Hoàng Trung Thông, Nông Quốc Chấn, Phạm Hổ, Khương Hữu Dụng, Anh Thơ…

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử cách mạng. Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam. Sự lãnh đạo của Đảng thể hiện qua các chủ trương, đường lối, chính sách cách mạng đúng đắn; qua phẩm chất trung kiên, trí tuệ của người chiến sĩ cách mạng; thể hiện đầy sức thuyết phục qua những hoạt động cách mạng. Từ ngày đầu, lực lượng rất mỏng với “Chi bộ ba người”, nhưng nhờ đoàn kết, tập hợp quần chúng, được nhân dân tin yêu, đùm bọc, che chở, hiện Đảng Cộng sản Việt Nam có hơn 5.2 triệu đảng viên. Trong 90 năm qua, Đảng đã lãnh đạo nhân dân ta trong hành trình bền bỉ bảo vệ, dựng xây đất nước, làm nên những kỳ tích vĩ đại để reo ca khúc khải hoàn “Thật đây rồi, hạnh phúc cầm tay/ Độc lập, tự do từ nay vĩnh viễn” (Tố Hữu).

Công lao của Đảng được ví như sông dài, biển rộng, núi cao… Đảng được tôn vinh gắn với những biểu tượng cao quý, thiêng liêng. Về mặt hình thức, kết cấu định danh “Đảng… là, như, như là…” được các nhà thơ sử dụng với tần suất lớn. Nhân kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Đảng Xuân năm Canh Tý 1960, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bài thơ “Đảng ta” cô đọng, hàm súc, khái quát sức mạnh vĩ đại của Đảng, như “biển rộng, như núi cao”, định nghĩa Đảng là “đạo đức, là văn minh”, là “thống nhất, độc lập”, là “hòa bình, ấm no”, đánh giá công lao cùng lòng biết ơn “Công ơn Đảng thật là to/ Ba mươi năm lịch sử Đảng là cả một pho lịch sử bằng vàng”. Cùng thời điểm đó, Tố Hữu đã dâng Đảng bài thơ “Ba mươi năm đời ta có Đảng”. Bài thơ có dung lượng như một trường ca đã khẳng định Đảng ta là “Đảng Mác - Lênin vĩ đại” với sức mạnh vĩ đại, nhiệm màu “trăm tay nghìn mắt”, “xương sắt da đồng”; đoàn kết tập hợp từ “muôn vạn công nông”, “muôn vạn tấm lòng niềm tin”… Bằng cái nhìn trực giác, nhà thơ Chế Lan Viên định nghĩa về Đảng từ những chi tiết gần gũi, cụ thể: “Đảng ở đâu phân phối trái vườn thơm… Mưa tám trăm ly Bác phải lội bùn/ Hạn cháy lúa, Thủ tướng cùng dân đi tát nước” (Nghĩ về Đảng); đến tầm khái quát, tổng hợp vốn là thế mạnh, sở trường của ông: “Đảng nghĩ số triệu dân, nghĩ sức nước sông Cả, sông Hồng/ Nghĩ vóc dáng những Trường Sơn, dung mạo những đồng bằng/ Nhưng mâm cơm ta có gì, Trung ương phải nghĩ”. Đảng hiện lên ở tầm cao vĩ đại, là khát vọng vươn tới một tương lai rạng rỡ, vì một nước Việt Nam hòa bình, độc lập và phát triển cường thịnh… Trong bài thơ “Nghĩ về Đảng”, nhà thơ Tạ Hữu Yên đã định nghĩa về Đảng vừa cụ thể và giàu sức khái quát: Đảng là lúa chín mùa no, Đảng là điện sáng vùng cao, Đảng là cây bốn mùa hoa, Đảng là nắng ấm vầng đông,  Đảng là của bạn của tôi…

 Ảnh minh họa (CPV)

Đảng vĩ đại được so sánh với những hiện tượng thiên nhiên: “Ơi những con sông dòng sâu biết mấy/ Và những đỉnh núi kia cao bấy nhiêu tầm/ Ơn Đảng - Bác Hồ hà hải, sơn thâm”… Từ góc nhìn văn hóa, các nhà thơ xây dựng hình tượng Đảng gắn với những biểu tượng văn hóa dân tộc, như: nỏ thần: “Với địch, Đảng có chiếc nỏ thần An Dương Vương xưa/ Nhưng Đảng không để mất bao giờ"; là cổ tích mang triết lý nhân sinh “Là ông Bụt hiện lên trong Tấm Cám/ Đảng cho người nghèo đôi hài thêu đi lên vui sướng” (Phạm Hổ); là sức mạnh Phù Đổng Thiên Vương “Sức Phù Đổng không vừa tầm dũng sĩ” (Chế Lan Viên)…

Xây dựng hình tượng Đảng, các nhà thơ có xu hướng chọn những biểu tượng màu sắc tươi sáng, nóng ấm của bình minh, mặt trời, ánh dương, ngọn lửa… Màu cờ đỏ của Ðảng chói lọi như mặt trời mới mọc, xé tan cái màn đen tối, soi đường dẫn lối cho nhân dân vững bước tiến lên con đường cách mạng. Tố Hữu xây dựng biểu tượng ngợi ca Đảng: “Lần đêm bước đến khi hừng sáng/ Mặt trời lên cờ Đảng giương cao” (Ba mươi năm đời ta có Đảng); “Người đã đến chói chang nắng dội/Trong lòng tôi ôi Đảng thân yêu” (Một nhành xuân); “Cảm ơn Đảng của chúng ta, Đảng đã làm ra ánh sáng” (Bài ca Xuân 68). Nhà thơ Sóng Hồng (Trường Chinh) khẳng định chân lý của Đảng: “Bình minh bừng sáng ở phương Đông/ Xé toạc màn sương phủ cánh đồng/ Đêm sẽ qua đi, ngày sẽ lại/ Trời quang, mây tạnh, ánh dương hồng” (Tin tưởng). Nhà thơ Phạm Hổ nhìn thấy hào quang tỏa sáng của Đảng trong hình ảnh vì sao, ánh đèn, ngọn hải đăng “Theo Đảng nhìn trời, không chỉ thấy sao/ Thấy những ánh đèn nhà cửa mai sau/ Góp một ngọn hải đăng trên biển cả loài người/ Đảng góp đường đi và nhận đường đi khắp các chân trời”. Tạ Hữu Yên so sánh “Đảng là nắng ấm vầng đông”. Nhà thơ – nhạc sĩ Diệp Minh Tuyền cảm xúc trước màu đỏ cờ Đảng đã thấm máu đào của sự hy sinh “Hồng như màu của bình minh/ Đỏ như màu máu của mình tim ơi/ Búa liềm vàng rực giữa trời/ Là niềm hy vọng chói ngời tim ta”. Máu đào của các liệt sỹ đã nhuộm lá cờ cách mạng thêm đỏ chói. Sự hy sinh của các liệt sỹ đã chuẩn bị cho đất nước ta nở hoa độc lập, kết quả tự do. Bắt được cảm xúc từ lời thơ đó, nhạc sĩ Phạm Tuyên đã sáng tác thành công ca khúc “Màu cờ tôi yêu”…

Thơ ca viết về Đảng được các nhà thơ chọn loại hoa có màu đẹp, có phẩm tính vươn lên, có sức sống diệu kỳ thì không thể loại hoa nào khác ngoài hoa sen, hoa hướng dương… Hoa hướng dương như tên gọi sống trong ánh sáng và luôn xoay theo hướng mặt trời: “Như hoa hướng dương/ Hướng về mặt trời/ Nguyện đi theo Đảng/ Đời đời theo Đảng” (Hải Như). Lãnh tụ Hồ Chí Minh được ví với hoa sen thanh tao “Tháp Mười đẹp nhứt hoa sen/ Việt Nam đẹp nhứt có tên Bác Hồ” (Bảo Định Giang)… 

Cùng ngợi ca, các nhà thơ còn khám phá vai trò của Đảng ở tầm nhìn xa trông rộng, mắt nhìn thấu cõi nhân gian. Đôi mắt, đôi mắt thần đã đi vào thơ: “Cuộc sống lớn có đôi mắt Đảng/ Mỗi bước đi gần, nâng ước mơ xa” (Tố Hữu); “Và đôi mắt thần của Đảng chiếu tầm xa” (Chế Lan Viên)…

Mùa xuân là mùa đẹp nhất, mùa sinh sôi nảy nở cùng vạn vật, mùa của đất trời và con người giao hoà. Có một sự trùng lặp đến kỳ lạ những sự kiện lớn của đất nước, con người Việt Nam đã diễn ra vào mùa xuân. Đảng ta ra đời ngày 03/02/1930 – ngày mùng 5 Tết Canh Ngọ. Sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước, Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh mang “Luận cương Lê nin về quê Việt” đặt chân lên đất Mẹ tại cột mốc 108 (Pác Bó - Cao Bằng) “Ôi sáng Xuân nay, Xuân bốn mốt/ Trắng rừng biên giới nở hoa mơ/ Bác về... im lặng. Con chim hót” (Tố Hữu). 12 ngày đêm huyền thoại trên bầu trời Hà Nội có một “Điện Biên Phủ trên không” và mùa Xuân năm 1973 Mỹ phải ký Hiệp định Pari. Chiến dịch Hồ Chí Minh làm nên Đại thắng mùa Xuân lịch sử năm 1975. Sau sự kiện thành lập Đảng mùa Xuân 1930, nhiều kỳ Đại hội của Đảng đã diễn ra vào mùa Xuân…

Các nhà thơ thường ví Đảng với mùa xuân, sức xuân, màu xuân... Tố Hữu là nhà thơ có nhiều tác phẩm viết về Đảng đặt trong mối quan hệ Đảng – Xuân: “Một khúc ca Xuân”, “Với Đảng mùa Xuân”, “Một nhành Xuân”… Nhà thơ Phạm Hổ dâng trào niềm cảm xúc viết thơ xuân tặng Đảng: “Ôi Đảng chúng ta là mùa xuân tuyệt đẹp/ Ngày một thêm xuân không bao giờ hết”. Nhà lãnh đạo, nhà thơ Lê Đức Thọ không ngăn nổi cảm xúc xuân với Đảng “Đảng đã cho con cả cuộc đời/ Cả mùa xuân thắm rộn vui tươi”…

Hình tượng người mẹ là một biểu trưng văn hóa dân tộc có cội nguồn từ văn học dân gian. Và từ khi Đảng ra đời đã xuất hiện Đảng trong hình tượng người mẹ: “Bà mẹ lo cho cả năm chục triệu đứa con/ Khối óc tinh tường/ Mắt nhìn sáng rõ/ Trái tim dũng cảm...Có một bà mẹ nào như vậy/ Đảng Cộng sản Việt Nam - đó chính là bà mẹ ấy” (Lương Quý Nhân); bà mẹ qua hình ảnh “dòng sữa”: “Cảm ơn Đảng đã cho ta dòng sữa” (Tố Hữu). Nhân dân được dung dưỡng bởi nguồn sữa kỳ diệu đó biết sống ân tình, ơn nghĩa, thủy chung, trọng đạo lý “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn, bạo chúa” (Tố Hữu)…

Đảng ta - người cộng sản trung kiên

Hình tượng Đảng được thể hiện sâu sắc trong người chiến sĩ cách mạng với những phẩm chất kiên trung, tinh thần chịu đựng gian khổ, chấp nhận hy sinh tự nguyện. Lịch sử dân tộc mãi ơn sâu bốn Tổng Bí thư của Đảng: đồng chí Trần Phú, đồng chí Lê Hồng Phong, đồng chí Hà Huy Tập, đồng chí Nguyễn Văn Cừ và hàng trăm, hàng nghìn đảng viên ưu tú đã anh dũng hy sinh bảo vệ Đảng “Những hồn Trần Phú vô danh/ Sóng xanh biển cả, cây xanh núi ngàn”, “Anh Trần Phú, chị Minh Khai/ Tên còn thơm mát cành mai, cành đào/ Võ Thị Sáu-đỉnh núi cao” (Lê Anh Xuân). Những người cộng sản luôn giữ trọn khí tiết, phẩm giá, sống ân nghĩa, thủy chung “Chết nằm xuống, còn hôn cờ Đảng/ Chết còn trao súng đạn, quên đau/ Chết còn trút áo cho nhau/ Miếng cơm dành để người sau ấm lòng” (Tố Hữu).  Trước lúc hy sinh, đồng chí Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng đã căn dặn: “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”. Trước khi ra pháp trường (24/5/1944), đồng chí Hoàng Văn Thụ - Thường vụ Trung ương Đảng đã tuyên án kẻ thù, khẳng định thế tất thắng: “chúng tôi sẽ chiến thắng” và gửi ý chí gang thép qua bài thơ “Nhắn bạn”: “Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành… Trước sau xin giữ tấm lòng thành”…

Trước ngày ra pháp trường, đồng chí Nguyễn Thị Minh Khai - Bí thư Thành ủy Sài Gòn – Chợ Lớn, Ủy viên Xứ ủy Nam Kỳ, người vợ hiền của đồng chí Lê Hồng Phong – Tổng Bí thư của Đảng đã để lại dòng thư tiễn biệt chồng đang bị giam cầm ở nhà tù Côn Đảo và nhắn nhủ đồng bào, đồng chí của mình: “Vững chí bền gan ai hỡi ai/ Kiên tâm giữ dạ mới anh tài/ Thời cuộc đẩy đưa người chiến sĩ/ Con đường cách mạng dẫu chông gai”. Xúc động trước tình yêu lứa đôi đan quyện cùng tình yêu đất nước của hai nhà lãnh đạo Lê Hồng Phong – Nguyễn Thị Minh Khai, Trác Khánh Hương đã xúc động viết bài thơ “Côn Đảo mùa thu ấy”. Nhà thơ đã nhắc tới chi tiết rất xúc động là sau hơn một năm người vợ, người đồng chí thân yêu bị xử bắn ở trường bắn Hóc Môn cùng các đảng viên cộng sản, cựu tù Côn Đảo mang số thẻ tù 9983 Lê Hồng Phong mới biết tin dữ qua người lính Gardien Ấn Độ “Bà Lớn Minh Khai bị... bắn rồi.../ Đất đảo chao, bức bối trời trở gió/ Thắt lòng anh giông bão xoáy triền miên/ Minh Khai thủy chung, người đồng chí trung kiên...”. Sau những ngày chống chọi với những cơn đau do đòn thù ác hiểm, cùng chế độ biệt giam hà khắc, đồng chí Lê Hồng Phong đã trút hơi thở cuối cùng trong xà lim số 5 vào trưa ngày 6/9/1942 - đúng ngày sinh nhật lần thứ 40 (6/9/1902 - 6/9/1942) của mình. Trước lúc ra đi, đồng chí Lê Hồng Phong vẫn nhắn lại bạn tù: “Xin chào các đồng chí, nhờ các đồng chí nói với Đảng rằng, tới phút cuối cùng Lê Hồng Phong vẫn luôn một lòng tin tưởng ở thắng lợi vẻ vang của cách mạng”. Tình yêu của người cộng sản sắt son, bền chặt. Cặp đôi ấy đã biết hy sinh hạnh phúc cá nhân cho tình yêu Tổ quốc “dệt cho đất nước những mùa xuân bừng nắng vàng, hoa nở/ Độc lập tự do kết trái từ Hy vọng - Tình yêu” (Trác Khánh Hương)…

Đảng đã hồi sinh cuộc sống của nhân dân. Nhà thơ Chế Lan Viên rưng rưng niềm xúc động “Ngày vào Đảng đất trời như đổi khác” (Kết nạp Đảng trên quê mẹ). Nhà thơ biết ơn Đảng và Bác đã tạo bước ngoặt đời thơ, nhất là chuyển biến trong quá trình nhận thức từ sự thờ ơ với cuộc sống đến tiếng thơ nhập vào đội ngũ vô tận. Nhà thơ Xuân Diệu gửi gắm lòng biết ơn Đảng một cách thầm kín nỗi niềm riêng tư: “Trong đời cũ trái tim ngoài ngực/ Tôi thoi thót đêm ngày đau nhức/ Cái gì nuôi, cái gì quật hố chôn /Đảng dạy cho tôi phân biệt từ nguồn” (Đấu Tranh-Xuân Diệu)... 

Đảng vinh quang - Hồ Chí Minh vĩ đại

Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam luôn gắn liền với quá trình đấu tranh, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và người sáng lập nên sự nghiệp vĩ đại của Đảng là lãnh tụ Hồ Chí Minh. Đảng và Bác Hồ đã tạo bước ngoặt lịch sử vĩ đại cho dân tộc và trở thành hình tượng trung tâm: “Đời ta có Bác xông pha dẫn đường/ Người đi trước nghìn sương muôn tuyết/ Dắt dìu dân nước Việt Nam ta” (Tố Hữu). Sự kiện Nguyễn Ái Quốc tìm đường cứu nước đã được nhà thơ Chế Lan Viên thể hiện chân thực, xúc động trong bài thơ “Người đi tìm hình của nước”. Con đường cứu nước của Nguyễn Ái Quốc là một hành trình dài với biết bao khó khăn, gian khổ cho đến khi tìm thấy ánh sáng chủ nghĩa Mác-Lê nin: “Kìa mặt trời Nga bừng chói ở phương Đông”. Cảm xúc vỡ òa “Luận cương đến Bác Hồ. Và Người đã khóc/ Lệ Bác Hồ rơi trên chữ Lê nin” và tiếng reo ca khi tìm thấy con đường đi cho dân tộc:  “Cơm áo là đây! Hạnh phúc đây rồi”. Hành trình mải miết 30 năm tìm đường cứu nước, Người đã tìm thấy con đường giải phóng dân tộc và “Luận cương của Lênin theo Người về quê Việt” để “Lắng nghe trong màu hồng, hình đất nước phôi thai”.

Hình tượng Đảng được thể hiện trong phẩm chất trí tuệ của người lãnh đạo: “Lãnh tụ anh hùng/ Dù gió bão, xích xiềng không nản chí/ Vì Tổ quốc bạc mái đầu lo nghĩ/ Vì nhân dân vai gánh nặng suốt đời” (Hoàng Trung Thông). Nhà thơ Y Phương so sánh Bác Hồ với ông Bụt hiền lành, giúp đỡ người tốt “Bụt xuống đây giúp dân/ Bày cho toàn dân ta vùng lên đánh giặc/ Dành lại quê hương giống nòi nước Việt” (Pác Bó có Cúng Hồ). Nhà thơ Hải Như không đi tìm những ngôn từ to tát, mà dựng chân dung Người trong vẻ đẹp giản dị “Đừng dệt nhé chuyện thần kỳ về Bác/ Chữ thần kỳ Bác riêng tặng nhân dân/ Đảng ta lập ra gian khổ muôn phần/ Lập ra Đảng là một người giản dị/ Người nguyện sống trọn cuộc đời chiến sĩ/ Một con người chủ nghĩa Mác sinh ra”. Người con miền Nam Lê Anh Xuân khôn nguôi niềm yêu kính lãnh tụ Hồ Chí Minh: “Miền Nam đọc thư Bác/ Sông Hiền Lương bồi hồi/ Trời Cà Mau giàn giụa nước mắt vui” (Chúng con đón thư Bác); “Ôi ba tiếng Hồ Chí Minh/ Đã thành vũ khí đã thành niềm tin/ Đã thành lời hứa thiêng liêng” (Nguyễn Văn Trỗi); niềm mong ước “Ngày vui thống nhất Bác vào miền Nam” (Thanh Hải). Nhà thơ Trần Đăng Khoa ngước nhìn “Ảnh Bác” với niềm xúc động dâng trào: “Nhà em treo ảnh Bác Hồ/ Bên trên là một lá cờ đỏ tươi”. Ánh sáng của Đảng như vầng dương soi sáng, lay động, thức tỉnh, giác ngộ cho quần chúng nhân dân một lòng tin yêu theo Đảng: “Diệu kỳ chỉ hai tiếng mà thôi/ Đảng đã về dựng lại đời tôi/ Đảng đã dạy cho tôi hai tiếng/ Đấu tranh là lẽ sống trên đời” (Xuân Diệu). Say lý tưởng của Đảng, nhà thơ Hoàng Trung Thông nguyện suốt đời phấn đấu, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh vì mục đích cao cả của Đảng: “Một tiếng Đảng vang lên kiêu hãnh/ Ta suốt đời nguyện là người lính/ Dưới cờ Đảng thân yêu/ Gieo mầm thơ trên cuộc sống phì nhiêu”…

Biết ơn sự mở đường, hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhân dân khẳng định lòng chung thủy sắt son đi theo Đảng và Bác Hồ:  “Ôi giữa lòng ta Bác đến tự hồi nào/ Bác vĩ đại mà chẳng làm ai kinh ngạc/ Một buổi sáng, nhìn lòng ta, ta thấy Bác/ Nước mắt ràn, ta cảm hết ơn sâu” (Chế Lan Viên).

Đảng và lãnh tụ là hình ảnh song đôi với phép nhiệm màu kỳ diệu: “Có Đảng, có Cụ Hồ thân mẹ như cây khô tươi lại”. “Kính mến Cụ Hồ, thiết tha với Đảng”; “Bốn mươi thế kỷ cùng ta đánh/ Có Đảng ta đây, có Bác Hồ” (Tố Hữu). Trong bài thơ “Gánh”, Đảng hiện lên ở tầm vóc, trí tuệ, sự minh triết và lòng tin của nhân dân tạo nên thế “chân kiềng” vững chãi: “Đảng Cộng sản Việt Nam là một đó/  Kim Tự Tháp diệu kỳ trong vũ trụ/ Hồ Chí Minh là đỉnh sáng: ngôi sao/ Và thân mình dám ngạo cả trời cao/ Là vai gắn của biết bao đồng chí/ Và nền tảng vững vàng hơn chiến luỹ/ Là nhân dân, là dân tộc quật cường” (Xuân Diệu).  Đảng và lãnh tụ luôn trong cảm xúc biết ơn, tri ân của nhà thơ “Hôm nay tuyên thệ dưới cờ/ Mặt nhìn ảnh Bác còn ngờ chiêm bao/ Từ nay có Đảng trong đầu/ Thênh thang cuộc sống ngọt ngào hương hoa” (Lê Anh Xuân)…

Lòng dân yêu Đảng như là yêu con

Đảng ta là một đảng cách mạng, ngoài lợi ích của công nhân và nông dân, Đảng ta không có lợi ích nào khác. Đảng ngày càng xứng đáng với vai trò và sứ mệnh lãnh đạo cách mạng và sự tin cậy của nhân dân. Nhân dân ta thủy chung, kiên định, gắn bó thiêng liêng, ân tình một lòng theo Đảng: “Ơn người như mẹ như cha/ Lòng dân yêu Đảng như là yêu con”. Dân coi Đảng là con đẻ của mình. Vì Đảng là của dân, từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà phục vụ. Đảng luôn trong lòng dân: “Dù khi tắt lửa tối trời/ Vững lòng quyết sống, không rời Đảng ta/ Dù khi giặc khảo giặc tra/ Cắn răng thà chết, không xa Đảng mình”; “Sống cùng Đảng, chết không rời Đảng/ Tấm lòng son chói sáng nghìn thu” (Tố Hữu)…

Đảng và Bác Hồ đã làm nên những kỳ tích vĩ đại cho dân, vì dân. Nhân dân một lòng biết ơn, tri ân, khẳng định niềm tin son sắt một lòng với Đảng quang vinh và Bác Hồ vĩ đại: “Bầu trời đêm sáng ngàn sao/ Ơn Đảng, ơn Bác chẳng nao tấc lòng/ Dù cho biển cạn, bão dông/ Lòng dân với Đảng thủy chung vẹn tròn”…

Lê Thị Bích Hồng

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực