Khám phá hành trình thú vị từ du lịch trải nghiệm ở Sơn La

Thứ ba, 02/08/2022 17:05
(ĐCSVN) – Sau hơn 2 năm dịch bệnh COVID-19 với nhiều đợt giãn cách xã hội rồi cách ly để đảm bảo an toàn dịch bệnh, những ngày cuối tháng 7 đầu tháng 8 của năm 2022, cơ duyên đưa chúng tôi trở lại vùng đất Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La, vùng đất được gọi với tên mỹ miều “Thiên đường mây” cùng trải nghiệm du lịch sinh thái cộng đồng khá ấn tượng.

Truyện kể về trà Shanam – “trà ép bánh made in Vietnam”

Trước đó, đến với Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La từ năm 2019, chúng tôi đã thực sự ấn tượng với hành trình săn mây trên “sống lưng khủng long” hùng vĩ cùng cảnh xanh mát mắt của rừng trà shan tuyết xanh tươi trên đỉnh núi cao nơi bản Bẹ nơi đây. Để rồi lòng tự nhủ, nếu có dịp sẽ tiếp tục quay trở lại khám phá thêm về vùng đất kỳ vĩ này.

Khu “Tổ hợp sản xuất kinh doanh chè đặc sản Tà Xùa kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm trà”  (Ảnh: HNV)

Cùng với sự mở cửa trở lại cho tất cả các hoạt động sau dịch bệnh COVID-19, hoạt động du lịch đã từng bước khôi phục. Được đầu tư xây dựng từ tháng 3/2021, hiện nay, khu “Tổ hợp sản xuất kinh doanh chè đặc sản Tà Xùa kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm trà” do Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (Tafood) bắt đầu đi vào vận hành từ 15/7/2022. Khu tổ hợp gồm có 2 khu: Khu sản xuất chế biến, giới thiệu sản phẩm và Khu trải nghiệm trà, lưu trú có diện tích 1000m2. Việc vận hành bước đầu khá khả quan. Công suất chế biến 7 – 10 tấn chè búp tươi/ngày, lưu lượng người tham quan trải nghiệm quy trình sản xuất chế biến và thưởng thức trà tại khu lưu trú 38người/ngày. Lưu lượng người tham quan trải nghiệm khu trưng bày và giới thiệu sản phẩm khoảng 100 người/ngày.

Ngược lại dòng thời gian, Tafood đã đầu tư xây dựng nhà máy và thương hiệu trà shan tuyết từ năm 2017, trong đó có thương hiệu chè Tà Xùa đến nay đã lan tỏa hương thơm đến khắp cả nước, đưa đến được các thị trường châu Á, châu Âu và châu Mỹ. 

Công nhân là người dân tộc Mông trực tiếp vận hành máy móc sản xuất trà (Ảnh: HNV) 

Hiện nay, nhà máy sản xuất chế biến trà đã được đầu tư máy móc trang thiết bị sản xuất quy mô lớn, kết hợp giữa công nghệ hiện đại và kỹ thuật truyền thống của người bản địa, quy trình khép kín, đồng bộ … do chính ông Phạm Vũ Khánh, kỹ sư, Chủ tịch Tafood trực tiếp nghiên cứu, chế tạo riêng phù hợp với đặc tính của cây chè shan rừng, dễ sử dụng để chuyển giao được cho công nhân là người dân bản địa trực tiếp làm việc trong nhà máy.

Trao đổi với chúng tôi bên xưởng với nhiều loại máy móc do chính kỹ sư, Chủ tịch Tafood Phạm Vũ Khánh chế tạo, bà Nguyễn Thị Thắm, Giám đốc kinh doanh Tafood thông tin thêm, hiện nay, giá thu mua chè tươi tại xã Tà Xùa là 60.000- 80.000 đồng/kg, tăng gấp đôi so với thời điểm công ty bắt đầu làm thương hiệu. Công suất chế biến 7 – 10 tấn chè búp tươi/ngày. Đặc biệt chè 1 tôm thu mua với giá 150.000 đồng/kg chè tươi. Bao tiêu toàn bộ sản lượng chè tươi của vùng chè Tà Xùa theo phẩm cấp của công ty. Tổng lao động toàn thời gian của công ty 16 lao động, trong đó số lao động là người dân tộc thiểu số là 10 lao động, số lao động thời vụ làm việc tại nhà máy là 10 người. Doanh số tăng trưởng bình quân qua các năm từ năm 2017 đến 2021 là 20%.

Đặc biệt, những sản phẩm Trà Xanh Thiện, Trà Xanh Mây mang thương hiệu Shanam đã đạt chứng nhận OCOP 4 sao của tỉnh, được chứng nhận Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam năm 2019. Không những thế, sản phẩm trà của công ty Tafood cũng nhận được nhiều giải thưởng lớn trong các cuộc thi trà quốc tế như: giải Bạc Châu Á - Thái Bình Dương, Giải Đồng cuộc thi trà tại Pháp, Top 1 dòng trà xanh thế giới tại Mỹ…

 Cô gái Mông hái búp trà từ cây cổ thụ nơi non cao bản Bẹ, Tà Xùa, Bắc Yên, Sơn La (Ảnh: HNV)

Tận dụng lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để phát triển du lịch, cùng với các sản phẩm truyền thống như trà xanh, bạch trà, hồng trà... Tà Xùa còn được biết đến là vùng có sản phẩm trà Shan lên men, ép bánh do công ty Tafood sản xuất. Chỉ trong vòng 5 năm trở lại đây, sản phẩm trà ép bánh xuất xứ Việt Nam đã và đang định hình một trào lưu thưởng thức, sưu tầm mới bởi người mua mà ở đó, người tiêu dùng dần dần biết đến nhiều hơn với thương hiệu trà Shanam.

Cũng theo bà Thắm, khu Homestay Trà Mây Tà Xùa nằm trong khu tổ hợp xuất kinh doanh chè đặc sản Tà Xùa kết hợp với mô hình du lịch trải nghiệm. Với mô hình này, khách hàng có nhu cầu tìm hiểu xác định rõ nguồn gốc xuất xứ, truy xuất được vùng trà, cây trà, vụ trà, năm sản xuất, năm ép bánh thành phẩm, thậm chí còn tìm hiểu cặn kẽ thông tin về những nghệ nhân chế biến những bánh trà độc đáo ra sao để xây dựng văn hoá thẩm trà khác biệt. Thông qua mô hình trải nghiệm trà của thương hiệu trà Shanam, người chơi trà ép bánh Việt Nam hoàn toàn tận mắt chứng kiến và yên tâm khi lưu trữ những bánh trà ép bánh “made in Việt Nam” 10 năm, 20 năm thậm chí cả trăm năm...

Đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh Sơn La  thăm và làm việc với Tafood (Ảnh: PV)

Trong chuyến thăm và làm việc với Tafood ngày 29/7 vừa qua, đồng chí Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh Sơn La bày tỏ vui mừng trước việc Tafood đã đưa chuỗi liên kết sản xuất của doanh nghiệp gắn với du lịch trải nghiệm, đem lại khám phá và trải nghiệm mới cho du khách đến thăm Tà Xùa. Đánh giá về mô hình này, đồng chí Bí thư cho hay: “Công ty Tafood là công ty tiên phong đầu tư xây dựng thương hiệu cho trà shan tuyết Tà Xùa - xây dựng văn hoá trải nghiệm khác biệt vô cùng tiềm năng - đánh dấu một bước đi mới phát triển du lịch bền vững cho thương hiệu chè Tà Xùa”.

Bí thư  Tỉnh ủy Nguyễn Hữu Đông cũng nhấn mạnh xây dựng thương hiệu đã khó, bảo vệ thương hiệu còn khó hơn, do đó, yêu cầu Ban lãnh đạo huyện Bắc Yên cần mở rộng thêm các điểm du lịch trải nghiệm trà tại khu trung tâm xã Tà Xùa và trung tâm huyện Bắc Yên để góp phần lan tỏa thương hiệu và tăng trải nghiệm trực tiếp cho du khách đến du lịch nơi đây./.

 

Hà Anh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực