Kiến trúc Pháp tại Hà Nội - Điểm nhấn của du lịch Thủ đô

Thứ hai, 18/12/2023 19:31
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Du khách trong nước và quốc tế khi đến Hà Nội đều muốn tìm hiểu về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Cùng nhau khám phá, trải nghiệm nét ẩm thực độc đáo cùng những nét hào hoa, thanh lịch của người Tràng An.
Kiến trúc nhà thờ Cửa Bắc 

Đáng chú ý, những công trình kiến trúc, biệt thự cổ thời Pháp trên đất Hà thành có giá trị về nhiều mặt, rất độc đáo, luôn hấp dẫn và thu hút du khách gần xa.

Đa dạng các loại hình kiến trúc

Ấn tượng khi đến Hà Nội đối với du khách đi trên nhiều tuyến phố là hình ảnh những công trình kiến trúc, tượng đài, biệt thự cổ, nhà ở mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Pháp, trải qua thời gian vẫn được bảo tồn, lưu giữ.

Nổi bật trước hết là những công trình kiến trúc Pháp nằm hiện hữu ở các quận Trung tâm của thành phố, tiêu biểu như: Nhà hát Lớn; Bảo tàng Lịch sử Quốc gia trước đây thuộc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp; Cầu Long Biên; Nhà thờ Lớn Hà Nội; Nhà thờ Cửa Bắc; Trường THPT Chu Văn An; Đại học Tổng hợp cũ trước là Viện Khoa học Đông Dương; Ngân hàng Nhà nước trước kia là Ngân hàng Đông Dương; Bắc Bộ Phủ nay là Nhà khách Chính phủ; Cổng vòm Hà Nội; Phủ toàn quyền Đông Dương xây dựng từ năm 1901-1906, nay là Phủ Chủ tịch; Chợ Đồng Xuân…

Mỗi công trình kiến trúc đều mang nét đặc trưng riêng, hết sức ấn tượng, độc đáo. Chẳng hạn: Nhà hát Lớn một công trình kiến trúc phục vụ biểu diễn, công trình được xây dựng năm 1901 và hoàn thành năm 1911, theo mẫu Nhà hát Opera Garnier ở Pari nhưng mang tầm vóc nhỏ hơn và sử dụng các vật liệu phù hợp với địa kiện khí hậu địa phương. Tác phẩm của 2 kiến trúc sư Harlay và Broyer mang nhiều màu sắc, đường nét kiến trúc của các Nhà hát ở miền Nam nước Pháp. Gần Nhà hát Lớn có Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, trước đây thuộc Trường Viễn đông Bác cổ Pháp, do các kiến trúc sư C.batteur và E.Hebrard thiết kế năm 1925 có thể được coi là một đại diện lớn của phong cách kiến trúc Đông Dương, phong cách kết hợp các giá trị của kiến trúc Pháp với các giá trị kiến trúc bản địa.

Nét nổi  bật nét kiến trúc làm theo khối kiểu bát giác mang nhiều nét kiểu kiến trúc Trung Hoa cổ, nhưng toàn bộ khối mái ba lớp với các con sơn liên tục chồng lên nhau, gợi hình ảnh của tháp chuông chùa Keo, Thái Bình. Không xa Bảo tàng Lịch sử Quốc gia Việt Nam, cây cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng, do Pháp xây dựng từ năm 1898-1902, đặt tên là cầu Doumer theo tên của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer.

Trong số các kiến trúc thời Pháp, Nhà thờ Lớn là nhà thờ chính tòa của Tổng giáo phận Hà Nội. Đây là một nhà thờ cổ, thường xuyên diễn ra các sinh hoạt tín ngưỡng của các giáo dân thuộc Tổng giáo phận Hà Nội. Nhà thờ được thiết kế theo phong cách  kiến trúc Gothic, làm theo mẫu của Nhà thờ Đức Bà Paris với những mái vòm uốn cong, rộng, hướng lên bầu trời. Vật liệu xây dựng chính của nhà thờ là gạch đất nung, tường trát bằng giấy bồi. Nhà thờ có chiều dài 64,5m chiều rộng 20,5m và hai tháp chuông cao 31,5m với những trụ đá to nặng bốn góc...

 Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, một trong những công trình kiến trúc Pháp tiêu biểu tại Hà Nội.

Bên cạnh các công trình kiến trúc là các khu biệt thự cổ thời Pháp. Đi dọc theo các tuyến phố đẹp của Thủ đô như: Phan Đình Phùng, Trần Phú, Trần Hưng Đạo, Lý Thường Kiệt… phía sau những hàng cây cổ thụ sấu, xà cừ, cơm nguội... xanh mát, du khách sẽ dàng nhận thấy những căn biệt thự cổ được xây dựng kiên cố theo phong cách Pháp nhưng vẫn thấp thoáng hơi thở cuộc sống người Việt. Đa phần các biệt thự cổ khi xưa đều thuộc sở hữu của những quan chức, sĩ quan Pháp, người Pháp sang Việt Nam làm ăn hoặc những gia đình Việt giàu có. Ngoài ra, còn có những căn biệt thự, những căn nhà ở mang kiến trúc thời Pháp ở trong khu vực phố cổ.

Các căn biệt thự cổ có những kiểu dáng khác nhau, bởi chủ nhân của các căn biệt thự này có nguồn gốc xuất xứ từ nhiều địa phương khác nhau của Pháp, các nhà thiết kế Pháp đã thiết kế những ngôi nhà mang phong cách địa phương khác nhau của Pháp nhằm thỏa mãn mong muốn của các chủ nhân biệt thự.

Thống kê của Sở Xây dựng cho thấy Hà Nội có khoảng 1.253 biệt thự cũ xây dựng trước năm 1954 trên địa bàn các quận Ba Đình, Tây Hồ, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, được phân loại thành 1, 2, 3 để quản lý.

Cần những giải pháp để bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị

Tìm hiểu thực tế cho thấy, hiện nay, phần lớn các công trình kiến trúc thời Pháp, các biệt thự cổ trên các tuyến phố Phan Đình Phùng, Hai Bà Trưng, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Phú được bảo tồn, sử dụng là các công trình văn hóa, công cộng, các biệt thự cổ thuộc các cơ quan Nhà nước quản lý, Đại sứ quán các nước sử dụng.

Còn lại một số biệt thự cổ ở các tuyến phố trên và nhiều căn hộ kiểu Pháp trong khu phố cổ và ở một số tuyến phố: Trần Quốc Toản, Nguyễn Thái Học…, xây dựng trước năm 1954 được người dân sử dụng thành nhà ở, buôn bán, không ít biệt thự bị xuống cấp nghiêm trọng, dần biến thành phế tích, công tác quản lý, duy tu, tôn tạo còn nhiều bất cập. Vì nhu cầu mưu sinh, nhiều hộ gia đình tự sửa chữa, chắp vá, manh mún, làm cho các căn biệt thự ngày càng xuống cấp, các đường nét kiến trúc bị biến dạng.

 Du khách thăm quan trải nghiệm tại Nhà hát Lớn

Cho đến nay, việc khai thác giá trị các công trình kiến trúc thời Pháp cũng như các biệt thự cổ trong hoạt động du lịch vẫn còn hạn chế. Trong tour khám phá phố cổ Hà Nội, các công ty lữ hành, trong đó có Hanoitourist và Công ty CP Đồng Xuân có đưa vào chương trình tham quan, tìm hiểu về các công trình kiến trúc và biệt thự cổ Hà Nội, nhưng cũng mới chỉ tham quan, chụp ảnh bên ngoài. Từ cuối năm 2017, Nhà hát Lớn có mở cửa phục vụ khách du lịch tham quan, khám phá về lịch sử, kiến trúc, cảnh quan Nhà hát lớn kết hợp với xem chương trình biểu diễn nghệ thuật.

Có thể nói, các công trình kiến trúc thời Pháp cũng như các biệt thự cổ, đang là những công trình mang nhiều giá trị văn hóa, kiến trúc gắn liền với một giai đoạn lịch sử của Hà Nội. Các công trình kiến trúc, biệt thự cổ không chỉ có giá trị về mặt kinh tế mà còn hàm chứa những giá trị lớn lao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc.

Do vậy, cần có sự quan tâm sâu sắc của các cơ quan chức năng trong việc nghiên cứu, bảo tồn, tăng cường kết nối nhằm khai thác, phát huy giá trị, xây dựng tour du lịch khám phá về các công trình kiến trúc thời Pháp cũng như các biệt thự cổ thời Pháp. Rà soát, đánh giá, tổng hợp xác định rõ giá trị những biệt thự cổ đáng giữ. Hoàn thiện quy chế chi tiết quản lý nhà biệt thự cổ. Cần có cơ chế quy hoạch tổng thể cho biệt thự cổ, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát./.

Bài, ảnh: N Dương

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực