Ngày 15/1/2022, được sự đồng ý của Ban Tuyên giáo Trung ương, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Quân chủng Hải quân và một số cơ quan hữu quan tổ chức Chương trình “Xuân Trường Sa” lần thứ 10, năm 2022.
Qua 10 năm tổ chức, chương trình “Xuân Trường Sa” đã đóng góp hiệu quả trong công tác tuyên truyền biển, đảo. Là cầu nối yêu thương từ đất liền ra nơi biên cương, hải đảo, Chương trình "Xuân Trường Sa” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhân dịp này, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương về ý nghĩa chính trị, nhân văn sâu sắc, những kết quả đã đạt được sau 10 năm tổ chức và hướng đổi mới của Chương trình để “Xuân Trường Sa” ngày càng tạo sức lan tỏa mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa.
|
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương. Ảnh: PT. |
Phóng viên: Được biết, trong nhiều năm qua, đồng chí rất quan tâm đến Chương trình “Xuân Trường Sa” do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Tư lệnh Quân chủng Hải quân tổ chức. Xin đồng chí đánh giá về ý nghĩa, sức lan tỏa mà Chương trình “Xuân Trường Sa” đã thực hiện trong những năm qua?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Theo dõi chung các hoạt động của báo chí nước ta, tôi nhận thấy rằng, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam là một trong những cơ quan báo chí rất quan tâm đến công tác thông tin tuyên truyền về biển, đảo Tổ quốc. Trong đó, các đồng chí đã xây dựng được Chương trình mang thương hiệu của Báo hết sức ý nghĩa, vừa góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị, tuyên truyền, vừa mang tính nhân văn sâu sắc - “Xuân Trường Sa”.
Bước sang năm thứ 10 tổ chức, tôi cho rằng, Chương trình “Xuân Trường Sa” trong thời gian qua luôn thể hiện tinh thần đổi mới cả về nội dung và phương pháp trong công tác giáo dục, tuyên truyền về biển, đảo. Đồng thời, Chương trình luôn thể hiện vai trò là nhịp cầu yêu thương, kết nối giữa nhân dân trên khắp mọi miền đất nước đến với quân và dân ở các vùng biển, đảo; đặc biệt là cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, phát triển kinh tế, văn hóa xã hội ở biển, đảo, trong đó có Trường Sa thân yêu của chúng ta.
Nội dung của “Xuân Trường Sa” rất phong phú. Chương trình đã tổ chức được các cuộc gặp mặt, giao lưu với các nhân chứng lịch sử, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân đang ngày đêm bám biển và thể hiện được ý chí quyết tâm, kiên cường trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc cũng như trong lao động, phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Trường Sa. Thông qua những câu chuyện rất cảm động đó, chúng ta đã kết nối được truyền thống về lòng yêu nước, về tinh thần quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển đảo. Đồng thời, nâng cao thêm về mặt nhận thức, về giá trị, ý nghĩa của biển, đảo thiêng liêng, đặc biệt là quần đảo Trường Sa của chúng ta. Qua những câu chuyện đó, mỗi người càng tự hào hơn về dân tộc ta, về đất nước ta, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay đã hiểu sâu sắc hơn về cuộc sống chiến đấu, lao động, sản xuất của cha ông ta và những khó khăn, những gian khổ, hy sinh của các thế hệ người Việt Nam cũng như cán bộ, chiến sĩ và nhân dân của quần đảo Trường Sa hôm nay trong quá trình quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo.
Chương trình “Xuân Trường Sa” cũng có sự đồng hành rất thường xuyên, hiệu quả của nhân dân, của các cộng đồng doanh nghiệp. Mỗi cá nhân, tổ chức cùng góp công, góp sức, dành tình cảm đối với cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa. Đặc biệt trong những dịp Tết đến, Xuân về, nhiều hoạt động ý nghĩa được tổ chức để chăm lo cho các đối tượng chính sách, nhất là các gia đình thương binh, liệt sĩ đã nhiều cống hiến đối với Tổ quốc nói chung cũng như đối với quần đảo Trường Sa nói riêng.
Để góp phần chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội, chúng ta đã có những chương trình rất cụ thể để chăm lo hậu phương quân đội, giúp cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta yên tâm công tác, chiến đấu, huấn luyện và sẵn sàng bảo vệ Tổ quốc thân yêu của chúng ta trong tình hình mới. Góp phần vào những hoạt động ý nghĩa đó, “Xuân Trường Sa” đã tạo không khí cả nước hướng về Trường Sa thân yêu, dành niềm tin sắt son đối với cán bộ, chiến sĩ đang làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội ở Trường Sa.
Bên cạnh đó, qua các chương trình nghệ thuật của “Xuân Trường Sa”, với những ca khúc ca ngợi đất nước, ca ngợi biển, đảo quê hương, không những góp phần giáo dục truyền thống cách mạng, khơi dậy tinh thần yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, quyết tâm giữ gìn chủ quyền biển, đảo, mà còn làm đậm thêm một nét rất đặc sắc về văn hóa biển, đảo Việt Nam, tiếp tục khơi dậy truyền thống và văn hóa biển, đảo trong tình hình mới.
|
Chương trình "Xuân Trường Sa” nhằm tri ân những cống hiến to lớn của cán bộ, chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa thiêng liêng của Tổ quốc. Ảnh: dangcongsan.vn. |
Phóng viên: Theo đồng chí, cần chú trọng đổi mới những nội dung, hoạt động gì trong khuôn khổ thực hiện Chương trình “Xuân Trường Sa” lần thứ 10 năm 2022 và những năm tiếp theo?
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa: Năm 2022 là năm thứ hai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng cũng như thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Chúng ta được tiếp thêm niềm tin vào ánh sáng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII, các Nghị quyết Trung ương. Vừa qua, tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, Đảng ta và đặc biệt đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng rất quan tâm đến việc tuyên truyền, quảng bá, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, trong đó có giá trị văn hóa biển, đảo. Cho nên, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam nói riêng, các cơ quan báo chí nói chung cần quan tâm hơn nữa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về biển, đảo; trong đó phải chú ý đổi mới về nội dung, hình thức, về phương thức tổ chức tuyên truyền.
Đối với chương trình “Xuân Trường Sa”, cần tiếp tục nâng cao về chất lượng và tạo sự lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa.
Trước hết, cần nâng tầm hơn nữa về mặt nội dung. Trong đó, phải góp phần quán triệt thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết Trung ương 8, khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Muốn phấn đấu trở thành một quốc gia mạnh lên từ biển, giàu lên từ biển và an toàn, thịnh vượng từ biểnm đảo như các mục tiêu đã đề ra, chúng ta phải có thế trận, có lực lượng, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội gắn với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh trên biển, đảo để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng. Thông qua các chương trình công tác tuyên truyền, trong đó có Chương trình “Xuân Trường Sa”, chúng ta sẽ thực hiện tốt hơn nữa các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền và đồng thời những quan điểm đó phải được truyền tải thông qua các hoạt động thực tế, hết sức sinh động, nhất là của lực lượng vũ trang, trước hết là của bộ đội Hải quân và nhân dân ta ở các vùng biển đảo, trong đó có quần đảo Trường Sa thân yêu.
Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam cần liên kết chặt chẽ với các cơ quan báo chí, truyền thông khác, nhất là Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các kênh sóng quốc gia trong công tác thông tin, tuyên truyền về biển đảo nói chung, Chương trình “Xuân Trường Sa” nói riêng. Qua đó, để cho nhân dân trong nước và đồng bào ta ở nước ngoài, bạn bè quốc tế hiểu sâu hơn về cuộc sống, về ý chí quyết tâm và tinh thần vượt qua khó khăn, gian khổ, tinh thần sáng tạo, khát vọng giữ vững chủ quyền biển, đảo và phát triển kinh tế - xã hội trên biển, đảo của quân và dân chúng ta.
|
Ban Tổ chức Chương trình "Xuân Trường Sa" 2022 khởi công xây dựng nhà tình nghĩa tại xã Nam Vân, thành phố Nam Định, tỉnh Nam Định. Ảnh: dangcongsan.vn. |
Thông qua Chương trình “Xuân Trường Sa”, tiếp tục chuyển tải mạnh mẽ hơn nữa quyết tâm của Đảng ta và niềm tin của Đảng và nhân dân ta đối với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Bên cạnh đó, cũng cần đổi mới các chương trình, hoạt động thực tiễn, nội dung nghệ thuật để làm sao khơi dậy truyền thống, nét đặc sắc, nét riêng biệt về văn hóa Việt Nam, trong đó có văn hóa biển, đảo. Đồng thời, thể hiện thông điệp xây dựng vùng biển Việt Nam nói chung và vùng biển Trường Sa nói riêng hòa bình, ổn định, phát triển; là một vùng biển có môi trường thật xanh, thật đẹp, để nơi đây là không gian sinh tồn đời đời cho con cháu của chúng ta mai sau.
Tôi cũng mong rằng, Chương trình “Xuân Trường Sa” sẽ nhận được sự quan tâm hơn nữa của nhân dân mọi miền đất nước, sự đồng hành của cộng đồng các doanh nghiệp và những tình cảm, nhất là của thế hệ trẻ đối với Trường Sa, để mỗi chúng ta đều luôn nhớ đến, đều dành những tình cảm đặc biệt cho cán bộ, chiến sĩ bộ đội Trường Sa và nhân dân đang làm nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội ở vùng biển Trường Sa; cũng như mỗi dịp rất đặc biệt như dịp Tết sum vầy này, chúng ta truyền những niềm tin và sự ấm áp, để Trường Sa gần đất liền hơn và đất liền cũng được gần với Trường Sa hơn.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn đồng chí!