Lạng Sơn: Đồng bào Dao đón Tết trong niềm vui mới

Thứ hai, 27/01/2020 15:28
(ĐCSVN) - Tết Nguyên đán Canh Tý 2020 năm nay, hơn 300 hộ dân ở xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn có thêm niềm vui lớn khi điện lưới đã được đưa đến từng nhà trong các bản. Sức sống mới như đang bừng sáng cùng ánh điện ở nơi đây...
leftcenterrightdel
Công nhân Điện lực huyện Cao Lộc kiểm tra thiết bị trước khi đóng điện cho hộ dân. Ảnh: Thu Hường 

Những ngày đầu năm 2020, chúng tôi đến xã miền núi Công Sơn của huyện Cao Lộc, không gian trên các ngả đường như ngập tràn sắc xuân khi được khoác trên mình một màu áo mới tươi đẹp của những nhánh hoa rừng chạy dọc theo triền núi. Hương sắc mùa xuân lan toả khắp các bản làng, thôn xóm. Mùa xuân này, người dân nơi đây không chỉ vui mừng có con đường thảm nhựa rộng mở mà còn đón nhận dòng điện lưới quốc gia toả sáng tại các thôn, bản...

Dọc theo con đường giao thông uốn lượn quanh co giữa các triền đồi là những hàng cột điện, dây cáp kẻ một đường thẳng dài trên không trung khiến bức tranh vùng cao thêm sinh động. Hơn 300 hộ dân xã Công Sơn trước đây gần như chưa biết đến ánh sáng của điện, nhưng bây giờ, khi màn đêm buông xuống, cuộc sống của người dân đã trở nên ấm áp hơn nhờ có điện lưới quốc gia.

Theo ông Triệu Trần Lìu, Chủ tịch UBND xã Công Sơn, huyện Cao Lộc, toàn xã có hơn 300 hộ dân, sống ở 9 thôn, bản, chủ yếu là đồng bào dân tộc Dao. Những hộ dân sinh sống không tập trung và ở xã cách xa trạm biến áp từ 4 đến 6 km. Việc kéo điện lưới đến các hộ dân cần chi phí đầu tư rất lớn nên trước đây các hộ dân vẫn phải sống trong cảnh đèn dầu, điều này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển kinh tế xã hội của người dân trong xã. Bà con nơi đây luôn mơ ước cải thiện cuộc sống, đặc biệt là có nguồn điện thắp sáng. Nhiều hộ làm thủy điện nhỏ phải đắp đập, đầu tư máy phát khá tốn kém, trong khi mỗi năm chỉ được sử dụng vài tháng, đó là chưa kể vào mùa mưa, lũ từ thượng nguồn đổ về phá vỡ đập, cuốn trôi cả máy. Được sự quan tâm của Nhà nước, đến nay, khát khao cháy bỏng ấy đã trở thành hiện thực. Những trụ điện thẳng tắp, những đường dây điện giăng toả khắp núi đồi... đang mang ánh sáng về với từng mái ấm nơi vùng cao xa xôi. “Từ khi có điện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã có sự thay đổi rất tích cực, hầu hết các gia đình đều có tivi để xem và mua sắm các phương tiện như: máy xay xát, máy tuốt lúa, tẽ ngô... phục vụ sản xuất, nâng cao đời sống”, anh Hoàng Văn Liển, một người dân ở xã Công Sơn phấn khởi chia sẻ.

Tìm hiểu được biết, nhằm thiết thực hỗ trợ người dân các khu vực vùng biên giới, những năm qua, tỉnh Lạng Sơn đã tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm... Nhờ đó đến đầu năm 2020, tại 20 xã và 01 thị trấn thuộc 05 huyện nằm trong khu vực biên giới của tỉnh Lạng Sơn đã có hơn 99% số hộ dân được sử dụng điện lưới; 100% số xã, thị trấn có đường ô tô đi lại bốn mùa, góp phần giao lưu kinh tế, văn hóa, xóa đói, giảm nghèo tại các thôn, bản vùng cao biên giới.

Theo ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Công ty điện lực Lạng Sơn, do đặc thù là tỉnh miền núi, biên giới, cho nên quá trình triển khai các công trình điện cũng gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có khu vực, đơn vị thi công phải mở hẳn một con đường, mới vận chuyển được vật tư, thiết bị vào vị trí thi công. Nhưng với tinh thần hết lòng vì người dân biên giới, thời gian qua ngành Điện đã nỗ lực đưa điện lưới đến 20 xã và 01 thị trấn giáp biên, với hơn 15.400 hộ/gần 70.000 khẩu, thuộc các dân tộc: Tày, Nùng, Dao, Hoa... đều được sử dụng điện lưới quốc gia. Dòng điện quốc gia đã tạo điều kiện cho các hộ dân ở vùng biên giới ổn định cuộc sống, hăng hái sản xuất kinh doanh, đóng góp cho sự nghiệp phát triển kinh tế, xã hội...

leftcenterrightdel
Kiểm tra, hiệu chỉnh thường xuyên hệ thống truyền tải điện tại tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Thu Huyền 

Theo nhiều công nhân ngành Điện, vấn đề khó khăn nhất đối với việc xây dựng hệ thống hạ tầng điện lưới đó là kéo đường dây, có hôm phải ngủ lại bản, nhưng với quyết tâm đưa dòng điện quốc gia về cho bà con vùng sâu, vùng xa, vùng giáp biên, những người công nhân Điện đã sẵn sàng làm việc ngày đêm. Vượt suối, leo đèo, trên lưng còn phải cõng trang thiết bị, nhưng bù lại niềm vui của bà con khi có điện là động lực giúp họ vượt qua tất cả những khó khăn. Mặt khác, do địa hình đồi núi dốc, cư dân sinh sống không tập trung, có những khu vực mỗi gia đình ở một quả đồi, các hộ ở cách xa nhau hàng ki-lô-mét. Ðây cũng là một trong những nguyên nhân mà từ năm 2011, dù lưới điện đã được kéo về tất cả các thôn, bản ở các xã giáp biên, nhưng phải đến nay mới "phủ" điện hầu hết các hộ gia đình. Kết quả này đánh dấu sự nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và của ngành Điện tỉnh Lạng Sơn.

Là tỉnh miền núi, địa hình phức tạp, dân cư phân bố không tập trung, suất đầu tư lưới điện đến các hộ dân lớn, song được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước qua các chương trình, dự án, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ hộ sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn 20 xã và 01 thị trấn thuộc 05 huyện biên giới của tỉnh Lạng Sơn đã đạt hơn 99%. Điều này đã trở thành một minh chứng rõ ràng cho hiệu quả công tác chăm lo đời sống nhân dân của chính quyền các cấp với quan điểm “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Một năm mới đã đến, mùa xuân này dòng điện lưới quốc gia đã bừng sáng ở nhiều bản làng, mang hơi thở ấm áp của mùa xuân đến với cuộc sống mới của đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Tết đến xuân về cùng với dòng điện lưới quốc gia được đưa đến từng nhà không chỉ là niềm vui lớn trong những ngày đầu xuân mà còn là điều kiện để đồng bào các dân tộc Lạng Sơn tiếp cận với các tiến bộ kỹ thuật, phát triển sản xuất từ đó nâng cao chất lượng mọi mặt đời sống./.

Quang Đạo

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực