Phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ

Thứ ba, 24/09/2024 21:37
(ĐCSVN) - Du lịch được coi là một trong những ngành công nghiệp văn hóa (CNVH) giàu tiềm năng của Thủ đô Hà Nội. Để du lịch văn hóa trở thành ngành CNVH và trở thành nguồn lực cho sự phát triển bền vững du lịch, quận Tây Hồ đã triển khai, thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch về phát triển sản phẩm du lịch, dựa trên việc khai thác hiệu quả yếu tố văn hóa mang tính bản sắc, đặc trưng của địa phương, điểm đến.
Hồ Tây là một thắng cảnh, địa danh văn hóa lịch sử nổi tiếng của Thủ đô Hà Nội. 

Phát triển du lịch gắn với công nghiệp văn hóa

Hồ Tây là một trong những thắng cảnh nổi tiếng của Hà Nội, bởi không gian thoáng rộng, cảnh sắc nên thơ, hệ thống di sản văn hóa phong phú và làng nghề truyền thống. Với diện tích mặt hồ lớn hơn 500ha, Hồ Tây được ví như “hòn ngọc”, “báu vật” của Thủ đô nói riêng và cả nước nói chung. Nơi đây có nhiều di tích lịch sử mang dấu ấn đậm nét của Kinh thành Thăng Long xưa. 

Theo thống kê của UBND quận Tây Hồ, hiện nay quận có tổng số 71 di tích lịch sử, gồm 18 chùa, 20 đình, 33 đền, miếu, am. Trong đó, có 42 di tích đã được xếp hạng; 02 di sản văn hóa phi vật thể và 15 lễ hội truyền thống. Mỗi di tích là một kiến trúc đặc sắc, gắn với quá trình phát triển của kinh thành Thăng Long xưa. Ở các di tích này có nhiều văn vật có giá trị như : 102 bia đá, 165 câu đối, 140 bức hoành phi, 18 quả chuông cổ, 60 sắc phong thần, trên 300 pho tượng bằng đồng, gỗ, đá… Khu vực Hồ Tây và phụ cận được coi là vùng đất chứa đựng giá trị văn hóa lịch sử đặc sắc, được mệnh danh là vùng đất “rồng thiêng hội tụ”. Theo quan niệm phong thủy, xung quanh hồ là cả một vùng đất mang nhiều hình dáng các vật linh: Phía đền Quan Thánh là đất hình Phượng, phía Yên Ninh là hình Rồng, phía Quảng Bá là hình Rùa, phía Quán La là hình Ngựa, phía Ngũ Xã là hình Lân.

Một số di tích nổi tiếng ở khu vực Hồ Tây có thể kể đến như: Chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, Chùa Kim Liên, Chùa Tảo Sách, Chùa Vạn Niên, Đền Đồng Cổ… Trong đó, Phủ Tây Hồ - nơi thờ Thánh mẫu Liễu Hạnh nổi tiếng linh thiêng, được coi là một trong những nơi khởi nguồn tín ngưỡng thờ Mẫu của người Hà Nội nói riêng, người Việt Nam nói chung và được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào năm 2016. Các điểm di tích này đã trở thành các tuyến du lịch văn hóa, là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó, khu vực Hồ Tây và vùng phụ cận có nhiều làng nghề truyền thống như: đào Nhật Tân; quất cảnh Tứ Liên, Quảng Bá; trà sen Quảng An; cá cảnh Yên Phụ; xôi Phú Thượng, giấy Dó (Bưởi)…Nhiều làng nghề đã xây dựng thành công thương hiệu và hoạt động hiệu quả. Ngoài ra, Hồ Tây còn thu hút du một số lượng lớn khách du lịch trong và ngoài nước qua những lễ hội độc đáo được tổ chức hằng năm.

Khu vực Hồ Tây còn là một trong những khu vực có nhiều địa điểm tổ chức sự kiện, nghỉ dưỡng. Hiện nay, trên địa bàn Tây Hồ có 129 khách sạn và cơ sở lưu trú, trong đó có hệ thống các khách sạn tiêu chuẩn quốc tế nổi tiếng như: Sheraton, Intercontinental, Thắng Lợi… tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển các hoạt động dịch vụ, du lịch. 

Thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Thành ủy Hà Nội phát triển CNVH trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 01/6/2022, UBND quận Tây Hồ ban hành Quyết định số 1433/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Phát triển CNVH trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”. Trong đó, đưa ra mục tiêu cụ thể: đến năm 2025, từng bước bước xây dựng, phát triển các ngành CNVH của quận, trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa trở thành mũi nhọn, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của quận; cơ bản hoàn thiện cơ sở hạ tầng; đầu tư, tôn tạo hệ thống các thiết chế văn hóa, các di tích được xếp hạng; nâng cao chất lượng dịch vụ; xây dựng tour, tuyến kết nối các di tích lịch sử cách mạng, làng nghề truyền thống, khu vui chơi giải trí, ẩm thực; xây dựng thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ gắn với khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế của hồ Tây. Đến năm 2030, tập trung xây dựng, phát triển thương hiệu dịch vụ du lịch văn hóa đặc trưng của quận Tây Hồ; quyết tâm đầu tư xây dựng một số công trình mang tính biểu tượng văn hóa của Tây Hồ; phấn đấu đến năm 2030 quận Tây Hồ thực sự trở thành Trung tâm dịch vụ - du lịch - văn hóa của Thủ đô.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, ngành CNVH đã trở thành động lực, là yếu tố cốt lõi cho sự phát triển kinh tế - xã hội, thu hút nguồn lực hợp tác đầu tư, tạo lợi thế cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, địa phương, quận Tây Hồ tập trung nguồn lực phát huy giá trị văn hóa, tăng khả năng thu hút khách du lịch nhằm đưa Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hoá, du lịch” của Hà Nội trong thời gian tới đây. 

Những kết quả bước đầu

Để quảng bá hình ảnh du lịch và tạo thuận lợi việc tìm kiếm thông tin về du lịch, văn hóa, nhiều hình thức thông tin truyền thông ứng dụng công nghệ đã được quận Tây Hồ triển khai để đăng tải tin bài, hình ảnh giới thiệu, quảng bá về các di tích lịch sử văn hóa, di tích cách mạng kháng chiến, lễ hội, làng nghề truyền thống và các địa điểm du lịch, dịch vụ. Các hình thức thông tin truyền thông đa dạng, như: báo điện tử, các kênh truyền hình của Thành phố và Trung ương, Cổng giao tiếp điện tử của quận, trang Zalo “UBND Quận”, trang Zalo UBND các phường; mở chuyên mục Di sản - Du lịch trên Trang Zalo “UBND quận Tây Hồ”; xây dựng trang Web tayho360.vn và Facebook Tây Hồ 3600… Theo thống kê của quận Tây Hồ, trong 6 tháng đầu năm 2024, Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hóa Thông tin và Thể thao đã biên tập và đăng 732 tin, bài đăng trên Trang Zalo UBND Quận thu hút 8013 lượt thuê bao quan tâm; 325 tin bài đăng trên Cổng Thông tin điện tử quận với khoảng hơn 59.300 lượt truy cập. 

Nhận thức rõ thế mạnh, tầm quan trọng của hệ thống di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn đối với phát triển CNVH, quận Tây Hồ phối hợp các đơn vị liên quan, tập trung nâng cao chất lượng quản lý, đầu tư xây dựng, tu bổ, tôn tạo di tích. Chỉ trong 06 tháng đầu năm 2024, 16 dự án tu bổ tôn tạo các di tích lịch sử - văn hoá  với tổng mức đầu tư 327,569 tỷ đồng đã được đầu tư và triển khai thực hiện. Nhiều di tích sau khi được tu bổ, tôn tạo đã trở thành những sản phẩm du lịch - văn hóa hoàn chỉnh có tính đặc thù, tạo ra những điểm, tuyến du lịch hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển của ngành du lịch.

Đáng chú ý, để khái thác, phát huy tiềm năng, thế mạnh mà thiên nhiên, lịch sử đã ưu đãi cho Tây Hồ, trong thời gian qua, quận Tây Hồ tập trung đầu tư phát triển một số lĩnh vực CNVH giàu tiềm năng, là lợi thế riêng có của quận như: Du lịch văn hóa, bảo tồn và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, phát triển không gian sáng tạo, nghệ thuật biểu diễn…

Quận Tây Hồ tập trung xây dựng không gian văn hóa sáng tạo đặc trưng, không chỉ nhằm phục vụ vui chơi, giải trí cộng đồng, mà còn khai thai giá trị văn hóa lịch sử gắn với đặc trưng của khu vực Hồ Tây. Không gian biểu diễn nghệ thuật ẩm thực đường phố quận Tây Hồ gắn với phố Trịnh Công Sơn, quảng trường lớn và sân khấu ngoài trời rộng hơn 2000m2 chuyên tổ chức các hoạt động biểu diễn văn hóa nghệ thuật, triển lãm, giới thiệu sản phẩm làng nghề mỗi dịp cuối tuần. Liền kề đó là khu Đầm sen Hồ Tây, Công viên nước Hồ Tây, Khu văn hóa ẩm thực Sen Tây Hồ, thung lũng hoa… hằng năm thu hút hàng nghìn lượt người khách trong nước và ngoài nước. 

Trong 06 tháng đầu năm 2024, nhiều hoạt động trình diễn văn hóa độc đáo của Không gian văn hóa sáng tạo Tây Hồ đã được tổ chức, như: Lễ hội hoa đào, quất cảnh và sản phẩm OCOP các vùng miền Xuân Giáp Thìn; chương trình “Du lịch Hà Nội chào 2024 - Get on Hanoi 2024 và Công bố Khu du lịch Nhật Tân là Khu du lịch cấp Thành phố”; Tổ chức thành công sự kiện TayHo Half Marathon và Kid Rub the Earth - Chạy vì trái đất thu hút hơn 10.000 vận động viên tham gia, trong đó có đông đảo người dân, học sinh trên địa bàn quận, Thành phố cũng như các tỉnh thành trên cả nước và 38 quốc gia tham gia.

Chưa hết, khu du lịch Nhật Tân có tài nguyên du lịch tự nhiên và văn hóa hấp dẫn. Điểm đến này đang khai thác các sản phẩm du lịch chính gồm du lịch văn hóa, kiến trúc, lịch sử, du lịch sinh thái, ẩm thực, vui chơi giải trí, mua sắm… Khu du lịch này hiện có 19 cơ sở lưu trú du lịch với 102 phòng. Các dịch vụ vui chơi, giải trí trong nhà và ngoài trời với diện tích 100.000m2. Các điểm đến tham quan chính trong khu du lịch Nhật Tân gồm Đình Nhật Tân, Chùa Tảo Sách, Hồ Tây, làng nghề truyền thống hoa đào Nhật Tân, phố đi bộ Trịnh Công Sơn, thung lũng hoa Hồ Tây, Công viên nước Hồ Tây, nhà hàng Sen Tây Hồ…

Cùng với đó, để định vị giá trị, bảo vệ và phát huy giá trị làng nghề truyền thống, UBND quận Tây Hồ phối hợp của Cục Di sản văn hóa phi vật thể, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội thực hiện lập hồ sơ khoa học đề nghị ghi danh “Nghề Xôi Phú Thượng” vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đến tháng 2/2024, nghề làm xôi Phú Thượng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhằm gìn giữ văn hoá truyền thống và xây dựng thương hiệu chè sen đặc trưng, quận Tây Hồ phối hợp Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông Hà Nội triển khai Đề án “Khôi phục, phát triển trồng cây sen trên một số hồ nhỏ xung quanh khu vực Hồ Tây”. Trước mắt là thí điểm trồng sen tại Hồ Đầu Đồng và Thuỷ Sứ thuộc phường Quảng An, Tây Hồ, với diện tích trồng sen khoảng 7 ha. Khôi phục trồng sen tại khu vực Hồ Tây nhằm gìn giữ, cung cấp nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất chè sen; góp phần bảo vệ và phát triển thương hiệu “Chè sen Quảng An” - đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền. Đồng thời, đây là tiền đề quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch khu vực Hồ Tây. Số sen thu hoạch được được là sản phẩm phục vụ Lễ hội Sen Hà Nội, đã tổ chức trong tháng 7/2024. Đây là Lễ hội sen lần đầu được tổ chức tại Hà Nội, các hoạt động rất đa dạng như: Hội thảo “Bảo tồn và phát triển hoa sen Việt Nam”; khánh thành Trung tâm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP quận Tây Hồ - Phố Trịnh; triển lãm không gian nghệ thuật sắp đặt sen, Triển lãm Ảnh sen trong đời sống Việt; chương trình khảo sát, kết nối điểm đến du lịch của quận Tây Hồ với các doanh nghiệp lữ hành trên địa bàn Thành phố năm 2024; ngày hội đạp xe Hành trình xanh “Sắc Sen Tây Hồ” với sự tham gia của 7.000 người đạp xe quanh Hồ Tây; trao giải cuộc thi ảnh “Người đẹp, áo dài và Sen”, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật bán thực cảnh “Chuyện của Sen”… Trong 5 ngày tổ chức, Lễ hội Sen Hà Nội thu hút hơn 50.000 lượt khách. Đây là hoạt động xúc tiến thương mại nhằm xây dựng sản phẩm đặc thù, thu hút du khách đến tham quan Hà Nội nói chung và Tây Hồ nói riêng, góp phần phát triển kinh tế, du lịch địa phương...

Với nét đẹp của các di tích lịch sử, các làng nghề truyền thống, quận Tây Hồ thu hút rất đông du khách trong và người nước tới tham quan. 

Ngoài ra, để phát triển các điểm đến, điểm du lịch, sản phẩm làng nghề, UBND quận Tây Hồ đã và đang triển khai xây dựng, thực hiện nhiều đề án phát triển văn hóa du lịch, như: “Điểm giới thiệu các sản phẩm làng nghề truyền thống phường Phú Thượng gắn với phát triển dịch vụ du lịch, văn hóa”; “Phát triển làng nghề Hoa đào Nhật Tân gắn với dịch vụ du lịch”; “Phát triển làng nghề quất cảnh Tứ Liên gắn với dịch vụ du lịch”. 

Bên cạnh đó, tổ chức khảo sát, nghiên cứu lập hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia đối với di sản phi vật thể của quận (nghề ướp Trà sen Quảng An, nghề trồng đào Nhật Tân, lễ hội Đình Nhật Tân…); xây dựng lộ trình triển khai thực hiện hồ sơ khoa học đề nghị Bộ Văn hóa thể thao và du lịch công nhận Hồ Tây là danh thắng quốc gia.

Nhìn chung, phát triển du lịch gắn với CNVH trên địa bàn quận Tây Hồ đã đạt được những kết quả tích cực, thông qua các chương trình, kế hoạch, đề án về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, xây dựng các điểm đến, điểm du lịch, sản phẩm làng nghề, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong phát triển du lịch từng bước được áp dụng hiệu quả.

Đồng bộ giải pháp phát triển công nghiệp văn hóa

Toàn bộ địa giới hành chính của quận Tây Hồ bao bọc lấy hồ Tây. Vì vậy, Hồ Tây là khu vực chính mà các loại hình văn hóa-sáng tạo, du lịch phát triển quanh đó. Đó chính là tiềm năng, cơ hội để quận Tây Hồ khẳng định vị thế trung tâm văn hóa - du lịch của Thủ đô. Đây được xem là nguồn tài nguyên để phát triển kinh tế-xã hội của Hà Nội nói chung và du lịch Hà Nội nói riêng... Tuy nhiên, đến nay Hồ Tây chưa được công nhận là di sản cấp quốc gia. Do đó, việc phát triển các loại hình du lịch trên mặt hồ và khu vực xung quanh Hồ Tây bị hạn chế do các vấn đề bảo vệ môi trường, sự phối hợp trong công tác quản lý... 

Trước đây, trên mặt nước Hồ Tây có kinh doanh một số dịch vụ. Tuy nhiên đến năm 2017, Hà Nội chấm dứt kinh doanh dịch vụ, văn hóa, thể thao du lịch, vui chơi giải trí, khai thác thủy sản của các doanh nghiệp trong phạm vi quản lý Hồ Tây. Các thuyền du lịch, nhà nổi phải tự tháo dỡ phương tiện và di dời. Đến năm 2023, việc di dời toàn bộ tàu du lịch khỏi Hồ Tây mới hoàn tất. 

Số lượng khách du lịch tới quận Tây Hồ tăng lên nhưng khách nội địa còn chiếm tỷ lệ cao so với khách quốc tế. Các đoàn khách du lịch với số lượng lớn đến với Tây Hồ chủ yếu ghé qua một số điểm thuận lợi về giao thông, mà không đến các điểm du lịch khác do khó khăn về cơ sở hạ tầng, giao thông. Hoạt động du lịch lữ hành chưa đạt hiệu quả cao. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ văn hóa du lịch trên địa bàn quận quy mô nhỏ, hoạt động đơn lẻ, chưa có sự đầu tư bài bản. Các tour, tuyến tham quan, sản phẩm du lịch tiêu biểu trên địa bàn quận còn đơn điệu.

Hạ tầng kỹ thuật đô thị và xã hội đã được quan tâm đầu tư, song chưa đồng bộ. Tuyến đường xung quanh Hồ Tây nhỏ hẹp và xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông giờ cao điểm và các thời điểm có sự kiện, chương trình tổ chức trên địa bàn. Không gian sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa có đủ quỹ đất để phát triển loại hình này...

Những hạn chế, khó khăn nêu trên xuất phát từ cả nguyên nhân khách quan và chủ quan, trong đó chủ yếu là nhận thức về phát triển du lịch gắn với CNVH còn chưa đúng mức. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội trong đó có hạ tầng dành cho các ngành công nghiệp văn hóa còn thiếu, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Nguồn nhân lực phục vụ phát triển văn hóa, du lịch chưa đáp ứng nhu cầu. Việc liên kết, hợp tác trong các hoạt động văn hóa, du lịch và phát triển công nghiệp văn hóa giữa các phường trong quận, giữa quận Tây Hồ với các quận, huyện bạn trên địa bàn Thành phố và các địa phương khác và với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cần được quan tâm hơn nữa...

Vượt qua những khó khăn đang tồn tại, để thực hiện các mục tiêu về phát triển CNVH, thiết nghĩ, thời gian tới quận Tây Hồ cần khai thác hiệu quả và bền vững các công trình văn hóa, lịch sử, các công trình kiến trúc, các không gian công cộng trong phát triển kinh tế đô thị; gắn với bảo tồn, phát huy giá trị cảnh quan, lịch sử, bảo tồn không gian lịch sử văn hóa, truyền thống và cảnh quan xanh, sạch, đẹp. Bảo tồn, phục hồi không gian kiến trúc cảnh quan đô thị một số khu vực, tuyến phố có đặc trưng văn hóa đáp ứng nhu cầu sáng tạo và hưởng thụ văn hóa của người dân.

Quận cần phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu, đề xuất thực hiện việc quản lý, xúc tiến đầu tư phát triển hạ tầng, dự án dịch vụ du lịch ở các khu vực có tiềm năng, thế mạnh, nhất là khu vực Hồ Tây, Bãi giữa sông Hồng gắn với quy hoạch phát triển chung của Thành phố. Ưu tiên đầu tư các dự án hạ tầng kỹ thuật giao thông, nâng cao khả năng kết nối giao thông tới các khu, điểm du lịch. Thực hiện công tác chỉnh trang đô thị văn minh, hiện đại; quy hoạch các điểm đến du lịch văn hóa, bãi đỗ xe, hệ thống biển chỉ dẫn…

Tây Hồ cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu nền tảng (số hóa) phục vụ công tác bảo tồn văn hóa, quản lý di tích và phát triển du lịch quận Tây Hồ. Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo AI giới thiệu các công trình văn hóa, sản phẩm làng nghề của quận Tây Hồ trên mạng Internet và các nền tảng truyền thông số. Xây dựng bản đồ số di tích lịch sử - văn hóa quận Tây Hồ; bản đồ số du lịch, phần mềm quản lý di sản phục vụ quản lý và quảng bá, phát triển văn hóa, du lịch Tây Hồ.

Đáng chú ý, Tây Hồ cần đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch bằng cách rà soát, nâng cấp hệ thống bảng, biển chỉ dẫn và thuyết minh di tích; chuẩn hóa bài thuyết minh di tích song ngữ Anh Việt tại 42 di tích đã xếp hạng. Phát triển các các tour du lịch văn hóa, du lịch làng nghề, du lịch ẩm thực, du lịch vui chơi, giải trí – thể thao, du lịch đêm trên địa bàn quận. Xây dựng và hoàn thiện các sản phẩm du lịch văn hóa, điểm đến du lịch gắn với di sản văn hóa, công trình kiến trúc, làng nghề có chất lượng cao, có thương hiệu và uy tín đáp ứng nhu cầu của khách du lịch trong nước và quốc tế.

Quận cần chú ý xây dựng và thực hiện chương trình, kế hoạch, đề án bảo vệ, quảng bá, phát triển văn hóa ẩm thực Hồ Tây. Hình thành các tuyến phố quảng bá, giới thiệu ẩm thực. Kết nối đưa các sản phẩm ẩm thực đặc sắc của Hồ Tây tới các nhà hàng, khách sạn có tiêu chuẩn chất lượng cao, nhằm góp phần nâng cao giá trị của ẩm thực truyền thống, giới thiệu cho các đối tượng khách hàng cao cấp. Tổ chức các hội nghị, tọa đàm xây dựng phát triển sản phẩm du lịch văn hóa giữa cơ quan quản lý với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực du lịch văn hóa, các làng nghề nhằm kịp thời triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ và tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn.

Hỗ trợ tăng cường nhận diện thương hiệu ẩm thực với hình thức mẫu mã cải tiến, sáng tạo; đẩy mạnh áp dụng công nghệ trong việc bảo quản sản phẩm nhằm đưa sản phẩm ẩm thực đến các địa phương trong cả nước và quốc tế. Tham gia và tổ chức các chương trình xúc tiến giới thiệu điểm đến, hội chợ du lịch quốc tế nhằm quảng bá, giới thiệu sản phẩm du lịch văn hóa và các loại hình du lịch thế mạnh của Thủ đô. Tăng cường mở rộng thị trường, kết nối hợp tác với các tỉnh, thành phố trong nước và quốc tế trong việc xây dựng và phát triển các loại hình du lịch văn hóa... 
Theo Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 10/01/2024 của UBND thành phố Hà Nội, danh mục kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và vui chơi giải trí trên khu vực quản lý hồ Tây bao gồm: Kinh doanh dịch vụ vận chuyển khách bằng phương tiện thủy; sân tập golf trên mặt nước; biểu diễn nhạc nước; khinh khí cầu; dù lượn…Việc Thành phố giao quận Tây Hồ quản lý toàn diện hồ Tây, là nền tảng quan trọng để quận Tây Hồ hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm văn hóa – du lịch. Đây là điều kiện thuận lợi, khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư phát triển kinh doanh dịch vụ, du lịch, vui chơi, giải trí, văn hóa ẩm thực…, góp phần thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và các ngành CNVH nói riêng. Do đó, trong thời gian tới, UBND quận Tây Hồ cần tập trung tổ chức nghiên cứu, xây dựng các đề án liên quan đến việc quản lý các hoạt động văn hóa, du lịch và dịch vụ khu vực hồ Tây và phụ cận đi kèm với những tiêu chí bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự…theo quy định./.

------------------------------------

Tài liệu tham khảo:

1. Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 08/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;

2. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị về phát triển ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn;

3. Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22/02/2022 về “Phát triển Công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2020 – 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”;

4. Quyết định số 02/QĐ-UBND ngày 10/01/2024 của UBND thành phố Hà Nội về Quy định về quản lý và khai thác Hồ Tây.

5. Quyết định số 1433/QĐ-UBND ngày 01/6/2022 của UBND quận Tây Hồ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ, giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030”;

6. Kế hoạch số 288/KH-UBND ngày 09/8/2023 của UBND quận Tây Hồ về việc “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2023-2025.

7. Báo cáo Kết quả thực hiện Đề án “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn quận Tây Hồ giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030” 

Nguyễn Thị Thanh Hương - Phạm Hồng Nhung

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực