Thực hiện hiệu quả nghị quyết, chỉ thị của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, văn nghệ

Thứ sáu, 14/01/2022 21:59
(ĐCSVN) – Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị, các Hội Văn học nghệ thuật động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục có nhiều tác phẩm, công trình xuất sắc phản ánh về con người và đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất phồn vinh, hạnh phúc.

Chiều 14/1, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức Hội nghị giao ban 6 tháng cuối năm 2021 với Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tại Hà Nội. Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm dự và chỉ đạo Hội nghị.

Hội nghị đánh giá tình hình hoạt động 6 tháng cuối năm 2021 của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương: những kết quả đạt được, những tồn tại, vướng mắc trong từng lĩnh vực công tác; việc kiện toàn bộ máy, nhân sự của các hội sau đại hội; những hạn chế, khó khăn cần khắc phục; những đề xuất, kiến nghị của Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.

Báo cáo tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Minh Nhựt, Vụ trưởng Vụ Văn hóa - Văn nghệ, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết: 6 tháng cuối năm 2021, trên cả nước tình hình đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, gây ảnh hưởng sâu rộng và hậu quả nặng nề đến nền kinh tế đất nước nói chung cũng như lĩnh vực văn học, nghệ thuật nói riêng. Tuy nhiên, các hoạt động văn hóa - văn nghệ trên cả nước đã được Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tổ chức bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng đơn vị, bảo đảm nội dung tư tưởng, với chất lượng chuyên môn tốt, đúng quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Các hoạt động đã bám sát vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, những yêu cầu đặt ra đối với ngành, lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của Nhân dân; thiết thực cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ chính trị của đất nước trong tình hình mới.

Quang cảnh hội nghị. Ảnh: HN

Nhiều hội đã xây dựng kế hoạch công tác toàn khóa một cách bài bản, đề ra những nhiệm vụ cụ thể, trọng tâm trong từng năm; Quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập hợp hội viên; Định hướng sáng tác, tổ chức các cuộc thi, trại sáng tác nhằm phát hiện, bồi dưỡng tài năng; Khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tác; Tích cực lựa chọn giới thiệu, những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc, tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, ca ngợi quê hương đất nước, phản ánh công cuộc đổi mới, bảo vệ chủ quyền biển đảo, biên giới Tổ quốc, truyền tải thông điệp về phòng, chống dịch bệnh, truyền cảm hứng và lan tỏa tích cực đến cộng đồng; Các văn nghệ sỹ có nhiều hoạt động từ thiện, quyên góp thực phẩm, nhu yếu phẩm giúp đỡ cộng đồng vượt qua khó khăn dịch bệnh; Các hội phát huy tốt vai trò phản biện xã hội, tích cực tham gia đóng góp nhiều ý kiến với các cơ quan quản lý nhà nước góp phần tạo dựng môi trường văn hóa, nghệ thuật lành mạnh.

Công tác quản lý nhà nước về văn học nghệ thuật được thực hiện có hiệu lực, hiệu quả, bước đầu tạo được môi trường hoạt động văn hóa nghệ thuật lành mạnh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa nghệ thuật của nhân dân. Văn nghệ sĩ được đảm bảo tự do sáng tạo, được chú trọng bảo vệ bản quyền về sáng tác, biểu diễn.

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn tồn tại một số hạn chế: Đời sống văn nghệ vẫn xuất hiện một số tác phẩm lạc điệu, khai thác, thổi phồng những mặt trái của xã hội, chạy theo cái tôi vị kỷ, bản năng, bản ngã, sùng bái hình thức... Hiện tượng xâm hại tác quyền trên các lĩnh vực âm nhạc mỹ thuật, điện ảnh và các ngành văn học nghệ thuật khác vẫn tồn tại, chưa được khắc phục hiệu quả; Việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các Hội VHNT vẫn còn chậm. Hoạt động của nhiều hội chưa thu hút được đông đảo các văn nghệ sĩ tham gia, nhất là các văn nghệ sĩ trẻ. Việc tăng cường giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm giữa các hội, chế độ giao ban, báo cáo với các cơ quan quản lý, công tái phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều giữa các cơ quan, ban, bộ, ngành ở trung ương chưa được thường xuyên liên tục. Công tác giới thiệu, quảng bá văn hóa văn học nghệ thuật của Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh, việc tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn nhiều hạn chế...

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trần Thanh Lâm đề nghị trong 6 tháng đầu năm 2022, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cùng các đơn vị liên quan tiếp tục quán triệt đầy đủ, nhận thức sâu sắc, tổ chức thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trên lĩnh vực văn hóa - văn nghệ; các ý kiến kết luận, chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Căn cứ Hướng dẫn công tác văn hóa, văn nghệ năm 2022 của Ban Tuyên giáo Trung ương và tình hình điều kiện thực tiễn, Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương xây dựng kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo các hội cơ sở bằng nhiều hình thức, phương thức phù hợp, trước mắt là các hoạt động mừng Xuân Nhâm Dần và kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.

Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cần rà soát, bổ sung, tập trung hoàn thiện chương trình công tác và kế hoạch toàn khóa thiết thực, hiệu quả; từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động hội, phát huy tài năng, trí tuệ của đội ngũ văn nghệ sĩ. Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương cần tăng cường, chủ động nắm bắt tình hình, diễn biến tư tưởng trong giới văn nghệ sỹ, kịp thời phát hiện những vấn đề nhạy cảm, bức xúc trong lĩnh vực hoạt động, báo cáo kịp thời với Ban Tuyên giáo Trung ương và các cơ quan liên quan.

Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của đội ngũ văn nghệ sĩ, tăng cường tiếng nói phản biện xã hội của các hội, tham gia tích cực cùng các Bộ, ngành liên quan từng bước tháo gỡ khó khăn, tạo hành lang pháp lý cho văn hóa, văn học nghị thuật phát triển.

Liên hiệp các Hội Văn học, nghệ thuật Việt Nam và các Hội Văn học nghệ thuật chuyên ngành Trung ương động viên đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước tiếp tục đẩy mạnh sáng tác từ nghiên cứu, lý luận phê bình, gắn sáng tác với thực tiễn đổi mới sáng tạo của đất nước trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Phấn đấu có nhiều tác phẩm, công trình xuất sắc phản ánh về con người và đất nước Việt Nam hội nhập và phát triển; góp phần khơi dậy ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất phồn vinh, hạnh phúc; Triển khai sâu rộng, vận động hội viên hưởng ứng, tham gia tích cực cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm trong tuyên truyền, thông tin đối ngoại, “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”./.

 

HN

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực