Các con số này được đưa ra trong báo cáo tổng kết năm 2015 (tính đến hết ngày 23/11) của Cục Xuất bản, In và Phát hành (Bộ Thông tin và truyền thông). Năm qua, Cục đã tiếp nhận lưu chiểu 24.012 cuốn sách với 270 triệu bản, lượng sách đăng ký xuất bản vượt xa số sách thực tế ra thị trường. Trong đó, các đơn vị đăng ký hơn 66 nghìn cuốn với gần 460 triệu bản. Như vậy, lượng sách nhận lưu chiểu để phát hành chỉ bằng 36,1% so với dự định, nhu cầu của các đơn vị.
Cũng theo báo cáo này, trong năm qua, hoạt động xuất nhập khẩu xuất bản phẩm chưa có sự phát triển đột phá, kim ngạch xuất khẩu chưa cao, nhập siêu là chính. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của ngành ước đạt 23 triệu USD; trong đó nhập khẩu là 18,9 triệu USD, xuất khẩu là 4,1 triệu USD.
Khoản tiền mà người Việt chi cho việc đọc sách vẫn còn hạn chế. (Ảnh: QT)
Năm 2015 cũng ghi nhận sự quản lý chặt chẽ của Cục với các hoạt động xuất bản. Tính đến ngày 23/11, Cục đã phát hiện và xử lý 341 xuất bản phẩm vi phạm. Số lượng xuất bản phẩm của của các nhà xuất bản bị xử lý là 309 (tăng 42,4 % so với cùng kỳ năm 2014). Trong đó, 117 xuất bản phẩm vi phạm về nội dung (tăng 6,4 % so với cùng kỳ năm 2014); 180 xuất bản phẩm vi phạm các quy định khác, như: ghi thiếu thông tin trên xuất bản phẩm, hình thức trình bày dạng tạp chí... (tăng 68,2% so với năm 2014); 12 xuất bản phẩm mạo danh nhà xuất bản, in lậu, nhập lậu và lưu hành bất hợp pháp.
Trên phương diện chỉ đạo, Cục đã đưa ra nhiều biện pháp nhằm hạn chế sách rác, sách có nội dung tiêu cực. Trong đó, các nhà xuất bản phải rà soát, chấn chỉnh quy trình biên tập, xuất bản. Cục cũng ra quyết định yêu cầu các đơn vị xuất bản không đăng ký xuất bản sách ngôn tình có nội dung thô tục, phản cảm; sách tâm linh, phong thủy, lịch vạn sự, tử vi với nội dung không có cơ sở khoa học, nhảm nhí...
Các điều luật xuất bản được thực thi nghiêm ngặt trong quá trình quản lý. Cụ thể, năm 2015, Cục nhận hồ sơ cấp đổi giấy phép thành lập nhà xuất bản. Theo đúng luật, Cục Xuất bản, in và phát hành đã thẩm định, trình Lãnh đạo Bộ cấp đổi 26 giấy phép thành lập nhà xuất bản và 5 giấy phép thành lập văn phòng tại Việt Nam của nhà xuất bẩn nước ngoài. Như vậy, hiện còn 34 nhà xuất bản chưa được cấp đổi giấy phép hoạt động, trong đó có tới 23 đơn vị thiếu kinh phí duy trì hoạt động xuất bản.
Ngoài những con số nói trên, báo cáo tổng kết năm 2015 và chương trình công tác trọng tâm năm 2016 của Cục Xuất bản, in và phát hành (Bộ Thông tin - truyền thông) còn cho biết đã phát hành trên 200 mẫu lịch với 16 triệu bản.
Quang Thái