Trang bị sách cho xã, phường, thị trấn: Nguồn tài liệu hữu ích, thiết thực cho cơ sở

Thứ hai, 01/01/2024 10:24
0:00/ 0:00
Giọng nam
  • Giọng nam
(ĐCSVN) - Sau 15 năm thực hiện (2009 - 2023), sách của Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn trở thành nguồn tài liệu hữu ích, thiết thực, chính thống góp phần quan trọng củng cố và nâng cao tri thức, làm phong phú đời sống tinh thần của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở.

Cung cấp hơn 14,4 triệu bản in đến cơ sở

Thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, từ năm 2009, Ban Tuyên giáo Trung ương và Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật phối hợp thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn. Thông qua những ấn phẩm sách, mục tiêu của Đề án là nhằm bồi dưỡng, rèn luyện kiến thức, trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu đổi mới và nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn trong sạch, vững mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Bà Nguyễn Hoài Anh, Phó Giám đốc - Phó Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật cho biết, trong 15 năm qua, với vai trò là cơ quan thường trực của Đề án, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã tích cực tổ chức hội nghị cộng tác viên là các nhà khoa học, chuyên gia có uy tín, nhà xuất bản có chức năng phù hợp nhằm thống nhất về đề tài, nội dung, hình thức trình bày, phương pháp tổ chức biên soạn, xuất bản, phát hành sách dành cho cơ sở xã, phường, thị trấn.

Trong 15 năm thực hiện (2009-2023), Đề án đã cung cấp hơn 14,4 triệu bản in đến cơ sở. (Ảnh: HT) 

Việc điều tra, khảo sát tình hình quản lý sách tại các cơ sở xã, phường, thị trấn, nắm bắt nhu cầu đọc của cán bộ, đảng viên và nhân dân, từ đó có sự điều chỉnh về số lượng đề tài, nội dung, phương thức biên soạn phù hợp với các đối tượng bạn đọc ở cơ sở được tiến hành đồng bộ, bài bản trước khi thực hiện các giai đoạn cũng như các kỳ sơ kết, tổng kết của Đề án.

Trong cả giai đoạn 2009 - 2023, Đề án đã trang bị cho cơ sở xã, phường, thị trấn ở 63 tỉnh, thành phố trên cả nước gần 600 đầu sách (gồm sách giấy, sách điện tử như đĩa CD-ROM và CD Audio), với tổng số 14.408.340 bản in. Sách của Đề án phong phú, đa dạng với 08 nhóm đề tài: Sách học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Sách về công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Sách chính trị - pháp luật; Sách kiến thức phổ thông; Sách kỹ năng lãnh đạo, quản lý; Sách phổ biến kỹ thuật nông, lâm, ngư nghiệp; Sách trang bị cho vùng đồng bào dân tộc; sách xây dựng nông thôn mới;  Sách dành cho thanh thiếu niên, nhi đồng.

Nhà xuất bản đã tích cực phối hợp với các đài truyền hình đăng, phát những tin, bài tuyên truyền về mục đích, yêu cầu, ý nghĩa của sách lý luận, chính trị, pháp luật đối với đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ở cơ sở; xây dựng phóng sự truyền hình tuyên truyền về mục đích, yêu cầu của Đề án, về một số mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở các địa phương. Hàng năm, Nhà xuất bản tổ chức thông tin đến bạn đọc những ấn phẩm mới của Đề án và tiến hành công tác số hóa, xuất bản sách điện tử trên trang Thư viện điện tử.

Để quản lý, sử dụng hiệu quả sách của Đề án, các thư viện và trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện đều đã bố trí cán bộ quản lý sách tại phòng đọc, phục vụ cán bộ, đảng viên, học viên các lớp học tìm hiểu, khai thác, sử dụng sách của Đề án. Hầu hết các xã, phường, thị trấn đều lập sổ quản lý danh mục sách và xây dựng nội quy hoạt động, được niêm yết tại nơi đặt Tủ sách. Sách của Đề án được phân loại, quản lý sử dụng theo hướng giao cho tủ sách pháp luật hoặc thư viện, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã, Trung tâm giáo dục cộng đồng, văn phòng Đảng ủy, Ủy ban nhân dân xã quản lý sử dụng chung.

Theo ông Ngô Tấn Khoa, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Ngọk Wang, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, từ năm 2009 đến nay, thư viện xã Ngọk Wang đã tiếp nhận 18 đầu sách với 17.847 cuốn sách và 16 đĩa CD-ROM. Hiện nay, trên địa bàn xã có 7/7 thôn có Tủ sách pháp luật, 1 thư viện hoạt động có chất lượng. Ngoài ra, còn có 2 thư viện tại các trường học trên địa bàn xã. Tổng số lượt bạn đọc mỗi năm là 2.120 lượt, chủ yếu là cán bộ, công chức, học sinh và nhân dân trên địa bàn huyện. Ông Khoa cho rằng, việc triển khai thực hiện Đề án trang bị sách cho cơ sở xã, phường, thị trấn đã phát huy hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu tự nghiên cứu, tham khảo, học tập, nâng cao nhận thức về lý luận chính trị, chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; kiến thức về Nhà nước và pháp luật; nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về văn hóa, đạo đức, khoa học - kỹ thuật kiến thức cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Thông qua đó, nâng cao nhận thức, củng cố kiến thức, ứng dụng vào quá trình thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, vận dụng vào trong thực tiễn quản lý, lãnh đạo của cán bộ, đảng viên và trong lao động, sản xuất của nhân dân...

Mở rộng, tăng cường sách cấp phát cho các địa phương

Trong 15 năm (2009 - 2023), số lượng đầu sách và bản sách cấp cho các cơ sở xã, phường, thị trấn cơ bản hợp lý và chất lượng sách đã đáp ứng được nhu cầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Tuy nhiên, theo Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, số lượng bộ sách của Đề án gửi cho xã, phường, thị trấn còn ít, chưa đáp ứng được yêu cầu tìm hiểu của cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở. Với xã có nhiều thôn, bản (ví dụ có từ 6 đến 10 thôn, bản), đặc biệt là ở miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhân dân rất khó tiếp cận được sách của Đề án.

Đặc biệt, còn thiếu nhiều đề tài sách về ứng dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, chăn nuôi, trồng trọt, kiến thức về văn hóa, lịch sử, truyền thống, phong tục tập quán, di sản văn hóa các vùng miền, xây dựng nông thôn mới và các đề tài sách song ngữ dành cho đồng bào dân tộc thiểu số. Nội dung và hình thức sách chưa đa dạng, có đầu sách chưa phù hợp với đối tượng độc giả địa phương… Ở một số nơi chưa thực sự quan tâm đúng mức đến công tác quản lý, sử dụng sách của Đề án.

Để tiếp tục phục vụ tốt hơn nhu cầu của đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở, đồng thời khai thác, lan tỏa giá trị và ý nghĩa nhiều mặt của Đề án, bà Nguyễn Hoài Anh cho rằng, trong thời gian tới cần tập trung tìm kiếm các giải pháp để tiếp tục nâng cao chất lượng nội dung và hình thức sách, mở rộng, tăng cường số lượng và đề tài sách cấp phát cho các địa phương; đầu tư kinh phí bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ người đọc.

Đồng thời, thường xuyên khảo sát, kiểm tra, đánh giá thực trạng triển khai Đề án tại các tỉnh, thành phố; tăng cường công tác truyền thông trên các cơ quan báo chí và các nền tảng mạng xã hội nhằm giới thiệu mục đích, ý nghĩa của Đề án, những mô hình sử dụng sách có hiệu quả ở cơ sở; khen thưởng, biểu dương các mô hình hay, cách làm thiết thực, hiệu quả góp phần lan tỏa sức hút của Đề án tới cộng đồng.

Trong những năm gần đây, với sự phát triển công nghệ thông tin, người dân có rất nhiều kênh thông tin để nghiên cứu, tham khảo và giải trí từ các nguồn khác nhau, đặc biệt là mạng xã hội. Cán bộ, đảng viên và nhân dân ở cơ sở được đón nhận một cách nhanh chóng không chỉ những ấn phẩm truyền thống (sách giấy) mà còn là những sản phẩm của công nghệ số như: tiếp cận và đọc sách điện tử trên Internet, mạng xã hội; đọc sách trên các ứng dụng phần mềm... Tuy nhiên, sự xuất hiện của nhiều loại hình thông tin khác nhau đã làm cho văn hóa đọc sách bị phân tán, một bộ phận bạn đọc có khuynh hướng bị lôi cuốn vào khai thác những sản phẩm văn hóa và thông tin độc hại trên mạng. Để giải quyết những vấn đề nêu trên, đòi hỏi công tác xuất bản sách của Đề án tiếp tục đổi mới mạnh mẽ cả về nội dung và hình thức. Nội dung sách phải khoa học, tính thực tiễn, tính chiến đấu, đáp ứng yêu cầu của công tác tư tưởng trong tình hình mới. Sách bảo đảm đa dạng về hình thức, phong phú về thể loại, nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân.

Cùng với đó, cần tập trung chú trọng đa dạng hóa các phương thức xuất bản, tăng cường phương thức xuất bản sách điện tử và phổ biến nội dung sách trên các nền tảng số. Đặc biệt, xuất bản thêm nhiều đầu sách nói, sách hình ảnh, sách đa phương tiện bằng nhiều thứ tiếng phục vụ việc đọc và tra cứu trực tuyến cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân ở cơ sở, phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số./.

Hà Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực