Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), ngày 8/10, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý Khu di tích Cổ Loa tổ chức trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa”.
Trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa” chắt lọc tư liệu, hình ảnh từ những công trình nghiên cứu của các nhà khoa học, Viện Viễn Đông Bác cổ (EFEO), Viện Khảo cổ học, Bảo tàng Lịch sử quốc gia, Bảo tàng Hà Nội, các sưu tập ảnh tư nhân...
Trưng bày giới thiệu 100 tài liệu, hình ảnh với nội dung về 3 chủ đề: "Miền đất của người Việt cổ", "Cổ Loa - Kinh thành, Quân thành, Thị thành" và "Không gian văn hóa đặc sắc".
|
Trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa” giới thiệu 100 tài liệu, hình ảnh về thành Cổ Loa đến đông đảo du khách. (Ảnh: Báo KT&ĐT) |
Trong đó, chủ đề "Miền đất của người Việt cổ" giới thiệu các dấu vết vật chất hiện còn ở Cổ Loa, minh chứng cho một tiến trình phát triển lâu dài, liên tục qua các giai đoạn văn hóa khảo cổ: Phùng Nguyên - Đồng Đậu - Gò Mun - đến đỉnh cao Đông Sơn với sự hình thành nhà nước Âu Lạc (thế kỷ III – II TCN). Lớp cư dân đầu tiên định cư ở Cổ Loa đã mở rộng địa bàn, đồng thời đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước, thủ công nghiệp và hoàn thiện kỹ thuật luyện kim, tạo bước ngoặt phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ đề “Cổ Loa - Kinh thành, Quân thành, Thị thành” giới thiệu những chức năng nổi bật của Cổ Loa thời kỳ nhà nước Âu Lạc của An Dương Vương, nơi ở của vua và hoàng gia, các quan văn võ, quân đội ở và dân chúng. Các vật liệu kiến trúc phát hiện được trong khu vực thành Nội cho phép hình dung các quy mô kiến trúc lớn dạng cung điện, lầu gác của triều đình đã được xây dựng.
Qua các di tích cho thấy, Cổ Loa là thị thành với trung tâm kinh tế có nghề luyện kim cùng nền nông nghiệp phát triển, đã dùng lưỡi cày đồng, trâu bò làm sức kéo, cho năng suất cao. Cùng với hệ thống mạng lưới sông ngòi dày đặc là tuyến đường giao thông, giao thương phồn thịnh giữa cư dân Cổ Loa với các vùng khác.
Với “Không gian văn hóa đặc sắc”, khách tham quan sẽ được cảm nhận về Cổ Loa - khu vực cư trú truyền thống của người Việt cổ, cùng các thế hệ người Việt trải qua hàng nghìn năm, vẫn bảo tồn và gìn giữ được cảnh quan, hình thái của làng Việt truyền thống, cùng các sinh hoạt văn hóa, truyền thuyết dân gian, phong tục, tập quán, tôn giáo... hòa quyện lại, tạo nên một không gian văn hóa đặc sắc của Cổ Loa.
Phát biểu tại chương trình, ông Nguyễn Thanh Quang, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Văn hóa Thăng Long, Hà Nội cho biết: Được mệnh danh là tòa thành cổ lớn nhất Việt Nam, thành Cổ Loa không chỉ gắn liền với những truyền thuyết của dân tộc, như vua An Dương Vương định đô, xây thành, chiếc nỏ thần Kim Quy bắn hạ hàng trăm tên giặc, Ngô Quyền xưng Vương, chọn Cổ Loa làm kinh đô, hay mối tình bi thương và cảm động của Mỵ Châu - Trọng Thủy; Cổ Loa còn là một di sản văn hóa, một bằng chứng về sự sáng tạo, trình độ kỹ thuật của người Việt cổ trong công cuộc giữ nước và chống giặc ngoại xâm.
Ngày nay, Cổ Loa là một điểm đến lý tưởng cho các du khách thập phương mong muốn khám phá những giá trị văn hóa, hình ảnh quen thuộc của một làng quê Bắc Bộ thanh bình. Đối với người dân nơi đây, thành Cổ Loa luôn giữ vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và sinh hoạt văn hóa.
Trưng bày “Cổ Loa - Dấu ấn lịch sử và văn hóa” mang đến cho du khách trong nước và quốc tế một cái nhìn sâu sắc về các dấu ấn lịch sử và văn hóa của Khu di tích Cổ Loa. “Thông qua trưng bày này, chúng tôi mong muốn lan tỏa những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể, đề cao trách nhiệm của cộng đồng địa phương và du khách trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội địa phương” - ông Nguyễn Thanh Quang khẳng định.