Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh luôn là đề tài, nguồn cảm hứng sáng tác

Thứ ba, 20/06/2023 16:12
(ĐCSVN) – Trong hoạt động sáng tác, dàn dựng và biểu diễn sân khấu, hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh và tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn là đề tài, nguồn cảm hứng cho các tác giả, nghệ sĩ.

Ngày 20/6, tại Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức hội thảo “Tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được vận dụng trong tác phẩm sân khấu”, với sự tham dự của các nhà phê bình, lý luận sân khấu, các đạo diễn, diễn viên và hội viên.

Tại hội thảo, NSND Thanh Trầm, nguyên Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội khẳng định, sân khấu cũng như các ngành văn học nghệ thuật khác, bên cạnh những hình tượng mang tính chất sáng tạo thì hình tượng Hồ Chí Minh là một nguồn cảm hứng vô tận, lớn lao để các nghệ sĩ tìm tòi, xây dựng bằng ngôn ngữ đặc thù của mình.

Tuy đã gặt hái được nhiều thành công khi thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu, để lại những ấn tượng mạnh trong lòng công chúng, song không ít nhà biên kịch, đạo diễn, diễn viên đều cho rằng việc thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một thách thức lớn. Bởi, sân khấu hóa, khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại lại giản dị, gần gũi, vừa có tư tưởng thời đại, vừa thấm đẫm tinh thần dân tộc đòi hỏi giới nghệ sĩ phải có những kịch bản sáng tạo, các thủ pháp nghệ thuật, hình thức thể hiện tinh tế.

 Các đại biểu tham dự hội thảo. (Ảnh: TH)

NSND Trần Quốc Chiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội cho biết, thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu không chỉ là thỏa mãn nỗi nhớ của công chúng về một con người vĩ đại, về một lãnh tụ gần gũi bằng xương bằng thịt, mà lớn hơn thế là mục đích, là lý tưởng của cuộc sống hôm nay. Những vở diễn như: "Đêm trắng", "Lịch sử và nhân chứng", "Vần thơ thép", "Hồ Chí Minh hồi ức mầu đỏ"... đã để lại ấn tượng sâu sắc với người xem bởi lối diễn chân thực, dung dị mà gần gũi, lột tả rõ nét chân dung Bác Hồ. 

Theo NSND Trần Quốc Chiêm, thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu là một quá trình nhận thức, khám phá và sáng tạo lâu dài, đồng thời cũng là một nhiệm vụ mang tính trách nhiệm đặt ra trước giới nghệ sĩ sân khấu, đòi hỏi đội ngũ nghệ sĩ cần tiếp tục vươn lên hơn nữa về nhiều mặt từ ý thức công dân, từ tinh thần nghệ sĩ - chiến sĩ như lời dạy của Bác đến phát huy tài năng và chuyên môn nghề nghiệp để không thỏa mãn với những tác phẩm đã có mà còn tiếp tục phấn đấu tìm tòi, sáng tạo, không ngừng hướng tới những sáng tác mới mang chất lượng mới về hình tượng Bác Hồ, đáp ứng yêu cầu và sự mong đợi chính đáng của công chúng.

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận nhiều ý kiến về thực trạng, giải pháp, hướng sáng tác các tác phẩm sân khấu về hình tượng Bác Hồ và việc vận dụng tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người trong tác phẩm theo cách hấp dẫn, hiệu quả hơn. Theo đó, để xây dựng được nhiều hơn nữa tác phẩm về Bác Hồ, hấp dẫn khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ, từ đó lan tỏa tới mỗi người dân học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người đòi hỏi các nhà biên kịch, nhất là nhà biên kịch trẻ phải tích cực đọc các tác phẩm của Bác, các tài liệu viết về Người, học hỏi kinh nghiệm của lớp người đi trước. Với đội ngũ diễn viên phải không ngừng học hỏi kinh nghiệm, trau dồi, rèn luyện kỹ năng diễn xuất để có thể hóa thân vào vai diễn, tạo dựng được hình tượng Bác Hồ gần gũi, bao dung, giản dị trên sân khấu. Đặc biệt, phải làm nổi bật được những phẩm chất cao đẹp, tầm vóc vĩ đại của Người, tạo sức hấp dẫn đối với công chúng…

H.Thanh

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực