Xây dựng đội ngũ người làm báo có khả năng làm chủ công nghệ số

Thứ năm, 30/11/2023 14:45
0:00/ 0:00
Giọng nữ
  • Giọng nữ
(ĐCSVN) - Trước đòi hỏi của xu hướng phát triển báo chí hiện đại, các báo địa phương cũng phải chuyển mình, thực hiện chuyển đổi số, bước đầu đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại Hội thảo “Chuyển đổi số báo chí, xuất bản - Lý luận và thực tiễn” diễn ra ngày 30/11, các nhà quản lý, lãnh đạo một số cơ quan báo chí đã chia sẻ những kinh nghiệm khi thực hiện việc chuyển đổi số.

Xây dựng đội ngũ người làm báo có khả năng làm chủ công nghệ số

Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình chia sẻ tại Hội thảo 

Đồng chí Phạm Đồng Thụy, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Thái Bình cho biết, trong thời gian qua, báo chí trong tỉnh tích cực chuyển đổi số, trong đó, đã ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo AI sử dụng MC ảo thay thế MC thật vào sản xuất các chương trình video bản tin; một số bản tin truyền hình và phát thanh đã sử dụng giọng đọc trí tuệ nhân tạo (Voice AI)… Đối với báo in được chuyển đổi theo hướng báo chí dữ liệu, đã xây dựng hệ thống đọc báo in trực tuyến, mở ra hướng tiếp cận dữ liệu báo chí chuyên sâu từ những trang báo giấy truyền thống trên máy tính và các thiết bị di động có kết nối internet. Ngoài ra, việc có mặt trên các nền tảng mạng xã hội giúp Báo Thái Bình đưa thông tin nhanh chóng và chính xác đến mọi ngóc ngách trên môi trường số, qua đó giúp công chúng tiếp cận thông tin bất cứ lúc nào, bất kỳ ở đâu.

Đứng trên góc độ là nhà quản lý báo chí ở địa phương, đồng chí Phạm Đồng Thụy chia sẻ kinh nghiệm rút ra trong quá trình chuyển đổi số báo chí. Theo đồng chí, cần quán triệt sâu sắc rằng, chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là vấn đề sống còn của các cơ quan báo chí, từ đó đoàn kết, thống nhất trong triển khai, tổ chức thực hiện. Cùng với đó, cần có sự chuẩn bị các nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, trong đó, thường xuyên quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng cho cán bộ, phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên xây dựng được đội ngũ khả năng làm chủ công nghệ số. Cơ quan báo chí phải giữ vững được tôn chỉ, mục đích, có ngày càng nhiều hơn những sản phẩm chất lượng phục vụ nhiệm vụ chính trị, đồng thời nâng cao tính thuyết phục và niềm tin với công chúng...

Báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí số không thể tách rời với mạng xã hội

Chia sẻ kinh nghiệm ứng dụng chuyển đổi số, Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành cho biết, đối với Báo Hà Tĩnh, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, Báo đã không ngừng đổi mới, gia tăng các sản phẩm đa phương tiện như: e-magazine, longform, infographic, lens, megastory, truyền hình điện tử, livestream, “báo nói” điện tử… Về truyền thông mạng xã hội, từ năm 2014, Báo Hà Tĩnh khởi tạo trang Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử. Đến nay, Fanpage Báo Hà Tĩnh điện tử đã có gần 465.000 người theo dõi, ngoài ra, còn thiết lập và quản trị nhiều trang Fanpage “vệ tinh” và các kênh trên mạng xã hội YouTube, Zalo, Tiktok follow, tương tác khá cao...  Đây thực sự là những “cánh tay nối dài” để Tòa soạn chuyển tải, lan tỏa thông tin một cách nhanh chóng. Nhờ đó, nhiều năm gần đây, Báo Hà Tĩnh luôn duy trì vị trí tốp đầu về lượng truy cập trong hệ thống báo Đảng toàn quốc (theo xếp hạng của trang Similar web).

Để áp dụng thành công chuyển đổi số báo chí - xuất bản, theo đồng chí Nguyễn Công Thành, trước hết cần phải đổi mới tư duy, xác định chiến lược từ tập thể, cá nhân lãnh đạo. Theo đó, Báo Hà Tĩnh xác định phải đầu tư thỏa đáng cho báo điện tử bằng việc cải tiến nội dung, dạng thức sản phẩm, đổi mới giao diện, tăng các tính năng, tiện ích… để đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của bạn đọc, nâng cao hiệu quả tuyên truyền; đẩy mạnh đổi mới, tối ưu hóa các tính năng, tiện ích, sức lan tỏa trên báo điện tử theo xu hướng hiện đại, đa phương tiện, đa nền tảng. Thứ hai, tạo niềm tin, sự đồng thuận, quyết tâm trong từng cán bộ phóng viên; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ phóng viên, biên tập viên, kỹ thuật viên. Thứ ba, có giải pháp đồng bộ, lộ trình phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn của Tòa soạn, tập trung quy trình và hội tụ về không gian làm việc. Thứ tư, quan tâm đúng mức đến yếu tố con người, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng làm báo hiện đại, đa năng cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên; thu hút, bổ sung các vị trí nhân sự kỹ thuật, công nghệ, chuyên nghiệp hóa quy trình từ “đầu vào” sản phẩm đến các khâu xử lý, xuất bản trên các ấn phẩm. Thứ năm, chú trọng phát triển các trang/kênh mạng xã hội, xem đây là những “ấn phẩm” chính thống của Tòa soạn: Có thể khẳng định, báo chí đa phương tiện, đa nền tảng và báo chí số không thể tách rời với mạng xã hội.

leftcenterrightdel
Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Công Thành tham luận tại Hội thảo

Chìa khóa chuyển đổi số báo chí, xuất bản là con người và công nghệ

Chia sẻ tại Hội thảo, đồng chí Phạm Thanh Học, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội cho biết, Thành phố Hà Nội có 8 cơ quan báo chí, gồm: 5 báo, 2 tạp chí, 1 đài phát thanh - truyền hình. Trong đó, 6/7 báo, tạp chí xuất bản báo, tạp chí điện tử. Báo chí Thủ đô đang cùng báo chí cả nước, nỗ lực ứng dụng công nghệ, nâng cao chất lượng nghiệp vụ cho đội ngũ nhân sự để đẩy mạnh chuyển đổi số, hướng tới xây dựng cơ quan báo chí đa phương tiện, từ đó phát triển kinh tế số mang lại nguồn thu cho báo.

Trong lộ trình chuyển đổi số, các cơ quan báo chí Hà Nội xác định yếu tố con người và công nghệ là chìa khóa quyết định đến thành công, do vậy đã và đang có những kế hoạch, mục tiêu cụ thể phù hợp với điều kiện thực tế để thực hiện tốt chuyển đổi số báo chí trong thời gian tới. Bên cạnh đó, để chuyển đổi số thành công, điều cốt yếu là nhân lực phải biết vận dụng công nghệ số vào thực tiễn, hành xử đồng bộ theo tư duy số mang tính hệ thống. Người đứng đầu cơ quan báo chí phải được học, được đào tạo bởi các chuyên gia chuyển đổi số, từ giảng viên công nghệ, từ các cơ sở đào tạo.

Phó Trưởng Ban thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Phạm Thanh Học chia sẻ tại Hội thảo.

Thay đổi tư duy về phương pháp làm báo

Bằng cách ứng dụng công nghệ, phần mềm để sản xuất các tác phẩm đa phương tiện, Báo Tuyên Quang đã có đủ các loại hình báo chí đa phương tiện (Hypertext, photo, video, audio), đặc biệt Báo phát triển mạnh truyền hình trực tiếp, livestream trên các nền tảng mạng xã hội. Từ năm 2020 đến nay, Báo Tuyên Quang đã làm được 170 cuộc truyền hình trực tiếp; 150 cuộc livestream; 12 phóng sự tài liệu, ký sự dài kỳ. Trong đó Fanpage Báo Tuyên Quang online có trên 68.000 người theo dõi. Hiện đã triển khai kênh Tiktok, Zalo… đáp ứng được nhu cầu học, nghe, xem của bạn đọc.

Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Mai Đức Thông chia sẻ kinh nghiệm khi chuyển đổi số, đó là luôn thay đổi tư duy về phương pháp làm báo; thường xuyên cập nhật kiến thức mới về báo chí; quan tâm đến nhân tố con người; chú trọng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tương xứng và phát hành rộng rãi sản phẩm báo chí trên các nền tảng.

Quan trọng hơn cả, Báo Tuyên Quang xác định phải chủ động mang thông tin đến bạn đọc, không chờ bạn đọc tìm thông tin; Báo hướng tới mô hình tòa soạn đa công nghệ, đa nền tảng, có nghĩa là mọi hoạt động báo chí (từ quản lý nhân sự, quy trình sản xuất, xuất bản, tiếp cận công chúng) phải dựa trên nền tảng công nghệ. Sử dụng trí tuệ nhân tạo vào các công đoạn sáng tạo tác phẩm báo chí, rút ngắn thời gian tác nghiệp, đồng thời số hóa các dữ liệu báo chí, văn bản, hồ sơ của cơ quan./.

Nhóm PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực