|
Bà con làm chín bánh bằng cách hấp cách thủy khoảng 45 - 50 phút.
|
Cũng giống như cách làm bánh dày, bánh khảo…người Tày vẫn sử dụng bột nếp làm nguyên liệu chính cho món “pẻng rày”. Bánh chủ yếu làm từ bột nếp, trộn hành, mộc nhĩ, trứng kiến và không thể thiếu lá vả non. Món bánh tuy nhìn có vẻ đơn giản, nhưng cách chế biến lại vô cùng công phu.
Khó khăn nhất, có lẽ là khâu tìm trứng kiến. Vào khoảng tháng 2 – 3 âm lịch, người dân lại vào núi tìm trứng kiến, đây là thời điểm kiến sinh trưởng mạnh nhất. Đặc biệt hơn, món bánh phải sử dụng trứng non, chứ không để khi sắp nở thành con được. Người dân tộc Tày không sử dụng những ổ kiến trong nhà, theo họ hương vị bánh sẽ không được hoàn hảo. Kiến cũng được bà con người Tày chọn rất cẩn thận, đầu tiên phải là loại kiến lành, làm tổ ở các cây có gai như cây gang trên đồi, núi.
Họ sẽ phá tổ, để cho kiến tự rời đi, người Tày không muốn giết chúng, vì điều này vừa tránh bị kiến đốt, cũng hạn chế xác kiến chết rơi vãi trên trứng. Sau khi kiến đi hết, sẽ để lại trứng, người Tày sẽ dùng tay vỗ vỗ cho trứng kiến rụng ra. Trứng kiến thực chất là ấu trùng của kiến, nên có tỉ lệ đạm rất cao, nhiều chất bổ.
|
Bánh làm từ bột nếp, trộn hành, mộc nhĩ, trứng kiến và không thể thiếu lá vả non
|
Tuy nhiên, người ăn cần phải cẩn trọng, nếu cơ thể nhạy cảm, rất dễ bị dị ứng với các đồ ăn liên quan đến trứng kiến. Trứng kiến ngoài việc làm bánh, còn được nhiều người Tày sử dụng để xào nấu, phục vụ cho bữa cơm hàng ngày. Tuy nhiên, họ thường thích chế biến thành các loại bánh hoặc ăn kèm cùng xôi.
Công đoạn làm vỏ bánh cũng được người Tày chú ý, nhân ngon, nhưng vỏ bị nhão hoặc khô đều có thể ảnh hưởng đến hương vị của bánh. Bột nếp chọn làm bánh thường được sử dụng những loại thơm, ngon nhất. Có thể làm từ bột khô hoặc bột ướt, khi làm bánh trứng kiến thường pha thêm bột gạo tẻ với tỷ lệ nhất định, chất lượng bánh cho ra cũng sẽ ngon hơn.
Phần vỏ bánh được gói từ bột gạo nếp nương đã được nhào nặn và cán mỏng. Chia mỗi phần bột thành từng phần đều nhau với đường kính khoảng từ 20-30cm. Sau đó, ốp miếng bột nếp đó vào một chiếc lá vả. Trong lúc này, phần nhân sẽ được chuẩn bị, gồm có mộc nhĩ, trứng kiến non, trộn các gia vị như muối, tiêu… Cuối cùng là khâu rắc nhân lên mặt bột bánh và vốp miếng lá vả tiếp theo lên bề mặt nhân bánh đó. Bánh được hấp cách thủy khoảng 45 đến 50 phút là chín. Khi ăn, bánh sẽ được cắt thành từng miếng, vuông, nhỏ, trông vừa đẹp mắt.
Hiện nay, bánh “pẻng rày” được chế biến theo nhiều cách khác nhau nhằm điều chỉnh hợp với khẩu vị của các cá nhân. Có gia đình người Tày thêm cả ít thịt lợn băm, lạc rang giã nhỏ và một ít lá kiệu thái nhỏ trộn vào trứng kiến phi cùng hành. Nhưng chỉ có nhân trứng kiến với lá kiệu, không trộn thêm thịt lợn hay các nguyên liệu khác, đảm bảo nhân bánh thơm ngon, chuẩn bánh trứng kiến truyền thống của dân tộc Tày.
Món ăn có vị thanh nhẹ từ bột gạo nếp, béo bùi của trứng kiến hòa trộn lại với nhau. Khi ăn, người Tày thường hấp lại cho nóng, cũng có người thích ăn nguội. Mỗi cách chế biến, vị bánh “pẻng rày” sẽ có sự thay đổi, tuy nhiên, đây là một thức quà dễ ăn chứ không đáng sợ như cái tên – bánh trứng kiến.
Ngày nay, đây là món ăn được nhiều người mua về để làm quà sau mỗi dịp đi chơi lên các vùng cao như Cao Bằng, Tuyên Quang… thậm chí có người ưa chuộng món “pẻng rày” đến nỗi mua cả cọc 10 – 20 cái về ăn mà không thấy chán. Bánh cũng được nhiều người đem xuống thành phố để bán đến cả trăm nghìn một chiếc mà vẫn “cháy hàng”. Thực khách khi ăn xong không sao quên được từng miếng bánh nếp tươi mát hòa quyện cùng nhân ngọt, béo, mằn mặn độc đáo của trứng kiến.