|
Sinh sống ở vùng cao xa xôi, nhưng đồng bào Mảng vẫn giữ được bản sắc của dân tộc mình. Đó chính là nguồn sức mạnh tinh thần để kết nối cộng đồng, đoàn kết dân tộc góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước trên miền đất địa đầu của Tổ quốc. |
Dân tộc Mảng sinh sống tập trung ở các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, chủ yếu ở ven hai con sông lớn là sông Đà và Nậm Na, địa danh Gium Bai được người Mảng coi là nơi phát tích của dân tộc mình. Hiện nay đồng bào Mảng sống xen kẽ cùng một số dân tộc Mông, Thái, Hà Nhì, Dao, Khơ Mú. Ở tỉnh Lai Châu, người Mảng có 1.110 hộ, 5.674 khẩu, chiếm 1,26% dân số toàn tỉnh, sinh sống tập trung tại 3 huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Nậm Nhùn. Trong đó: huyện Sìn Hồ là 32 hộ, 160 nhân khẩu; huyện Mường Tè là 218 hộ, 1.154 nhân khẩu; huyện Nậm Nhùn là 860 hộ, 4.360 nhân khẩu.
Người Mảng sống dựa vào thiên nhiên, coi núi rừng là mái nhà chung, dòng suối là nguồn sống, và mặt trời là vị thần tối cao. Trong tín ngưỡng của họ, vũ trụ được chia thành bốn tầng: thần linh, con người, ma quỷ và thủy tộc. Câu chuyện về con người sinh ra từ quả bầu thiêng là minh chứng sống động cho niềm tin sâu sắc vào cội nguồn. Các nghi lễ như thờ hồn lúa, lễ vào nhà mới hay lễ cúng thần mặt trời không chỉ là sợi dây kết nối tâm linh mà còn là dịp để cả cộng đồng cùng sẻ chia và gắn bó.
Trong những buổi lễ hội, tiếng hát "Xoỏng" ngọt ngào, âm thanh của đàn một dây, khèn, sáo vang vọng núi rừng, hòa quyện cùng những câu chuyện sử thi Soỏng Muảng. Không gian văn hóa này không chỉ lưu giữ lịch sử dân tộc mà còn là nhịp cầu kết nối thế hệ. Âm nhạc, diễn xướng, cùng những vũ điệu mộc mạc là linh hồn của người Mảng, tạo nên một bức tranh văn hóa đầy sức sống.
Người phụ nữ Mảng tài tình trong nghệ thuật đan lát. Từng chiếc bem đựng quần áo hay đồ dùng hàng ngày đều là tác phẩm thủ công tinh xảo, vừa thực dụng vừa thể hiện thẩm mỹ độc đáo. Trang phục giản dị của họ, đặc biệt là trang phục phụ nữ, mang đậm dấu ấn thiên nhiên và sự khéo léo, là biểu tượng cho nét đẹp nguyên sơ và tinh tế.
|
Lễ vào nhà mới của người Mảng.
|
Từ những trò chơi dân gian đến phong tục cưới hỏi với màn "đánh nhau giả" giữa hai gia đình, văn hóa Mảng là một bức tranh giàu tình cảm và tinh thần đoàn kết. Những phong tục này không chỉ là nghi thức mà còn chứa đựng thông điệp văn hóa sâu sắc, thể hiện sự gắn bó giữa cá nhân với gia đình và cộng đồng.
Dẫu phải đối mặt với nhiều thách thức như giao thông cách trở hay sự mai một của ngôn ngữ, người Mảng vẫn kiên cường giữ vững bản sắc. Tinh thần kiên trì ấy chính là "sợi chỉ vàng" giúp họ dệt nên câu chuyện văn hóa độc đáo của mình.
Bản sắc văn hóa người Mảng không chỉ là di sản quý giá của riêng họ mà còn là tài sản vô giá của đất nước. Trong hành trình hội nhập và phát triển, văn hóa Mảng tựa như bông hoa rừng mộc mạc nhưng tỏa hương bền lâu, cần được gìn giữ và phát huy, để mãi là niềm tự hào trên miền đất địa đầu Tổ quốc.