Mỗi tuần một buổi, các thành viên CLB Nộc Khảm Khắc, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng lại cùng nhau luyện tập. Bà Hoàng Thị Thúy, Chủ nhiệm CLB cho biết: CLB được thành lập từ năm 2014 với hơn 20 thành viên. Tham gia sinh hoạt CLB, các thành viên được truyền đạt và hiểu hơn về các nghi lễ, phong tục tập quán của dân tộc mình như: lễ cấp sắc, cầu bình an, cầu mùa… trong Then cổ. Vào những ngày lễ, tết hay những dịp quan trọng của địa phương, các thành viên trong CLB đều mặc trang phục dân tộc mình để biểu diễn.
Cùng với thị trấn Na Sầm, hoạt động VNQC tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Văn Lãng những năm gần đây diễn ra sôi nổi. Bà Đặng Thị Hiền, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin (VHTT) huyện cho biết: Văn Lãng hiện có hơn 20 CLB VNQC. Trung bình mỗi CLB tổ chức từ 5 đến 8 cuộc giao lưu, biểu diễn văn nghệ/năm. Cùng đó, từ năm 2018 đến nay, định kỳ 2 năm một lần, chúng tôi tổ chức liên hoan dân ca các dân tộc trên địa bàn huyện. Nhờ đó, nhiều loại hình nghệ thuật dân tộc được phát huy như: hát then, đàn tính, hát sli…
Không riêng Văn Lãng, phong trào VNQC cũng phát triển rộng khắp tại các huyện, thành phố và ngày càng được nâng cao về chất lượng. Đến nay, 90% thôn, xóm, khu dân cư trong tỉnh có đội VNQC thường xuyên sinh hoạt. Theo số liệu từ Trung tâm Văn hóa nghệ thuật (VHNT) tỉnh, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh tổ chức được khoảng 80 đến 100 buổi biểu diễn VNQC. Riêng 5 tháng đầu năm 2022, toàn tỉnh có trên 30 chương trình VNQC được tổ chức, trong đó, 70% các tiết mục đều khai thác chất liệu văn hóa dân tộc như: trang phục, điệu múa, điệu nhạc, các làn điệu hát sli, then, lượn…
Được biết, toàn tỉnh hiện có gần 400 CLB, tổ, đội văn hóa, VNQC thuộc nhiều loại hình như: đàn, hát, khiêu vũ… với trên 12.000 hội viên. Trong đó có 40 CLB trực thuộc Trung tâm VHNT tỉnh; trên 300 CLB, đội văn nghệ thuộc các huyện, thành phố, các cơ quan, đơn vị. Nhiều CLB VNQC đã khai thác, phát huy hiệu quả thế mạnh văn hóa truyền thống như: CLB Sli, lượn, xắng cọ của người Sán Chỉ xã Minh Hiệp (Lộc Bình), CLB Yêu Văn nghệ Chợ Bãi (Văn Quan), CLB Hát then, đàn tính xã Hoàng Đồng (thành phố Lạng Sơn)…
Bên cạnh đó, từ năm 2016 đến nay, ngành văn hóa, thể thao và du lịch thường xuyên tạo không gian văn hóa giúp cho các loại hình dân ca mang đậm bản sắc dân tộc được phát huy thông qua việc tổ chức các sự kiện như: Tuần Văn hóa – Du lịch; Lễ hội Hoa Đào; Liên hoan du lịch Mẫu Sơn, Liên hoan dân ca tỉnh Lạng Sơn, Liên hoan các CLB VNQC tỉnh Lạng Sơn…
Đáng chú ý, các cơ quan, đơn vị liên quan tại các huyện, thành phố cũng rất tích cực, chủ động trong việc tổ chức các hoạt động VNQC truyền thống tại các điểm du lịch. Do đó, tại 5 điểm du lịch cộng đồng trên địa bàn tỉnh hiện nay đều thành lập từ 1 đến 3 đội VNQC biểu diễn phục vụ du khách. Chị Dương Thị Ngọc Ngà, Chủ nhiệm đội hát Then, Điểm du lịch cộng đồng xã Bắc Quỳnh, huyện Bắc Sơn chia sẻ: Chúng tôi thường xuyên tiếp các đoàn khách quốc tế đến tham quan, nghỉ dưỡng. Ngoài khám phá ẩm thực, văn hóa truyền thống của người Tày, du khách còn được thưởng thức nhiều tiết mục hát Then, đàn tính, họ rất háo hức khi được xem và còn hòa mình nhảy múa cùng chúng tôi. Đây chính là động lực, cũng là niềm vui, tự hào của chúng tôi trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, Bà Hoàng Thị Hà, Phó Giám đốc Trung tâm VHNT tỉnh cho biết: Công tác xây dựng các mô hình CLB, đội VNQC là một trong những nhiệm vụ được đơn vị quan tâm, đẩy mạnh. Thời gian tới, để tổ chức tốt các hoạt động VNQC, chúng tôi tiếp tục tăng cường bồi dưỡng nghiệp vụ, phương pháp tổ chức hoạt động cho các CLB, đội VNQC; đặc biệt, thực hiện tốt việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua dàn dựng các tiết mục VNQC… Qua đó, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa, văn nghệ ngày càng cao của Nhân dân.