Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định

Thứ sáu, 17/06/2022 15:44
(ĐCSVN)- Tối 16/6, tại SVĐ huyện Vĩnh Thạnh, Sở VHTT Bình Định phối hợp cùng UBND huyện Vĩnh Thạnh tổ chức Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa - Thể thao (VHTT) các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI năm 2022.
leftcenterrightdel
 Các diễn viên biểu diễn tại Lễ khai mạc.

 

Tham gia ngày hội có hơn 600 nghệ nhân, diễn viên, VĐV của 6 đoàn VHTT các huyện Vĩnh Thạnh, An Lão, Hoài Ân, Phù Cát, Vân Canh, Tây Sơn cùng đông đảo hàng ngàn bà con về tham dự khai mạc ngày hội. Theo đó, trong 3 ngày (từ ngày 16 – 18), các nghệ nhân, diễn viên, VĐV sẽ tham tranh tài, thi đấu các môn thể thao (bóng đá, đẩy gậy, bắn nỏ), trình diễn lễ hội dân gian, biểu diễn nghệ thuật quần chúng; thi người đẹp miền núi, giao lưu văn hóa ẩm thực…

Trong truyền thống văn hóa Việt Nam nói chung và các dân tộc thiểu số nói riêng, Bình Định tự hào là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống văn hóa lâu đời, là vùng đất sinh sống của các dân tộc anh em: Kinh, Bana Kriêm, Chăm Hroi, Hrê… với lối sống và phong tục tập quán có nhiều sắc thái độc đáo, đa dạng, đã làm nên nét đặc trưng riêng đậm chất nhân văn và thượng võ của văn hóa Bình Định.

Phát biểu khai mạc, ông Tạ Xuân Chánh, Giám đốc Sở VHTT Bình Định chia sẻ: Cách đây hơn 200 năm, các dân tộc anh em: Kinh, Bana, Chăm, H'rê đã cùng sát cánh dưới lá cờ đào của ba anh em Nhà Tây Sơn: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ làm nên nghiệp lớn đánh tan giặc ngoại xâm, thu non sông về một cõi mà mãi mãi các thế hệ con cháu mai sau vô cùng ngưỡng mộ. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, truyền thống văn hóa của các dân tộc anh em trên quê hương Bình Định càng được phát huy trong tình đoàn kết, gắn bó cùng với Nhân dân cả nước giành những thắng lợi vẻ vang, góp phần vào công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

leftcenterrightdel
Ban tổ chức trao cờ lưu niệm, tặng hoa cho đại diện 6 đoàn tham gia Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi tỉnh Bình Định lần thứ XVI năm 2022. 

 Ông Tạ Xuân Chánh nhấn mạnh, Ngày hội VHTT các dân tộc thiểu số miền núi là một trong những hoạt động thiết thực và có sức cuốn hút mạnh mẽ, được tổ chức luân phiên hai năm một lần tại các huyện trung du và miền núi trong tỉnh, đã trở thành sinh hoạt văn hóa tinh thần không thể thiếu của đồng bào các dân tộc Bana, Chăm, H'rê trên địa bàn tỉnh. Thông qua Ngày hội, những sắc thái văn hóa truyền thống của các dân tộc được khôi phục, bảo tồn, phát huy và nâng cao ở nhiều lĩnh vực như: các lễ hội dân gian, dân ca, dân vũ, dân nhạc, văn hóa ẩm thực, phong tục tập quán, cùng những hoạt động văn hóa - thể thao khác..., góp phần tích cực trong việc xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững trong cộng đồng các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Theo ông Tạ Xuân Chánh, mỗi kỳ tổ chức Ngày hội Văn hóa - Thể thao miền núi đã mang lại hiệu quả trong việc giao lưu, trao đổi văn hóa giữa các vùng miền núi trong tỉnh, giới thiệu vốn văn hóa đặc sắc, phong phú, độc đáo của các dân tộc anh em, tăng cường tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc miền núi, mang lại những kết quả đáng trân trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc trong tỉnh. "Tại ngày hội, tôi hy vọng rằng với những hoạt động VHTT phong phú, hấp dẫn, đa dạng mà các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên của các dân tộc mang đến Ngày hội sẽ là những bông hoa góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa của các dân tộc anh em trong vườn hoa văn hóa, nghệ thuật của quê hương Bình Định", ông Tạ Xuân Chánh mong muốn.

 

PV (T.H)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực