Bản sắc Văn hóa Tày trong tản văn Y Phương

Thứ sáu, 05/12/2014 07:59

(ĐCSVN) -  Đội ngũ nhà văn các dân tộc thiểu số  với những đóng góp của mình đã làm nên diện mạo mới, độc đáo, giàu bản sắc văn hóa dân tộc cho nền văn học nước nhà. Trong số đó, Hứa Vĩnh Sước – Y Phương - người trai Tày nổi lên như một gương mặt thơ tiêu biểu, xuất sắc, một phong cách riêng, độc đáo cho vùng văn hóa dân tộc miền núi.

Thơ tình yêu là sự sống của “Người đàn ông làng Hiếu Lễ”

Với quan niệm, “Văn chương là một việc làm trả ơn những người sinh thành và nuôi dưỡng mình”, hơn 30 năm qua, Y phương lặng lẽ sáng tác, lặng lẽ thử nghiệm và không ngừng sáng tạo để có thể công bố khối lượng tác phẩm không nhỏ với một tập kịch “Người núi Hoa” (1982); tám tập thơ, trường ca: “Tiếng hát tháng Giêng” (1986), “Lời chúc” (1987), “Đàn then” (1996), “Chín tháng” (trường ca, 1998), “Thơ Y Phương” (2000), Thất tàng lồm (Ngược gió, song ngữ Tày-Việt, 2006), “Đò trăng” (2009), “Bài hát cho Sa” (2011); hai tập tản văn “Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm” (2009) và “Kungfu người Co Xàu” (2010). Hiện anh đã hoàn thành bản thảo cuốn tản văn thứ ba: “Fừn Nèn – Củi Tết”; hai tập thơ song ngữ “Vũ khúc Tày – Tủng Tày” (108 bài thơ tình), “Hoa quả chuông- Bjooc ăn lình” và “Thơ ở mẫu giáo Y Phương” (tranh tác giả).

Như “con tằm rút ruột nhả tơ”, tác phẩm của Y Phương đã thổi vào làng văn Việt một ngọn gió riêng, để tên tuổi anh bội thu những "Mùa hoa " giải thưởng: Giải A cuộc thi thơ tạp chí Văn nghệ Quân đội 1984; Giải thưởng loại A của Hội Nhà văn Việt Nam (1987) với tập thơ "Tiếng hát tháng Giêng"; Giải A của Hội đồng Văn học dân tộc – Hội Nhà văn Việt Nam với tập thơ "Lời chúc"; Giải B của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật Việt Nam, Giải B của Bộ Quốc phòng với trường ca "Chín tháng" (2001); Giải thưởng Hội văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số Việt Nam năm 2011 cho tản văn “Kungfu người Co Xàu”; Bằng khen của Hội Nhà văn Việt Nam cho “Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm” (năm 2010). Nhà thơ dân tộc Tày vinh dự được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2007.

Nhưng có một Giải thưởng khác tinh diệu hơn lại nằm trong trái tim yêu mến của độc giả bởi sức lan tỏa tự thân từ tác phẩm. Nhất là từ khi bài thơ "Nói với con” đưa vào giảng dạy trong nhà trường phổ thông (lớp 9), thì tên tuổi Y Phương đến gần hơn công chúng, với người yêu thơ, với giáo viên và học sinh bởi thông điệp nhân văn từ một tuyên ngôn về cái Đẹp, về Bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập:

Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương
Còn quê hương thì làm phong tục

Để làm nên phong cách riêng, Y Phương luôn ý thức đi tìm cái mới, cái đẹp. Anh cho rằng, sáng văn chương không tìm thấy cái mới, sự độc đáo thì rất khó lưu lại trong trái tim độc giả. Với Y Phương, văn chương là “một thứ chơi. Chơi cho mình thích và cho người ta thích”. Lao động sáng tạo phải mang dấu ấn cá nhân và đậm vùng văn hóa khi nhà thơ tâm niệm “Khi con tim không rung, đôi tay không buồn, cầm cây bút sao nổi. Cầm bút không nổi lấy đâu ra thơ ca. Cảm xúc sáng tạo không phải là thứ đặt hàng…”.

Một điều dễ nhận thấy “mẫu số chung” trong những sáng tác của Y Phương là sự vịn bám vào cuộc sống muôn màu của người vùng cao, nhưng anh đã tìm được lối đi riêng, làm nên một phong cách nhà thơ Tày không nhòe lẫn.

Sinh ra ở vùng sơn cước, Y Phương luôn đau đáu, cháy bỏng niềm khát mong đem đến cho bạn đọc cái nhìn chân xác nhất về cảnh sắc thiên nhiên miền núi cùng cuộc sống, con người ở đó và đặc biệt hơn tác phẩm của anh đã mở rộng biên độ, vượt khỏi lãnh địa quê hương để nhập “ngôi nhà Việt”. Thơ anh như làn gió mát, như dòng nước sông Bắc Vọng, Quây Sơn ngọt lành, như hạt dẻ vấn vương thơm bùi…của quê hương và vùng miền núi phía Bắc. Anh trân quý “bầu khí quyển” quê hương với niềm tự hào cháy bỏng. Tình quê ấy như thấm vào từng mạch máu, đường gân, thớ thịt hòa vào hơi thở của “Người đàn ông của làng Hiếu Lễ” khi bắt đầu chạm tới cái “lần đầu tiên”:

Lần đầu tiên ôm tiếng khóc lên ba

Lần đầu tiên sông núi gọi ông bà

Lần đầu tiên nhóm lửa trên mặt nước

Lần đầu tiên sứ sành rạn nứt

Lần đầu tiên ý nghĩ khôn lên

(Tên làng – Y Phương)

“Chiếu nghỉ” giữa khoảng thơ

Thành công trong sự nghiệp thi ca, nhưng người nghệ sĩ vẫn không ngừng khắc khoải tìm kiếm một cách viết mới, ngoài thơ. Vượt qua cảm giác lống loáng, rỗng ruột, anh vịn câu nói của cổ nhân người Tày: "Chỗ nào còn nước thì làm ruộng, hết nước thì làm rẫy". Thế là người trai Tày vịn văn hóa, miết mải làm “phu chữ, gieo chữ trên cánh đồng ngôn từ” để tìm cách thể hiện mới. Từ thơ, đến trường ca, anh thử sức lấn sang một địa hạt mới và để lại dấu ấn khá đặc biệt - đó là tản văn - loại văn xuôi ngắn gọn, hàm súc, dài ngắn tuỳ ý, lối thể hiện đời sống mang tính chất chấm phá, tái hiện nét chính của các hiện tượng giàu ý nghĩa xã hội, bộc lộ trực tiếp tình cảm, ý nghĩ mang đậm bản sắc cá tính tác giả. Chọn thể loại có nét gần thơ – gần với thế mạnh bản năng trời cho vốn tiềm ẩn trong từng mạch máu của nhà thơ dân tộc Tày sống và thở trong ngút ngàn đá Trùng Khánh. Thơ gần tản văn vì không nhất thiết phải có cốt truyện phức tạp, nhân vật hoàn chỉnh, nhưng lại đòi hỏi nghiêm ngặt là cấu tứ độc đáo, có giọng điệu, có cách thể hiện đa dạng để có thể miêu tả phong cảnh, khắc hoạ nhân vật, bộc lộ cảm xúc trữ tình, tính tự sự, đặc biệt là thể hiện nổi bật chính kiến và cá tính tác giả…

Là người thân thiện, dễ gần, nhưng anh lại cực khó tính với nghề “Tôi yêu từng con chữ nhưng quyết khai tử những xác chết của chữ nghĩa”, những non bấy nhạt nhòa không thương tiếc. Thậm chí tôi đã phải bỏ đi cả trăm con chữ long lanh chỉ để có được một dấu phẩy sinh động tươi rói…”. Trách nhiệm với văn chương cùng sáng tạo thử nghiệm đã mang đến thành công. Ngoài ghi nhận của hội nghề nghiệp, hai tập tản văn “Kungfu người Co Xàu” và “Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm” đã được bạn đọc đón nhận.

Thừa kế và sở hữu một kho tàng văn hóa Tày truyền thống vững chắc, hai tập tản văn “Kungfu người Co Xàu” và “Tháng Giêng – tháng Giêng một vòng dao quắm” đã bám sát những vấn đề thiết yếu của đời sống. Đó là những lát cắt muôn màu về đời sống, sinh hoạt, phong tục tập quán, ngôn ngữ…của con người vùng cao đậm bản sắc dân tộc. Chất Tày được bộc lộ độc đáo trong trải nghiệm cuộc đời, ở một tầng vỉa làm lộ dần tầm cao và chiều sâu văn hóa. Anh hiểu hơn ai hết văn hóa là sức mạnh nội sinh, là cội cuồn giá trị của làng Tày “Vách nhà ken câu hát” với niềm tin vững chắc “Còn quê hương thì làm phong tục”. Nhưng điều đáng trân trọng là tản văn của nhà thơ Tày ấy không "đóng đinh" bó hẹp trong cuộc sống sinh hoạt của người Tày mà vượt lên, vươn xa như một dấu nối với thơ ca các dân tộc khác. Tản văn của anh mở rộng biên độ, phong phú đề tài về cuộc sống, con người miền núi – thành thị, tình yêu đất nước – quê hương, tình cảm gia đình – bạn bè - tình yêu lứa đôi…thẫm đẫm bản sắc văn hóa “người đồng mình”.

Sinh ra và lớn lên gắn bó với đá, với núi rừng, tâm hồn anh được dung dưỡng trong bầu khí quyn văn hóa dân tộc. Cảnh sắc thiên nhiên, cuộc sống con người vùng cao với những phong tục tập quán đã được nhà văn dựng lên như một tấm gương phản chiếu chân thực sinh động, phong phú mang đậm bản sắc dân tộc. Đó là quê hương Trùng Khánh, đó là non nước Cao Bằng – nơi thế kỷ XV là kinh thành của nhà Mạc, nơi các ngọn núi từ thấp đến cao đều lao vút lên trời nhọn hoắt. Tình yêu máu thịt ấy được Y Phương nhìn “bằng đôi mắt thơ ngây của hoa lá dân tộc mình, rung động bằng trái tim suối nguồn và tư duy bằng sừng đá”. Vì thế, anh đưa vào tản văn tất cả những chất liệu dung dị của quê hương như: dòng sông, dáng núi, cây tre, cây trúc, quả trám, hạt dẻ…Dưới lăng kính của “nhà thiết kế” tài ba, thiên nhiên hiện lên có tâm hồn khoáng đạt, có sức quậy cựa, sinh nở. Thế nên, mới chỉ nằm áp lưng trên chiếu trúc, trường liên tưởng đã ập đến “Đi hết cuộc đời người cha, sang cuộc đời con đến cuộc đời cháu, chắt, chút, chít… vẫn quẩn quanh núi trúc… Chỉ cần nghe lá trúc reo, là hổ báo với lợn rùng tự mình mềm oặt…(Chiếu trúc nhìn ta).

Cảm xúc về con sông quê hương tắm mát tâm hồn. Tác giả phiêu diêu cùng con sông Bắc Vọng, Quây sơn “Nước sông, nước suối quê tôi quanh năm trong xanh ngăn ngắt. Ngay cả đến những ngày bão lũ, nước chỉ đùng đục có vài ba giờ. Sao đó trở lại màu xanh rêu vốn có. Cái màu xanh rêu như trời dưới đáy sông, đã làm cho tôi sợ từ hồi còn nhỏ, đến bây giờ. Bà nội tôi bảo dưới đấy là Thủy cung”; nghe sông lai láng chảy về phía Thủ đô cùng thở, cùng bơi “Bơi từ chân núi Phà Làng tới Thung hoa…Thông Huề là gì nếu không có con sông Bắc Vọng chảy qua. Nước sông Bắc Vọng xanh như trời. Trời dầm trong nước sông cùng với da con gái…”. (Sông bơi)…

Người Tày sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước. Dân tộc Tày đã khai phá và làm chủ được những vùng thung lũng phẳng. Và lúa đi vào tản văn Y Phương mang vẻ đẹp duyên dáng của thiếu nữ, của tình yêu: “Lúa như những đứa trẻ sơ sinh hãy còn loe hoe lông măng. Tã óm lỏng lẻo hở cả rốn ra ngoài…Lúc nào lá cũng đạp nọc nạch, tung tinh rối rít…Sao có người bảo đây chính là tiếng ếch ộp gọi bạn tình. Chắc phải như thế rồi. Thảo nào gió cứ lay nhay sung sướng. Nó mang theo mùi bùn non. Bùn non sánh như sữa đặc.. Ngày cũng như đêm, khi đi ngang qua cánh đồng, tôi đều nghe tiếng lúa non chóp chép. Lúa non bú ruộng” (Còn có một cái Tết Vía trâu).

Anh chăm chút những sinh hoạt thường ngày ở ngôi làng Tày với những phong tục tập quán truyền thống của ma chay, cưới xin… Đó là cảnh rước dâu độc đáo của người Tày “Cảnh rước dâu bằng đôi chân pằm pặp của đoàn người đi bộ. Cảnh gồng gồng gánh gánh, bánh dày tròn, bánh chưng vuông với chú lợn cưới. Chú lợn cưới cười không nhìn thấy mắt. Nó cứ ti hí lờn lợt... Cả đám quà cưới cồng kềnh xanh đỏ theo cô dâu về nhà chồng” (Áo tân thời bước vào võng cửa).

Từ đám tang người cha - người thầy đã nâng bước, đã trao truyền cho con trai lòng bao dung, nhân ái, cách xử thế nhân văn, Y Phương khái quát tục tang ma của người Tày quê mình “Ngày cha tôi mất, khắp cánh đồng Bo Păn trước nhà, rợp một màu khăn tang trắng xóa. Người gánh gạo. Người gánh rượu. Người vác củi… nườm nượp mang đến giúp cho nhà tôi làm lễ tang cha… Có ba ông thày tào. Sáu bà bụt luông. Họ đều là những học trò xuất sắc và tin cẩn của cha tôi. Ba ngày bốn đêm, tưng bừng ngảy múa và ca hát. Trống chiêng não bạt ầm vang. Tiếng sóoc nhạc. Tiếng pí lè. Tiếng con ốc cạn. Tiếng sừng trâu út út vọng vào vách núi, không lúc nào ngưng nghỉ. Làm át đi tiếng khóc thương cha, thống thiết não nùng”. Thm đẫm vùng văn hóa miền cao, Y Phương thổi cảm xúc yêu thương đắm say vào các mùa lễ hội từ mùa Xuân tới mùa Thu, vắt qua mùa Đông và kéo sang mùa Hạ. Mùa lễ tết của người Tày trong tản văn với những Tết cả”, “Tết thanh minh”, “Tết Slip Sli thịt vịt”, “Tết Hạ chí”, “Tết trâu”, “Tết cốm”... Tết vùng Tày không khác biệt với những vùng văn hóa khác, bởi tết là vui, vui như tết. Tết là dịp nghỉ ngơi sau cả năm làm lụng vất vả. Tết là lúc gia đình quây quần, sum họp. Tết là tri ân, tôn vinh người già, quan tâm đến trẻ…Ngày Tết của vùng Tày cũng không có gì khác biệt “Ngày mồng hai, bầu đàn vợ chồng, con cái sang chúc Tết ông bà nội ngoại… Ông bà vui như trẻ lại vài chục tuổi. Móc túi mừng cho mỗi đứa một bao lì xì…Ngày mồng ba Tết, mọi người ra khỏi làng…” (Tết anh cả).

Tản văn của anh như “mảnh hồn làng” mang bao nỗi háo hức, bận rộn của “Tết tháng Giêng hẹn từ tháng Bảy”. Thế nên “từ sau rằm tháng Bảy, lá gói bánh gai chưa kịp héo, họ đã lên kế hoạch cho từng tháng... Tháng Chín, tháng Mười vào rừng kiếm củi, đun nồi bánh chưng, cất lô rượu gạo. Tháng Một bện rơm lót giường, làm ghế cho khách ngồi. Tháng Chạp ủ muối cỏ khô, rơm khô dành cho trâu bò ăn…” (Tết cả), trong đó có lễ “pây tái” (đi lễ bố mẹ vợ) rất độc đáo vùng văn hóa Tày “Các chàng rể phải sắm đôi vịt béo để mang đến nhà, biếu ông bà ngoại(Tết Slip Sli thịt vịt).

Khác với một số dân tộc có tục kiêng cữ đàn bà “xông đất” trong ngày Tết, thì trái lại Y Phương khẳng định văn hóa Tày không những không kiêng cữ đàn bà mà trái lại họ - đàn bà đã mang đến vận may: “Nhà ai có khách là đàn bà con gái đến chúc tết đầu tiên, năm ấy sẽ ăn nên làm ra, mua một bán mười. Bởi đàn bà con gái là giống má. Là mùa màng. Là no ấm. Mùa màng đến xông đất thì còn gì may mắn bằng…” (Tết anh cả).

Sống cùng đá, thở cùng cây, xênh xang cùng non nước Cao Bằng, anh khéo giới thiệu văn hóa ẩm thực vùng cao như một “vị đại sứ” có kỹ năng quảng bá văn hóa Tày. Với tình yêu máu thịt với quê, anh có chùm bài về văn hóa ẩm thực khá ấn tượng với “Nghe hạt dẻ rơi”, “Trám mang thai”, “Tết cốm”, “Bánh xì chen chạy lung tung”, “Về Trùng Khánh mà nghe hạt dẻ”… Nhờ tản văn, chúng ta biết những dịp lễ tết, người Tày rất khéo chế biến nhiều loại ẩm thực: xôi ngũ vị, bánh trứng kiến cho ngày mùng 3 tháng 3; pẻng tải, bánh gai, bánh dợm, thịt vịt quay cho rằm tháng Bảy…Trong mâm cúng rằm tháng Bảy của người Tày, thịt vịt là món không thể thiếu. Bởi thế mới có câu cửa miệng về ẩm thực Tày: “Bươn Chiêng kin nựa Cáy, bươn Chêt kin nựa pết“Bươn chêt kin nựa pết” (tết tháng Giêng ăn thịt gà, tết tháng Bảy ăn thịt vịt). Anh nương theo truyền thuyết, con vịt được coi là con vật thiêng trong tâm linh của người Tày, là sứ giả của mường trần gian với Mường Trời, có công cõng gà trống vượt biển (Khảm hải) đi cống sứ Mường Trời vào rằm tháng Bảy để viết “Tết Slip Sli thịt vịt”: “Bươn chêt kin nựa pết”, chọn những con vịt béo nhất đàn. Một con dành để cúng tổ tiên. Một con cúng hồn ruộng lúa. Một con cúng vía trâu bò. Một con dành hẳn cho trẻ chăn trâu, mang theo ra đồng cỏ. Đứa nào cũng phải ăn bằng hết. Nếu để thịt vịt thừa, hồn sẽ bắt trâu bị lở mồm long móng. Phần vịt để tiếp khách, thì cứ mỗi mâm ba chú. Một chú luộc. Một chú xáo măng. Một chú quay. Tiết canh hãm bằng rượu ngâm mật gấu”. Với “Bánh xì chen chạy lung tung”, anh huy động tối đa các giác quan cuả cơ thể để “thăng hoa” một cách tự hào ẩm thực Tày hấp dẫn “Mồm miệng luôn xuýt xoa vì cảm giác nóng bỏng trên răng dưới lưỡi. Nào bánh cuốn ăn với giò lụa. Nào cóng phù chan nước gừng mật mía. Nào bánh áp chao nhân đùi vịt. Nào phở lạp sườn xá xíu tổng hợp. Nào bánh bao nhân trứng chim. Nào xôi trám đen, xôi trứng kiến, xôi ngũ sắc... Cái ăn đã vào tới bụng. Cái ăn còn òng ọc sôi thêm một lần nữa ở trong người, được như thế càng sướng. Ăn như vậy nó mới khác người”. Ẩm thực đã vượt ra ngoài chuyện ăn uống “Nhưng tôi chưa hề thấy lạp xường ở dưới xuôi nó như thế nào. Lạp xường quê tôi ngon nức tiếng xưa nay. Ai đã từng một lần thưởng thức, sẽ phải nhớ phúng xàng đến ngày bạc đầu

Tản văn của anh coi trọng các lề thói ứng xử quan hệ trong họ ngoài làng, với trời đất, cỏ cây, con vật…Y Phương dành sự quan tâm đặc biệt ca ngợi những con người mộc mạc, ân tình. Hình nh con ngưi và tình cm trong sáng, đôn hu, trng nghĩa tình, thường trực ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Đó là chú Phin “Bài thơ mà chú viết dán lên cây, là lời người biết ơn loài thảo mộc(Dân tộc: Người), thầy Slay Khuy, các võ sĩ Phja Fủ anh dũng chống lại bọn giặc cờ đen cờ vàng (Kung fu người Co Xàu), ông Thoòng làm nghề vá chảo hàn nồi, lão Mòn từng tham gia đánh Pháp (Lão Mòn đi đâu rồi), dượng Tý (Ông dzang tâng hương đèn)... Nhất là với người phụ nữ Tày, tản văn Y Phương luôn thể hiện xúc cảm và trân trọng họ như những viên ngọc sáng. Người phụ nữ qua cảm xúc của tác giả ngoài vẻ đẹp hình thức “Đẹp từ dép đẹp lên. Đẹp từ tóc chải lệch ngôi đẹp xuống…” (Tết anh cả)… là vẻ đẹp tâm hồn đôn hậu, phẩm chất ngời sáng, mang cốt cách người phụ nữ vùng cao. Đó là các chị em đeo vòng bạc, dây xà tích, túi đựng trầu bằng thổ cẩm (Kung fu người Co Xàu); “người đàn bà Tàu mặc áo nhung đi hài thêu” (Bà Phò); và nhất là thái độ trân trọng vẻ đẹp của người nữ công nhân qua lăng kính tâm hồn “Chị công nhân đeo kính đen, bịt khẩu trang vàng. Kính với khẩu trang che kín cả khuôn mặt. Không biết chị ấy còn tươi hay đã nhàu rách chân chim. Nhưng tôi cam đoan rằng chị công nhân kia có một tâm hồn khá nhạy cảm”. Với những người thân trong gia đình, những trang tản văn ăm ắp tình yêu thương: Là bà nội“hay ngồi trên chiếc ghế rơm, lưng tựa cửa, mắt nhìn ra cánh đồng làng hàng giờ. Tôi trông bà như bức tượng bằng đá đen nguyên khối. Bà ngồi ngóng đợi lúa mùa. Còn lúa mùa thì quạt mát, quạt xanh rười rượi lên mái tóc trắng xóa cho bà”; người cha “không chữa bệnh bằng thuốc mà bằng trái tim. Trái tim yêu thương con người (Bí mật về chai nước trong); là người mẹ của làng Hiếu Lễ “Bà đã dành cả một năm trời chăm bẵm đàn gà vịt ngan ngỗng và lũ lợn…Bà bảo rằng tôi nuôi những cái này là để đón cháu. Bất kể trai hay gái. Nhưng cháu gái thì càng mừng hơn. Người Kinh có câu “ruộng sâu trâu nái không bằng con gái đầu lòng” là gì”. Nghe đâu người Tày mình cũng có câu “lục slao cốc gjộc khẩu têm” con gái đầu cối gạo đầy đó sao”, là chị gái “Chị ngồi ngay trước mặt, nhìn tôi như nuốt lấy từng lời. Tay phải chị cầm quạt, tay trái cầm khăn lau từng giọt mồ hôi trên người cho tôi” (Chị tôi); là cô con gái “Đôi chân nhỏ xíu bước hịt bước hều. Nhưng cái mặt nó luôn cười tươi làm như nhà ta chẳng hề đói rách” (Tiếng ve cay đắng); là những đứa cháu “Lim dim đôi mắt lay láy đen, Kiu đang lơ mơ cười…Sa hăng hái thò ngón tay nhỏ xíu tắt đèn” trước ngày được về quê để được nói tiếng Tày trong (Núi non chất ngất)…

Trong thơ cũng như tản văn, anh hồn nhiên, tự bạch mình như cái bánh bóc bóc đến tận cùng không cần đậy điệm, giấu giữ. Tản văn là bức chân dung tự họa, là chân dung tâm hồn người trai Tày và những con người xung quanh: “Giống như cái thùng tôn nhẵn gạo, tôi cứ bô lô, ba loa. Có gì ngứa ngáy trong ruột gan, tôi xả ra bằng hết…" và "Tôi coi cái làng Tày như da bọc lấy người tôi. Nó nghi ngút khói lửa cay đắng trong hồn tôi. Ngôi làng ấy biến nước lã thành máu, chảy thấm qua và nuôi hàng trăm nghìn vạn tế bào quanh thân xác tôi".

Trả ơn nơi đã sinh ra – Trùng Khánh là vùng đất đầy tinh thần thượng võ và giàu truyền thống văn hóa, là nơi bảo tồn những làn điệu dân ca dung dưỡng tâm hồn, anh viết như phơi gan ruột về những "Chợ Co Xàu”, “Dân Co Xàu hát”, “Từ Phủ Trùng xa xôi tôi đến Cuộc “hành hương” đầy thiêng liêng, Y Phương say sưa với cảnh hoàng hôn quê hương: “Chiều quê tôi sánh vàng như mật. Đấy là thời khắc ve ran như sôi. Lá rừng thiêm thiếp” (Về Trùng Khánh mà nghe hạt dẻ)…

Văn hóa tâm linh cũng là một khía cạnh của tản văn được anh đề cập với những bài “Tết thanh minh”, “Dọa ma”, “Con ma gà”...

Trong tản văn, Y Phương sử dụng ngôn ngữ hài hòa giữa truyền thống và hiện đại. Anh chọn trong văn học dân gian những tinh chất cần có để tạo nên ngôn ngữ nghệ thuật riêng của văn xuôi dân tộc thiểu số Việt Nam hiện đại. So với nhiều nhà văn dân tộc thiểu số, Y Phương sử dụng tiếng Tày tần suất lớn và nhuần nhụy nhất. Anh chú trọng đưa tiếng Tày vào tản văn và linh hoạt trong việc Tày hóa tiếng Việt trên cơ sở thông thạo cả hai thứ tiếng Tày và Việt. Tuy viết bằng tiếng Việt, nhưng sắc thái Tày vẫn thể hiện rõ. Trước hết là ở ngôn ngữ ngắn gọn, rõ ràng, dễ hiểu: "Người nhiều tiền mua đất để chơi. Họ chơi nhà lầu. Họ chơi xe hơi. Họ chơi quan chức…" (Thư gửi bạn chăn trâu). Điều đó rất gần gũi với cách nói của người Tày, thể hiện một khẩu khí, một thái độ rõ ràng, dứt khoát.

Y Phương có biệt tài và rất có ý thức dùng những từ ngữ sóng đôi vừa Kinh, vừa Tày làm cho ý nghĩa của Tiếng Việt khái quát, mở rộng hơn, vượt qua ý nghĩa ban đầu bởi đã pha thêm nghĩa của tiếng Tày, tâm hồn Tày, văn hóa Tày: “Phúng xàng lủng lẳng”, “Dân Co Xàu hát Wàng Dà”, “Tết slip sli ăn thịt vịt”, “Ngồi ghế rơm uống trà khỉ nộc”, “Biêng biêng lày cỏ”, “Ông Zdang tâng hương đèn”, “Cơm nhan”, “Người trông coi ngọn lửa Dá hai”, “Lượn ơi em ở đâu”, “Nhào nhào con ma xay thóc”... Trong 11 tản văn tiếng Kinh pha tiếng Tày, chỉ có 2 bài là thuần Tày 100%: Fừn nèn” (Củi Tết) và Dzương eng” (thăm trẻ sơ sinh, hay thăm gái đẻ).

Y Phương coi tản văn “Tháng Giêng, tháng Giêng một vòng dao quắm” và “Kungfu người Co Xàu” mới chỉ là thể nghiệm bước đầu, là “khoảng lặng” hay “chiếu nghỉ” sau thời gian dốc sức cho trường ca “Đò trăng” đến mức khiến nhà thơ rơi vào trạng thái “lỗng loãng, rỗng ruột”. Nhưng thực tế câu trả lời đã thuộc về bạn đọc – người thẩm định khách quan và công tâm nhất ngay sau khi hai tập tản văn ấy đến với công chúng. Tản văn đã mang đến thành công cho nhà thơ dân tộc Tày với nỗ lực luôn luôn làm mới bởi tinh thần và lao động sáng tạo. Bạn đọc trân trọng và yêu quý hai cuốn tản văn ấy bởi tác giả Y Phương đã phát huy thế mạnh của nguồn thơ để làm mới thể loại mới – tản văn; đã khai thác chiều sâu tâm hồn, tầm cao truyền thống lịch sử, văn hóa của dân tộc; đã thể hiện sâu sắc nỗi xa xót trước sự mai một và nguy cơ mất đi bản sắc văn hóa dân tộc và nhất là đã gióng lên hồi chuông khẩn cấp với Thông điệp SOS – HÃY BẢO VỆ BẢN SẮC VĂN HÓA CỦA DÂN TỘC.

Tản văn “Tháng giêng - tháng giêng một vòng dao quắm” và “Kungfu người Co Xàu” đã góp phần hoàn chỉnh sự nghiệp văn chương của Y Phương, cho thấy một tài năng đa dạng, sáng tạo một cách bền bỉ, không chịu bó tay, hay tụt hậu với thời cuộc. Sau thành công ấy, như “người hành hương về xứ sở”, người đàn ông làng Hiếu Lễ tiếp tục trình làng tản văn “Fùn nèn - Củi Tết”, sẽ mang đến cho bạn đọc một vẻ đẹp mới từ những góc nhìn mới về văn hóa dân tộc và nhà thơ Tày Hứa Vĩnh Sước - Y Phương đã và sẽ tiếp tục chinh phục những người yêu tản văn, yêu nền văn hóa Tày rực rỡ, độc đáo, tràn đầy sức sống một cách tự nhiên.

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực