Trò chuyện đầu xuân cùng nhà văn trẻ Phạm Duy Nghĩa

Thứ bảy, 05/02/2011 09:11

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa

(ĐCSVN) - Không nổi lên như một “hiện tượng” ngay lập tức tạo được hiệu ứng và sức “phủ sóng” mạnh mẽ trong giới đọc, nhưng bằng con đường riêng lặng lẽ và nhuần nhị của mình, các tác phẩm của nhà văn trẻ Phạm Duy Nghĩa đang từng bước định danh trong trái tim của nhiều độc giả yêu mến văn chương. Từ tập truyện ngắn đầu tay “Tiếng gọi lưng chừng dốc” đến “12 truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa” mới được ấn hành, Phạm Duy Nghĩa đã đi một chặng đường dẫu chưa phải là dài đối với một nghiệp văn, nhưng có lẽ đã đủ để bạn đọc nhìn thấy “một nhà văn”.

Những câu chuyện văn chương thú vị đã được nhà văn Phạm Duy Nghĩa chia sẻ cùng Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trong cuộc phỏng vấn đầu xuân.

- Nói đến Phạm Duy Nghĩa, có lẽ nhiều bạn đọc nghĩ ngay đến một nhà văn với nhiều tác phẩm thành công về đề tài miền núi. Những trang văn đẹp, tươi mát thiên nhiên và nồng nàn ám ảnh về số phận những con người, những cuộc đời nơi heo hút gió mây…dường như đã định danh một Phạm Duy Nghĩa trong lòng bạn đọc. Anh nghĩ sao về điều này?

- Tôi viết không nhiều nên không dám nhận là đã có nhiều tác phẩm thành công. Vài chục truyện ngắn về miền núi của tôi còn quá khiêm nhường so với hệ thống tác phẩm của các bậc tiền nhân đóng góp cho đề tài này. Nghệ thuật chẳng nên đo bằng số lượng, quý hồ tinh bất quý hồ đa, nhưng viết ít quá thì cũng khó nói. Dẫu vậy, tôi vẫn chủ trương viết ít, viết kĩ, cốt hay, không cốt nhiều, dù điều này không phải cứ muốn là làm được. Miền núi, tự bản thân nó đã là đẹp, nên văn cũng phải đẹp cho xứng đáng với nó. Viết về miền núi mà nhạt nhoà, không thấy cái tươi xanh hùng vĩ của nó ở đâu, thì tự thấy xấu hổ với chính thiên nhiên miền núi. Tôi cho rằng thiên nhiên cùng với bản sắc các dân tộc là hai đặc sản, hai niềm kiêu hãnh riêng của văn xuôi viết về miền núi. Nó là cái để ta phân biệt với văn học đô thị, miền xuôi. Là một trong những cây bút trẻ người Kinh (khá ít ỏi) viết về miền núi hiện nay, tôi cố gắng trình bày cái thế giới còn lắm mời gọi này với một sắc màu riêng, cố gắng không lẫn, ít lẫn vào khu rừng văn chương vốn rất sum xuê của những người đi trước.

-
Từ truyện đầu tay “Tiếng gọi lưng chừng dốc” đến những truyện sau này như “Gia đình ông Luân”, “Hoa cẩm tú cầu ứng mệnh”, bút pháp truyện ngắn của anh đã có những thay đổi nhất định. Phải chăng anh đang tìm cách làm mới ngòi bút của mình?

- Chẳng mấy ai muốn tự đóng khung mãi trong một lối viết quen thuộc, nên sự làm mới đã diễn ra nhiều khi ráo riết ở không ít cá nhân – có như vậy thì nền văn học mới phát triển được. Lối viết của tôi theo thời gian cũng có ít nhiều thay đổi, chẳng hạn về cấu trúc, giọng điệu và ngôn ngữ. Tuy nhiên, tôi vẫn quan niệm mới hay cũ không quan trọng, miễn là phải hay, cũ-hay hơn mới-dở (thực ra thế nào là hay lại là một vấn đề, và mỗi người viết lại có độc giả riêng). Việc làm mới phải hướng tới cái đích của nghệ thuật là giá trị thẩm mĩ, chứ không phải làm khác đi chỉ để được mọi người chú ý đến theo kiểu “đốt đền”. Mọi khuynh hướng, phương pháp sáng tác... chỉ là con đường, phương tiện mà mỗi người viết lựa chọn để trình bày thế giới hiện thực, tự bản thân chúng không làm nên giá trị văn học.

-
Đồng thời vừa nghiên cứu, vừa sáng tác, lại đang làm công tác quản lý với vị trí Trưởng ban Lý luận phê bình Tạp chí Văn nghệ quân đội. Nhiều công việc và vai trò đang đặt lên đôi vai và ngòi bút của anh? Anh muốn khẳng định mình ở lĩnh vực nào hơn cả?

- Tôi bước vào văn giới với tư cách một người viết văn xuôi, không phải một nhà nghiên cứu phê bình. Sự tham gia không thường xuyên vào lĩnh vực nghiên cứu văn học chỉ do hoàn cảnh công tác từ những năm dạy học ở trường sư phạm miền núi, những năm học tập ở Hà Nội đến công việc được giao ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội hiện nay. Trong hai lĩnh vực này, một anh tung tẩy, một anh đạo mạo nghiêm ngắn, tôi thích sáng tác hơn. Nói như nhà văn Hồ Anh Thái, người được biết đến là một tiểu thuyết gia hơn là một nhà nghiên cứu văn hoá, thì những con chữ xanh tươi của sáng tác thường dễ thu hút người ta hơn là cái màu xám của kinh viện.

-
Được biết, nhiều nhân vật trong truyện ngắn của anh có cơ sở từ nguyên mẫu trong thực tế. Anh có thể chia sẻ thêm với độc giả về điều này?

- Không nhiều đâu, chỉ vài ba thôi, nhưng hình như những nhân vật này lại được bạn bè văn chương nhớ đến hơn so với những

Nhà văn Phạm Duy Nghĩa sinh năm 1973.
Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.
Hiện làm việc tại Tạp chí Văn nghệ quân đội.
Giải Nhất truyện ngắn Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam) 2003-2004.
Giải thưởng Hội Văn học, nghệ thuật các dân tộc thiểu số 2006.
Giải thưởng Phan Xi Păng tỉnh Lào Cai 2002-2007

Tác phẩm chính đã xuất bản:
Tiếng gọi lưng chừng dốc (truyện ngắn, 2002).
Cơn mưa hoa mận trắng (truyện ngắn, 2007).
Đường về xa lắm (truyện ngắn, 2007).
12 truyện ngắn Phạm Duy Nghĩa (2010)
Nhà văn Nguyễn Minh Châu và cảm hứng nhân văn (chuyên luận, 2006).

nhân vật chỉ sản sinh từ hư cấu. Cái cô Diễm chỉ quen sơ sơ anh chàng văn sĩ trên một chuyến tàu mà dám liều mạng tìm về thủ đô ở với anh ta mấy ngày, trong “Cô gái xuống ga Vĩnh Yên”, là chuyện có thật. Tuy chung giường chiếu nhưng cô ta vẫn kiên quyết giữ mình để tìm kiếm một cảm giác tình yêu thánh thiện, thanh cao, cũng là có thật. Hiện cô gái này vẫn bán cà phê trên quãng đường vắng ở thành phố Lào Cai, mỗi lần về qua tôi đều ghé thăm. Còn cái chuyện giáo viên cắm bản, vì “hoàn cảnh vùng cao” nên một nam một nữ phải ở chung phòng mấy tháng liền trong “Cơn mưa hoa mận trắng” chính là thực tế tôi đã chứng kiến tại một xã hẻo lánh ở Lào Cai. Cái ranh giới mong manh và khốc liệt ấy ngẫu nhiên được thiết lập để thử nghiệm nhân cách, bản lĩnh của hai người, tự nó làm nên cái tứ cho truyện ngắn này (chẳng biết trong đời tôi có khi nào được gặp lại họ nữa?). Nhân vật hư cấu thường phóng túng, tự do hơn, nhưng với một người viết chưa giàu vốn sống, thì nhân vật có nguyên mẫu ngoài đời xem ra dễ thành công hơn, trong trường hợp nó được xây dựng theo chủ nghĩa hiện thực truyền thống.

-
Vẻ đẹp của thiên nhiên, những mây, những trăng và đồi núi luôn thấm đẫm trong các truyện ngắn của anh. Đây là một trong những đặc điểm của kiểu truyện ngắn trữ tình. Đó có phải là phong cách văn chương anh lựa chọn cho mình?

- Nói tới miền núi là nói tới thiên nhiên, viết về miền núi mà không động chạm đến thiên nhiên là tự tước đi cái phong vị rất riêng của miền núi. Một nhà phê bình đã than phiền rằng trong sáng tác của nhiều cây bút trẻ, rất trẻ hiện nay, thiên nhiên bị chặt lìa khỏi trang viết. Thiên nhiên miền núi đi vào văn học, với tư cách là đối tượng miêu tả, tự bản thân nó đã làm nên chất trữ tình. Tôi có chịu ảnh hưởng văn học Xôviết, văn học Đông Âu nên có ý thức dành cho thiên nhiên một vị trí ưu ái, trân trọng trong tác phẩm. Tuy vậy, trữ tình không phải là cái khuôn tôi giữ cố định cho mình. Miền núi sâu lắng dịu dàng nhưng miền núi cũng khốc liệt dữ dội, truyện ngắn của tôi co duỗi theo các cung bậc ấy, tùy từng cái tạng mình hình dung về mỗi truyện mà lựa chọn một văn phong phù hợp với nó.

-
Hình ảnh người phụ nữ luôn tạo một dấu ấn nhất định trong các tác phẩm của Phạm Duy Nghĩa. Dường như những nhân vật này luôn gánh một “trọng trách” trong văn chương của anh, qua đó là một ẩn dụ, một quan niệm, một suy nghĩ, một cảm nhận của anh về cuộc sống?

- Thật vậy chăng? Tôi không có ý định thiên vị phụ nữ trong tác phẩm của mình. Đối với tôi, phụ nữ luôn là một thế giới phức tạp, bí ẩn. Họ làm ta say mê nhưng cũng khiến ta mệt mỏi vì bất lực khi cố gắng giải mã họ. Đàn ông thường rành mạch, dễ hiểu hơn. Tuy nhiên, có lẽ với tham vọng khám phá “một nửa thế giới”, tôi đã nắm bắt tâm lí của họ không đến nỗi tồi nên nhân vật nữ trong các truyện đã thể hiện các suy nghĩ và quan niệm của tôi rõ nét và sinh động hơn các nhân vật nam giới.

- Là một nhà văn trẻ, anh đánh giá thế nào về đội ngũ các nhà văn trẻ hiện nay?

- Ở thời điểm này, những người viết thế hệ 7X và trẻ hơn thường được coi là các nhà văn trẻ, nghĩa là từ 40 tuổi đổ lại (nếu so với độ tuổi của các văn sĩ, thi nhân thời 1930-1945 thì các “nhà văn trẻ” hiện nay quá già). Trong hàng ngũ của Hội Nhà văn Việt Nam, lớp nhà văn này hiện có khoảng 20 người. Cùng với những cây bút trẻ còn ở ngoài tổ chức Hội, họ đóng góp cho nền văn học bằng những con đường, cách thức và thiên hướng sáng tạo khác nhau. Người in sách, người đưa lên mạng. Người chung thủy với lối viết truyền thống, người nỗ lực tìm tòi cách tân. Ở dạng nào cũng có tác phẩm hay, dở, và mỗi kiểu nhà văn có một lượng độc giả của riêng mình. Xu hướng đô thị hoá đang bộc lộ rõ nét ở nhiều cây bút, nhất là thế hệ 8X, trong khi một số người viết (chủ yếu thuộc 7X) vẫn lặng lẽ hướng về nông thôn. Có người chạy theo các đề tài “hot”, thời thượng, có người tìm đến những giá trị nhân bản muôn đời. Không nên nhìn các nhà văn trẻ như một khối thuần nhất, và cũng khó có thể đánh giá đâu mới là văn chương đích thực, và trong số họ ai đóng góp được nhiều hơn ai. Chỉ có thể nói rằng, họ đang góp phần làm nên sự đa dạng và sinh khí mới cho nền văn học.

-
Anh có thể chia sẻ những dự định văn chương sắp tới của mình?

- Những người chuyển môi trường sống, làm việc từ một miền đất khác về thủ đô thường cảm thấy khó viết như trước, và có khi ngừng viết trong một thời gian dài. Tôi cũng vậy. Không hẳn do công việc bận rộn, mà còn bởi vốn sống về miền đất cũ cũng như môi trường mới chưa có đủ thời gian để bồi đắp, do tâm thế của mình nữa... Một sự tĩnh tại trong tâm hồn đôi khi cũng cần cho người viết, nhất là một người đã quen sống thanh thản ở miền núi. Tôi cũng muốn viết về đô thị, nhưng cần một sự trải nghiệm nhiều hơn. Hiện chưa thể nói gì về dự định của bản thân, nhưng dù chậm hay nhanh, tôi sẽ phải tiếp tục viết. Không viết, sao gọi là nhà văn được?

-Xin cảm ơn anh và chúc anh một năm mới thành công!

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực