Ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc nỗ lực bảo đảm nguồn cung cuối năm

Thứ ba, 29/10/2024 17:58
(ĐSCVN) - Ngành chăn nuôi của tỉnh Vĩnh Phúc bị ảnh hưởng rất lớn từ cơn bão số 3. Do đó, để bảo đảm cân đối nguồn cung, nhất là thịt lợn, thịt gà phục vụ thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trang trại, hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đã chủ động tái đàn, chăm sóc, bảo vệ đàn vật nuôi sinh trưởng, phát triển.
Ngành chăn nuôi Vĩnh Phúc nỗ lực bảo đảm nguồn cung cuối năm 

Là hộ chăn nuôi gà thịt quy mô lớn nhất ở thôn Gò Giềng, xã Thái Hòa, huyện Lập Thạch, ông Hoàng Văn Nguyên cho biết, gia đình ông đầu tư gần 4 tỷ đồng xây dựng 2 chuồng nuôi gà lai chọi thịt theo công nghệ hiện đại từ năm 2019, quy mô 5.000 con/chuồng. Với việc tuân thủ nghiêm công tác phòng chống dịch bệnh, 5 năm qua, đàn gà thịt của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, ít bị dịch bệnh, mỗi năm cho xuất bán 3 đợt, với khoảng 30.000 con gà thịt cho thị trường trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận. Trừ tất cả các khoản chi phí cho thu lãi từ 500 - 600 triệu đồng/năm.

Theo ông Nguyên, thông thường nhu cầu sử dụng thịt gà trong các bữa ăn ngày Tết của người dân tăng từ 20 - 30% so với ngày thường và giá bán sẽ nhích lên nhưng nguồn cung không khan hiếm vì người chăn nuôi nắm rất rõ quy luật cung - cầu nên từ quý II hằng năm và năm nay là ngay sau bão số 3 đi qua, các hộ chăn nuôi, nhất là tại các khu vực bị ngập lụt do bão đã bắt tay vào vệ sinh chuồng trại, tái đàn vật nuôi. Riêng gia đình ông, đến giữa tháng 12 âm lịch sẽ xuất bán lứa gà thứ 3 trong năm, với khoảng 10.000 con gà thịt lai chọi. “5 năm qua, chưa khi nào gia đình tôi phải lo đầu ra cho đàn gà, đặc biệt là vào dịp Tết, bởi chất lượng gà thịt ổn định, được nhiều khách quen và thương lái đặt mua. Với giá bán buôn dao động từ 54.000 - 62.000 đồng/kg như hiện nay, gia đình tôi tiếp tục có cái Tết no ấm”- ông Nguyên nói.

Với trại chăn nuôi gà đẻ trứng của ông Nguyễn Văn Tâm - một trong những trại chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại nhất ở xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, những ngày này, hơn 10 công nhân thường xuyên có mặt tại các chuồng nuôi để vệ sinh, chăm sóc hơn 40.000 gà đẻ trứng. Ông Tâm cho biết: Như nhiều hộ chăn nuôi ở ven khu vực sông Lô, sông Hồng, sông Phó Đáy, gia đình ông bị thiệt hại hàng tỷ đồng từ chăn nuôi do ảnh hưởng của bão số 3 giữa tháng 9 vừa qua. Để khôi phục chăn nuôi, ngay khi nước rút, gia đình đã tập trung vệ sinh toàn bộ hệ thống chuồng trại, phun thuốc tiêu độc khử trùng, đưa toàn bộ đàn gà gửi trong các hộ dân về chăn nuôi. Đồng thời, tiếp tục đầu tư xây dựng, nhập thêm 10.000 gà đẻ trứng, đưa chuồng nuôi thứ 4 vào hoạt động từ tháng 11/2024, nâng tổng đàn gà đẻ trứng lên hơn 40.000 con để phục vụ thị trường Tết Nguyên đán.

Theo ông Tâm, chăn nuôi gà đẻ trứng cũng cần có những bí quyết riêng, đặc biệt là để gà đẻ trứng đều, chất lượng, nhất là đối với 10.000 gà mới bổ sung, hằng ngày, các công nhân sẽ theo dõi sức khỏe đàn gà và cung cấp đầy đủ nước uống, thức ăn sạch, đủ chất dinh dưỡng; tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chăn nuôi an toàn sinh học; thường xuyên quét dọn, khử trùng chuồng nuôi, vệ sinh máng ăn, máng uống, bảo đảm đủ nhiệt, đủ ánh sáng, hạn chế người ra vào khu vực chăn nuôi.

Còn với gia đình ông Vũ Hoàng Lân, xã An Hòa, huyện Tam Dương, cuối năm nay sẽ xuất bán hơn 1.000 con lợn thịt ra thị trường. Ông Lân cho biết: Chăn nuôi muốn phát triển bền vững và bảo đảm được nguồn cung thì công tác phòng ngừa dịch bệnh là yếu tốt tiên quyết. Hiện cả 4 chuồng nuôi lợn thịt, 2 chuồng nuôi lợn giống của gia đình được kiểm soát chặt chẽ từ nguyên liệu đầu tư, nước uống, phương tiện vận chuyển. Trong khu chuồng nuôi, hệ thống đèn điện và quạt điều hòa không khí bảo đảm hoạt động 24/24 giờ để duy trì ánh sáng, không khí thông thoáng và nhiệt độ ổn định cho đàn lợn suốt 4 mùa. Tính trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán khoảng 200 con lợn thịt, thu lãi từ 1 - 1,3 triệu đồng/con.

Theo ông Lân, từ tháng 5/2024 đến nay, giá lợn hơi tăng và giữ ổn định ở mức cao, tạo tâm lý phấn khởi cho người chăn nuôi. Để duy trì đàn vật nuôi, kịp cung ứng cho thị trường cuối năm, gia đình chú trọng chế độ dinh dưỡng trong khẩu phần ăn của đàn lợn; bổ sung thêm vitamin, chất điện giải trong nước uống giúp đàn lợn nâng cao sức đề kháng, chống chọi với thời tiết khắc nghiệt và ngăn chặn nguy cơ mầm bệnh xâm nhập. Đồng thời, tiêm phòng đầy đủ các loại vắcxin theo quy định; thường xuyên vệ sinh chuồng trại, phun thuốc khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi 2 lần/tuần.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện tỉnh Vĩnh Phúc có trên 12 triệu con gia cầm; trên 15.500 con trâu; gần 88.000 con bò; hơn 516.000 con lợn. Hằng năm, đàn vật nuôi cho sản lượng thịt hơi khoảng 130.000 tấn các loại và trên 735 triệu quả trứng. Với sản lượng này, ngoài cung cấp đủ nhu cầu thực phẩm trong tỉnh, các cơ sở còn xuất bán sản lượng ra ngoài tỉnh.

Dự báo dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi tăng thêm từ 10 - 30% so với ngày thường. Để hạn chế rủi ro trong chăn nuôi và bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường, ngành Nông nghiệp đã chỉ đạo các địa phương khuyến cáo người chăn nuôi theo sát diễn biến thị trường, dự báo đúng khả năng tiêu thụ để xác định quy mô tái đàn, tăng đàn phù hợp, bảo đảm hiệu quả chăn nuôi. Tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh để giảm giá thành sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các hoạt động mua bán, giết mổ động vật, xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, buôn bán, giết mổ động vật không qua kiểm dịch, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, an toàn dịch bệnh; theo dõi diễn biến của thời tiết để chăm sóc, phòng bệnh đàn vật nuôi, bảo đảm ổn định nguồn cung thực phẩm.

T.N

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực