|
Vĩnh Phúc không ngừng phát triển (Ảnh: PV) |
Tuy nhiên, vượt lên trên tất cả, bằng tinh thần chung sức đồng lòng của toàn hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã kịp ghi lại nhiều dấu ấn khá tự hào.
Từ khi tái lập tỉnh đến nay, Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc đã trải qua 6 kỳ Đại hội (từ nhiệm kỳ Đại hội XII đến nhiệm kỳ Đại hội XVII), theo đó, mục tiêu xuyên suốt và nhất quán chính là lựa chọn con đường đổi mới để phát triển.
Kinh tế phát triển mạnh mẽ
Sau 25 năm tái lập, tốc độ tăng trưởng kinh tế luôn ở mức cao, có năm tăng trên 20%. Bình quân giai đoạn 1997 – 2021 tăng 13,42%/năm; chất lượng tăng trưởng được nâng cao, năng suất lao động đạt 212 triệu đồng/lao động/năm, tăng 20,5 lần so với năm 1997 (10,3 triệu đồng/lao động). Quy mô kinh tế ngày càng lớn, đến năm 2021 đạt 136,2 nghìn tỷ đồng tăng gấp 69,6 lần so với năm 1997 (năm 1997: 1,96 nghìn tỷ đồng), tiếp tục khẳng định vai trò, vị trí ngày càng quan trọng của tỉnh trong vùng và cả nước.
GRDP bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, năm 2020, đạt 105,5 triệu đồng/người, đứng thứ 5/11 tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng và đứng thứ 10/63 tỉnh/thành phố trong cả nước; năm 2021 đạt 114,3 triệu đồng/người (khoảng 4.800 USD), cao gấp 52,5 lần so với năm 1997 (năm 1997: 2,18 triệu đồng/người).
|
Kinh tế liên tục phát triển mạnh mẽ (Ảnh: PV) |
Thu ngân sách nhà nước đạt cao, luôn vượt mục tiêu đề ra, với nhiều dấu mốc quan trọng và luôn nằm trong TOP các tỉnh có số thu ngân sách cao nhất của cả nước. Năm 1997 mới chỉ đạt hơn 100 tỷ đồng, đến năm 2002 vượt mốc 1.000 tỷ đồng, từ năm 2004 Vĩnh Phúc đã tự cân đối được chi ngân sách và đóng góp, điều tiết về ngân sách Trung ương; năm 2009 vượt mốc 10.000 tỷ đồng, năm 2014 vượt mốc 20.000 tỷ đồng và đến năm 2016 vượt mốc 30.000 tỷ đồng. Đặc biệt năm 2019 đạt trên 35.000 tỷ đồng, là tỉnh có số thu ngân sách đứng thứ 8 cả nước và thứ 4 vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; năm 2020 và năm 2021 mặc dù tác động của đại dịch COVID-19 nhưng tổng thu ngân sách của tỉnh vẫn đạt trên 32.000 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt gần 28 nghìn tỷ đồng), gấp 282 lần so với số thu ngân sách của năm 1997. Số thu ngân sách tăng cao đã tạo điều kiện tăng nguồn lực đầu tư cho hạ tầng kinh tế xã hội và thực hiện các chính sách xã hội.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Khu vực công nghiệp và xây dựng đạt mức tăng trưởng khá cao, giữ vai trò đầu tàu, động lực cho phát triển kinh tế và giữ tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu GRDP của tỉnh (năm 2021, chiếm đến 63,74%; năm 1997 là 18,4%). Hai khu vực kinh tế còn lại là dịch vụ và nông, lâm nghiệp, thủy sản đều theo hướng giảm, trong đó: Khu vực dịch vụ giảm từ 36,48% năm 1997 xuống 28,43% và khu vực nông, lâm thủy sản giảm từ mức 45,13% năm 1997 xuống còn 7,83% tổng giá trị tăng thêm các ngành kinh tế năm 2021.
Thu hút đầu tư trở thành “điểm sáng” của cả nước. Ngay từ khi tái lập, Tỉnh uỷ, HĐND và UBND tỉnh đã xác định hoạt động xúc tiến và thu hút đầu tư là chìa khóa quan trọng để Vĩnh Phúc phát triển. Từ đó, Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh đã có những hướng đi mang tính đột phá để trở thành “điểm sáng” của cả nước về công tác thu hút đầu tư. Năm 1997 thời điểm tái lập, tỉnh có 8 dự án có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và 1 dự án có vốn đầu tư trong nước (DDI) thì đến năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 429 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đăng ký là 7,1 tỷ USD của 20 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào tỉnh, trong đó có các quốc gia phát triển như Mỹ, Nhật, các quốc gia Châu Âu và 824 dự án DDI với tổng vốn đầu tư là gần 110 nghìn tỷ đồng. Từ chỗ không có khu công nghiệp khi mới tái lập, đến nay tỉnh đã có 19 khu công nghiệp được quy hoạch, trong đó có 14 khu công nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư (có 08 KCN đi vào hoạt động).
Diện mạo nông thôn đổi thay toàn diện, Chương trình xây dựng nông thôn mới được quan tâm đạt kết quả quan trọng. Kinh tế nông nghiệp nông thôn chuyển biến rõ rệt theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kết cấu hạ tầng nông thôn được xây dựng đồng bộ, khang trang; đời sống của người dân nông thôn ngày càng được cải thiện, nâng cao. Đến hết năm 2021 dự kiến toàn tỉnh có 100% số xã (105 xã) đạt chuẩn nông thôn mới, 11 xã nông thôn mới nâng cao, 36 thôn nông thôn mới kiểu mẫu, 5/9 huyện, thành phố được công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Huy động và tạo sự đồng thuận lớn trong nhân dân về chủ trương xây dựng, cải tạo, khắc phục ô nhiễm môi trường tại khu dân cư; đã vận động nhân dân đóng góp, ủng hộ tiền, ngày công trị giá gần 700 tỷ đồng, xây dựng 734,02 km cống rãnh thoát nước; chất lượng môi trường sống tại nhiều vùng nông thôn, khu dân cư trong toàn tỉnh được nâng lên, tạo hiệu ứng lan tỏa, đoàn kết trong toàn tỉnh.
Hệ thống cơ cở hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt theo hướng đồng bộ, hiện đại. Khi mới tái lập, các tuyến đường quốc lộ chủ yếu là đá răm, cấp phối đến nay được nhựa hóa 100%; tuyến đường cao tốc Hà Nội - Lào Cai chạy qua tỉnh với 5 nút giao đã, đang và sẽ là điều kiện thuận lợi để kết nối với các tỉnh phía Bắc và vùng đồng bằng Sông Hồng. Hệ thống giao thông tĩnh như các bến xe, điểm đỗ xe buýt được đầu tư đáp ứng yêu cầu phát triển.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh có bước phát triển vượt bậc cả về số lượng, quy mô, cơ cấu và chất lượng. Năm 1997 chỉ có 91 doanh nghiệp đăng ký hoạt động với số vốn 57 tỷ đồng, đến hết năm 2021, toàn tỉnh có trên 13 nghìn doanh nghiệp (tăng 141 lần so với năm 1997) với vốn đăng ký đạt trên 150 nghìn tỷ đồng. Các doanh nghiệp đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách, giải quyết việc làm.
|
Thiền viện trúc lâm tại Tây Thiên, Vĩnh Phúc (Ảnh: PV) |
Đồng bộ phát triển các vấn đề văn hóa – con người và xã hội
Phát triển văn hóa, con người đạt nhiều kết quả quan trọng; thể thao quần chúng phát triển mạnh; thể thao thành tích cao có những bước tiến mới. Nhiều giá trị văn hóa dân tộc, di tích, di sản được bảo tồn và phát huy; đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa được quan tâm; đến nay toàn tỉnh có 91,84% gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, 93,85% thôn, tổ dân phố đạt chuẩn văn hóa. Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội có nhiều tiến bộ. Có 65 di tích được xếp hạng cấp quốc gia, 03 di tích xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt là: Di tích lịch sử văn hóa và danh lam thắng cảnh Tây Thiên -Tam Đảo, di tích kiến trúc nghệ thuật Tháp Bình Sơn, di tích kiến trúc nghệ thuật đình Thổ Tang. Vĩnh Phúc có 3 loại hình di sản văn hóa phi vật thể được ghi danh vào danh sách của UNESCO (Hát ca trù, di sản Kéo song Hương Canh, Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ của người Việt) và 5 di sản được đưa vào danh mục si sản văn hóa phi vật thể quốc gia (Lễ hội đền Ngự Dội, hát Soọng cô của người Sán Dìu, hát trống quân Đức Bác, tín ngưỡng thờ Mẫu Tây Thiên và Lễ hội xã Đại Đồng).
Các môn thể thao mũi nhọn của tỉnh trong những năm qua đã giành nhiều thành tích tại các kỳ thi đấu quốc gia, quốc tế như Đua thuyền, PenCak Silat, Bắn súng... Đội tuyển bóng chuyền nữ Bamboo Airways Vĩnh Phúc giành vị trí thăng hạng, tham gia thi đấu tại giải Vô địch Quốc gia năm 2022.
|
Đảm bảo trật tự an toàn xã hội, an ninh quốc phòng trên địa bàn tỉnh (Ảnh: PV) |
Giáo dục – đào tạo đạt nhiều thành tựu nổi bật, được đánh giá là một trong những tỉnh, thành có chất lượng giáo dục tốt nhất cả nước. Hệ thống mạng lưới trường lớp các cấp được quy hoạch và quan tâm đầu tư. Đến năm 2019 đã có 100% trường công lập đạt chuẩn quốc gia. Vĩnh Phúc là tỉnh thứ 5 của toàn quốc được công nhận đạt chuẩn phổ cập mẫu giáo 5 tuổi vào năm 2013 và đạt phổ cập tiểu học mức độ 2 năm 2014. Các chỉ số chung về giáo dục của toàn tỉnh đều vượt các tiêu chí do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Số lượng và chất lượng học sinh giỏi quốc gia ổn định ở mức cao so với các tỉnh, thành trong cả nước. Tính từ năm 1998 đến nay, tỉnh có 1.405 giải học sinh giỏi cấp quốc gia; 33 huy chương cấp khu vực và quốc tế, trong đó có 3 huy chương vàng, 7 huy chương bạc, 15 huy chương đồng các môn Toán học, Vật Lý, Sinh học...
Thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19
Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân được đặc biệt quan tâm. Cơ sở vật chất ngành y tế được tăng cường, nâng cấp ở các tuyến; đã đầu tư Bệnh viện đa khoa tỉnh quy mô 1.000 giường bệnh, Bệnh viện Sản – Nhi quy mô 500 giường bệnh, các bệnh viện và Trung tâm y tế tuyến huyện; 100% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn. Đội ngũ y, bác sỹ thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân. Đến hết năm 2021, đạt tỷ lệ 39 giường bệnh/vạn dân, tăng 30,1 giường/vạn dân so với năm 1997; 14 bác sỹ/vạn dân, gấp 5,4 lần năm 1997. Chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh được cải thiện ở cả ba tuyến.
Đáng chú ý là công tác phòng, chống dịch đại dịch COVID-19 được Trung ương và các tỉnh, thành phố đánh giá cao về cách làm và kết quả thực hiện. Là địa phương đầu tiên của Việt Nam ghi nhận ca nhiễm vi rút SARS-CoV-2 vào đầu năm 2020, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quyết liệt chỉ đạo các cấp, các ngành tập trung phòng chống, nhanh chóng đẩy lùi dịch bệnh COVID-19. Bằng các giải pháp linh hoạt, sáng tạo, công tác phòng chống dịch ở Vĩnh Phúc đã trở thành mô hình để các địa phương trong cả nước nghiên cứu, vận dụng. Đến thời điểm này, Vĩnh Phúc đã cơ bản khống chế được dịch, bảo vệ “vùng xanh”, thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch, vừa phát triển kinh tế - xã hội.
|
Chủ động, thích ứng linh hoạt với dịch bệnh COVID-19 (Ảnh: PV) |
Ngoài ra, tỉnh cũng không ngừng bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân, nhất là giải quyết việc làm, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm và đạt kết quả tích cực. Bình quân hàng năm giải quyết việc làm cho khoảng 20 nghìn lao động. Bình quân mỗi năm, ngân sách tỉnh hỗ trợ trên 300 tỷ đồng thực hiện chính sách cho các đối tượng. Toàn tỉnh không còn hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách người có công. 100% các xã đạt tiêu chí tỷ lệ hộ nghèo trong xây dựng nông thôn mới. Tỷ lệ hộ nghèo đến năm 2021 giảm còn 0,44%; tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế đạt 93%; 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí. 100% xã trên địa bàn được phủ điện lưới quốc gia và 100% hộ dân được dùng điện lưới; cáp quang đã đến 100% số thôn.
Công tác xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, thế trận lòng dân vững mạnh, sẵn sàng chiến đấu cao. Thực hiện tốt các kế hoạch, chiến lược của Đảng về quốc phòng; kết hợp chặt chẽ giữa quốc phòng, an ninh và kinh tế. Tỉnh chú trọng công tác quy hoạch và xây dựng thế trận quân sự, quốc phòng ngày càng vững chắc, hệ thống công trình phòng thủ liên hoàn, rộng khắp, có trọng tâm, trọng điểm, với hệ thống các đường hầm, công trình phụ trợ, đường cơ động, thao trường huấn luyện tổng hợp, trận địa pháo phòng không ngày càng đầy đủ, hợp thành hệ thống phòng thủ của Quân khu 2 và cả nước.
An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Luôn nắm chắc tình hình, chủ động phòng ngừa, không để phát sinh hoạt động chống phá, kích động biểu tình, gây rối an ninh, trật tự trên địa bàn tỉnh. Chủ động xây dựng và củng cố thế trận an ninh nhân dân, đấu tranh có hiệu quả âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch, phản động. Bảo đảm an ninh chính trị - nội bộ, an ninh văn hóa - tư tưởng, an ninh dân tộc, tôn giáo, an ninh xã hội, an ninh kinh tế. Chuẩn bị các điều kiện ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, như: thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu…
Hoạt động đối ngoại tiếp tục được mở rộng và ngày càng đi vào thực chất, hiệu quả cao, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao vị thế của tỉnh. Tăng cường, mở rộng quan hệ hợp tác, hữu nghị với các tỉnh Chungcheongbuk (Hàn Quốc), tỉnh Akita (Nhật Bản) và các tỉnh Bắc Lào. Chủ động mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị quốc tế; thu hút FDI, ODA, viện trợ phi Chính phủ đa dạng, thực chất và hiệu quả. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh các thời kỳ đã dẫn đầu nhiều đoàn đi công tác, xúc tiến đầu tư ở một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga, Hoa Kỳ, Đức, Anh, Pháp, Hà Lan, New Zealand, Australia, Ấn Độ, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất, Cộng hòa Nam Phi...