50 năm Vĩnh Phúc làm theo lời Bác

Thứ hai, 18/02/2013 20:22

 

 Ảnh minh họa. (nguồn: baovinhphuc.com.vn)

Năm 1963, Vĩnh Phúc vinh dự 2 lần được đón Bác về thăm. Lần thứ nhất, Bác căn dặn:“Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc”. Lần thứ hai, trước Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 3, Bác chúc Đảng bộ Vĩnh Phúc "trở thành một trong những Đảng bộ khá nhất miền Bắc”. Trong niềm vui đón năm mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh lại náo nức kỷ niệm 50 năm ngày Bác về thăm Vĩnh Phúc. Nửa thế kỷ trôi qua, Vĩnh Phúc hôm nay đã tiến những bước dài, xứng đáng với lời Bác dạy năm xưa…

Vẹn nguyên ký ức ngày gặp Bác – 2/3/1963

Dù nửa thế kỷ đã trôi qua nhưng cảm xúc của những người dân Vĩnh Phúc nói chung và người dân thị xã Vĩnh Yên (nay là thành phố Vĩnh Yên) đã may mắn được gặp Bác tại vườn hoa thị xã năm nào vẫn còn vẹn nguyên. Kỷ niệm, những lời căn dặn của Bác đã theo họ suốt 50 năm qua, thôi thúc họ phấn đấu nhiều hơn để xứng đáng với lời dạy của Người.

78 tuổi, nhưng ký ức 2 lần được gặp Bác thì không bao giờ “già” trong tâm tưởng bà Nguyễn Thị Tình, phường Đống Đa, thành phố Vĩnh Yên, bởi đó là những kỷ niệm vô giá được bà nâng niu, trân trọng. Bà vẫn còn nhớ như in từng cử chỉ, lời nói của Bác dù khoảng cách thời gian đã mấy chục năm…

Rót chén trà xanh nóng hổi mời khách, bà Tình chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về thời khắc thiêng liêng cách đây 50 năm. Buổi sáng hôm ấy thật đẹp trời, cả thị xã Vĩnh Yên rực rỡ cờ và hoa đón Bác. Hơn 16.000 cán bộ, đảng viên, nhân dân đại diện cho Đảng bộ, nhân dân tỉnh nhà tập trung tại vườn hoa thị xã đón Bác. Khi Bác tới, mọi người hô vang “Hồ Chủ tịch muôn năm! Hồ Chủ tịch muôn năm…!”. Tiếng hô, tiếng vỗ tay kéo dài không ngớt. Bác phải giơ tay ra hiệu cho mọi người im lặng để Bác nói chuyện. Nhưng tiếng thì thầm, trầm trồ vẫn chưa ngớt: “Bác giản dị quá! Bác khoẻ quá! Trông Bác đen hơn trước! Bác đi nhiều mà lại…!”. Những tiếng trầm trồ bỗng lặng ngắt khi Bác cất tiếng nói sang sảng. Mọi người nhìn Bác, chăm chú “nuốt” từng lời nói của Bác. Trong suốt thời gian Bác nói chuyện, lại rộn lên tiếng cười phấn khởi hoặc tiếng hoan hô như sấm dậy…

Dừng câu chuyện một lát, giọng bà Tình trùng xuống: "Kỷ niệm được gặp Bác, nghe những lời căn dặn của Bác đã theo tôi suốt 50 năm qua. Sau này, dù ở vị trí công tác nào, ngay cả khi đã nghỉ hưu, tôi luôn sống và làm việc với một chữ "Tâm"...

Tại buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Xuất bản, in, phát hành sách Việt Nam do Sở Thông tin và Truyền thông tổ chức ngày 10/10/2012, nghệ sỹ nhiếp ảnh Phan Đinh,- nguyên cán bộ Ty văn hóa Vĩnh Phúc khiến người nghe xúc động khi kể về kỷ niệm những năm công tác trong ngành, đặc biệt là những lần được gặp Bác, được chụp ảnh Bác khi Người về thăm tỉnh nhà. 50 năm trôi qua, những bức ảnh chụp Bác ngày nào giờ đã ngả màu thời gian nhưng với ông, đó là “báu vật” không gì đánh đổi được. Ông tâm sự: “Bác Hồ đã đi xa, nhưng đối với tôi, những lần được chụp ảnh Bác là những kỷ niệm không thể quên. Sau này, mỗi lần cầm máy chụp ảnh, tôi lại nhớ đến giây phút thiêng liêng đó; nhớ mãi đôi mắt, nụ cười, cái gật đầu của Bác đồng ý cho tôi được chụp ảnh”.

Hơn 1600 cán bộ, đảng viên, nhân dân đón Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên năm xưa, nay người mất, người còn; có người trưởng thành, trải qua các cương vị lãnh đạo; có người đã ở tuổi thất thập cổ lai hy đang vui vầy bên con cháu; có những người mái tóc đã điểm bạc nhưng vẫn phải chật vật với miếng cơm, manh áo thường ngày… Nhưng ở họ đều có một điểm chung khi nhắc về kỷ niệm cách đây tròn 50 năm, đó là niềm tự hào, hãnh diện khi tận mắt được nhìn thấy Bác, được nghe Bác căn dặn “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc”.

Khắc ghi lời Bác dạy

Còn nhớ năm 1997, năm đầu tỉnh được tái lập. Khi mới ra “ở riêng”, Vĩnh Phúc là một tỉnh thuần nông, nghèo, không có doanh nghiệp mạnh, ngân sách cả năm thu được khoảng 100 tỷ đồng, thì nay, con số ấy đã cao hơn gấp nhiều lần, Vĩnh Phúc đã trở thành một trong những tỉnh có đóng góp cho ngân sách Trung ương. Nhờ có các quyết sách đúng đắn và kịp thời, các địa phương trong tỉnh đã từng bước khai thác các tiềm năng, lợi thế thúc đẩy phát kinh tế. Đến nay, Vĩnh Phúc đã thành lập 7 khu công nghiệp, 14 cụm công nghiệp. Trên địa bàn thu hút 645 dự án, trong đó, hơn 300 dự án đã đi vào hoạt động, 342 dự án đang xây dựng và trong quá trình làm thủ tục bồi thường giải phóng mặt bằng. Các cụm công nghiệp đang hoạt động cũng đã thu hút 96 doanh nghiệp và 450 hộ sản xuất kinh doanh đăng ký đầu tư. Hiện Vĩnh Phúc đang là một trong số các tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Các ngành dịch vụ phát triển khá toàn diện, từng bước khai thác được lợi thế của tỉnh. Nhiều sản phẩm mới, công nghệ cao đang hình thành; sản phẩm công nghiệp đa dạng, phong phú về chủng loại, chất lượng được nâng lên, từng bước nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Khuyến khích nông nghiệp, nông thôn phát triển, Vĩnh Phúc cũng là một trong những tỉnh đầu tiên trong nước đã ban hành Nghị quyết về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Sau 5 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết 03 của Tỉnh ủy đã góp phần thúc đẩy, đổi mới toàn diện kinh tế - xã hội khu vực nông thôn và đời sống nông dân trong tỉnh.

Vĩnh Phúc hôm nay

Từ năm 2008 đến nay, khủng hoảng kinh tế thế giới cùng với sự điều chỉnh vĩ mô của nền kinh tế trong nước, diễn biến bất thường của thời tiết… đã tác động không nhỏ đến sự phát triển chung của tỉnh. Vững vàng trước cam go, thử thách, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Vĩnh Phúc đã chung sức đồng lòng, từng bước tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh, duy trì tăng trưởng kinh tế. Chỉ đạo quy hoạch động, giải quyết các vấn đề bức xúc về quản lý và sử dụng đất đai; tập trung cao độ thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước ở nhiều lĩnh vực quan trọng; đồng thời quan tâm giải quyết những vấn đề bức xúc về an sinh xã hội. Nhờ đó, kinh tế của tỉnh vẫn có sự tăng trưởng, rõ rệt nhất là ở các ngành dịch vụ. Năm 2012, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ đạt 9,78% so với năm 2011. Công tác xây dựng nông thôn mới đạt nhiều kết quả tích cực. Có 65 xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới vào năm 2015, 20 xã điểm phấn đấu đạt chuẩn vào cuối năm 2013. Công tác an sinh xã hội được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 6,5%. Giai đoạn 2000 - 2012, tỉnh đã đầu tư và huy động 900 tỷ đồng để xây dựng 17.921 nhà đại đoàn kết. Các lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch có nhiều tiến bộ, đặc biệt, ngành giáo dục- đào tạo có sự tiến bộ vượt bậc; năm 2012, Vĩnh Phúc là tỉnh có tỷ lệ học sinh đạt điểm thi đại học, cao đẳng bình quân cao nhất cả nước.

Cùng với phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện Di chúc của Bác về công tác xây dựng Đảng, Đảng bộ tỉnh đã tập trung xây dựng Đảng trên cả ba mặt chính trị, tư tưởng và tổ chức, bảo đảm sự đoàn kết, thống nhất cao trong quá trình thực hiện nhiệm vụ chính trị. Quán triệt và triển khai tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương gắn với xây dựng chương trình hành động phù hợp điều kiện cụ thể của địa phương. Công tác củng cố, phát triển tổ chức đảng và đảng viên ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng công giáo và trong các doanh nghiệp được chú trọng.

Năm 2013 được dự báo là năm tiếp tục có nhiều khó khăn, thách thức. Với nền tảng đã được tạo lập, phát huy truyền thống đoàn kết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh đang ra sức thi đua với một khí thế mới, hướng tới mục tiêu ổn định sản xuất, hoàn thành thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Đây cũng chính là hành động thiết thực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của Vĩnh Phúc dâng lên Bác kính yêu nhân kỷ niệm 50 năm thực hiện lời căn dặn khi Người về thăm tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành tỉnh giàu có, phồn vinh nhất miền Bắc nước ta”.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực