8 lần Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm và làm việc với Đảng bộ, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc

Thứ ba, 28/11/2023 15:24
(ĐCSVN) - Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã 8 lần về thăm và làm việc với Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc. Đặc biệt, trong lần thăm thứ 7, ngày 02/3/1963, Bác căn dặn Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Kỷ niệm những lần thăm, làm việc của Bác Hồ tại Vĩnh Phúc

Chùa Hà Tiên ghi dấu chân Bác Hồ tới thăm (Ảnh tư liệu) 

Giữa tháng 11/1958, Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá II) đã ra Nghị quyết về nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 3 năm 1958 - 1960 ở miền Bắc, xác định rõ: Tập trung hoàn thành cơ bản công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản tư doanh.

Xác định hợp tác hoá nông nghiệp là khâu chính, trọng tâm, Trung ương đã bàn thảo, ban hành nghị quyết về vấn đề này nhằm góp phần thực hiện thành công công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc. Ngày 25/8/1959, Ban Bí thư Trung ương tiếp tục ban hành Chỉ thị số 154-CT/TW “Về việc củng cố hợp tác xã sản xuất nông nghiệp”. Tháng 9/1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi nông dân lao động tham gia hợp tác hóa nông nghiệp, đã tạo thành phong trào và thu hút ngày càng nhiều nông dân tham gia xây dựng hợp tác xã.

Thực hiện chủ trương của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với khí thế cách mạng sôi nổi của quần chúng, đồng thời, nhờ làm tốt công tác giáo dục, tuyên truyền vận động, nên phong trào hợp tác hoá nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc đã phát triển khá rầm rộ. Đến cuối năm 1960, kết thúc kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, công cuộc xây dựng hợp tác hoá nông nghiệp, đưa nông dân vào con đường làm ăn tập thể đã cơ bản hoàn thành trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc . Đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của Nhân dân trong tỉnh từng bước được cải thiện.

Bác Hồ thăm, động viên các cháu học sinh trên địa bàn tỉnh (Ảnh tư liệu) 

Với những thành tích trên, Vĩnh Phúc được Trung ương đánh giá đạt loại khá của miền Bắc về thực hiện công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa (được Chính phủ tặng thưởng 41 Huân chương và 298 Bằng khen).

Bước vào thời kỳ thực hiện kế hoạch Nhà nước 5 năm lần thứ nhất (1961- 1965) theo tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ III của Đảng và Nghị quyết Đại hội lần thứ II Đảng bộ tỉnh, bên cạnh những thuận lợi, Vĩnh Phúc gặp những khó khăn lớn. Là tỉnh nông nghiệp, lại thuộc vùng trung du, địa hình phức tạp, dễ bị hạn, úng... nên kết quả sản xuất còn nhiều yếu tố rủi ro, nhất là những năm đầu thập niên 60, hạn hán kéo dài và trên diện rộng đã gây tổn thất khá lớn cho sản xuất nông, lâm nghiệp của tỉnh. Phát huy những thành tựu đạt được trong những năm cải tạo xã hội chủ nghĩa, với nỗ lực, quyết tâm cao của toàn quân, toàn dân trong tỉnh, đến cuối tháng 02/1963, về cơ bản Vĩnh Phúc đã khắc phục được hạn hán. Đó là thắng lợi có ý nghĩa rất lớn đối với Nhân dân trong tỉnh thời kỳ này.

Với những thành tích đã đạt được, đặc biệt là trong công tác chống hạn, làm thủy lợi và khai hoang phục hóa phát triển nông nghiệp năm 1961 – 1962 đạt khá, ngày 2/3/1963, Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm và động viên.

Sự kiện Bác Hồ về thăm Đảng bộ và nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ngày 02/3/1963

Sáng ngày 2/3/1963, Bác cùng đồng chí Dương Quốc Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp về thăm và làm việc với cán bộ chủ chốt của tỉnh đã tập trung đón Bác tại trụ sở, khu Đồi Cao (nay là trụ sở Tỉnh ủy). Sau khi ân cần hỏi thăm lãnh đạo tỉnh, Bác ký bức chân dung tặng Đảng bộ và Nhân dân, trước cuộc mít tinh đón Bác, Người giơ bức chân dung căn dặn: “Đơn vị nào có thành tích cao trong thi đua, Bác sẽ tặng một bức chân dung của Bác như thế này”.

 Bác Hồ trong chuyến thăm ngày 2/3/1963 (Ảnh tư liệu)

Sau khi gặp gỡ lãnh đạo tỉnh, Bác chụp ảnh với các đồng chí trong Tỉnh ủy, đại diện một số cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và các cháu thiếu nhi (con cán bộ Văn phòng Tinh ủy). Bác còn chụp ảnh với một đơn vị bộ đội đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “3 nhất”.

Nói chuyện với gần hai vạn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào Vĩnh Phúc tại cuộc mít tinh trọng thể đón chào Bác tại vườn hoa thị xã Vĩnh Yên (nay là Công viên Bảo tàng tỉnh), Người nói: “Bác và đồng chí Dương Quốc Chính thay mặt Trung ương Đảng và Chính phủ hỏi thăm đồng bào, bộ đội và cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu thanh thiếu niên và nhi đồng. Đồng thời, khen ngợi xã viên hợp tác xã, đồng bào miền núi, công nhân, bộ đội, cán bộ, các cụ phụ lão, các cháu học sinh đã ra sức sản xuất và chống hạn có kết quả khá...”.

Nói chuyện với Nhân dân về chống hạn, Bác căn dặn, tuy hạn đã cơ bản bị đẩy lùi, nhưng có thể bị hạn lại; bởi vậy, luôn sẵn sàng chống hạn. Bác gợi ý, nước chống hạn có 3 nguồn: Trời mưa, nước sông ngòi và nước dưới đất. Bác yêu cầu: “Chúng ta phải dùng đủ mọi cách để chống hạn và sản xuất...”.

Đối với sản xuất nông nghiệp, Bác nhấn mạnh 4 yếu tố: Nước, phân, cần, giống; nhưng Bác phân tích nước là quan trọng hàng đầu, thiếu hoặc không có nước không thể sản xuất được.

Như một nhà nông thực thụ, Bác nói: “Chống hạn, phân bón, chọn giống, trồng trọt, chăn nuôi, cải tiến công cụ, phát triển hoa màu... đều là những khâu quan trọng trong sợi dây chuyền nông nghiệp, một khâu nào yếu cũng không được...”.

Căn dặn cán bộ, đảng viên, Bác nói: “Muốn làm tốt mọi công việc thì phải lãnh đạo tốt từ Tỉnh ủy đến Chi bộ. Lãnh đạo tốt nghĩa là thực hiện đầy đủ những nghị quyết của Đảng, biến quyết tâm của Đảng thành quyết tâm của Nhân dân... Phải đi sâu vào cơ sở, đi sát hợp tác xã. Phải tuyên truyền, giáo dục cho mọi người thấm nhuần ý thức trách nhiệm, tinh thần làm chủ tập thể, cần kiệm xây dựng hợp tác xã, xây dựng nước nhà. Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”. Bác còn biểu dương Nhân dân Vĩnh Phúc: “Trong thời kỳ kháng chiến, đồng bào tỉnh ta đã có truyền thống oanh liệt đánh Nhật, đánh Tây. Ngày nay, Vĩnh Phúc oanh liệt lại kết nghĩa với Bến Tre anh hùng. Như thế là rất vẻ vang. Đồng bào tỉnh ta phải ra sức phấn đấu, quyết đánh thắng giặc hạn, quyết giành vụ Đông Xuân thắng lợi. Như vậy là góp phần vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và sự nghiệp đấu tranh hoà bình thống nhất nước nhà, là thiết thực ủng hộ đồng bào Bến Tre ruột thịt”.

Bác từng giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”  (Ảnh tư liệu)

Cuối cùng, Bác giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh: “Phải làm cho Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta”.

Thay mặt Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc, hứa với Bác quyết tâm thi đua chống hạn, đẩy mạnh sản xuất và mọi mặt công tác khác, thực hiện đúng lời dạy của Bác... Đồng chí Trần Quốc Phi, Phó Bí thư Tỉnh ủy đã phổ biến Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nhiệm vụ trước mắt của toàn Đảng bộ và Nhân dân tỉnh nhà nhằm hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong vụ Đông Xuân này.

Những tình cảm và lời dạy của Bác đã thực sự tạo động lực to lớn để Đảng bộ và Nhân dân Vĩnh Phúc vượt qua nhiều thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Phong trào kết nghĩa với các tỉnh miền Nam, “Vĩnh Phúc oanh liệt kết nghĩa với Bến Tre anh hùng” diễn ra sôi nổi; tỉnh Vĩnh Phúc đã xây dựng Trường các cháu miền Nam, xây dựng công trình kết nghĩa Kênh Bến Tre, Trường Bến Tre... thể hiện tình cảm đoàn kết chặt chẽ, lâu bền.

 

PV

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực