“Chỉ tấm lòng thôi, chưa đủ...”

Thứ tư, 18/07/2012 16:57

 

 Ông Hà Đình Kính (Ảnh:HNV)

(ĐCSVN) – Đó là những tâm sự và chia sẻ đầy chân thành của ông Hà Đình Kính, Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) tỉnh Vĩnh Phúc khi trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về hoạt động nhân đạo – từ thiện của Tỉnh Hội thời gian qua.

Theo ông Hà Đình Kính, khi mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên CTĐ kêu gọi tổ chức các hoạt động trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, đó không chỉ là niềm vui trong hoạt động công tác nữa và cũng không phải là tấm lòng nữa mà còn là trách nhiệm xã hội, không chỉ nhiệt tình mà còn cần sự bồi dưỡng, rèn luyện hiệu quả để có kỹ năng hoạt động hiệu quả hơn. Bởi nếu chỉ có tấm lòng không thôi cũng chưa đủ mang về kết quả cụ thể.

Phóng viên (PV): Xin ông cho biết những kết quả trong công tác nhân đạo – từ thiện của Hội CTĐ tỉnh Vĩnh Phúc thời gian qua?

Ông Hà Đình Kính: Trong những năm qua, cùng với sự phát triển kinh tế văn hóa - xã hội của tỉnh, hoạt động nhân đạo từ thiện trên địa bàn tỉnh phát triển có nhiều khởi sắc, đạt nhiều thành tựu và được các cấp ủy Đảng, chính quyền, Trung ương Hội đánh giá cao. Nổi bật trong những hoạt động ấy, CTĐ Vĩnh Phúc đã tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cán bộ, hội viên, tình nguyện viên để họ ngày càng hoàn thiện hơn về trình độ và kỹ năng, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của hoạt động CTĐ.

Hội cũng đã tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực. Có thể kể đến việc hưởng ứng Cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã kêu gọi vận động các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp đóng góp.

Chúng tôi đã vận động được hàng trăm nhà hảo tâm là các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo đồng hành cùng với Hội tham gia vào nhiều chương trình ý nghĩa như: làm nhà CTĐ, vay vốn phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe dựa vào cộng đồng. Mỗi năm, tiến hành hoạt động phục hồi chức năng cho vài nghìn nạn nhân chất độc da cam có sức khỏe vươn lên với cộng đồng. Song song, chúng tôi cũng đã vận động, trợ giúp và mỗi năm hàng ngàn xe lăn, máy trợ thính cho người khuyết tật cùng nhiều công cụ, phương tiện hỗ trợ khác giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi có nhiều chương trình dạy nghề, tạo việc làm cho người khuyết tật. Mỗi năm bằng nhiều dự án nhỏ, các doanh nghiệp đã đồng hành tổ chức cho hàng ngàn người khuyết tật được học nghề, có cuộc sống ổn định. 2 năm trở lại đây, tổng giá trị hoạt động của Tỉnh Hội đã đat 40 tỷ đồng, uy tín và vị thể của CTĐ ngày càng được củng cố và nâng cao.

PV: Trong quá trình triển khai công tác nhân đạo – từ thiện thời gian qua, ông có những kỷ niệm nào sâu sắc nhất?

Ông Hà Đình Kính: Trong quá trình công tác, không chỉ riêng cá nhân tôi mà nhiều cán bộ, hội viên chúng tôi đều được chứng kiến những số phận, mảnh đời rất đáng thương. Hầu như lần nào đi công tác, xuống cơ sở, chúng tôi cũng đều có những kỷ niệm khó quên. Có lần, chúng tôi đi thăm hỏi, tặng quà các nạn nhân da cam, có một gia đình có 4 con bị ảnh hưởng, cuộc sống của mấy cha con trông vào người mẹ, người vợ tần tảo... hay đến thăm những người khuyết tật không thể đi lại được, chúng tôi càng thấm thía hơn trách nhiệm xã hội của tổ chức mình.

Rồi phải kể đến những lần triển khai tuyên truyền vận động hiến máu nhân đạo, chứng kiến nhiều người bị bệnh về máu, lọc máu, chạy thận nhân tạo, chúng tôi càng thấy đồng cảm hơn với những số phận thiếu máu, cần truyền máu. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi tích cực hơn trong việc vận động đủ máu tiếp sức cho họ. Không chỉ tiếp nhận máu góp vào ngân hàng máu quốc gia mà chúng tôi còn tập trung xây dựng ngân hàng máu điện tử của tỉnh. Vĩnh Phúc là một trong những tỉnh đi đầu trong xây dựng ngân hàng máu điện tử (còn gọi là ngân hàng máu sống, ngân hàng máu dự bị), công khai danh tính những người hiến máu (nếu cần có thể gọi điện trực tiếp trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào để nhận được lượng máu cần thiết...). Ngân hàng máu điện tử hiện có 400 người (cán bộ lãnh đạo, công nhân viên, học sinh sinh viên, thanh niên nông thôn) được triển khai từ tháng 8/2011... Ngoài ra, mọi người đều có thể tìm thêm thông tin trong website www.nhandaovinhphuc.org.vn.

Đó là những niềm vui nho nhỏ khi chúng tôi kêu gọi tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn.

Tất nhiên, đó không chỉ đơn giản chỉ là tấm lòng nữa mà còn là trách nhiệm xã hội, không chỉ nhiệt tình mà còn cần sự bồi dưỡng, rèn luyện hiệu quả để có kỹ năng hoạt động hiệu quả hơn. Nếu chỉ có tấm lòng không thôi cũng chưa đủ mang về kết quả cụ thể.

PV: Vậy tới đây, Tỉnh Hội CTĐ Vĩnh Phúc sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông?

Ông Hà Đình Kính: Nhiệm kỳ tới, chúng tôi tiếp tục duy trì và đẩy mạnh các cuộc vận động lên một bước phát triển mới. Đó là cuộc vận động “Mỗi tổ chức cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, “Tháng hành động vì nạn nhân chất độc da cam”, “Toàn dân hiến máu nhân đạo”...

Chúng tôi xác định rất rõ ràng là không chỉ dừng lại ở vận động mà còn tổ chức triển khai một tổ hợp nhân đạo, bao gồm 4 thành tố:

Một là, Trung tâm trợ giúp nạn nhân chất độc da cam. Hiện, Trung tâm đang hoạt động theo hai hướng: chăm sóc sức khỏe cho nạn nhân da cam và người khuyết tật bằng cách điều dưỡng, phục hồi chức năng, tiến tới nuôi dưỡng những người khó khăn, dạy nghề tạo việc làm cho nạn nhân da cam và người nghèo.

Hai là, Trung tâm hiến máu nhân đạo. UBND tỉnh đã phê duyệt đưa vào hoạt động, đang triển khai 2 giai đoạn, trong đó, đã thực hiện xong công tác tuyên truyền vận động và bây giờ chủ động tiếp nhận máu. Mặc dầu vậy, hiện nay, chúng tôi vẫn đang kêu gọi đầu tư tiếp tục đóng góp theo hình thức xã hội hóa để có những thiết bị hiện đại, chủ động sàng lọc được máu, cung cấp ngay máu cho tỉnh và một số vùng lân cận. Nếu như thế sẽ giảm tải rất nhiều dồn ép về các khu trung tâm, thành phố lớn.

Ba là, xây dựng phòng khám nhân đạo vừa có ở tỉnh vừa có ở các cấp huyện, xã. Tới đây, Hội CTĐ tỉnh sẽ gom thành bệnh viện nhưng cơ động hơn các bệnh viện khác (có trung tâm ở tỉnh và chi nhánh huyện). Chẳng hạn, hiện nay, trên địa bàn huyện Nghĩa Tường đã có phòng khám nhân đạo với hơn 3000 người đăng ký khám bảo hiểm y tế rồi.

Bốn là, được tỉnh đồng ý, thành lập Trung tâm cứu hộ cứu nạn và sơ cấp cứu cộng đồng. Trung tâm này vừa làm nhiệm vụ cứu hộ cứu nạn đồng thời làm nhiệm vụ huấn luyện kỹ năng cấp cứu tai nạn đường sông, đường bộ... rồi tổ chức tập huấn sơ cấp cứu cộng đồng...

Hiện, chúng tôi đang tổ chức và làm xong tập huấn miễn phí kỹ năng sơ cấp cứu tại hệ thống giáo dục mầm non trên địa bàn tỉnh. Tỉnh Hội cũng đặt mục tiêu hết năm 2012 này, sẽ triển khai tại tất cả các trường tiểu học. Sau đó, sẽ tiếp tục triển khai ở các trường trung học cơ sở và trung học phổ thông.

Thêm vào đó, còn tiến hành tập huấn sơ cấp cứu cho công nhân của các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp trên địa bàn tạo cho công nhân kỹ năng, tác phong sẵn sàng sơ cấp cứu trong sản xuất, giảm thiểu rủi ro cho công nhân lao động...

Chúng tôi sẽ xây dựng thành những trung tâm với hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả lớn và triển khai xã hội hóa các hoạt động trên để đảm bảo những trung tâm trên được trang bị các thiết bị máy móc tân tiến, hiện đại. Hiện nay, tại Trung tâm trợ giúp nạn nhân chất độc da cam, chúng tôi đã trang bị hệ thống máy móc tốt như Trung tâm phục hồi chức năng hay Trung tâm hiến máu nhân đạo cũng bước đầu kêu gọi hỗ trợ thêm một số trang thiết bị tân tiến...

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực