Cấp ủy, chính quyền tỉnh ban hành nhiều chủ trương, chính sách về an sinh xã hội, về giảm nghèo, trong đó có các chủ trương, chính sách về chính sách xã hội về y tế, giáo dục cho hộ nghèo.
Với những nỗ lực của các cấp, ngành và cả hệ thống chính trị, những năm gần đây tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc giảm nhanh. Đến cuối năm 2022, toàn tỉnh có 3.405 hộ nghèo đa chiều theo chuẩn đa chiều giai đoạn 2022-2025 còn 0,99% tổng số hộ dân, 5.881 hộ cận nghèo, chiếm 1,71% tổng số hộ dân; toàn tỉnh không còn hộ nghèo gia đình chính sách, người có công với cách mạng; 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo được hưởng các chính sách về giáo dục, y tế và trợ giúp pháp lý đầy đủ, kịp thời; từ tỉnh đến 136/136 xã, phường, thị trấn đã ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý hộ nghèo.
|
Nhờ chăm lo tốt an sinh xã hội, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh đạt nhiều kết quả khả quan (Ảnh: VP) |
Nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực trong lĩnh vực y tế
Về y tế, thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều văn bản hỗ trợ cho người nghèo. Sở Y tế Vĩnh Phúc cũng ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thực hiện. Đối tượng được hỗ trợ gồm: người thuộc hộ nghèo; đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống ở xã, phường, thị trấn thuộc vùng khó khăn trên địa bàn tỉnh; người thuộc diện được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và người đang được nuôi dưỡng tại các cơ sở Bảo trợ xã hội của Nhà nước trên địa bàn tỉnh; người mắc bệnh ung thư, chạy thận nhân tạo, mổ tim gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả chi phí khám, chữa bệnh.
Tỉnh Vĩnh Phúc còn quy định hỗ trợ thêm cho người mắc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả, bao gồm: người lang thang cơ nhỡ, người thuộc hộ gia đình cận nghèo mà mắc các bệnh mạn tính nặng, giai đoạn cuối như: tiểu đường, hen phế quản, tai biến mạch máu não, suy tim. Từ năm 2016-31/10/2021, có 18.530 lượt người thuộc đối tượng được thanh toán chi phí khám chữa bệnh, hỗ tiền ăn, chi phí đi lại từ quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo được ngân sách nhà nước cấp là: 16.818.778.364 đồng. Số kinh phí đã chi giai đoạn 2016- 2021 khoảng 15 tỷ đồng. Có trên 57 nghìn lượt người thuộc đối tượng chính sách được khám, cấp thuốc miễn phí, miễn, giảm viện phí. Ngoài mức hỗ trợ của Nhà nước, từ năm 2013 người dân có hộ khẩu thường trú tại Vĩnh Phúc khi tham gia BHXH tự nguyện được ngân sách Tỉnh hỗ trợ thêm bằng 30% đối với hộ nghèo; 25% đối với hộ cận nghèo và 10% cho các đối tượng khác.
Bên cạnh chính sách hỗ trợ tham gia BHYT, người thuộc hộ nghèo và cận nghèo khi đi khám, chữa bệnh (KCB) còn được hưởng mức hỗ trợ cao. Trong khi phần lớn người dân chỉ được hưởng 80% chi phí khi đi khám, chữa bệnh đúng tuyến thì người thuộc hộ nghèo sẽ được hưởng 100% và người thuộc hộ cận nghèo được hưởng 95%. Trường hợp đặc biệt, người thuộc hộ nghèo đang sinh sống tại vùng có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn đi khám, chữa bệnh trái tuyến vẫn được Quỹ BHYT thanh toán theo mức hưởng đúng tuyến.
Ngoài ra, người nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh khi đi khám, chữa bệnh còn được hỗ trợ thêm một phần chi phí từ Quỹ khám, chữa bệnh cho người nghèo của tỉnh.
|
Chăm lo hỗ trợ BHYT, BHXH cho người lao động nghèo, người cao tuổi (Ảnh: VP) |
Tỉnh đã chi hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế, kinh phí trên 120 nghìn tỷ đồng. Thẻ Bảo hiểm y tế cho người nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách được thực hiện sớm và cơ bản in xong thẻ trước ngày 10/01 hàng năm. Toàn tỉnh có 1.095 đối tượng thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo được hỗ trợ theo Nghị quyết 14 của HĐND tỉnh. Toàn tỉnh có 42.250 người nghèo và cận nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế. Quỹ khám chữa bệnh cho người nghèo được UBND tỉnh cấp kinh phí hàng tỷ đồng mỗi năm để hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh cho người nghèo, đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, người dân tộc thiểu số ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, người có hoàn cảnh khó khăn mắc bệnh ung thư, thận nhân tạo, mổ tim; người mắc các bệnh khác gặp khó khăn do chi phí cao mà không đủ khả năng chi trả.
Tập trung triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí
Về giáo dục đào tạo, Vĩnh Phúc đã và đang tổ chức thực hiện chính sách hỗ trợ miễn giảm học phí, chi phí học tập theo Nghị định số 270 86/2015/NĐ-CP ngày 02/10/2015 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2015- 2016 đến năm học 2020-2021; chính sách hỗ trợ về giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết số 71/NQ-CP, ngày 31/5/2018 của Chính phủ về một số chính sách đối với hộ nghèo thiếu hụt đa chiều; chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ học tập cho học sinh thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo theo Nghị định 81/2021/NĐ-CP, ngày 27/8/2021 của Chính phủ. UBND tỉnh Vĩnh Phúc còn quyết định hỗ trợ 100% học phí cho các cháu mẫu giáo ở các trường mầm non nông thôn, miền núi, các cháu con nông dân ở các phường, thị trấn đó là sự quan tâm đặc biệt đến trẻ em bậc học mầm non trong tỉnh.
Ngoài ra, để tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động thuộc diện hộ nghèo, có trình độ văn hoá, có sức khỏe, có nhu cầu học nghề hoặc chuyển đổi nghề được học nghề phù hợp, sau khi học nghề được các đơn vị dạy nghề giới thiệu việc làm hoặc tự tạo việc làm để có thu nhập ổn định, nâng cao đời sống, từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững. Vĩnh Phúc đã ban hành Nghị quyết 207/2015/NQ-HĐND ngày 22/12/2015 của Hội đồng Nhân dân tỉnh về một số chính sách hỗ trợ hoạt động giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm tỉnh Vĩnh Phúc qua đó đã có gần 2 nghìn học sinh, sinh viên thuộc gia đình hộ nghèo được hỗ trợ học cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề với mức kinh phí gần 2 tỷ đồng.
|
Năm học 2022-2023, Vĩnh Phúc chi hơn 5 tỷ đồng hỗ trợ hơn 1.100 học sinh nghèo (Ảnh: K.L) |
Mới đây, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc ban hành Nghị quyết số 12/2022/NQ-HĐND ngày 12/12/2022 Quy định chính sách khuyến khích đối với học sinh, học viên thuộc gia đình hộ nghèo, hộ cận nghèo, vươn lên trong học tập trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Đối tượng được hỗ trợ phải có hộ khẩu thường trú tại tỉnh Vĩnh Phúc, phải đáp ứng yêu cầu về kết quả rèn luyện hoặc hạnh kiểm và kết quả học tập hoặc học lực trong năm học. Học sinh tiểu học phải có kết quả đánh giá giáo dục đạt mức hoàn thành tốt trở lên; Học sinh trung học cơ sở, trung học phổ thông phải có kết quả rèn luyện tốt, kết quả học tập từ khá trở lên; học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và học trung cấp nghề phải có kết quả rèn luyện tốt, kết quả học tập văn hóa và học nghề từ khá trở lên. Mỗi đối tượng được hỗ trợ chỉ được hưởng chính sách quy định tại Nghị quyết này một lần/cấp học. Hỗ trợ tối đa cho 04 học sinh, học viên 1 cơ sở giáo dục. Mức hỗ trợ từ 3 triệu đến 10 triệu đồng tùy từng cấp học. Tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 8.000 học sinh phổ thông, học viên học chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông và học trung cấp nghề thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo cần hỗ trợ, trong đó có hơn 3.300 học sinh thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo nỗ lực vươn lên trong học tập. Năm học 2021-2022, tỉnh đã hỗ trợ 3 tỷ đồng cho 400 em là học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó đạt thành tích trong học tập, giúp các em giảm bớt khó khăn. Năm 2022, năm học 2022-2023, UBND tỉnh cấp kinh phí hỗ trợ đối với 1.112 học sinh, học viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền gần 5,3 tỷ đồng.
Với những chủ trương đúng đắn của Đảng và cấp ủy các cấp, công tác giảm nghèo trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc nói chung và các các chính sách về y tế, giáo dục nói riêng đã thu được các kết quả quan trọng. Việc xây dựng và thực hiện tốt các chính sách về y tế, giáo dục đã tạo tiền đề cho phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, đời sống người dân tiếp tục được nâng cao, góp phần xây dựng Vĩnh Phúc thành một trong những tỉnh giàu có, phồn vinh nhất ở miền Bắc nước ta, như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh khi Người về thăm tỉnh ngày 02/3/1963./.
ThS. Lê Thị Điều
Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Vĩnh Phúc