Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, để chi viện cho chiến trường miền Nam, nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc đã tiễn đưa hơn 10 vạn nam, nữ thanh niên lên đường tòng quân chiến đấu và phục vụ chiến đấu. Đã có hơn 1 vạn người con ưu tú của quê hương Vĩnh Phúc vĩnh viễn không trở về, gần 7.000 người đã để lại một phần thân thể, xương máu trên khắp các chiến trường, hơn 7 ngàn người bị phơi nhiễm chất độc da cam Dioxin, trong đó có 3.400 người được công nhận là nạn nhân da cam (NNDC).
Phần đông các nạn nhân da cam bị mắc các bệnh nan y như; ung thư, tâm thần, tiểu đường, vô sinh, dị dạng, dị tật… Họ đã và đang phải sống trong sự hành hạ, dày vò của ốm đau, bệnh tật, sức khỏe ngày càng giảm sút và suy kiệt, khả năng lao động không còn. Đời sống kinh tế gặp rất nhiều khó khăn, đã và đang là gánh nặng cho gia đình và cộng đồng xã hội.
Trong những năm qua, Tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho các NNDC, con em của họ hòa nhập vào xã hội, phát triển kinh tế, XĐGN. Từ năm 2004 đến năm 2009, mỗi năm tỉnh trích ngân sách 500 triệu đồng hỗ trợ Quỹ Bảo trợ NNDC của tỉnh. Từ năm 2010, mức hỗ trợ được tăng lên 2 tỷ đồng. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền từ Tỉnh, tới cơ sở, cùng với sự ủng hộ của xã hội, cộng đồng, ngày 21/09/2005 Hội Nạn nhân da cam tỉnh được thành lập, với 104 hội viên. Đến nay, Hội 2.750 hội viên. Các cấp hội đã nỗ lực tổ chức tuyên truyền sâu rộng về chủ đề da cam trên các phương tiện đại chúng, băng zôn, khẩu hiệu về thực trạng đời sống, kinh tế, tình hình sức khỏe, bệnh tật của các nạn nhân da cam. Tích cực vận động các cá nhân, tổ chức trong và ngoài tỉnh giúp đỡ, ủng hộ cho các NNCĐDC. Kết quả từ khi thành lập đến nay đã vận động ủng hộ được 874 triệu đồng cho quỹ ủng hộ nạn nhân da cam. Tư vấn cho hàng nghìn lượt người là CCB, cựu TNXP làm thủ tục để được công nhận là nạn nhân da cam. Thường xuyên nắm bắt, phát hiện các trường hợp vướng mắc trong thực hiện các chế độ, đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho các nạn nhân da cam. Tỉnh hội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có nhiều hoạt động thiết thực như thăm hỏi NNDC nhân các ngày lễ tết của dân tộc, giúp đỡ các NNDC và con em của họ học tập, lao động để phát triển kinh tế. Trong 5 năm qua, tỉnh hội phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các nạn nhân da cam, với tổng trị giá hơn 474 triệu đồng. Riêng trong dịp kỉ niệm ngày NNDC/Dioxin Việt Nam năm 2009, tỉnh hội đã tặng quà cho 202 NNDC với tổng giá trị 41,6 triệu đồng. Nhân dịp tết Nguyên Đán năm 2010, Tỉnh hội trao quà tết cho 197 NNDC có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với tổng giá trị 57,7 triệu đồng. Phối hợp với Trung tâm dạy nghề Việt-Hàn gửi 20 cháu là con của các NNDC học nghề miễn phí và hỗ trợ mỗi cháu 200.000 đồng/tháng. Tỉnh hội còn vận động một số doanh nghiệp trực tiếp thăm hỏi tặng quà cho các nạn nhân da cam trị giá 99,2 triệu đồng, hỗ trợ kinh phí xây dựng 12 ngôi nhà tình nghĩa với tổng giá trị trên 100 triệu đồng cho các nạn nhân da cam, hỗ trợ sửa nhà cho các nạn nhân da cam mắc bệnh hiểm nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Riêng trong 6 tháng đầu năm, đã tổ chức xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình NNDC Nguyễn Văn Chung ở xã Duy Phiên (Tam Dương) do Sở TN&MT ủng hộ trị giá 35 triệu đồng, gia đình NNDC Hoàng Quốc Phụ ở xã Đôn Nhân (Sông Lô).
Để giúp các NNCĐDC khắc phục khó khăn vươn lên phát triển kinh tế, các cấp chính quyền đã có nhiều hỗ trợ để giúp đỡ các NNDC phát triển kinh tế như tạo thuận lợi để các NNDC vay vốn Ngân hàng, vốn từ quỹ hội để đầu tư trang thiết bị sản xuất. Nhờ đó đã có nhiều NNDC đã vươn lên khắc phục khó khăn, vượt qua nỗi đau, phát triển kinh tế khá, giỏi.
Đất nước đang trên đường đổi mới, hội nhập, cả xã hội đang hối hả, hăng hái sản xuất, phát triển kinh tế. Nhưng vẫn còn đó một nỗi đau mang tên nỗi đau da cam, đang từng ngày hành hạ thể xác, tinh thần của những con người từng cống hiến cả tuổi xanh, xương máu để giành lại nền độc lập tự do thống nhất của đất nước. Cùng chung tay xoa dịu nỗi đau da cam, đó là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi một người dân Việt Nam, những người đang được hưởng sự độc lập, tự do./.