Chuyển đổi số góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả

Thứ tư, 06/12/2023 17:02
(ĐCSVN) - Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, để hỗ trợ người nghèo tiếp cận thông tin, giảm nghèo hiệu quả, Vĩnh Phúc đã đa dạng hình thức tuyên truyền, phổ biến; quan tâm đầu tư nâng cấp hạ tầng dịch vụ viễn thông và hỗ trợ phương tiện tiếp cận thông tin cho người nghèo gắn với thực hiện các nhiệm vụ.
Chuyển đổi số góp phần xóa đói giảm nghèo hiệu quả (Ảnh: M.L) 

Đa dạng hình thức tuyên truyền

Nhằm giúp người dân được tiếp cận, nắm bắt nhiều thông tin, kiến thức hữu ích, góp phần nâng cao dân trí, hướng đến thoát nghèo bền vững, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền với nhiều hình thức như xây dựng chuyên mục trên các phương tiện thông tin truyền thông (Báo Vĩnh Phúc, Đài Phát thanh-Truyền hình tỉnh).

Tuyên truyền trên cổng thông tin điện tử, website của tỉnh và các ngành, địa phương, hệ thống truyền thanh cơ sở; cấp phát hành tờ rơi, tờ gấp… để người dân dễ tiếp cận thông tin về chủ trương, chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Vĩnh Phúc; nâng cao kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, học hỏi cách làm hay, mô hình giảm nghèo hiệu quả; đồng thời, khơi dậy ý chí, nghị lực vươn lên thoát nghèo, tạo sự đồng thuận trong quá trình triển khai thực hiện chương trình giảm nghèo.

Theo cán bộ huyện Tam Dương, nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận thông tin để giảm nghèo bền vững, địa phương chỉ đạo thực hiện linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng các chương trình phát thanh nhằm tuyên truyền đến nhân dân về chủ trương, chính sách giảm nghèo, các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong giảm nghèo bền vững. Đồng thời, lồng ghép trong các cuộc họp, buổi sinh hoạt của các hội, đoàn thể; phối hợp tư vấn giới thiệu việc làm, học nghề đến người lao động thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo.

Người dân được nâng cao về nhận thức, thấy được lợi ích của các chính sách, dự án đầu tư hỗ trợ đã tích cực tham gia các hoạt động sản xuất, giải quyết việc làm, ổn định đời sống, nâng cao thu nhập để từng bước thoát nghèo bền vững. Các Tổ Công nghệ số cộng đồng của xã đã tích cực hỗ trợ, hướng dẫn người dân nói chung và các hộ nghèo nói riêng cách sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet để tìm kiếm thông tin, cập nhật kiến thức.

Thúc đẩy chuyển đổi số trong giảm nghèo về thông tin

Cùng với công tác tuyên truyền, việc phổ cập dịch vụ internet, mạng di động hỗ trợ người nghèo sử dụng các dịch vụ viễn thông, ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh xác định là giải pháp quan trọng để giảm nghèo thông tin. Gắn với các nhiệm vụ chuyển đổi số, tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư, nâng cấp hạ tầng viễn thông và công nghệ thông tin, nhất là tại các khu vực nông thôn, miền núi và vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nơi điều kiện sống của người dân còn nhiều khó khăn.

Đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có khoảng 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động, phủ sóng di động 3G, 4G đạt 100%, đã phát sóng 2 trạm 5G. Trên địa bàn tỉnh có hơn 1,2 triệu thuê bao điện thoại di động (trong đó, hơn 940.000 thuê bao sử dụng điện thoại thông minh, đạt 80% dân số); khoảng 225.500 thuê bao internet băng rộng cố định và 800.500 thuê bao internet băng rộng di động; tỷ lệ hộ gia đình có internet băng rộng cố định là 74%.

Các xã, phường, thị trấn của tỉnh Vĩnh Phúc đã thành lập và kiện toàn 1.240 Tổ công nghệ số cộng đồng với gần 9.900 thành viên tham gia. Các Tổ công nghệ số cộng đồng đã góp phần quan trọng hỗ trợ giảm nghèo về thông tin, đưa các nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân; giúp người dân, nhất là các hộ nghèo tiếp cận, sử dụng các nền tảng số, công nghệ số để phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao chất lượng cuộc sống, giảm nghèo bền vững.

Với sự quan tâm của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, việc thực hiện chỉ tiêu “Chiều thiếu hụt về thông tin” trong giải quyết mức độ thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng thực hiện các chỉ tiêu giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.

Đến cuối năm 2022, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giảm còn 0,99%, vượt mục tiêu giảm nghèo của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 (theo nghị quyết, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo tiếp cận đa chiều theo chuẩn mới còn dưới 1%); tỷ lệ hộ cận nghèo giảm xuống còn 1,71%; tỉnh đang phấn đấu cuối năm 2023 giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 0,7%.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công giảm nghèo về thông tin, cùng với làm tốt nhiệm vụ tuyên truyền, Vĩnh Phúc xác định cần thực hiện tốt các giải pháp hỗ trợ người nghèo sử dụng dịch vụ viễn thông, internet, ứng dụng công nghệ thông tin để họ chủ động hơn trong việc tiếp cận chính sách, tìm kiếm các nguồn hỗ trợ cũng như học hỏi kinh nghiệm, giải pháp thoát nghèo và được tiếp nhận mọi dịch vụ công bằng, bình đẳng theo phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Đồng thời tăng cường đầu tư nâng cấp hạ tầng công nghệ thông tin, chất lượng dịch vụ viễn thông, ưu tiên các khu vực miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số; hỗ trợ phổ cập điện thoại thông minh giá rẻ cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn…

L.M

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực