Cống hiến tuổi thanh xuân, quãng đời đẹp nhất của cuộc đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, trở về quê hương sau khi “gửi lại” chiến trường một phần máu thịt, những tưởng cuộc sống của anh, người cựu binh sẽ bớt nhọc nhằn, vất vả bởi sẽ không phải đối mặt với súng đạn và kẻ thù, nhưng anh lại phải đối mặt với một cuộc chiến khác, không tiếng súng, tiếng bom nhưng cũng không kém phần quyết liệt gian khổ: Cuộc chiến mưu sinh...
Đã có lúc, trên chiến trường không tiếng súng ấy, anh tưởng như không còn đủ sức để duy trì, tồn tại. Nhưng phẩm chất của người lính, nghị lực của anh Bộ đội Cụ Hồ đã giúp anh vượt qua, để rồi sau gần 30 năm xa rời cuộc chiến vệ quốc vĩ đại, đối mặt với cuộc chiến tồn tại và mưu sinh, thêm một lần nữa anh - thương binh Đỗ Quốc Oanh (Đồng Ích - Lập Thạch) lại là người chiến thắng.
Trong căn nhà ngói đơn sơ trong trang trại 9 mẫu tại thôn Hoàng Trung (Đồng Ích - Lập Thạch – Vĩnh Phúc), ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với thương binh Đỗ Quốc Oanh đó là sự nhanh nhẹn, cởi mở thường thấy ở mỗi người lính Cụ Hồ. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, tốt nghiệp lớp 10, theo gương 4 người anh, chàng trai trẻ Đỗ Quốc Oanh đã nộp đơn tình nguyện vào bộ đội. Tham gia chiến đấu, làm nhiệm vụ quốc tế, trong chiến dịch giải phóng thủ đô Pnômpênh (Campuchia) anh bị thương. Những năm tháng trên chiến trường đã cướp đi của anh một phần máu thịt, trở về quê hương với tấm thẻ thương binh 3/4, mắt trái bị hỏng, những mảnh đạn của kẻ thù đã để lại trên thân thể anh những vết thương không thể chữa lành. Cũng trong thời gian ấy, những người anh của anh trở về, gia đình anh đón nhận thêm 2 thương binh và một người bị nhiễm chất độc da cam. Khó khăn chồng chất khó khăn. Đến năm 1982, anh xây dựng gia đình và ra ở riêng sau đó một năm. Những ngày đầu lập nghiệp khó khăn, anh phải lăn lộn, bôn ba đủ mọi nơi, làm mọi nghề để duy trì cuộc sống gia đình. Nhớ lại những ngày tháng ấy, anh Đỗ Quốc Oanh tâm sự: Những ngày đầu về quê hương, anh tham gia công tác tại địa phương. Sau gần 2 năm, anh chuyển lên làm phóng viên tại Đài truyền hình Vĩnh Phú. Xa nhà, đồng lương của một cán bộ, công chức trong thời điểm những năm 1985-1986 không đủ nuôi gia đình, kinh tế quá khó khăn. Cuối năm 1986 anh lại về quê tiếp tục công tác và phát triển kinh tế gia đình. Đến năm 1990 được sự ủng hộ của gia đình và chính quyền địa phương, anh mạnh dạn nhận đấu thầu đầm nuôi cá tại thôn Hoàng Trung (Đồng Ích- Lập Thạch). Thời gian đầu do chưa có nhiều kinh nghiệm công việc của anh gặp vô vàn những khó khăn. Đặc biệt là mùa nước năm 1994, toàn bộ đầm nuôi cá gần đến ngày thu hoạch bị ngập. Theo dòng nước tất cả vốn liếng, tài sản của anh đều bị cuốn trôi. Những tưởng sau “thảm hoạ” đó, anh không thể gượng dậy được. Nhưng ý chí, nghị lực, phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn luôn hừng hực chảy trong anh. Anh luôn tự nhủ: “Giữa chiến trường, đối mặt với bom đạn, kẻ thù, cái chết luôn thường trực, những người lính như anh không gục ngã. Bởi vậy không thể gục ngã trước những khó khăn của cuộc sống đời thường”. Vậy là, thêm một lần nữa, từ hai bàn tay trắng anh cùng các thành viên trong gia đình bắt tay vào gây dựng lại cuộc sống với một niềm tin mãnh liệt: “hãy lao động cần cù, thành công sẽ đến”. Và trời đã không phụ lòng người, với những kinh nghiệm được đúc rút từ những thất bại đã trải qua, sự cần cù, chịu khó cùng ý chí, quyết tâm, nghị lực của anh và gia đình đã được đền đáp. Thành công từ những vụ cá tiếp theo mang lại sự ổn định về kinh tế cho gia đình anh. Đó cũng là tiền đề để anh cùng toàn thể gia đình tiếp tục phát triển nghề nuôi cá ngày một lớn mạnh.
Mất gần 10 năm trời khôi phục và phát triển nghề nuôi cá, đến năm 2005 gia đình anh đã đầu tư chăn nuôi cá trên diện tích 150ha, mô hình một lúa, một cá đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu đáng kể. Với các loại cá thương phẩm và cá giống như: cá trắm; cá chép; cá quả; tôm; cua; cùng các loại cá tạp khác... mỗi năm cho gia đình anh thu nhập trên dưới 500 triệu đồng, trừ chi phí lãi từ 150-200 triệu đồng. Gia đình anh còn tận dụng diện tích đất nổi ven đầm trồng 6 nghìn cây bạch đàn, gieo cấy 4 mẫu lúa hàng năm. Cũng trên diện tích 9 mẫu đất trang trại, gia đình anh đã nuôi 4 trâu nái, hơn 400 con gà thả đồi, 300 con ngan, vịt, cấy lúa, trồng hoa mầu, trừ hết các chi phí hàng năm cho lãi khoảng 20 triệu đồng. Trang trại của gia đình anh tạo công ăn việc làm cho 10-15 lao động địa phương với mức lương từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng/tháng. Từ điểm xuất phát bằng 2 bàn tay trắng, vốn đầu tư phải huy động rất khó khăn, bằng nghị lực và ý chí kiên cường của người lính trong 3 năm trở lại đây gia đình anh Đỗ Quốc Oanh đã không còn phải vay vốn. Không những thế, số vốn của gia đình tích luỹ được đã lên tới vài trăm triệu đồng. Gia đình cũng đã xây dựng được nhà cửa khang trang và hàng ngàn m2, chuồng trại, mua sắm các máy móc thiết bị phục vụ sản xuất như: máy phay đất, động cơ phát điện, máy bơm nước… Từ năm 2005 đến nay, gia đình anh đã giúp đỡ khoảng 30 hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương dưới hình thức cho vay vốn không tính lãi, tổng số tiền lên tới hơn 500 triệu đồng. Gia đình anh Đỗ Quốc Oanh còn đi đầu trong công tác xã hội tại địa phương như: đóng góp xây dựng khuyến học, quỹ đền ơn đáp nghĩa, xây dựng các công trình giao thông, thuỷ lợi, trùng tru di tích lịch sử địa phương... Năm 2009 anh vinh dự được đi báo cáo điển hình thương binh làm kinh tế giỏi tiên tiến toàn quốc, được nhận Bằng khen của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. Gia đình anh trong nhiều năm liền là gia đình văn hoá kiểu mẫu ở địa phương, 3 người con đều đã trưởng thành và vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng.