Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc: Người cán bộ của nông dân

Thứ sáu, 06/07/2012 17:27

 

 Đồng chí Kim Ngọc (1917-2012) - Ảnh tư liệu

(ĐCSVN) – Kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Kim Ngọc (1917-2012), Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc đồng lòng bày tỏ tấm lòng biết ơn đối với cố Bí thư Tỉnh uỷ Kim Ngọc, "cha đẻ của Khoán hộ", hình thức sản xuất thúc đẩy gia tăng năng suất lao động, góp phần khắc phục những hạn chế của mô hình hợp tác xã làm công ăn điểm không hiệu quả vào những năm 60 của thế kỷ XX.

Kim Ngọc, tên thật là Kim Văn Nguộc, sinh ngày 10/10/1917 tại thôn Đại Nội, xã Bình Định, huyện Yên Lạc, Vĩnh Phúc. Nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phúc, đồng chí Kim Ngọc được mệnh danh là “cha đẻ của khoán hộ” (mà người ta quen gọi là “khoán mười”) và là “cha đẻ của đổi mới trong nông nghiệp” ở Việt Nam.

Cả cuộc đời của đồng chí Kim Ngọc gắn bó với nông dân, trăn trở với cuộc sống của nông dân, có người nói đồng chí “là con người của nông dân”. Là người luôn chăm lo đến đời sống nông dân, đồng chí đã có nhiều phát hiện nhanh và mới về vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân, trong đó phải kể đến mô hình “Khoán hộ”.

Đây là mô hình độc đáo của Vĩnh Phúc. Ra đời cách đây hơn 40 năm, được cả nước biết đến là khâu đột phá vào cơ chế quả lý quan liêu, bao cấp, tập trung, mệnh lệnh, “Khoán hộ” là mô hình đi trước thời gian, vượt qua bao thăng trầm.

Đồng chí Kim Ngọc luôn suy nghĩ: quyền lợi của người nông dân với đồng ruộng, động lực để nông dân gắn bó với ruộng đồng… Do đó, đồng chí luôn trăn trở “vì sao người nông dân không quan tâm tới ruộng của hợp tác xã hơn ruộng của nhà mình”, “vì sao người nông dân lại đi muộn về sớm” trong bối cảnh hợp tác xã thời kỳ đó. Rất nhiều câu hỏi đặt ra, buộc đồng chí với cương vị là Bí thư Tỉnh ủy thời bấy giờ phải tìm hiểu và quan sát tình hình thực tiễn.

Khi là Bí thư Tỉnh uỷ, đồng chí thường nhắc nhở Văn phòng bố trí 1/3 thời gian để đi cơ sở, nắm bắt tình hình thực tiễn. Qua quan sát, đồng chí đã nắm bắt được thực tiễn đời sống nông dân và kinh tế hợp tác xã.

Đánh giá về đồng chí Kim Ngọc, nguyên Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh nói: “Nông dân ta no ấm, trước hết là nhờ ơn Đảng, ơn Bác Hồ. Nhưng trong quá trình xây dựng đất nước thì chúng ta phải cảm ơn Kim Ngọc, một đảng viên sáng tạo, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước nhân dân... Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong…”. Công lao của đồng chí Kim Ngọc đã được khẳng định. Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương độc lập hạng Nhất và Huân chương Hồ Chí Minh.

“Khoán hộ” của đồng chí Kim Ngọc có nội dung trùng hợp với Chỉ thị 100-CT/TW, ngày 13/1/1981 của Ban Bí thư về khoán sản phẩm đến nhóm và người lao động, (thường gọi tắt là khoán 100); Nghị quyết 10 của Bộ Chính trị khóa VI về nông nghiệp ban hành năm 1988.

Thực tiễn “khoán hộ” cũng đã được tổng kết và đưa vào Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27 tháng 12 năm 2006 của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh (khoá XIV) về phát triển nông nghiệp, nông thôn, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2006-2010, định hướng đến năm 2020. Trước đó, các Nghị quyết trên có những điểm trùng hợp với Nghị quyết 68-NQ/TU, ngày 10/9/1966, của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Vĩnh Phúc.

Trong thời gian tới, Đảng bộ và nhân dân Vĩnh Phúc tiếp tục vận dụng tư duy của đồng chí Kim Ngọc trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá tỉnh bằng nhiều chủ trương mới, sáng tạo so với cả nước, góp phần công nghiệp hoá nông nghiệp trên nền tảng công nghiệp; không để tình trạng nông dân bỏ ruộng, không ngừng chăm lo tới nông nghiệp, nông thôn, chăm lo đời sống nông dân. Tiếp tục nghiên cứu tư duy của đồng chí Kim Ngọc trong xây dựng nông thôn mới... Đó là những việc làm thiết thực nhất kỷ niệm 95 năm ngày sinh đồng chí Kim Ngọc, tri ân, đền đáp công lao to lớn của đồng chí Kim Ngọc.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực