(ĐCSVN) – Thời gian qua, hoạt động đối thoại trong các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc luôn được đổi mới với nhiều hình thức khác nhau: thương lượng, tư vấn hoặc trao đổi thông tin giữa người sử dụng lao động và người lao động; hòm thư đề xuất ý kiến; họp định kỳ giữa Công đoàn – người lao động; giữa Công đoàn – Ban Giám đốc doanh nghiệp.
Theo báo cáo của Công đoàn các khu công nghiệp tỉnh, hiện nay, trong các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh, có 123 doanh nghiệp đang hoạt động với tổng số 42.540 công nhân lao động. Trong đó, có 78 doanh nghiệp có tổ chức công đoàn.
Nhằm đảm bảo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định tiến bộ tại doanh nghiệp, Công đoàn các khu công nghiệp đã chỉ đạo các Công đoàn cơ sở phối hợp với doanh nghiệp tổ chức đối thoại hàng năm giữa người sử dụng lao động và người lao động.
|
Công ty Cổ phần Prime Group thường xuyên phối hợp với công đoàn cơ sở tổ chức đối thoại trực tiếp với người lao động (Ảnh: H.N) |
Nắm bắt chủ trương của Công đoàn các cấp và cũng là mong muốn của nhiều nhiều chủ doanh nghiệp, Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp đã tham gia cùng cơ quan Nhà nước hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ; giám sát việc thi hành các quy định của Luật Lao động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động; phối hợp với các ngành tổ chức tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nội quy, quy chế của doanh nghiệp cho người lao động. Đồng thời, phối hợp giám sát việc thực hiện chế độ chính sách tại đơn vị, doanh nghiệp, đảm bảo vai trò đại diện bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng cho người lao động.
Theo đó, trong các cuộc đối thoại, nội dung được đề cập nhiều nhất là việc thực hiện quyền lợi của người lao động; chính sách việc làm và những khó khăn, vướng mắc; điều kiện làm việc; các chế độ chính sách cho người lao động, tiền lương, tiền thưởng, tiền ăn ca và các khoản phụ cấp, giải quyết tranh chấp lao động … Bên cạnh đó, người sử dụng lao động và người lao động có sự chia sẻ về tình hình sản xuất cũng như những khó khăn của doanh nghiệp, từng bước ngăn ngừa tranh chấp lao động và đình công, nâng cao chất lượng và năng suất sản xuất. Sau các cuộc đối thoại, những kiến nghị của người lao động cơ bản được giải quyết, đảm bảo lợi ích của người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích của Nhà nước.
Được tạo điều kiện thuận lợi cũng như giải quyết tốt các chế độ, chính sách luôn là điều mong muốn của tất cả người lao động trong các doanh nghiệp. Bởi đồng nghĩa với đó là việc làm, thu nhập và đời sống của họ sẽ được đảm bảo.
Có thể thấy, hoạt động đối thoại trong doanh nghiệp sẽ tăng cường sự hiểu biết, góp phần xây dựng mối quan hệ lao động hài hoà giữa người sử dụng lao động và người lao động, vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.