(ĐCSVN) – Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cho biết, Vĩnh Phúc nằm cận kề thủ đô Hà Nội, là tỉnh nằm trong 03 quy hoạch phát triển vùng của quốc gia. Vĩnh Phúc có tiềm năng rất lớn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là cho xây dựng thành phố trong tương lai, phát triển công nghiệp và dịch vụ, du lịch. Bởi thể, trong giai đoạn hiện nay, cần đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành quy hoạch chung phát triển đô thị Vĩnh Phúc với quy hoạch Vùng Thủ đô.
|
TX Phúc Yên trên đà phát triển (Ảnh: vinhphuc.gov.vn) |
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng, ngay từ năm 2005, Đảng bộ tỉnh đã bàn và quyết định xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh với định hướng phát triển, xây dựng Vĩnh Phúc phát triển trở thành thành phố Vĩnh Phúc. Xác định quy hoạch phải đi trước một bước, năm 2007, Vĩnh Phúc đã phối hợp với Bộ Xây dựng nghiên cứu ý tưởng và được Thủ tướng Chính phủ cho phép lập Quy hoạch chung xây dựng đô thị Vĩnh Phúc đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, gắn kết với quy hoạch của các tỉnh trong Vùng Thủ đô. Với sự giúp đỡ của tư vấn Nikken Seckei, đồ án đã được hoàn thành và được Thủ Tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1883/QĐ-TTg ngày 26/10/2011. Đồng thời, để phù hợp với định hướng xây dựng đô thị các vùng chức năng trên địa bàn tỉnh, Vĩnh Phúc đã chỉ đạo xây dựng và tháng 9/2012 hoàn thành, phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng Vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Trên cơ sở quy hoạch chung đô thị Vĩnh Phúc, thực hiện nhiệm vụ trong quy hoạch vùng Thủ đô, Vĩnh Phúc đã triển khai đồng bộ các quy hoạch thành phần. Trong phạm vi quy hoạch chung đô thị, đã phân chia thành 15 Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 để thực hiện, đến nay đã hoàn thành 05 quy hoạch phân khu, theo kế hoạch sẽ hoàn thành 10 phân khu còn lại trong năm 2014. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 14 đô thị, trong đó có 02 đô thị loại 3 là thành phố Vĩnh Yên, thị xã Phúc Yên và 12 đô thị loại 5. Đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh sẽ có 02 thành phố, 2 thị xã và gần 20 đô thị loại 5.
Hiện, Vĩnh Phúc đã và đang thực hiện định hướng quy hoạch phát triển thành tỉnh công nghiệp, phát triển đô thị Vĩnh Phúc xanh gắn với du lịch, nghỉ dưỡng và tập trung phát triển các dịch vụ y tế, giáo dục, chăm sóc sức khỏe.
|
Chủ tịch UBND tỉnh Phùng Quang Hùng (Ảnh: Báo Vĩnh Phúc) |
Cũng theo Chủ tịch tỉnh, trên cơ sở các quy hoạch, Vĩnh Phúc đã cụ thể hóa bằng nhiều dự án để thực hiện. Về hạ tầng kỹ thuật đô thị, tại các đô thị, tỉnh đã cố gắng huy động các nguồn lực để chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các đô thị hiện có, trong đó, tập trung vào thành phố Vĩnh Yên và thị xã Phúc Yên. Bộ mặt các đô thị trên địa bàn tỉnh đã có những thay đổi nhanh chóng. Hệ thống đường giao thông trong các đô thị đã được đầu tư làm mới, nâng cấp, mở rộng; hệ thống cấp, thoát nước, nhất là tại Vĩnh Yên và Phúc Yên được đầu tư đồng bộ, hiện đại, đáp ứng được nhu cầu của nhân dân và cho nhu cầu phát triển trong tương lai. Đang triển khai dự án xây dựng Nhà máy cấp nước sạch sử dụng nước mặt của Sông Lô với công suất khoảng 1,5 triệu m3/ngày đêm.
Từng bước hình thành, đầu tư các hạ tầng xã hội, các công trình dịch vụ công cộng: Đã xây dựng cơ bản xong Khu công viên, Quảng trường tỉnh; công trình nhà thi đấu thể thao và các sân vận động; đang đầu tư xây dựng Nhà hát của tỉnh với trên 600 chỗ ngồi; Khu đô thị Đại học đã lập xong quy hoạch 1/2000, đã có nhiều Trường đại học, trong đó có các trường Đại học Quốc tế đăng ký đầu tư.
Đã thông qua Hội đồng nhân dân tỉnh Đề án xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung đô thị Vĩnh Phúc, trên cơ sở đó lập các dự án và lộ trình để huy động các nguồn lực đầu tư đồng bộ, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2020 các hệ thống hạ tầng kỹ thuật cơ bản như giao thông, điện, cấp thoát nước, viễn thông với tổng số vốn đầu tư từ các nguồn khoảng 41.300 tỷ đồng.
Tỉnh đã và đang tập trung đầu tư xây dựng nhiều tuyến đường giao thông trọng điểm để phục vụ phát triển công nghiệp, đô thị như: Hoàn thành tuyến đường vành đai 1 thành phố Vĩnh Yên; đang triển khai đường vành đai 2 - 3; đường dọc qua các khu công nghiệp phía Bắc của tỉnh gắn với phát triển du lịch; từng bước đầu tư tuyến đường Vành đai 5 Thủ đô qua địa bàn tỉnh. Đến nay đá hình thành mạng lưới giao thông liên hoàn giữa các đường giao thông của quốc gia với 18 tuyến tỉnh lộ, tạo điều kiện giao thương với các tỉnh, thành lân cận.
Toàn tỉnh cũng đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới đối với 112/112 xã từ cuối năm 2011, hiện nay đang tích cực triển khai thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới bằng các dự án cụ thể, phấn đấu trong năm 2013 xây dựng xong 20 xã điểm nông thôn mới và hoàn thành toàn bộ các xã còn lại vào năm 2018.
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Vĩnh Phúc cũng còn gặp nhiều khó khăn trong công tác quy hoạch và đầu tư hạ tầng. Trong đó có vấn đề về quản lý quy hoạch, quản lý độ thị còn nhiều bất cập như: Thiếu đội ngũ cán bộ chuyên nghiệp, có trình độ và năng lực cao; việc phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong quản lý quy hoạch còn lúng túng, chưa đồng bộ; mối quan hệ giữa các cấp, các ngành trong việc quản lý còn chưa rõ ràng, chưa rõ trách nhiệm.
Công tác quản lý không gian kiến trúc, cảnh quan đô thị còn một số tồn tại, bất hợp lý; diện tích cây xanh thiếu, không gian sinh hoạt công cộng như công viên, quảng trường, khu vui chơi giải trí… chưa có giải pháp để huy động các nguồn vốn để đầu tư đầy đủ; kiến trúc công trình, không gian cảnh quan đô thị còn lộn xộn, hình thái đô thị chưa rõ rệt.
Do khó khăn về kinh tế, nhiều dự án từ ngân sách Nhà nước, của các doanh nghiệp chậm tiến độ, kéo dài. Sự phối hợp giữa các tỉnh trong vùng trong công tác xây dựng quy hoạch còn chưa được nhiều, chưa đi vào chiều sâu.
Để đáp ứng nhu cầu phát triển của Vùng Thủ đô trong thời gian tới, tạo điều kiện cho Vĩnh Phúc đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành Quy hoạch chung phát triển đô thị Vĩnh Phúc và Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, phù hợp với quy hoạch vùng thủ đô tỉnh Vĩnh Phúc, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Phúc Phùng Quang Hùng cũng đề nghị với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có những hỗ trợ cụ thể hơn.
Về quy hoạch xây dựng, đề nghị sớm hoàn thiện quy hoạch điều chỉnh Vùng Thủ đô để có cơ sở cho các tỉnh điều chỉnh kịp thời các quy hoạch cho phù hợp.
Về hạ tầng giao thông, đề nghị thống nhất hướng tuyến, cho Vĩnh Phúc triển khai đường Vành đai 5 Thủ đô, nhất là xây dựng đường hầm qua Núi Tam Đảo để kết nối Thủ đô Hà Nội - Vĩnh Phúc - Thái Nguyên; bổ sung cầu và hướng tuyến chính thức vành đai 4, 5 (giữa tuyến vành đai 4 và vành đai 5 vùng thủ đô) đi qua đèo Nhe; bổ sung tuyến đường sắt đô thị Vĩnh Yên - Nội Bài - Hà Nội.
Hỗ trợ Vĩnh Phúc quy hoạch xây dựng các Bệnh viện đa khoa, các bệnh viện chuyên khoa vệ tinh của các bệnh viện tuyến Trung ương tại Hà Nội để giảm tải cho các bệnh viện tại Hà Nội, phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân khu vực phía Bắc.
Bổ sung cho phép Vĩnh Phúc thu hút các dự án xây dựng các Trường Đại học phải di chuyển ra khỏi Hà Nội, các dự án của các nhà đầu tư quốc tế vào khu đô thị Đại học, các trường dạy nghề chất lượng cao khu đô thị đại học đã được quy hoạch tại tỉnh.
Chính phủ sớm có cơ chế, chính sách, trên cơ sở đó cho Vĩnh Phúc được kêu gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực dịch vụ, hoạt động Casino tại Tam Đảo 2 và cá cược đua ngựa tại khu vực Đại Lải - thị xã Phúc Yên (hiện có các nhà đầu tư của Mỹ, Hàn Quốc và trong nước rất quan tâm và đón cơ chế, chính sách của Chính phủ để thực hiện các dự án nói trên), tạo điều kiện xây dựng các khu vực này thành các điểm du lịch, dịch vụ mang tầm quốc tế.
Tạo điều kiện để Vĩnh Phúc tiếp cận các nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, ODA… tập trung đầu tư cải tạo hệ thống thoát nước cho tỉnh, nâng cấp các tuyến quốc lộ, các đường, vành đai vùng thủ đô, các bệnh viện vệ tinh, hệ thống hạ tầng khung đô thị Vĩnh Phúc./.