Để củng cố vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia

Thứ tư, 27/12/2017 10:00
(ĐCSVN) - Vĩnh Phúc là một tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cửa ngõ của Thủ đô, gần sân bay Quốc tế Nội Bài, là cầu nối giữa các tỉnh phía Tây Bắc với Hà Nội và đồng bằng châu thổ sông Hồng, do vậy tỉnh có vai trò rất quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế khu vực và quốc gia.

Thời gian qua, Vĩnh Phúc đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng và đáng tự hào. Từ một địa phương thuần nông trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn, là trung tâm sản xuất ô-tô, xe máy hàng đầu của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật được đầu tư, nâng cấp theo hướng hiện đại. Các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thông tin có nhiều chuyển biến; an ninh quốc phòng được tăng cường, trật tự an toàn xã hội được giữ vững; tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 15,37%/năm; thu ngân sách tăng nhanh, từ 100 tỷ đồng năm 1997 lên trên 32.000 tỷ đồng năm 2016.

Tỉnh Vĩnh Phúc đang trên đà phát triển (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Trong phát triển công nghiệp, tỉnh đã đưa ra những giải pháp phát triển mang tính đột phá, từ một tỉnh chỉ có 1 KCN đến nay đã hình thành được 20 KCN với quy mô 6.000 ha, trong đó có nhiều tập đoàn lớn đã đến đầu tư tại tỉnh. Nguồn lao động của Vĩnh Phúc khá dồi dào, chiếm khoảng trên 60% tổng dân số, trong đó chủ yếu là lao động trẻ, có kiến thức văn hóa và tinh thần sáng tạo để tiếp thu kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ trong những năm qua, đặc biệt là công nghiệp, đã trở thành môi trường nâng cao tay nghề cho người lao động.

Công tác quy hoạch, xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển đô thị và nông thôn mới được quan tâm đẩy mạnh. Đến nay, Vĩnh Phúc đã hoàn thành và phê duyệt hầu hết các quy hoạch, là cơ sở cho việc xây dựng hạ tầng, triển khai các dự án một cách đồng bộ và quản lý chặt chẽ. Đến nay, theo Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Vĩnh Phúc, hiện nay, toàn tỉnh có 112 xã/137 xã, phường, thị trấn. Sau 6 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), toàn tỉnh có 92/112 xã đạt 19/19 tiêu chí NTM.

Bản đồ hành chính Vĩnh Phúc (Ảnh: vinhphuc.gov.vn)

Lĩnh vực giáo dục đào tạo, dân số, việc làm và giảm nghèo, y tế và chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân, các hoạt động văn hóa xã hội khác cũng đều đạt được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc phát triển bền vững, nâng cao từng bước đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 2,5%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 68%; Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 10%; Số bác sỹ/1 vạn dân đạt 9,7 bác sỹ; bình quân, mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 22 nghìn lao động.

Không chỉ thế, Vĩnh Phúc có tiềm năng lớn về tài nguyên du lịch tự nhiên và nhân văn. Người dân Vĩnh Phúc luôn mang trong mình niềm tự hào về truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước và một nền văn hóa rực rỡ. Cho đến nay, đất Vĩnh Phúc vẫn mang đậm dấu ấn của văn hóa Hùng Vương và Kinh Bắc, Thăng Long, của nền văn hóa dân gian đặc sắc, của khoa bảng, với lối sống xã hội và chuẩn mực đạo đức luôn được giữ gìn và phát huy. Tại đây có một quần thể danh lam, thắng cảnh tự nhiên nổi tiếng: rừng Quốc gia Tam Đảo, thác Bản Long, hồ Đại Lải, hồ Làng Hà... Nhiều lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và rất nhiều di tích lịch sử, văn hóa mang đậm dấu ấn lịch sử và giá trị tâm linh như danh thắng Tây Thiên, Tháp Bình Sơn, Đền thờ Hai Bà Trưng, Đền thờ Trần Nguyên Hãn, Di chỉ Đồng Đậu...

Đặc biệt, đến với Vĩnh Phúc, du khách sẽ không thể bỏ qua những điểm du lịch nổi tiếng như: Một Tam Đảo lãng đãng trong mây, hoang sơ mà hùng vĩ, một Thiền viện trúc lâm Tây Thiên kỳ vĩ, thoát tục ẩn mình giữa mây rừng núi Ba Vì và một hồ Đại Lải xanh ngát, bạt ngàn và trong trẻo…

Với nhiều thế mạnh và tiềm năng phát triển, Vĩnh Phúc phấn đấu đến năm 2020 là tỉnh công nghiệp, trở thành một trong những trung tâm dịch vụ, du lịch của Vùng và cả nước, có những khu nghỉ dưỡng đạt tiêu chuẩn quốc tế và trở thành thành phố Vĩnh Phúc vào những năm 20 của thế kỷ này. Tốc độ tăng trưởng kinh tế  bình quân đạt 7-7,5%/năm; tỷ lệ thu ngân sách  Nhà nước trên GRDP hàng năm đạt 22-23%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2020 đạt 110 triệu đồng, tương đương khoảng 4.800-5.000 USD./.

H.Y (nguồn: UBND tỉnh Vĩnh Phúc)

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực