|
Công nghệ cao tương ứng với nguồn nhân lực cao (Ảnh minh họa: HNV) |
Những năm qua, Vĩnh Phúc luôn quan tâm, dành 1,65% tổng thu ngân sách để đầu tư cho khoa học và công nghệ (KH&CN). Đặc biệt, trong 3 năm (2010-2012) tỉnh đã cân đối, đầu tư gần 65 tỷ đồng cho sự nghiệp khoa học, đạt 100,9% kế hoạch, cao hơn mức giao của Bộ KH&CN là 0,9%; 291 tỷ đồng chi đầu tư phát triển cho KH&CN.
Đáp lại sự quan tâm đó, ngành KH&CN cùng các nhà nghiên cứu khoa học của tỉnh đã có khoảng 200 đề tài, công trình nghiên cứu khoa học được triển khai, ứng dụng vào thực tiễn, góp phần thúc đẩy kinh tế, xã hội của tỉnh phát triển.
Mới đây, Nghị quyết Trung ương 6 về phát triển khoa học công nghệ (KHCN) được ban hành, khẳng định KH&CN giữ một vai trò đặc biệt quan trọng tạo nên bước đột phá về lực lượng sản xuất, đổi mới mô hình tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế, đẩy mạnh quá trình CNH- HĐH đất nước. Tuy nhiên, điều đó cũng đặt ra một thách thức với Vĩnh Phúc làm thế nào để KH&CN trở thành nền tảng cho các ngành phát triển sản xuất với trình độ cao trên địa bàn tỉnh.
Thực tế cũng cho thấy hiệu quả bước đầu của KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh. Thông qua kết quả nghiên cứu, triển khai các đề tài khoa học, Vĩnh Phúc đã khảo nghiệm, tuyển chọn được nhiều giống cây, con mới có giá trị kinh tế cao đưa vào sản xuất; bước đầu ứng dụng công nghệ sinh học vào phục vụ sản xuất và đời sống. Nhiều đề tài khoa học xã hội nhân văn đã góp phần bảo tồn và lưu truyền các giá trị văn hoá cũng như việc quảng bá hình ảnh và phát triển ngành nghề dịch vụ theo định hướng phát triển của tỉnh. Trong lĩnh vực công nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng; dự án “Nâng cao năng suất cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh” đã hỗ trợ cho 61 doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý tiên tiến theo các tiêu chuẩn ISO9001:2008, ISO 2000:2005....; 12doanh nghiệp, cơ sở ứng dụng công nghệ lò gạch liên tục kiểu đứng; 28 doanh nghiệp thực hiện kiểm toán năng lượng và đổi mới công nghệ khắc phục tiêu hao năng lượng; tổ chức nhiều lớp tập huấn về quản lý năng suất chất lượng cho các doanh nghiệp… góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Có thể thấy, những kết quả đạt, được trong hoạt động KH&CN của tỉnh trong những năm qua đã khẳng định KHCN là động lực quan trọng để phát triển KT- XH. Các chủ trương, chính sách của tỉnh được ban hành kịp thời, đã tạo điều kiện thuận lợi cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học được cống hiến trí tuệ, năng lực đóng góp chung vào sự phát triển KT- XH của tỉnh. Tuy nhiên, hoạt động KH&CN của tỉnh phát triển chưa tương xứng với tiềm năng. Việc tuyển chọn các đề tài, dự án, còn dàn trải, thiếu tập trung, ứng dụng vào thực tế thấp, sức lan tỏa yếu. Công tác quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực chưa đáp ứng yêu cầu. Cụ thể, mặc dù tỉnh đã có nhiều cơ chế chính sách mang tính đột phá trong sản xuất nông nghiệp nhưng vẫn chưa hình thành được các khu nông nghiệp công nghệ cao; vùng sản xuất hàng hóa tập trung còn nhỏ lẻ, phân tán. Trong lĩnh vực công nghiệp, việc cải tiến, thay thế dây truyền công nghệ sản xuất tiên tiến đòi hỏi lượng kinh phí rất lớn, song với các quy định hiện hành việc hỗ trợ để đổi mới công nghệ với phần kinh phí của Nhà nước chiếm tỷ lệ thấp nên không kích thích được các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đầu tư thay đổi công nghệ. Đội ngũ cán bộ nghiên cứu và tổ chức thực hiện còn nhiều hạn chế, bất cập, chưa theo kịp và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn...
Do đó, để thực hiện được các nhiệm vụ mà Nghị quyết Trung ương 6 đã đề ra, ngành cần có các chương trình, đề án, dự án KH&CN trọng điểm và phải thực hiện đồng bộ 6 giải pháp: Nâng cao nhận thức của toàn Đảng, toàn dân và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp uỷ đảng, chính quyền; phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Đổi mới, đồng bộ cơ chế quản lý, tổ chức, hoạt động KH&CN; phát huy vai trò của Liên hiệp các Hội Khoa học và kỹ thuật, các tổ chức chính trị- xã hội trong các hoạt động tư vấn, phản biện xã hội. Triển khai các nhiệm vụ KH&CN chủ yếu phục vụ phát triển KT- XH, đảm bảo quốc phòng- an ninh. Tăng cường đầu tư phát triển tiềm lực KH&CN. Xây dựng và phát triển thị trường KH&CN. Đẩy mạnh liên kết, hợp tác trong nước và quốc tế về KH&CN…