Cũng từ đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, trở thành điểm sáng để các thôn khác học tập.
|
|
Bộ mặt nông thôn mới thôn Đô Lương, xã An Hòa (Tam Dương) có nhiều khởi sắc bởi hệ thống cống, rãnh thoát nước thải trên địa bàn thôn vừa được cải tạo, xây mới (Ảnh: Trà Hương) |
Sau một năm trở lại, Đô Lương đã khoác lên mình tấm áo mới. Trên khắp đường làng, ngõ xóm, người dân ai nấy đều hân hoan, phấn khởi, hăng say thi đua lao động, sản xuất bởi hệ thống cống, rãnh thoát nước thải trên địa bàn thôn vừa được cải tạo, xây mới.
Ông Nguyễn Văn Hùng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Đô Lương cho biết: Thôn vừa hoàn thành việc xây dựng, cải tạo toàn bộ hệ thống cống, rãnh thoát nước thải trên địa bàn sau hơn 4 tháng triển khai. Ban đầu, thôn đăng ký xây dựng, cải tạo hơn 2.200 m cống, rãnh thoát nước thải, nhưng trên thực tế phát sinh thêm khoảng 300m nữa. Nhờ sự đồng thuận cao trong nhân dân, đến nay, 100% tuyến đường trong thôn, kể cả các ngõ nhỏ, ngõ cụt… đều được làm rãnh thoát nước.
Trước kia, hệ thống rãnh thoát nước trên địa bàn thôn chủ yếu là rãnh đất, không có nắp đậy, nhiều đoạn đường không có rãnh thoát nước nên nước thải sinh hoạt thường xuyên tràn ra lòng đường, gây ngập úng, ách tắc, nhất là khi trời mưa to. Thêm vào đó, các hộ trong thôn chủ yếu chăn nuôi gia súc, gia cầm trong khu dân cư nên phần lớn nước thải trong chăn nuôi được xả trực tiếp ra hệ thống rãnh thoát nước, khiến tình trạng ô nhiễm môi trường ngày càng tăng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sức khỏe của người dân.
Bởi vậy, ngay sau khi được xã phổ biến chủ trương của tỉnh về cơ chế hỗ trợ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường ở các khu dân cư, các thôn nhanh chóng tổ chức họp chi bộ mở rộng để bàn bạc, thống nhất phương pháp triển khai. Hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng và lợi ích của việc xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước nhằm nâng cao chất lượng sống của người dân nên ngay sau khi họp đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ cao trong chi bộ.
Đối với một số bà con chưa hiểu rõ về chủ trương nên còn chần chừ, e ngại, có tư tưởng trông chờ, ỷ nại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, coi đây là việc của Nhà nước và chính quyền, cán bộ xã, thành viên Tiểu ban chỉ đạo thôn tích cực đến từng hộ để tuyên truyền, vận động. Đồng thời, tiến hành khởi công xây dựng trước ở những đoạn đường nhận được sự đồng thuận cao trong nhân dân. Nhờ đó, các hộ chưa đồng tình nhận thấy lợi ích, tầm quan trọng của việc xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước và tự giác đến gặp lãnh đạo Tiểu ban để xin tham gia.
Kết quả, 222/222 hộ trong thôn không chỉ sẵn sàng đóng góp tiền của mà còn trực tiếp tham gia xây lát cống, rãnh với hơn 6800 ngày công. Nhiều hộ còn tự nguyện tháo dỡ tường rào để hiến đất làm rãnh thoát nước.
Mặc dù tuổi cao, kinh tế không dư giả, nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Hậu rất nhiệt tình tham gia phong trào, tích cực vận động các thành viên trong tổ liên gia tham gia đóng góp tiền của, ngày công. Đặc biệt, gia đình ông tự nguyện phá bỏ hơn 20m tường rào để làm rãnh thoát nước thải, mở rộng đường thôn.
Ông Hậu chia sẻ: "Hiểu được tính đúng đắn và hợp lòng dân của chủ trương, người dân chúng tôi ai nấy đều quên đi sự mệt nhọc, đồng lòng đóng góp tiền của, ngày công xây rãnh thoát nước, nâng cấp đường thôn thêm sạch, đẹp. Đến nay, bộ mặt nông thôn có những thay đổi rõ rệt.
Điểm nhấn dễ nhận thấy nhất chính là tình trạng ô nhiễm môi trường được cải thiện. Đường làng, ngõ xóm được cải tạo khang trang, sạch đẹp hơn. Người dân không còn phải ngửi mùi xú uế bốc lên từ các cống, rãnh lộ thiên như trước.
Cùng với đó, một số loại côn trùng gây hại cho sức khỏe con người như: Ruồi, muỗi, nhặng… cũng bị hạn chế tối đa. Đồng thời, gắn kết thêm tình làng, nghĩa xóm, nâng cao trách nhiệm, ý thức của người dân trong công tác BVMT ở địa phương".
Ông Lê Thanh Niên, Phó Chủ tịch UBND xã An Hòa cho biết: Trước khi triển khai chương trình xây dựng, cải tạo rãnh thoát nước thải, xã có hơn 20km rãnh đất và hơn 6 km rãnh bê tông không có nắp đậy. Trong đó, một số đoạn đường không có rãnh thoát nước.
Tình trạng ô nhiễm môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của người dân đã trở thành vấn đề bức xúc. Vì thế, khi có chủ trương của tỉnh về hỗ trợ, huy động nhân dân tham gia xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước và nạo vét các thủy vực tiếp nhận nước thải, xã bắt tay ngay vào thực hiện.
Để chương trình đạt hiệu quả cao, Đảng ủy xã đã chọn, chỉ đạo thôn Đô Lương làm điểm. Từ đó, xã mời các bí thư chi bộ, trưởng các thôn còn lại đến tham quan mô hình và học hỏi kinh nghiệm, cách làm của thôn Đô Lương. Sự thành công của phong trào xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước thải trên địa bàn thôn Đô Lương thời gian qua tạo sức lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, trở thành điểm sáng để các thôn khác học tập.
Tính đến nay, trên địa bàn xã có 3 thôn đang tiến hành xây dựng, cải tạo cống, rãnh thoát nước, bao gồm: Thôn Yên Thượng với tổng chiều dài đăng ký hơn 1.700 m, thôn Nội Điện đăng ký 3.430m và Ngọc Thạch 1 là 4.850m. Trong thời gian tới, xã tiếp tục vận động nhân dân các thôn còn lại đăng ký và triển khai thực hiện xây dựng, cải tạo hệ thống cống, rãnh, thoát nước thải ở khu dân cư.