Điểm tựa cho những cuộc đời bất hạnh

Thứ ba, 01/06/2010 18:12

 

 Các cô bảo mẫu Phòng sơ sinh (Trung tâm Bảo trợ xã hội Tỉnh)
tận tình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em bị bỏ rơi

Trong cái nóng chói chang rát mặt, cháy da, nhiệt độ ngoài trời lên đến 38-39, thậm chí có lúc 40 độ, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc được thông báo mất điện.

Tại phòng sơ sinh của Trung tâm, các cô bảo mẫu đang thay nhau quạt và bận rộn với công việc của một người mẹ chăm sóc các con. Một tay vừa quạt, vừa đu nôi dỗ cho 2 trẻ chưa đầy tháng tuổi ngủ ngoan, cô bảo mẫu Nguyễn Bích Thuỷ tâm sự: Đến nay em công tác tại Trung tâm vừa tròn 10 năm. Nhớ lại ngày đầu đến đây làm việc và được phân về phòng sơ sinh em vừa sợ, vừa lo lắm. Chưa xây dựng gia đình lại phải đảm nhận vai trò một người mẹ là nuôi dưỡng trẻ sơ sinh nên thời gian đầu công việc này thật sự quá sức đối với em. Nhưng có lẽ đã là phụ nữ thì mặc nhiên có thiên chức của người mẹ. Làm ở phòng sơ sinh một thời gian, cô thiếu nữ Nguyễn Bích Thuỷ ngày càng gắn bó với các trẻ sơ sinh và trở thành người mẹ thứ 2 của các cháu. Hôm nào không đến được Trung tâm để chăm sóc, ngắm nhìn những khuôn mặt ngây thơ của các con Thuỷ nhớ và lo lắng cho chúng không sao ngủ được. Giờ đây, mặc dù bận việc gia đình và phải chăm sóc cậu con trai 5 tuổi, nhưng Thủy luôn cố gắng, sắp xếp việc nhà hợp lý để giành phần lớn thời gian cho các con ở Trung tâm.

Đến với Trung tâm là những cảnh đời bất hạnh, những thân phận nhỏ bé. Các em đa phần là trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ, có một số trẻ cha hoặc mẹ mất nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có khả năng nuôi đã về với Trung tâm Bảo trợ xã hội và được các em coi đây là mái ấm của mình. Trong số những cảnh đời bất hạnh đó có em Tạ Thị Ánh quê ở xã Bình Định - Yên Lạc. Năm 2004, khi mới 11 tuổi bé Ánh mồ côi cha, một mình mẹ phải tần tảo cày sâu, cuốc bẫm, làm thuê để nuôi 4 anh em. Do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn, mặc dù không muốn xa mẹ, xa anh, chị em nhưng Ánh vẫn quyết định vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh. Thời gian đầu vào Trung tâm, Ánh nhớ nhà, nhớ mẹ lắm, nhiều lúc em muốn bỏ về, chạy ùa vào lòng mẹ, để được mẹ xoa đầu hay mắng yêu nhưng rồi sự quan tâm, động viên, chăm sóc của các mẹ, các chị và bạn bè ở Trung tâm đã giúp Ánh nguôi đi nỗi nhớ nhà. Thời gian thấm thoát thoi đưa, Ánh đã ở Trung tâm được 7 năm. Giờ đây, cô bé Tạ Thị Ánh đã là cô thiếu nữ 17 tuổi, đang theo học chương trình bổ túc văn hoá - nghề lớp 11 trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật. Khi được hỏi về ước mơ sau này, ánh bẽn lẽn nói: Mong ước lớn nhất của Ánh là được làm cô giáo dạy mầm non, được chăm sóc, dạy dỗ các em nhỏ.

Từ khi được thành lập đến nay có rất nhiều lớp trẻ em đã được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng, chăm sóc. Để rồi đến tuổi trưởng thành, chia tay Trung tâm các em đã trở thành những người có ích cho xã hội, có thể đến đáp công lao chăm sóc, nuôi dưỡng của các mẹ, các chú tại Trung tâm, cũng như đền đáp sự quan tâm của cộng đồng. Tại đại hội Đảng bộ Sở Lao động -TB&XH lần thứ V, nhiệm kỳ 2010-2015, chúng tôi gặp Lê Văn Tuấn (ở Sơn Đông - Lập Thạch) là cán bộ của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh có nhiệm vụ đảm bảo công tác điện, nước phục vụ đại hội. Được biết trước đây, Tuấn cũng từng ở Trung tâm. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố, mẹ mất khi Tuấn mới 5 tuổi, 2 chị em Tuấn sống dựa vào tình thương của họ hàng, làng xóm, rau cháo nuôi nhau. Năm Tuấn 12 tuổi, chị đi lấy chồng, Tuấn được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nhận về nuôi dưỡng. Ý thức được hoàn cảnh của mình cho nên ở Trung tâm Tuấn rất chăm chỉ học tập, rồi học thêm nghề điện nước. Thông minh, chịu khó nên những hỏng hóc nhỏ về điện, nước của Trung tâm Tuấn luôn xung phong nhận sửa chữa. Giỏi nghề lại ngoan ngoãn, khi được tái hoà nhập cộng đồng, Tuấn được Ban Giám đốc Trung tâm nhận về công tác tại chính nơi em lớn lên. Hiện nay, Tuấn đã có gia đình riêng với một cậu con trai hơn 1 tuổi. Ở Trung tâm Tuấn phụ trách việc sửa chữa điện, nước, kiêm bảo vệ, với những đóng góp nhỏ bé của mình, Tuấn vinh dự được Trung tâm cho đi học lớp bồi dưỡng đối tượng Đảng. Tuấn quyết tâm phấn đấu để được đứng trong hàng ngũ của Đảng trong thời gian tới.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Vĩnh Phúc có nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng, tổ chức giáo dục hướng nghiệp nghề, phục hồi chức năng cho các đối tượngbảo trợ xã hội theo chính sách hiện hành,…Trong số 70 trẻ/145 đối tượng ở Trung tâm đang nuôi dưỡng có 13 trẻ từ 0-18 tháng tuổi; trẻ mồ côi từ 18 tháng tuổi đến 18 tuổi có 60 cháu. Do lúa tuổi trẻ em được nhận vào Trung tâm còn rất nhỏ nên công việc chăm sóc, nuôi dưỡng gặp nhiều khó khăn. Anh Hà Văn Cường, Giám đốc Trung tâm cho biết: Phần lớn các cháu nhỏ khi mới được đưa đến Trung tâm do lạ lẫm với nơi ở mới đều khóc đòi về với gia đình. Nhưng chính sự yêu thương, chăm sóc gần gũi, coi các em như con đẻ của các cô, các chú trong Trung tâm đã giúp cho các em nhanh chóng hòa nhập với môi trường nơi đây. Cuộc sống ở Trung tâm giống như một gia đình lớn, buổi sáng thức dậy các em tập thể dục, vệ sinh cá nhân, ăn sáng rồi đi học văn hóa tại các trường tiểu học, THCS, THPT gần Trung tâm; buổi chiều sau giờ tự học các em tham gia lao động sản xuất, vui chơi thể thao. Tất cả các em đều chăm chỉ với công việc được giao. Qua các buổi lao động tập thể, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ai giữa các em sớm hình thành, giúp các em vượt lên hoàn cảnh, cố gắng sống tốt hơn. Bên cạnh nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, Trung tâm chú trọng đến công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho các trẻ. Hàng quý, Trung tâm tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho các em, điều trị kịp thời cho những trẻ mắc bệnh thông thường tại Trung tâm.

Mặc dù Trung tâm luôn nhận được sự quan tâm của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, sự giúp đỡ của các Sở, ngành liên quan về vật chất, chế độ chính sách cho đối tượng xã hội, nhưng để hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc, nuôi dưỡng các đối tượng bảo trợ xã hội nói chung và trẻ em nói riêng theo tinh thần Nghị định 68 của Chính phủ Trung tâm đã gặp không ít khó khăn về cơ sở vật chất: diện tích không gian, nhà nuôi dưỡng, đội ngũ cán bộ. Chế độ nuôi dưỡng đối với trẻ sơ sinh theo quy định của UBND tỉnh bằng mức lương tối thiểu(vào từng thời điểm) cho một đối tượng/tháng là quá thấp. Hiện nay, chi phí cho một trẻ sơ sinh là 1,5 triệu đồng/tháng vì vậy, Trung tâm phải sử dụng các nguồn khác hỗ trợ thêm cho các cháu nhằm đảm bảo cho các cháu phát triển toàn diện.

Không chỉ những cảnh đời bất hạnh của các em thơ Trong Trung tâm mà ngoài xã hội cũng đang rất cần sự thấu hiểu, quan tâm giúp đỡ, chia sẻ của tôi, của bạn và của cả cộng đồng. Hãy mở rộng tấm lòng, tình thương yêu cho trẻ em hôm nay.

CÓ THỂ BẠN QUAN TÂM

Ý kiến bình luận
Họ và tên
Email
Lời bình

/

Xác thực