Trong những năm qua, thực hiện các chỉ thị 27 và 03 về xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, mừng thọ, dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy, chính quyền và MTTQ từ xã tới thôn dân cư, xã Đình Chu (Lập Thạch) đã đạt được những kết quả tốt.
Đồng chí Hoàng Văn Kiệm, Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc xây dựng nếp sống mới ở xã trong những năm qua luôn đạt được những kết quả tốt, nổi bật là trong việc mừng thọ cho các cụ cao tuổi.
Để đạt được những kết quả đó, chính quyền các cấp thường xuyên tuyên truyền, quán triệt tới cán bộ Đảng viên, nhân dân những nội dung của Chỉ thị. Nhiều cán bộ Đảng viên gương mẫu đi đầu thực hiện theo nếp sống mới để mọi người noi theo. Nhờ đó, những nghị quyết của xã đề ra trong xây dựng nếp sống mới được 100% nhân dân ủng hộ nhiệt tình.
Nổi bật trong việc thực hiện các chỉ thị 27 và 03 ở xã Đình Chu là việc tổ chức mừng thọ cho người cao tuổi được tổ chức thể hiện được đạo lý kính trọng đối với NCT, nhưng cũng hết sức tiết kiệm. Hàng năm, Chính quyền xã phối hợp với Hội NCT xã lên danh sách các cụ được mừng thọ. Đến sáng ngày mùng 4 Tết cổ truyền, xã tổ chức mừng thọ cho các cụ cao tuổi tại đình làng, với đông đảo nhân dân đến dự. Tùy theo tuổi, xã có những món quà ý nghĩa để tặng và động viên các cụ. Buổi trưa cùng ngày, con cháu của các cụ sẽ tổ chức mừng thọ cho các cụ ở nhà, nhưng theo tinh thần tiết kiệm, không mời khách mà chỉ có gia đình, con cháu đến chúc. Trong dịp tết âm lịch 2011 vừa qua, xã đã tổ chức mừng thọ cho 58 cụ cao tuổi, trong đó có 4 cụ trên 100 tuổi. Quá trình mừng thọ vừa diễn ra trang trọng, vừa thể hiện được tấm lòng hiếu thảo của con cháu với ông bà, cha mẹ.
Trong việc tổ chức đám cưới theo nếp sống mới, các gia đình tổ chức phải ký vào bản cam kết với chính quyền trong quá trình thực hiện không để xảy ra mất trật tự an ninh, gây gổ làm mất trật tự. Nếu vi phạm, gia đình phải chịu phạt tiền và được xung vào quỹ của xã. Việc chúc tụng bằng rượu, bia cũng hạn chế giảm bớt, nhờ đó giảm tỷ lệ thuận với số vụ tai nạn hay mất trật tự do say rượu bia. Đến 22 giờ, gia đình tổ chức phải tắt hết loa đài, nếu vi phạm sẽ chịu phạt theo quy định của xã. Trong việc tang, xã có một đội xe tang với 11 thành viên, và được chính quyền xã trang bị toàn bộ dụng cụ, quần áo đồng phục. Mỗi hộ gia đình trong xã đóng góp 20.000 đồng/năm làm kinh phí để đội hoạt động. Khi trong xã có người quá cố, đoàn xe tang sẽ đến lo mọi công việc của mình từ đầu đến cuối. Những gia đình có việc tang tổ chức sinh hoạt ăn uống đơn giản, và chỉ những người đeo khăn tang mới sinh hoạt. Bên cạnh đó, ở những nơi đông người, không được mời thuốc.
Từ việc xây dựng nếp sống mới, mỗi năm xã đã tiết kiệm được hàng trăm triệu đồng nhờ việc giảm bớt sự lãng phí không cần thiết. Qua bình xét năm 2010, có trên 80% số hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa. Trong nhiều năm liền ở địa bàn không có tệ nạn xã hội, không có đơn thư vượt cấp, tình hình TTANXH được đảm bảo, nhân dân tin tưởng và tích cực phát triển kinh tế.